Chúng tôi đến giáo xứ Phú Bình khi đêm rằm tháng Tám cận kề để chứng kiến khung cảnh tất bật hoàn thiện những “mẻ” lồng đèn cuối cùng sẽ vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ. Theo các nghệ nhân cao niên ở Phú Bình, nghề làm lồng đèn của giáo xứ có nguồn gốc từ làng nghề ở Bác Cổ (Nam Định). Những người dân di cư ở đây đã mang theo nghề của cha ông rồi cứ thế tiếp tục lưu giữ và truyền lại cho đến ngày nay.
Trong ngôi nhà có 4 thế hệ, với gần 100 năm làm lồng đèn từ khi còn ở Nam Định, chị Nguyễn Thị Ánh Loan chia sẻ cách thực hiện một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh. Tấc cả phải trải qua hơn 10 công đoạn từ chẻ lồ ô (một loại giống tre rỗng ruột ), kết kẽm, tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn... Với nguyên liệu làm khung đèn là lồ ô thì giấy dán đèn phải có màu đỏ, đẹp. Tuy vậy, cách tạo hình, dán và những họa tiết trang trí trên đèn mới là yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc đèn. Đây là những công đoạn đòi hỏi không chỉ khéo tay mà còn phải có khiếu vẽ, sự tỉ mẩn, kiên trì của nghệ nhân.