27 thg 5, 2013

Bánh trôi, bánh chay

Bánh trôi được phủ vừng và dừa rất bắt mắt. 

Tết Hàn thực diễn ra vào mồng 3 tháng 3 (âm lịch) hàng năm đã trở thành một phong tục cổ truyền, một nét văn hóa đi sâu vào lòng người dân đất Bắc. Vào ngày này, nhiều gia đình ở Hà Nội lại rộn ràng mua nguyên liệu về làm bánh trôi, bánh chay dâng lễ Phật và cúng tổ tiên.

Tết Hàn thực năm nay, tiết trời Hà Nội se se lạnh trong cái rét “Nàng Bân” khiến con người dường như cảm nhận đúng hương vị ngày tết Hàn thực. Ngày này, xuống đường đâu đâu cũng bắt gặp những gánh hàng rong, những quán vỉa hè… bán bánh trôi, bánh chay.


Cuộc sống bộn bề khiến người ta không còn muốn bỏ công hì hụi nặn bánh, lấy chuyện xem bánh “chìm nổi” là cái thú nữa, bởi chỉ cần một khoản tiền nhỏ (từ 6.000 - 10.000 đồng/đĩa) là đã có thể mang về một đĩa bánh trôi, bánh chay ngon lành. Nhưng vẫn có những người, những gia đình muốn tự tay làm những đĩa bánh trôi, bánh chay thơm ngon, ngọt ngào với vị nồng ấm của nếp, vị ngọt thanh của đường... để giữ cho mình cái phong vị ngày tết Hàn thực.

Bánh trôi, bánh chay - một nét văn hóa không thể thiếu trong dịp tết Hàn thực, mùng 3/3 âm lịch. 

Muốn bánh trôi, bánh chay ngon thì phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, hạt tròn lẳn, trắng đục, thơm đều mùi gạo mới. Khi làm bánh không được tham mà cũng không được tiếc, gạo nếp lẫn gạo tẻ phải được chia theo tỷ lệ 9 phần nếp và 1 phần tẻ hoặc cùng lắm là 8 phần nếp và 2 phần tẻ, bởi gạo tẻ pha vừa độ sẽ giúp bánh dễ nặn thành hình, mềm ngon; ngược lại nếu pha trộn không đúng, bánh sẽ bị dính hoặc cứng quá.

Tiếp đến, vo sạch gạo nếp lẫn tẻ, ngâm mềm, vo sơ lại cho sạch rồi đem xay nhuyễn trong cối xay có cho nước vào từ từ, trút bột nước vào túi vải treo lên cho ráo nước, nhào lại bột cho thật dẻo, mịn.

Làm nhân bánh trôi khá đơn giản, chỉ cần chọn loại đường phên rồi cắt thành viên nhỏ như hạt lưu. Nhân bánh chay thì được làm cầu kỳ hơn, phải chọn đỗ xanh hạt bé, có mùi thơm ngậy, đỗ phải hấp mới ngon, mới giữ được mùi béo ngậy. Đỗ hấp chín được mang ra giã mịn rồi trộn đều với đường trắng.

Khi bánh nổi lên thì vớt ra ngâm trong nước để nguội rồi dùng muôi thủng vớt ra cho ráo nước. 

Bánh làm xong được thả vào nồi nước sôi. 

Bánh trôi không được nặn to bởi bánh to ăn sẽ rất nhanh ngán và không bắt mắt. Nặn bánh bằng cách xoa đều giữa hai lòng bàn tay và cho nhân đường phên đã cắt thành viên nhỏ như hạt lựu vào giữa. Bánh nặn xong thì thả ngay vào nồi nước sôi. Cần lưu ý, nặn xong chiếc nào thả luộc luôn chiếc ấy, có thế bánh mới tròn, đều, đẹp. Khi bánh nổi lên thì vớt ra và ngâm trong nước đun sôi để nguội cho bánh săn trở lại rồi dùng muôi thủng vớt ra cho ráo nước rồi bày vào đĩa.

Đối với bánh chay thì có thể nặn to hơn bánh trôi một chút, cũng quy trình làm như thế, chỉ khác mỗi nhân đỗ xanh thơm ngậy. Sau khi chín thì bày bánh ra bát rồi chan thêm nước bột sắn dây hoặc bột đao. Để nấu được nước này, cần quấy bột sắn dây hoặc bột đao với nước pha đường, kèm một chút nước gừng, rồi đun nhỏ lửa, đảo đều tay cho bột hơi sánh lại và không bị cháy khét ở đáy nồi.

Rắc thêm mấy hạt vừng đã được rang thơm và vài sợi dừa thái nhỏ lên trên đĩa bánh trôi, bánh chay càng làm tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Những chiếc bánh trôi, bánh chay trắng ngần, điểm vài hạt vừng vàng đượm, xếp gọn gàng trong đĩa là món ăn giản dị dành riêng cho ngày tết Hàn thực.

Ngày nay, chẳng cứ là tết Hàn thực, người ta vẫn bán bánh trôi, bánh chay trên phố. Thỉnh thoảng ăn bánh trôi, bánh chay lại nhớ đến cái không khí cả nhà ngồi bên thau bột với nhân để nặn bánh, như không khí của ngày cuối năm cùng ngồi bên nồi bánh chưng chờ chín.

Bài và ảnh: Lam Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét