2 thg 7, 2010

Con đường xưa em đi



Lần đầu đặt chân đến Phú Quốc, tôi ngỡ ngàng khi thấy những con đường đất đỏ của hòn đảo này giống Long Khánh đến lạ lùng. Giống ở chất đất đỏ quạch, ở những tảng đá ven đường, cả ở những vườn cây bên đường. Và giống cả người bạn cùng đi, đang đèo tôi trên xe gắn máy: Lê Hồng Đức, người bạn đồng hương.

Hơn ba mươi năm trước, khi còn là học sinh, tôi vẫn thường đi bộ trên những con đường đất đỏ ấy để vô rẫy sau giờ đi học và đi bộ từ rẫy về nhà trong buổi chiều tà. Làm rẫy thì cực lắm, nên cũng chẳng mơ mộng gì để thấy yêu con đường đất đỏ. Có thích chăng là những con suối nhỏ, có thể vẫy vùng tắm mát sau buổi làm mệt nhọc.


Thế rồi vào đại học, giã từ Long Khánh. Có những buổi nhớ nhà, lại thấy nhớ con đường đất đỏ, nhớ con suối nhỏ thân quen.

Một ngày, tự nhiên ta ra đi
Con suối nhỏ không hay mà từ giã
Con đường mòn đất đỏ
Bỗng một chiều thấy thiếu dấu chân quen

Cuộc chia tay ấy kéo dài đến 30 năm, và có lẽ còn hơn nữa.

Cách đây ít lâu, trong một dịp đi công tác về Long Khánh, tôi chợt nẩy ra ý tưởng đi lại trên con đường xưa, và rủ bạn Đức cùng đi.

Đức cười, bảo rằng bây giờ ở thị xã người ta gọi đó là con đường ăn chơi. Con đường từ nhà tôi, đi ngang qua UBND thị trấn, VP Thị ủy rồi đến con đường đất ngày xưa. Nhưng bây giờ không phải là đường đất nữa mà là đường nhựa phẳng lì, bên đường không phải những lùm cây mà là nhà hàng, quán nhậu… Thấy tôi có vẻ hụt hẫng, Đức nói: Cuộc đời là tang thương dâu bể vậy mà anh, chẳng phải ngày xưa anh đi bộ còn bây giờ anh ngồi xe con đây sao? Sao anh lại muốn con đường vẫn như cũ?

Qua khỏi những nhà hàng, lẽ ra đến những khu rẫy như ngày xưa thì lại là những quán cà phê sân vườn. Té ra là làm rẫy chẳng được bao nhiêu tiền nên người ta mở quán cà phê hoặc cho thuê đất để người khác mở quán.

Tôi đòi vào một quán cà phê vườn để tìm lại con suối xưa. Đức đồng ý với một nụ cười bí hiểm.


Quả là vẫn còn con suối trong veo, róc rách. Nhưng điều làm tôi thấy lạ là quán cà phê này không giống như quán Cội nguồn của ông bạn tôi ở Biên Hòa, cũng không giống những quán cà phê sân vườn khác mà tôi đã biết. Nó có vài cái chòi, vắng và khuất…

Lê Hồng Đức cười cười giải thích: Người ta gọi đây là con đường ăn chơi vì họ đến đây làm việc (ở thị ủy, ủy ban), rồi đi ra một tí tới ngay chỗ ăn (quán nhậu, nhà hàng), ăn no thì đi tiếp một tí nữa tới đây để… chơi (trong quán cà phê!).

Con đường xưa em đi cũng là tên một bài hát xưa.

Có lẽ tôi đã đến cái tuổi thường hoài niệm về những điều xa xưa.

Nhớ và tự sự vậy thôi chứ không buồn trách gì hiện tại.

Thời nào cũng có những con người và những nét riêng của nó. Phải không các bạn?

(Viết sau một buổi chiều về Long Khánh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét