Hơn 200 năm nay, những lò đúc ở làng nghề đúc gang Thạnh Phú luôn đỏ lửa là minh chứng cho sức sống của một làng nghề truyền thống trên vùng đất Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Nghề đúc gang tại xã Thạnh Phú (trước đây là làng Bình Thạnh thuộc tổng Phước Vĩnh Hạ) được ông tổ nghề tên là Đào Văn Tham truyền lại qua bao thế hệ. Hàng năm, cứ đến ngày 2 tháng 2 âm lịch, các nghệ nhân và những thành viên của làng nghề lại tập trung tại nhà thờ tổ để cúng giỗ và ôn lại truyền thống làng nghề. Chỉ với 1 đôi bễ thổi lửa, 1 lò nấu gang, một số khuôn đất sét, nhiên liệu dùng để đốt lò nấu gang là than gỗ, ông tổ họ Đào đã làm ra những sản phẩm gang đầu tiên để hình thành nên làng nghề. Những sản phẩm gang Thạnh Phú ban đầu đều gắn với cuộc sống của người dân nơi đây như: lưỡi cày, lưỡi mai, nồi gang, chảo gang…
Theo thời gian, nghề đúc gang Thạnh Phú ngày càng phát triển và lan rộng sang các làng bên như Tân Phong, Bình Thành, Bình Lợi, Bình Ý… với hàng trăm lò hàng ngày luôn đỏ lửa. Qua nhiều thế hệ, nghề truyền thống đúc gang được gìn giữ và ngày càng phát huy được bản sắc của mình với các sản phẩm gang đặc trưng. Đây cũng là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của một bộ phận lớn dân cư ở đây.

Sắt phế thải, nguyên liệu sử dụng để nấu gang.