Đến ấp Sray Skoth, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Khmer bên khung cửi đang dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ Khmer, nhiều sản phẩm thổ cẩm Khmer đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Từ sản phẩm truyền thống ban đầu, thợ dệt sáng tạo hoa văn cách điệu, mẫu mã đa dạng, phong phú; màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo, chủ yếu là mặt hàng sà rông, khăn choàng cổ, phông màn cửa, các loại khác theo đặt hàng.
Nghệ nhân Neàng Sa Mon miệt mài bên khung dệt thổ cẩm Khmer truyền thống
Thổ cẩm Khmer chủ yếu làm thủ công và phải trải qua các công đoạn: Lựa chọn nguyên liệu tơ, luộc tơ, nhuộm màu, ngâm, phơi, sấy, quay tơ, kéo tơ, dệt và tạo hoa văn (bắt bông).
Để tạo ra sản phẩm dệt hoàn chỉnh là quá trình công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, sáng tạo của người thợ dệt và phải mất hàng trăm giờ công sức từ nhuộm, đượm màu cho từng lọn tơ tầm đến dệt.
Nét đặc trưng của thổ cẩm Khmer là hệ thống họa tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo chứa đựng giá trị tín ngưỡng, văn hóa lâu đời từ hình ảnh ngôi chùa, hoa, lá hoặc hình tượng Đức Phật…
Thổ cẩm Văn Giáo được chứng nhận nhãn hiệu tập thể Silk Khmer
Mỗi sản phẩm thổ cẩm Khmer đều mang nét văn hóa truyền thống đặc trưng, không máy móc nào có thể thay thế được dù chỉ là những công đoạn nhỏ nhất. Trung bình, mỗi thợ dệt thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, tùy theo trình độ người thợ, sản phẩm hoa văn phức tạp hay giản đơn. Điều đặc biệt là sản phẩm được làm càng cũ thì giá càng cao, bởi thổ cẩm sẽ mềm, mát và đẹp theo thời gian.
Để bảo tồn và phát triển hoạt động làng nghề dệt thổ cẩm Khmer xã Văn Giáo, năm 2000, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Văn Giáo được thành lập gồm hơn 70 hộ, trên 120 thành viên tham gia, mang lại thu nhập cho chị em phụ nữ 2 - 5 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề.
Đầu năm 2023, sản phẩm sà rông thổ cẩm Khmer Văn Giáo đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi đến du khách gần xa, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
KHÁNH MY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét