15 thg 4, 2014

Chỉ là đất sét...

Xưa kia có một gia đình lưu dân đến khẩn hoang lập nghiệp ở Sóc Trăng. Người chủ gia đình là ông Ngô Kim Tây lập một am nhỏ để tu tại gia. Đời này sang đời khác đều có người trong họ chăm lo nhang khói, tu hành. Đó chỉ là một am nhỏ, không có sư trụ trì.

Đầu thế kỷ trước, ông Ngô Kim Tòng là người trụ trì đời thứ tư của ngôi chùa gia đình này. Ông sinh năm 1909, vào giai đoạn gia đình cực kỳ khó khăn. Năm ông 18 tuổi, cha ông là Ngô Kim Đính làm phu lục lộ vì tuổi già sức yếu phải thôi việc. Từ 18 đến 20 tuổi ông Ngô Kim Tòng phải lao động vất vả để lo sinh kế cho gia đình và đổ bệnh nặng. Suốt thời gian nằm bệnh khi tỉnh khi mê ông mơ những giấc mơ về một ngôi chùa thờ Phật và rồi khi tỉnh dậy ông bắt tay nặn tượng Phật để thờ.

Đi ra mảnh ruộng phía Tây, cách chùa 1km, ông đào đất sét gánh về. Đất sét phơi khô, bỏ vào cối giã gạo giả nhuyễn, rây bỏ rễ cỏ, rễ lúa, tạp chất, rồi trôn chung với bột nhang, ô dước làm vật liệu đắp tượng. Không học mỹ thuật, không có bản vẽ thiết kế, chỉ với đôi tay và tấm lòng ông đã dày công đắp tượng suốt 42 năm!



Bảo tòa, đầu mỗi búp sen là một tượng Phật

Ông đã tuần tự hoàn thành các tượng Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát, cùng các tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Khổng Phu Tử... Bảo Tòa được ông hoàn thành với 1.000 cánh sen, mỗi cánh sen là một tượng thần. Dưới đài sen có 8 cung Bát Quái, mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát Quái có Tứ Đại Thiên Vương trấn giữ.

Cư sĩ Ngô Kim Tòng còn lập tháp Đa Bảo cao 3,5m. Tháp có 13 tầng, 208 cửa với 208 vị thần trấn giữ. Dưới chân tháp có 126 con rồng nâng đỡ. Ngoài ra còn có những tác phẩm bằng đất sét khác của cư sĩ Ngô Kim Tòng, như: Lục Long Đăng có 3 chóp đỉnh lớn, 7 lư hương nhỏ: các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã... 


Kỳ vĩ hơn nữa là tác phẩm Nhang Đăng Hiếu Lễ. Đó là 4 cặp đèn cầy (8 cây), trong đó có 3 cặp lớn, mỗi cây chứa 200kg sáp. Các cây đèn cầy nầy đều cao 2,6m. Bình quân mỗi cây đèn cầy cháy suốt ngày đêm phải mất đến 70-80 năm.

Bên trái là cây đèn cầy cháy liên tục suốt 70 năm

Ba cây nhang, mỗi cây chứa 50 kg trầm

Hiện nay trong ngôi chùa này có khoảng 884 pho tượng độc lập và những nhóm tượng trong biểu tượng với trên 1.200 tượng nhỏ. Tất cả làm bằng đất sét.

Ngọn Lục Long Đăng là tác phẩm cuối cùng của cư sĩ Ngô Kim Tòng, hoàn tất ngày 10/07/1970, cũng là lúc ông lâm trọng bệnh. Ông quy tiên ngày 18/07/1970.

Mộ ông Ngô Kim Tòng ở sau chùa

Ảnh này chụp cách đây 10 năm, người áo trắng là em ruột ông Ngô Kim Tòng, trông nom chùa trong thời gian đó. Nay không biết ông còn không hay đã quá vãng rồi?

Suốt 42 năm ngày đêm miệt mài đắp tượng với tấm lòng thành và đôi tay tài hoa, cư sĩ Ngô Kim Tòng âm thầm để lại cho đời tâm nguyện của mình. Không phô trương, không đăng ký kỷ lục này nọ, cũng chẳng mấy người biết đến viếng chùa để chiêm ngưỡng công trình có một không hai này. Bởi vì đây chỉ là ngôi chùa nhỏ của dòng họ thôi mà.

Rồi mãi hai mươi năm sau nữa cũng chẳng ai biết đến ngôi chùa này. Đến năm 1991, một số nhà báo ở Sóc Trăng tình cờ phát hiện và sửng sốt. Ngôi chùa được giới thiệu trên báo. Người ta biết đến và viếng thăm chùa với niềm kính phục vô biên. Rồi cả nước biết, ngôi chùa thành điểm đến của khách thập phương.

Tòa Tam gíao cộng đồng với các tượng Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát, cùng các tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Khổng Phu Tử...

Ngôi chùa này có tên chính thức là chùa Bửu Sơn, tọa lạc tại 286 Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, TP Sóc Trăng, nhưng người dân vẫn quen gọi là chùa Đất Sét. 

Bạn muốn chiêm ngưỡng những pho tượng Phật đồ sộ đạt kỷ lục này nọ? Bạn muốn ngắm những ngôi chánh điện hoành tráng uy nghi? Không, không, ở đây không có gì như thế cả! Chỉ là đất sét thôi mà, đất sét trong một am nhỏ nghi ngút khói hương...

Thế nhưng giờ đây dù có bỏ tiền muôn bạc vạn cũng không thể xây nên một ngôi chùa như thế. Một người trình độ văn hóa chỉ mới tới lớp 3 trường làng, nghèo khó, không được đào tạo về mỹ thuật, không được học qua ông thầy điêu khắc nào... chỉ với đôi bàn tay tài hoa và tấm lòng thành đã dành hẳn 42 năm cuộc đời, để lại cho hậu thế một kỳ công.

Vâng, chỉ là đất sét thôi bạn à. Bạn có muốn viếng thăm không?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét