20 thg 2, 2011

Bánh cúng - bánh cấp

Photobucket

Các bạn có biết 2 thứ bánh trong hình trên là bánh gì không?

Đó là loại bánh làm bằng nếp giống như bánh tét, bánh chưng nhưng không có nhân, và kích thước nhỏ hơn rất nhiều.

Chúng có tên là bánh cúng (cái bánh dài) và bánh cấp (cái hình chữ nhật).


Theo giải thích của TS Huỳnh Tới, đây là loại bánh dân gian của người Chăm dùng vào dịp cúng lễ. Ý nghĩa của chúng là dùng sản vật tinh khiết tự nhiên của đất trời để dâng cúng, do đó chỉ có nếp thôi chứ không có... thịt mỡ như bánh tét của ta. Ăn bánh này chấm với mật ong (cũng là sản vật tinh khiết tự nhiên).

Nếu như bánh dày bánh chưng của Việt Nam tượng trưng cho Trời và Đất, thì ý nghĩa của bánh cúng - bánh cấp thực tế hơn rất nhiều. Bánh cúng (dài) tượng trưng cho... Linga (bộ phận sinh dục nam), bánh cấp (chữ nhật) tượng trưng cho... Yoni (bộ phận sinh dục nữ). Đây chính là nền văn hóa phồn thực của dân tôc Chăm, vì nhờ vào linga và yoni mà vạn vật mới sinh sôi nảy nở.

Vì thế, nếu ăn thì phải ăn một cặp mới... đúng lẽ tự nhiên! (có lẽ cũng vì thế nên cái bánh mới nhỏ nhắn, chứ nếu to như bánh tét - bánh chưng mà ăn một cặp chắc... chêt!)
___
Ghi chú: Trên một vài trang web tôi thấy nói rằng bánh cúng bánh cấp là của người Kh'mer. Đặc biệt, có một bài viết trên vnthuquan của tác giả Xuân Toàn cho rằng cách gọi tên bánh cúng - bánh cấp là sai. Theo tác giả Xuân Toàn:

  • Bánh cuốn là cuốn lá tròn đặng bỏ nếp vô cột bít lại mà nấu, tục kêu là bánh cúng, bánh nào lại không cúng được?
  • Bánh cặp là bánh gói 2 bánh cặp một, chớ kêu bánh cấp thì xa lắm.
Tôi e rằng lập luận của Xuân Toàn là không đúng.

Nếu các bạn có thông tin gì hay hơn thì xin góp ý nha.

3 nhận xét:

  1. Tình cờ "phát hiện" trang blog này, nội dung rất hay, diễn đạt dí dỏm!

    Mong được làm quen với anh.

    Trả lờiXóa
  2. (Hồi nãy post thử xem có được hôn. Giờ thì góp ý)

    Hồi mới "giải phóng" về quê làm ruộng, gần nhà tui có 1 bà gói bánh này. Mỗi năm bà chỉ gói đúng 1 lần, vào mùng 3 tết, để cúng ngoài chuồng trâu. Ngoài bánh cúng và bánh cấp (nghe giọng nói của bà thì hình như là CẮP chớ không phải CẤP), còn có thêm 1 thúng gạo nữa. Cúng xong là tặng hết cho chú bé chăn trâu nhà bà.

    Cái bánh cúng thì giống như cây... xúc xích rồi, nhưng bánh cắp thì phức tạp hơn, chớ không chỉ là hình chữ nhật như anh nói đâu, lá tre được gói xếp 2 bìa vô giữa, tạo thánh 1 cái khe (giống như......) Hỏi thì bà nói cúng ông chuồng bà chuồng thì phải có đực có cái như vậy.

    Mấy chục năm rồi không về lại, không biết giờ này bà (hay con cháu) có còn cúng vậy nữa không? Mà chắc là không đâu, vì ở đó giờ người ta cày máy hết rồi, không còn nuôi trâu nữa. Mà cúng trong dịp khác thì tui chưa thấy bao giờ!

    Không có bài viết của anh, chắc tui cũng dần quên là mình đã từng ăn bánh này rồi!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn bạn Khami đã góp ý. Rất vui được làm quen bạn.

    Bánh cấp đúng như bạn nói, nhưng lúc đó tôi mải lo.. ăn nên không để ý. Đúng là tội lỗi, tội lối

    :-))

    Trả lờiXóa