16 thg 4, 2020

Làng rèn Phúc Sen

Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá vùng đất Cao Bằng.

Làng Phúc Sen cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, nghề rèn nơi đây có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Mặc dù các sản phẩm ở đây không bóng bẩy, bắt mắt, lại có giá bán cao gấp hai, ba lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Hiện nay, ở Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Xã Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.

Bánh gối Lý Quốc Sư

Nói đến con phố Lý Quốc Sư (Hà Nội), người ta nghĩ ngay tới món Phở. Nhưng cũng thật là thiếu sót nếu du khách ghé thăm con phố này mà không qua thưởng thức món bánh gối quán Cây Đa xưa nay nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành.
Mặc dù quán khá nhỏ, đơn sơ, chỉ vài chiếc bàn đôi như những ăn quán bình dân khác nhưng tiếng lành đồn xa và kinh nghiệm lâu đời gần 30 năm tồn tại của quán thì nhiều người không khó để tìm ra quán Cây Đa. Đặc điểm nhận diện quán bánh gối nức tiếng này chính là cây đa cổ thụ bao trùm cả không gian và một sạp đồ phía trước với đầy đủ các loại bánh đã được rán vàng ruộm. Trong đó có món bánh gối được xem là một trong những thứ bánh được làm theo phương thức gia truyền lâu năm.

Bà Nguyễn Mỹ Lộc, chủ quán Cây Đa cho biết: Từ năm 1983, Mẹ bà là cụ Nguyễn Thị Thuận khi nghỉ hưu đã mở bán món bánh gối này. Trong quá trình bán, có phương pháp chế biến cho nhân bánh đầy đặn hơn và được khách hàng ăn tự cảm nhận được vị ngon nên đến nhiều hơn.

Quán bánh gối Gốc Đa nằm trên con phố Lý Quốc Sư, Hà Nội.

14 thg 4, 2020

Con đường tơ lụa Việt

Tuy không phải là một “đế chế” trên con đường tơ lụa vĩ đại của nhân loại, nhưng tơ lụa của Việt Nam luôn được thế giới đánh giá cao vì có những phẩm chất đặc biệt riêng. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ông Fei Jianming, Tổng thư kí Hiệp hội Tơ lụa Thế giới đã nhận xét rằng: “Trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan…”. 

Chuyện từ những làng tơ lụa cổ

Trong ngôi nhà rường tuyệt đẹp nằm cạnh một khu vườn dâu cổ thụ xanh mướt ở phố cổ Hội An, Lê Thái Vũ, ông chủ của Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, một doanh nhân giàu có và thành đạt vào hạng nhất nhì của giới kinh doanh tơ lụa Việt Nam đang tiếp chuyện một đoàn thương gia hàng đầu trong giới tơ lụa thế giới đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Ý…

Như lệ thường, làm việc với các đối tác, ông Vũ không chỉ bàn về các thương vụ làm ăn mà còn dành nhiều thời gian để giới thiệu về lịch sử, tiềm năng và thế mạnh của ngành tơ lụa Việt Nam. Bởi theo ông, lụa là một sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của quốc gia, vì vậy những thông tin ấy rất có giá trị trong việc đánh giá phẩm cấp và thứ hạng tơ lụa của một nước.

Kĩ thuật chăn tằm truyền thống có khoảng 400 năm của người dân xứ Quảng. Ảnh: Thanh Hòa

Hoa ngô đồng trong Hoàng cung

Loài hoa ngô đồng do vua Minh Mạng chọn trồng trong Hoàng cung Huế đang khoe sắc tím rực rỡ. 

Hoàng cung Huế vắng lặng không một bóng người khi tỉnh Thừa Thiên Huế cho đóng cửa để phòng Covid-19. Những ngày này, Hoàng cung được tô điểm bởi loài hoa ngô đồng. 

Phố Hội vàng rực hoa sưa

Những hàng sưa trổ hoa vàng rực trên những tuyến phố tĩnh lặng hiếm thấy mang lại vẻ đẹp khác lạ cho Hội An. 

Hai bên đường Phan Chu Trinh rợp sắc hoa sưa vàng. Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Vũ (Hội An), tác giả bộ ảnh, cho biết ở phố cổ có 2 tuyến đường chính trồng hoa sưa là Nguyễn Huệ và Phan Chu Trinh, mỗi nơi có 20 cây. 

Mùa xuân ở Phố Trồ

Giữa thung lũng đá tai mèo khô khốc, Phố Trồ hiện ra như một bức tranh sơn thủy với những nếp nhà bao quanh hồ nước trong xanh. 

Phố Trồ là một thôn nhỏ gần trung tâm thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, cách cửa khẩu Phó Bảng chưa đầy 5 km. Địa danh này được trời ban vẻ đẹp non nước hữu tình, với điểm nhấn là hồ Rồng rộng 1 ha chưa bao giờ cạn, ở chính giữa thôn. Đây được cho là điều hiếm có ở cao nguyên đá, được người bản địa coi trọng và gìn giữ. 

12 thg 4, 2020

Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

Khách du lịch đi Thành phố Hồ Chí Minh thường chủ yếu “ăn quận Năm, nằm quận Ba, là cà quận Nhất”, có chăng là tham quan thêm Củ Chi. Nếu cùng người địa phương, đi lang thang mới thấy thành phố này rộng mênh mông như thế nào. Nhiều người chê rằng tên Thành phố Hồ Chí Minh quá dài, nhưng nếu gọi đúng ra theo địa danh thì phải là thành phố Sài Gòn-Gia Định hay thành phố Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn còn dài nữa. Rời trung tâm Sài Gòn, đi về phía đông tức tỉnh Gia Định cũ, ta vẫn còn tìm thấy nhiều giá trị văn hóa lịch sử.
Quận 9 được thành lập lại từ năm 1997, tách ra từ Huyện Thủ Đức, phía Đông Bắc giáp Biên Hòa, Dĩ An, “đô thị hóa” đến nay đã 20 năm nhưng vẫn còn rất nhiều phong vị của một vùng nông thôn ngoại ô. Mình đi qua một con đường tên là đường “Đình Phong Phú” thì thấy rất thú vị vì bên quận 8 cũng có một chỗ tên là “đường Phong Phú”, trên đường có Đình Phong Phú. Thì ra ở quận 9 này cũng có một Đình Phong Phú và do trùng tên nên đường phải đặt thành “Đường đình Phong Phú”.

6 thg 4, 2020

Thiền viện Toàn Giác ở Trảng Bom

Thật tình là trước đây tui chưa hề biết hay nghe nói gì đến ngôi thiền viện này, cho đến khi tui đi tìm ngôi chùa mang tên chùa Đèn Cầy, tức Viên Giác thiền tự, ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom. Trên đường đi tìm Viên Giác thiền tự, tui gặp một cổng chùa không phải Viên Giác mà là Toàn Giác. Dường như là khuôn viên chùa khá rộng, vì xe chạy lòng vòng khá xa thì lại thấy tiếp một cổng thiền viện Toàn Giác nữa!

Cổng tam quan Thiền viện Toàn Giác

Khi tìm hiểu về Viên Giác thiền tự, tui lại phát hiện thêm một chi tiết: vị sư sáng lập ra Viên Giác thiền tự và hiện là trụ trì nơi đây vốn xuất thân tu tập ở Toàn Giác thiền tự. Vậy là tui tò mò quay trở lại xã Giang Điền để viếng ngôi Toàn Giác thiền tự.

Tản mạn xích lô Huế

Du khách đến Huế đi thăm thú cảnh đẹp Cố đô bằng một cuốc xích lô là thú vui tao nhã và luôn đem lại những cảm xúc thú vị khó tả. Xích lô Huế màu sắc không loè loẹt, vóc dáng không cao quá khiến cho người ngồi cảm thấy chông chênh nhưng cũng không quá thấp để khó bề quan sát cảnh vật ở chung quanh, và không quá rộng để cho đôi tình nhân cảm thấy xa cách mà cũng chẳng quá chật để cho ai đó cảm thấy ngại ngùng mỗi lúc phải ngồi chung... 

Đi xích lô giữa khung cảnh phố phường trầm mặc đầy hoài cổ của xứ Huế bao giờ cũng đem lại cái cảm giác phiêu diêu rất lạ. Nếu không tin bạn cứ thử lên một chiếc xích lô, ngả mình vào tấm đệm ghế êm mềm rồi thử một vòng dạo quanh thành phố Huế thì sẽ thấy ngay được cái cảm giác tuyệt vời hiếm có đó.

Xe chạy êm êm chậm rãi lướt đi trên những con đường rợp bóng lá me bay. Xe đi đến đâu thành quách, phố xá, dòng sông và cả những khu vườn yên tĩnh hiện dần ra đến đấy khiến cho lòng người như chẳng thể muốn rời xa. Đi xích lô trên đường phố Huế, dù là khách lạ hay quen bao giờ cũng có cái cảm giác như mình vừa ở đâu xa nay mới được trở về nhà, về với Huế yêu thương và gần gũi.

Đoàn xích lô đưa du khách đi tham quan kinh thành Huế. Ảnh: Thanh Hòa

Bánh đúc chấm tương

Bánh đúc là món ăn bình dị suốt bao đời ở Hà Nội. Cùng với sự phát triển của đô thị, bánh đúc cũng biến tấu đi, mới mẻ hơn, độc đáo hơn thành những món bánh như: bánh đúc nóng, bánh đúc thịt... Nhưng dù có bao nhiêu loại bánh đúc khác xuất hiện đi nữa thì món bánh đúc lạc chấm tương truyền thống vẫn luôn hiện hữu và được ưa thích nhất. 

Món bánh đúc chấm tương bắt đầu có ở Hà Nội khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, khi xung quanh những ngôi nhà tập thể mọc lên những hàng quán bán đồ ăn vặt. Thế nhưng, ở Hà Nội bây giờ bánh đúc được bán ở nhiều nơi như các gánh hàng rong trên phố, hoặc các khu chợ như chợ Đồng Xuân, hàng Bè và nhiều nhất là ở Phủ Tây Hồ.

Những miếng bánh đúc trắng mịn, loáng thoáng lạc và dừa được xếp gọn gàng trên đĩa. Thời xưa, người làm bánh đúc rất cầu kỳ ở khâu chuẩn bị bột bánh. Bột làm từ gạo tẻ ngon, ngâm đủ 10 tiếng, có nơi ngâm đến 3 ngày tới khi bóp gạo tan thành bột, rồi đem bột ngâm với nước vôi trong hoặc nước tro. Ngày nay, các bước làm bánh cũng được rút gọn đi nhiều. Người ta sử dụng bột gạo xay sẵn ngâm với nước và nước vôi trong khoảng nửa tiếng rồi đem xay thành bột nước là sử dụng được

Những miếng bánh được cắt nhỏ đem chấm với nước tương sẽ tạo nên một hương vị quà quê truyền thống đậm nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội xưa.