21 thg 3, 2023

Chuông chùa Ngũ Hộ - cổ vật trở về từ Tokyo

Chuông chùa Ngũ Hộ, ra đời cách đây gần 200 năm, được phát hiện trong một tiệm đồ cổ ở Ginza, Tokyo và đưa về Việt Nam.

Chuông là một trong hơn 300 hiện vật đang được giới thiệu tại triển lãm Di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, kéo dài đến hết tháng 3. Chuông chất liệu đồng, đường kính 42 cm, cao 100 cm, nặng 120 kg. Quai chạm hình rồng hai đầu, miệng ngậm viên ngọc, hai chân trước quỳ xuống, thân uốn cong tạo thành quai treo.

Thân chuông chia làm bốn phần, phân cách bằng năm đường gờ chỉ chạy suốt từ trên xuống đến núm chuông. Bốn núm chuông phân đều bốn mặt, kích thước bằng nhau. Bốn phần của thân chuông mỗi phần lại chia làm hai ô. Ô trên hình chữ nhật đứng, ô dưới hình chữ nhật nằm. Bốn ô trên đúc nổi bốn chữ lớn theo trình tự: Ngũ, Hộ, Tự, Chung, kèm theo minh văn chữ Hán nêu triết lý Phật giáo, nguồn gốc ra đời của chuông. Bốn ô dưới trang trí hoa văn và chữ.

"Chậm đò ho" bài dân ca mang đậm bản sắc văn hoá của người Thổ

Từ bao đời nay, những câu hát dân ca đã gắn bó, thấm sâu vào máu thịt của đồng bào dân tộc Thổ. Những bài ca của họ phong phú về nội dung, phản ánh đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Trong số đó, “Chậm đò ho” là bài dân ca nổi tiếng nhất, được hát nhiều nhất trong lễ hội mùa xuân của đồng bào dân tộc Thổ.

Người Thổ tổ chức hội mừng xuân khi hoa đào nở khắp núi rừng.

Ấn tượng lễ hội voi Buôn Đôn

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (diễn ra từ ngày 10-14/3/2023), Lễ hội voi Buôn Đôn tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn được tổ chức đầy ấn tượng theo hình thức mới vừa tôn vinh được vẻ đẹp của voi cũng như những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, vừa thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Đắk Lắk với Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) trong việc chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn voi theo hướng thân thiện, bền vững.

Theo đó, Lễ hội voi Buôn Đôn năm nay chỉ tập trung vào các nội dung mang tính thân thiện để tôn vinh vẻ đẹp của voi như thi trang điểm cho voi, thi voi đẹp, thi voi chào khán giả, tổ chức tiệc buffet cho voi, cho voi tương tác thân thiện với du khách… còn các hoạt động mang tính cạnh tranh dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của voi như đua voi, thi voi vượt sông, voi đá bóng, voi kéo co, voi diễu hành trên đường phố… như ở các kì lễ hội trước đều được bãi bỏ.

Với hình thức tổ chức mới và giàu ý nghĩa này, du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng hình ảnh những chú voi Tây Nguyên hùng dũng, khỏe mạnh nhưng cũng đáng yêu, thân thiện và gần gũi với con người nhờ được chăm sóc, bảo vệ tốt.

Bầu không khí vui nhộn, thân thiện và gần gũi của ngày hội voi Buôn Đôn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

20 thg 3, 2023

Biển Hồ Trà, không phải Biển Hồ Chè

Biển Hồ là một hồ nước mênh mông xanh ngắt trên cao nguyên có độ cao 1.000 met. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng ở Pleiku, tùng nhiều lần được đưa vào thơ, nhạc. Kỳ thật, Biển Hồ gồm 2 hồ nước lớn thông nhau, phía Nam là hồ Tơ Nưng chính là Biển Hồ mà xưa nay người ta vẫn thường nhắc tới, phía Bắc là khu vực đồn điền trà và chùa Bửu Minh được gọi là Biển Hồ trà.

Tui tới Biển Hồ Trà lần đầu năm 2012 và rất ấn tượng với những vườn trà bạt ngàn, và đặc biệt là hàng thông già cổ thụ nơi ấy. Khi ấy, ngoài dân địa phương ít có du khách phương xa nào biết tới cảnh đẹp này. Hơn 10 năm trước, tui có viết bài giới thiệu Biển Hồ Trà tại đây.

Biển Hồ Trà - 2012

Bỏ cưỡi voi, để... cười cùng voi

Lấy logo là hình ảnh chú voi nên doanh nghiệp làm du lịch quyết chuyển đổi từ cưỡi voi sang cười cùng voi, vì sợ mai này Bản Đôn không còn voi.

Đoàn du khách không cưỡi voi và vui vẻ khiến chú voi cũng thân thiện, “chịu chụp” chung rất nhiều kiểu ảnh - Ảnh: TRUNG TÂN

Từ ngày 10-2 đến nay, Trung tâm du lịch Buôn Đôn (thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk - Simexco 2-9) đã bỏ hình thức du lịch cưỡi voi sang cười cùng voi để bảo tồn những chú voi nhà cuối cùng. Việc thay đổi hình thức này cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Rừng mận trăm tuổi ít người biết tới đang mùa khoe sắc

Hàng trăm gốc mận cổ thụ ở vùng cao Xím Vàng (Bắc Yên, Sơn La) đang bung nở trắng xóa, thu hút khách phương xa bằng vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, trong trẻo.

Mận nở hoa trắng xóa một vạt rừng. Ảnh: DUY VĂN

Từ Hà Nội, chúng tôi lại có một cái hẹn lên Tây Bắc khám phá những vùng đất mới. Không chỉ có những thắng cảnh hùng vĩ, thiên nhiên tươi đẹp, Tây Bắc còn được mệnh danh là xứ sở của muôn hoa. Du khách đã quá quen thuộc với những loài hoa mang vẻ đẹp hoang sơ chốn núi rừng như: hoa ban, hoa mơ, hoa đào, hoa trẩu, hoa tam giác mạch.. và đặc biệt không thể bỏ qua loài hoa mận.

Độc đáo giàn hoa giấy 'khủng' đỏ rực phủ cả căn nhà bên bờ sông Cà Ty

Giàn hoa giấy rực rỡ bao trùm lên cả căn nhà bên dòng Cà Ty của TP.Phan Thiết (Bình Thuận), thu hút sự chú ý của du khách, đốn tim nhiều bạn trẻ những ngày gần đây.

Những ngày này, giàn hoa giấy nhà ông Hai Chương nở rộ. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô, hoa giấy lại nở hoa.

Giàn hoa giấy nhà ông Hai Chương nằm ở cuối đường Phạm Văn Đồng, sát bờ sông Cà Ty và ngay trước cổng giáo đường Đông Hải, thuộc phường Hưng Long, TP.Phan Thiết.

Hoa giấy được trồng phổ biến ở các vùng đất ven biển khô cằn, nắng gió. Càng nắng, hoa càng nở rộ và có màu sắc rực rỡ. Loài cây bình dị này, khi được trồng liên tiếp nhau thành hàng sẽ tạo nên lớp lớp hoa chen kín đẹp mắt. Ảnh: QUẾ HÀ

Nhạc sư Lê Văn Tiếng - Trọn đời vì đờn ca tài tử

Long An được xem là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, nơi đức hậu tổ Nguyễn Quang Đại từng lưu lại, truyền dạy, góp phần hình thành, phát triển bộ môn nghệ thuật này. Ngoài ra, đây còn là nơi sinh ra nhiều nghệ nhân, nhạc sư tài hoa, có đóng góp quan trọng cho việc lan tỏa nghệ thuật ĐCTT. Trong đó, phải kể đến nghệ nhân Lê Văn Tiếng - một trong hai tác giả của quyển Cầm ca tân điệu, vốn được xem là sách "gối đầu giường" của các thế hệ nghệ nhân, tài tử tỉnh nhà.

“Dấu mốc” cầm ca tân điệu

Cầm ca tân điệu vốn được xem là tác phẩm mang tính lịch sử, cột mốc trong việc truyền dạy ĐCTT Nam bộ. Sách có 60 bài bản tài tử, với 20 bản tổ được sắp xếp thành hơi điệu rành mạch theo hệ thống bắc, hạ, nam, oán, cùng 40 bài bản khác được phát triển phong phú, đáp ứng nhu cầu của âm nhạc sân khấu cải lương. Mỗi bài bản đều có phần chữ nhạc do Lê Văn Tiếng phụ trách và phần lời ca do Trần Phong Sắc biên soạn. Bài bản được in song song, ăn khớp chữ nhạc với lời ca, rất dễ đọc với những ai theo đuổi ĐCTT.

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ nhận định: “Từ đó (thời điểm Cầm ca tân điệu ra đời - PV) về sau, việc truyền dạy ĐCTT không bị tam sao thất bổn, phát triển rộng mạnh khắp các vùng, miền trong cả nước. Cầm ca tân điệu có thể xem là dấu mốc quan trọng định hình phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc vừa đậm nét dân gian, vừa mang tính hàn lâm bác học”.

Quyển Cầm ca tân điệu

Tình đất, tình người ở Đá Biên

Hơn 30 năm nay, từ khi khu vực thờ phụng các liệt sĩ Trung đoàn 207 (ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) còn là miếu nhỏ, lợp lá đơn sơ, mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Tờ đều đến thắp nhang, như một phần việc không thể thiếu.

1. Nhà ông Tờ nằm heo hút bên bờ kênh Bắc Bỏ, cạnh Khu tưởng niệm Liệt sĩ Trung đoàn 207. Ông Tờ kể, hơn 30 năm trước, sau khi rời quân ngũ, ông đưa gia đình đến đây để khai khẩn đất hoang. Khu vực kênh Bắc Bỏ, ấp Đá Biên, trước đây không một bóng người, trên bờ là rừng tràm, cỏ dại um tùm, không có lối đi, dưới kênh ngập đầy bèo, lục bình, muốn vào được chỉ có thể đi bằng xuồng. Đường đi khó khăn, vất vả nên có khi phải mất nửa ngày mới tới được khu vực có dân cư.

Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207

Hành trình 26 năm giải mã chiếc đàn sừng hươu cổ 2.000 năm tuổi

Chiếc đàn sừng hươu một dây có niên đại 2.000 năm tuổi, thuộc nền văn hóa Óc Eo được phát hiện năm 1997 tại di chỉ Gò Ô Chùa (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) hiện được Bảo tàng - Thư viện tỉnh bảo quản. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Vương Thu Hồng về chiếc đàn trên.

- PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ với độc giả về hoàn cảnh phát hiện hiện vật đặc biệt này?

Nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng: Di tích Gò Ô Chùa được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 15/9/2009. Địa điểm này thuộc xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng. Đây là di tích khảo cổ học (di chỉ - mộ táng) có quy mô lớn, tầng văn hóa dày và nhiều hiện vật.

Năm 1986, di chỉ được cán bộ Bảo tàng Long An (nay là Bảo tàng - Thư viện tỉnh) phát hiện. Từ năm 1997-2008, tỉnh triển khai 5 mùa khai quật. Thành tựu hợp tác - nghiên cứu, khai quật giữa các nhà khảo cổ học Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã ghi nhận rằng đây là một ngôi làng cổ, di chỉ xưởng sản xuất gốm. Đồng thời, đây cũng là một khu nghĩa trang quy mô lớn với nhiều di cốt người, động vật tùy táng cùng nhiều loại hình công cụ phong phú. Khu di chỉ này thể hiện những nghề thủ công đặc sắc trong giai đoạn người cổ Gò Ô Chùa bước những bước chân đầu tiên từ thời kỳ nguyên thủy sang thời kỳ văn minh Óc Eo.