26 thg 8, 2023

Công viên APEC mở rộng gần 9.000 m²

Diện tích công viên APEC bên sông Hàn được mở rộng thêm 8.668 m² sau khi hoán đổi đất ở trung tâm, quy mô đầu tư 759 tỷ đồng.


Công viên APEC mở rộng nằm tại ngã ba đường Bạch Đằng nối dài ven sông Hàn và đường 2 tháng 9 (quận Hải Châu), đưa vào sử dụng từ ngày 10/1. Lãnh đạo thành phố đã hoán đổi khu "đất vàng" ở ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp (ven biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà) để đổi lấy 6.000 m² liền kề vườn tượng APEC, phục vụ mở rộng công viên.

Hạng mục trước đây rộng 3.000 m² là vườn tượng của 21 nền kinh tế thành viên APEC, được khánh thành tháng 11/2017 khi Đà Nẵng đăng cai APEC. Phần mới xây dựng là khu vực bên cạnh, với công trình mái vòm bằng sắt.

Hàng nghìn kỷ vật và 600.000 mẫu tem tái hiện lịch sử ngành TT&TT

Bảo tàng Bưu điện Việt Nam đang lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật, hình ảnh về ngành Bưu chính Viễn thông, Công nghệ thông tin và tem bưu chính tái hiện hình ảnh ngành thông tin và truyền thông trong các giai đoạn lịch sử.


Bảo tàng Bưu điện Việt Nam được thành lập tháng 12/1994, tổng diện tích hơn 500 m². Nơi đây đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn tài liệu, hiện vật, hình ảnh về Bưu chính Viễn thông, Công nghệ thông tin và tem Bưu chính. 

25 thg 8, 2023

Gìn giữ vẻ đẹp đại ngàn để phát triển du lịch Kon Plông

Tỉnh Kon Tum có trên 609.600 ha rừng, trong đó hơn 547.700 ha là rừng tự nhiên với độ che phủ trên 63% diện tích của tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế rừng, những năm gần đây nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ, đơn vị, địa phương của tỉnh Kon Tum còn tập trung bảo vệ, giữ gìn, khai thác vẻ đẹp riêng có với hệ động, thực vật phong phú của núi rừng tạo thành sản phẩm du lịch.

Cách thành phố Kon Tum gần 100 km theo hướng Tây Bắc, làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông nằm tách biệt và yên bình giữa núi rừng. Đầu tháng 5 vừa qua 62 hộ dân với khoảng 300 khẩu, 100% là bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng vui mừng đón nhận Quyết định của UBND tỉnh Kon Tum công nhận Vi Rơ Ngheo là làng du lịch cộng đồng.

Người Xơ Đăng ở huyện Kon Plông giới thiệu văn hóa ẩm thực đậm hương vị núi rừng với du khách.

Về quê cụ Phan Châu Trinh

Làng Tây Lộc (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, Phú Ninh) - quê cụ Phan Châu Trinh hiện còn lưu nhiều dấu tích có liên quan đến thời trai trẻ của nhà chí sĩ yêu nước kiệt xuất với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh ở thôn Tây Lộc.

Đến Tây Lộc, không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc hùng vĩ của núi non, thôn xóm, ruộng đồng… Phía tây thôn, đồi bà Bóng trải dài ôm gọn cả làng; hướng về đông, cánh đồng xứ Bồ Lúa tốt tươi từng được người làng tự hào là “Đồng Nai con” - một vựa lúa được ví như một phần của ruộng đồng phì nhiêu Nam Bộ.

Trên cánh đồng bên đường vào làng, nhô lên những tảng “đá trèo”, “đá bộng” rất sống động - từng là nơi nô đùa của cậu bé Phan Châu Trinh thời thơ ấu. Giữa đồng Bồ Lúa, từng có một hồ sen lớn, đến nay dấu tích vẫn còn.

Từ hồ sen ấy, hướng về phía mặt trời lặn, sát sườn đồi là ngôi nhà mà cụ Phan Châu Trinh từng sống những ngày thơ ấu, từng được thầy học kèm cặp tại nhà, từng bộc lộ khí phách lạ thường… trước khi trở thành nhà khoa bảng, nhà duy tân, nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng.

Làng Tây Lộc xưa

Tra trong danh sách làng xã vùng Nam Quảng Nam được ghi trong sách Phủ biên tạp lục (1776), chỉ tìm thấy một số tên làng lân cận nhưng không thấy tên Tây Lộc. Tra trong các nghiên cứu về địa bạ thời Gia Long, Minh Mệnh cũng không tìm thấy tên làng Tây Lộc.

Trong Đồng Khánh địa dư chí (1886 - 1887) có tên làng Tây Lộc thuộc tổng Vinh Quý huyện Hà Đông. Bản đồ của người Pháp lập khoảng trước năm 1938 thể hiện rất rõ vị trí làng Tây Lộc nằm giữa các làng Lộc Sơn (tây), Ngọc An/Yên (bắc), Tú Tràng, Đại Đồng (đông), Bình An/Yên, Tú Cẩm (nam). Bản đồ này cũng ghi chú rất rõ các núi Đá Ngựa, Lâm Cẩm, Long Cẩm nằm ở các vị trí bao bọc đồi Bà Bóng của làng.

Vị trí làng Tây Lộc được khái quát trong câu đối hiện được đặt trước nhà thờ tộc Phan như sau: “Càn triều tây bắc sơn tổ ngự/ Cấn chiếu đông nam thủy lộ bao” (hướng Càn - phía tây bắc có núi non hùng vĩ án ngữ/ hướng Cấn - phía đông nam bao bọc bởi các dòng nước chảy qua cánh đồng làng).

Tây Lộc là một trong những vùng cung cấp lương thực chủ yếu cho phong trào Nghĩa hội Cần vương ở Nam Quảng Nam (1886 - 1887), vì thế, sau khi phong trào này bị thất bại, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đã bố ráp dữ dội vùng này. Tiếp đến là nhiều lần khói lửa chiến tranh, toàn bộ tư liệu về làng xã, kể cả nhiều tư liệu của các gia tộc đều không còn.

Hiện còn rõ nhất là mộ của một số thân nhân chí sĩ Phan Châu Trinh an vị trong nghĩa trang gia tộc.

Có thể kể: mộ ông Phan Văn Cừ (anh ruột - người nuôi dưỡng Phan Châu Trinh sau khi cha cụ lâm nạn năm 1887), mộ ông bà Phan Văn Bình và Lê Thị Chung (thân phụ và thân mẫu cụ Phan), mộ bà Lê Thị Tỵ (1877 – 1915, vợ cụ Phan) và mộ người con trai đầu của cụ Phan là Phan Châu Dật (1897 - 1921).

Ông Dật từng theo cha sang Pháp học hành và là trợ thủ đắc lực cho hoạt động cách mạng của cha mình. Về sau, do bệnh, ông Dật hồi hương rồi qua đời tại Huế.

Nhà thờ cụ Phan Châu Trinh

Nhà thờ được xây mới trên nền nhà cũ vốn đã bị hủy hoại trong khói lửa chiến tranh. Sau khi hòa bình lập lại, hậu duệ cụ đã đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước xây dựng lại. Nay nơi ấy là Nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh, có bằng công nhận “Di tích cấp quốc gia” được treo trang trọng trong nội điện.

Gian chính giữa đặt bàn thờ với bức tượng bán thân thể hiện rất sắc nét thần thái nhà chí sĩ. Bức hoành “Chính khí trường lưu” và câu đối “Thành bại anh hùng nan định luận/ Bách niên tâm sự tự chiêu chương” trước bàn thờ được trang trí rất uy nghiêm.

Hai gian bên, trên vách và trên các tủ tư liệu, treo rất nhiều hình ảnh và trình bày nhiều sách vở lưu dấu hành trình từ lúc tham gia khoa cử (đỗ Phó bảng triều Nguyễn) đến khi vận động Duy tân, sau đó bị bắt đày ra Côn Đảo.

Ra tù tìm cách sang Pháp tiếp tục con đường vận động cách mạng tư sản dân quyền, rồi lại tiếp tục vào tù ở chính thủ đô nước Pháp; ra tù, lại tiếp tục hành trình vận động cách mạng theo quan điểm của riêng mình.

Những bức ảnh sống động về lễ tang của nhà chí sĩ ở Sài Gòn năm 1926 đã khép lại khu trưng bày tạo nên một cảm giác bùi ngùi mà kính cẩn thiêng liêng trước anh linh người con xứ Quảng anh hùng đã từng làm chính quyền thực dân phong kiến kính sợ.

Mấy chuyện kể từ Tây Lộc

Ông Phan Cư (sinh năm 1947 ở thôn Tây Lộc) là hậu duệ trực hệ cụ Phan Văn Cừ - anh ruột của cụ Phan cho biết thuở nhỏ ông từng nghe bà nội và các bậc cao niên kể nhiều giai thoại về cụ Phan Châu Trinh. Đến nay, ông còn nhớ hai chi tiết đặc biệt.

Biệt hiệu Tây Hồ đã được cụ Phan dùng cho mình ngay từ thuở còn học trong làng. Tây Hồ nghĩa là “người ở phía tây của hồ sen”. Hồ ấy nguyên là một cái ao rộng giữa cánh đồng Bồ Lúa thuộc đất của ông Phan Văn Cừ.

Khi cụ Phan còn rất nhỏ, tự dưng ao ấy mọc đầy sen. Ông Cừ cho là điềm lạ bèn dâng đất ấy cho làng và mời thầy về nhà dạy cho con cháu và con em trong làng. Từ đó làng có nhiều người học hành, nổi trội nhất là Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh rất ghét bọn tay sai thực dân. Thuở chưa rời làng, ông đã từng viết bài vè “Chó săn” nổi tiếng. Xin trích vài câu trong đó: “...Mày tự cậy rằng mình tài trí/ Tài trí mày ai kể ra chi!/ Chẳng qua mượn thế làm uy/ Tìm sâu vạch lá, soi tì vạch lông/ Không nghĩ tới tổ tông ngày trước/ Mày làm chi những điều nhơ nhuốc khó coi/ Đêm ngày rình bắt giống nòi/ Cho người làm thịt, cho người lột da/ Được công trạng chủ nhà ân thưởng/ Phần thưởng này đã sướng hay chưa?/ Chẳng qua xương vụn thịt thừa/ Món ngon vật lạ ai đưa cho mày?...”

PHÚ BÌNH

Lê Đình Kỵ - "Hối nhân bất quyện"

“Hối nhân bất quyện” là chữ của Khổng Tử, dùng để tôn vinh những người cả một đời dạy người không biết mệt mỏi. GS - Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ là một trong những người như thế.

“Hối nhân bất quyện” là chữ của Khổng Tử, dùng để tôn vinh những người cả một đời dạy người không biết mệt mỏi. Ảnh minh họa Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Để trở thành người thầy - theo đúng nghĩa của từ này - thầy Lê Đình Kỵ phải có những nỗ lực vượt bậc, mà chủ yếu là bằng con đường tự học. Nhân 100 năm ngày sinh của GS - Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ (1923-2023), nhớ thầy để tự răn mình vậy.

Cuộc đời làm quan ngắn ngủi của Trần Quý Cáp

Cuộc đời làm quan của Trần Quý Cáp vỏn vẹn chưa đầy 2 năm, từ 5/7/1906 đến 17/5/1908. Nhiều người nghĩ, giá ngày đó ông từ chối chức vụ Giáo thọ Thăng Bình thì có thể không phải chết thảm vì một bản án oan nghiệt! 

Bản tấu của Bộ Lại đề nghị bổ Trần Quý Cáp làm Giáo thọ Thăng Bình. Ảnh: L.T

24 thg 8, 2023

Vùng đất Thập ngũ tiên sa

Tui có dịp đến huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và biết được rằng đây là vùng đất Thập Ngũ Tiên Sa, tức là nơi 15 nàng tiên từ thượng giới sa xuống.

Chuyện kể như vầy:

Vùng đất này thuở xa xưa đẹp hơn thượng giới. Vào mùa Xuân nọ, các nàng tiên nữ ngao du hạ giới, tới đây và mê mẩn không chịu về. 15 nàng tiên mỗi nàng chọn một chỗ để ở lại, bất chấp lệnh Ngọc hoàng Thượng đế gọi về.

15 nàng tiên, mỗi nàng một chỗ, giờ là 1 thị trấn Tiên Kỳ và 14 xã: Tiên An, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc, Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Thọ. Còn nguyên vùng đất ấy giờ là huyện Tiên Phước.

Tui đang ngồi trên một bờ đá ở Tiên Cảnh, mộng gặp tiên nữ!

Nàng tiên nào cũng xinh đẹp, tài giỏi, đảm đang nhưng vẫn giữ nét riêng nên các vùng đất cũng có những đặc thù khác biệt.

Ví dụ như tục ngữ có câu "Gái Tiên Hà, gà Tiên Lãnh". Con gái Tiên Hà, nhờ thường xuyên tắm rửa và dùng nước ở đoạn sông Tiên đẹp nhất nên xinh hơn. Gà Tiên Lãnh ngon nhất vì nuôi thả ở vùng đất giàu côn trùng. Tiên Châu là vùng đất thủy tụ, có suối Tiên, thác 7 tầng, các bãi đá đẹp như tranh vẽ. Tiên Cảnh là vùng đất đẹp như... tiên cảnh. Còn dân làng Tiên Thọ thì nghe đồn là sống lâu nhất...

Những bờ tường đá ở Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh

Những cái tên nghe thiệt là hay, có từ bao đời nay. Tui tò mò tìm hiểu coi bây giờ có còn giữ được như xưa không. Hay quá, giờ vẫn là những Tiên như ngày xưa. Chả bù với thành phố nọ, khi bên thắng cuộc vô rồi bèn vênh váo đổi hết những cái tên thân thương bằng những tính từ kêu rổn rảng: Quyết Thắng, Quang Vinh, Trung Dũng, Thống Nhất... Nếu Tiên Phước mà cũng đổi tên theo kiểu đó thì... see mother Tiên rồi!

Phạm Hoài Nhân

Di ngôn của Phan Châu Trinh

Sau ngày về nước (28/6/1925), Phan Châu Trinh đã có hai buổi diễn thuyết ở Sài Gòn. Hậu thế vẫn xem đây là “di ngôn” cuối cùng ông gửi lại quốc dân đồng bào.


Những ngày tháng cuối cùng của nhà cách mạng

Sau 14 năm trên đất Pháp với rất nhiều hoạt động sôi nổi và cả những “trải nghiệm đắng cay” Phan Châu Trinh không còn mơ hồ về một nước Pháp theo tinh thần “dân quyền” của Montesquieu và J.J Rousseau mà ông đọc được trong Tân thư. Ông quyết về nước tiếp tục con đường tranh đấu của mình.

Cuốn hành Thủy Nguyên - đặc sản ít người biết ở Hải Phòng

Cuốn hành là món ăn đặc sản có công dụng giải ngấy của người dân làng nghề bún truyền thống Trịnh Xá, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hải Phòng có nhiều món ngon nổi tiếng, trong đó, mỗi địa phương cũng có những đặc sản riêng, gắn bó với nhiều thế hệ. Ngoài bánh chưng Thủy Đường đắt khách mỗi dịp Tết đến, huyện Thủy Nguyên, cách TP Hải Phòng khoảng 10 km, còn có món cuốn hành với công dụng giải ngấy hiệu quả.

Món ăn được người dân làng nghề bún truyền thống Trịnh Xá, xã Thiên Hương, sáng tạo nên, thường được gọi là cuốn bún tôm hay cuốn Thủy Nguyên để phân biệt với món cuốn ở nơi khác.

Cuốn hành là đặc sản của làng Trịnh Xá, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Quỳnh Mai.

Làng nghề bánh tráng hơn 100 tuổi ở Cần Thơ

Đến làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, du khách được trải nghiệm quy trình làm bánh, di sản văn hóa phi vật thể của xứ Tây Đô.


Bánh tráng là đặc sản của Nam Bộ. Nếu Đông Nam Bộ có bánh tráng Tây Ninh thì Tây Nam Bộ có bánh tráng Thuận Hưng.

Đại diện Phòng Văn hóa Thông tin quận Thốt Nốt cho biết làng nghề Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) hình thành từ giữa thế kỷ XIX. Nghề làm bánh tráng ở đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể hồi tháng 5.