16 thg 3, 2013

Đặc sản Cầu Kè: Tiết canh dơi sen

Thị trấn huyện Cầu Kè của tỉnh Trà Vinh không nổi tiếng trên bản đồ du lịch miền Tây nhưng có vài đặc sản khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức như gỏi “xái pấu”, “xái pấu” hầm xương (giò, đùi heo...), “xái pấu” chiên hột vịt...; dừa sáp; bún nước lèo; “xim lo”; đặc biệt là món dơi sen.

Tiết canh dơi sen ở Cầu Kè, Trà Vinh. Ảnh: Cúc Tần 

Đến thị trấn Cầu Kè, hỏi người địa phương thì ai cũng sẽ vui vẻ chỉ đường cho khách đến quán dơi sen dễ dàng. Quán nầy nằm cách trung tâm thị trấn chừng 2 cây số, ở ấp Chông Nô 3 (xã Hòa Tân). Tuy là một quán nhỏ, nhưng thực đơn có đủ một lô “5 món ăn chơi” toàn từ dơi sen: luộc, nướng, khìa, lẩu cháo đậu xanh và gần đây có thêm món mới toanh là tiết canh dơi sen.


15 thg 3, 2013

Rau dại miền quê

Vùng thôn quê miền sông nước Tây Nam bộ có không ít loài rau dại mọc hoang, đa dạng về chủng loại; từ thuở đi mở cõi khai phá vùng đất này người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng chúng làm thức ăn hằng ngày.

Rau dại có loài thân bò chằng chịt, quấn quanh các cây gỗ lớn như rau choại, nhãn lồng (lạc tiên) hay bò là đà mặt đất như rau trai, rau má…; có giống thân gỗ gốc to cả người ôm như nhàu, cách, lụa, sộp…; có thứ sống nổi trôi lềnh bềnh trong nước như rau dừa, rau ngổ, rau dịu… hoặc mọc ở ven mương, mé đìa gần nhà như rau ráng, rau mui…; có giống mọc giữa đồng hoang như lá hẹ, rau mác, năng, bông súng…

Bồn bồn


Thanh trà xứ Huế

Cây thanh trà xứ Huế thuộc họ bưởi, được trồng khắp nơi ở đất cố đô nhưng nhiều nhất vẫn là ở các vườn nhà vùng Thủy Biều, Kim Long, riêng thanh trà Thủy Biều đã trở thành một thương hiệu.


Một loại trái cây đặc sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có tên là thanh trà nhưng hoàn toàn khác thanh trà Huế. Nó có vỏ bóng màu vàng cam tươi rói, ăn có vị chua ngọt, mùi thơm thanh thanh như xoài.
Thoạt nhìn thì trái thanh trà không khác mấy những loại bưởi, nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy vỏ thanh trà không sần sùi như bưởi mà mịn màng hơn. Nhưng quan trọng hơn là cái ruột bên trong lớp vỏ mịn ấy.Tép thanh trà đúng độ chín có màu hơi vàng, láng bóng và mọng nước nhưng ăn lại giòn, thoảng một chút vị chua, thơm mà không nhân nhẩn đắng như một vài loại bưởi. Cây thanh trà trồng lâu ngày cho trái nhỏ hơn nhưng rất ngon mà người Huế thường gọi là “thanh trà lão”.

Thanh trà Thủy Biều


Thương nhớ... mít đèo

Tháng 3 về với nắng ấm ngập tràn. Thấp thoáng sau vườn mấy trái mít đã đu mình bám trên thân mẹ tự bao giờ. Một mùa mít nữa đã về, người quê tôi lại bắt đầu những món ăn ngon từ trái mít đèo bé nhỏ thân thương.


Canh mít đèo nấu lá vông - Ảnh: K.Loan

Mít đèo không phải là những trái mít mà người trồng cây mong đợi nhất khi mùa mít đến, bởi đó là những trái mít nhỏ, không thể lớn và phát triển bình thường như những trái mít khác. Mỗi cây thể nào cũng có mấy trái mít đèo, trông chúng bé nhỏ, còi cọc và có vẻ gì đó rất đáng thương so với những anh em khác đang đu mình trên cây mẹ. 


Độc đáo lễ hội kén rể thôn Đường Yên

Đông đảo dân địa phương và du khách đã về đình làng thôn Đường Yên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) xem lễ hội kén rể ngày 13-3 (2-2 âm lịch).

Lễ hội kéo dài từ sáng sớm đến khoảng 17g cùng ngày. 

Một góc sân đình ngày hội

Sau nhiều thăng trầm lịch sử, đến năm 2001 lễ kén rể đã được diễn lại. Gần 100 nghệ nhân tham gia lễ hội đã tập luyện suốt cả một tháng. Hai chàng trai đến thi tài và người đóng giả nữ tướng Lê Hoa phải là những nam thanh nữ tú chưa lập gia đình được người trong làng bình chọn rất kỹ càng.

14 thg 3, 2013

Cù kỳ Móng Cái

Lần đầu ra Móng Cái, bạn bảo: "Tý đi ăn sáng món cù kỳ nhé". Tôi tròn mắt: “Cù kỳ là kỳ cùng à?”. Bạn phá ra cười: “Cù kỳ là họ hàng của cua, tý đi ăn rồi biết”. 

Bát bún cù kỳ bắt mắt - Ảnh: B.Giang

Chúng tôi là những vị khách đầu tiên của quán ăn sáng với món “cù kỳ” trên phố Trần Quốc Toản, được giới thiệu là món ăn đặc sản của Quảng Ninh nói chung và Móng Cái nói riêng. Quán có các món là bún cù kỳ, bánh đa cù kỳ và miến cù kỳ. Đây là một loại cua biển có hai càng rất to, thịt khá chắc và thơm.

Thành cổ Trà Kiệu được công nhận di tích cấp quốc gia

Chiều 10.3, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam xác nhận, cơ quan này vừa nhận được quyết định từ Bộ VH-TT-DL công nhận di tích thành cổ Trà Kiệu (xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên) là di tích cấp quốc gia.

“Lâu nay, du khách đến di sản thế giới thánh địa Mỹ Sơn vẫn quan tâm rất nhiều đến thành cổ Trà Kiệu, với việc Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích cấp quốc gia, chúng tôi sẽ tăng cường công tác bảo tồn di tích này”, ông Hài nói.

Theo giới khảo cổ học, Trà Kiệu (Simhapura) là kinh đô của Vương quốc Champa xưa. Di tích này nằm trên một dải đồng bằng có thù hình tam giác với nhiều ngọn núi bao bọc như: Núi Chúa, Chóp Xôi, Núi Ðất... Ngày nay, khu vực xung quanh kinh đô Trà Kiệu vẫn còn các bờ thành cổ bao bọc nằm sâu trong lòng đất thuộc xã Duy Trung và Duy Sơn.

Vào nhiều thời điểm khác nhau, nhiều đoàn khảo cổ học đã đến địa phương này tiến hành khai quật các nền móng còn lại của khu kinh đô cổ. Trong đó, nhiều nhà khảo cổ học đã tìm thấy các dấu tích về kết cấu, vật liệu xây dựng khi khai quật thành nam Trà Kiệu.

Đình Phước Lộc được công nhận di tích cấp quốc gia

Sáng 19.1, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận và UBND TX.La Gi (Bình Thuận) đã tổ chức lễ đón nhận Bằng của Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với Đình và vạn Phước Lộc (TX.La Gi).

Đình và vạn Phước Lộc là nơi thờ Hoàng Thành bổn xứ có công khai mở đất làng La Gi và nơi đây cũng là nơi thờ Thần Ông Nam hải.

Trong chiến tranh chống Mỹ, đình Phước Lộc từng bị tàn phá nặng nề. 




Về làng Chăm ăn nước lèo thịt dê

Dù nhiều món ăn lạ và sang trọng của giới thượng lưu và vua chúa Chăm ngày xưa đã thất truyền, nhưng nay, ở mọi cộng đồng Chăm đều vẫn còn truyền lưu và ưa thích một số món ngon, trong đó đặc biệt là Ia tanut pabaiy (nước lèo thịt dê).

Biết người Chăm có tục ngữ: “Ia tanut palei Padra, Ia bai nhjơm bwa palei Hamu Tanran” (Nước lèo làng Như Ngọc, canh rau môn làng Hữu Đức), mùa hè vừa qua tôi có đưa hai sinh viên Nhật về làng Như Ngọc (làng Chăm Bà-la-môn). Ở đây dường như do nguồn nước, và do cách pha chế mẹ truyền con nối nữa, nên món nước lèo có mùi vị đặc biệt. Tiếc là đây không phải mùa cúng (cuối năm), nên khách mất dịp thưởng thức đặc sản Chăm. Tìm đến các tay đầu bếp sành sỏi trong làng như cô Thiên Thị Nai, Quảng Thị Toán… thì các cô cũng bảo: phải đến sau lễ Rija Nưgar cháu à. 



13 thg 3, 2013

Màu xanh Gáo Giồng

Cách trung tâm thành phố Cao Lãnh khoảng 20km, thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, được mệnh danh là Đồng Tháp Mười thu nhỏ của miền Tây Nam Bộ.

Từ thành phố Cao Lãnh, theo quốc lộ 30, du khách vi vu trên cung đường rất đẹp tới Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng. Như một ốc đảo xanh, Gáo Giồng được chia thành 4 khu với trên 70km kênh phân lô, 20km đê bao khép kín, là lá phổi của vùng Đồng Tháp Mười. Rừng tràm Gáo Giồng có diện tích khoảng 1.700ha, trong đó có 250ha rừng nguyên sinh, mang đến cho du khách vẻ đẹp hoang sơ. 

Một góc Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Lê Minh)