Chợ nổi là một nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước, nhắc đến chợ nổi miền Tây thì không thể không nhắc đến chợ nổi Ngã Bảy – Phùng Hiệp. Hình ảnh quen thuộc với du khách là những chiếc ghe chở đầy hàng hóa, cây bẹo cao cao để giới thiệu sản phẩm được bán để người mua dễ chọn lựa. Không chỉ là nét văn hóa độc đáo, là “hồn sông nước”, chợ nổi Ngã Bảy còn lưu dấu bước chân tiền nhân, thể hiện tập quán văn hóa thương hồ của ông cha đã gần một thế kỷ trên vùng đất phù sa màu mỡ.
Chợ Nổi Ngã Bảy xưa
Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp nức tiếng một thời, bởi bề dày lịch sử hơn trăm năm và không khí mua bán nhộn nhịp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nổi Ngã Bảy hình thành vào khoảng năm 1915, sau 10 năm đào kênh xáng ở đây. Chợ nằm ngay nơi giao nhau của 7 tuyến sông: Cái Côn, Mang Cá, Búng Tàu, Sóc Trăng, Xẻo Môn, Lái Hiếu, Xẻo Vong. Nhiều làng nghề đã hình thành dọc tuyến sông như đóng ghe, đan cần xé, trồng rẫy… Với chợ nổi Ngã Bảy, việc tụ họp tại 7 nhánh sông đã trở thành một nét riêng khó hòa lẫn và sẽ là điều bí ẩn thu hút những ai thích du lịch Miền Tây khám phá, bởi mỗi nhánh sông có một làng nghề đặc trưng không giống nhau… Nơi đây cũng đã đi vào thơ, nhạc càng làm say đắm lòng người.