22 thg 10, 2022

Bệnh viện hơn 160 tuổi gắn liền lịch sử Sài Gòn

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiền thân là Bệnh viện Chợ Quán thành lập năm 1861, gắn với nhiều sự kiện lịch sử Sài Gòn xưa và từng có cả trại giam, nhà thương điên, phong cùi...


Theo báo cáo về cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861-1862 của Cục Quân y Pháp, Bệnh viện Chợ Quán mở cửa ngày 13/2/1861 như bệnh viện dã chiến nhằm chuẩn bị phục vụ trận đánh đồn Kỳ Hòa diễn ra ngày 24/2/1861. Bệnh viện tọa lạc tại làng Chợ Quán, giữa Sài Gòn - Chợ Lớn thời ấy, bên bờ kênh Người Hoa (Arroyo Chinois) nay gọi là kênh Tàu Hủ.

Đại đồn Kỳ Hòa là một cứ điểm quân sự lớn do triều đình Nguyễn xây dựng nhằm phòng thủ, chống lại các cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Khi xảy ra trận chiến, nhiều lính Pháp bị thương được đưa về đồn Cây Mai rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Quán bằng cả đường bộ và đường thủy.

Khi đại đồn này thất thủ, triều đình nhà Nguyễn chủ hòa, Nam Kỳ dần bị Pháp chiếm đóng hoàn toàn.


Cơ sở ban đầu của bệnh viện là những ngôi nhà mái ngói của người Việt Nam giàu có để lại khi sơ tán, được bổ sung thêm giường bệnh. Lực lượng y tế phụ trách là quân y Pháp, tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên chủ yếu là người bị thương, sốt, người mắc bệnh hoa liễu…

Năm 1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền thời bấy giờ quản lý. Đây là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam.


Năm 1862-1875, bệnh viện chủ yếu tiếp nhận điều trị bệnh nhân hoa liễu, người tù bị bệnh và bệnh nhân là người già, người nghèo, người mắc bệnh nan y.

Từ năm 1876 đến 1904 bệnh viện được sửa chữa, xây thêm. Ngoài 110 giường cho người tù bị bệnh và 20 giường bệnh nhân hoa liễu, nơi này bổ sung 6 phòng bệnh truyền nhiễm, phòng phẫu thuật và phòng sinh. Lò khử trùng và nguồn nước sạch từ Chợ Lớn được đưa vào sử dụng.


Từ năm 1904-1907, bệnh viện thêm khu điều trị tâm thần, khu điều trị cho người châu Âu cần phẫu thuật ngoại khoa (năm 1906) và mở trường đào tạo điều dưỡng tiêm chủng, nhận học viên từ các tỉnh của miền Nam. Đến năm 1908, bệnh viện ngưng công tác đào tạo để trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần.


Năm 1972, khu nhà chính 6 tầng của bệnh viện được xây dựng trên diện tích hơn 12.000 m² với sự trợ giúp của Hàn Quốc. Ngày 2/3/1974, bệnh viện khánh thành với tên mới là Trung tâm Y khoa Hàn -Việt, quy mô 550 giường bệnh, khu phẫu thuật 4 phòng trang bị hiện đại.

Lúc này, bệnh viện được xem là "một trung tâm y tế toàn khoa mới và tối tân hàng bậc nhất miền Nam Việt Nam", là nơi thực tập của sinh viên trường đại học y khoa và các chương trình huấn luyện của Bộ Y tế chính quyền Sài Gòn cũ.


Ngày 1/5/1975, bệnh viện được Ban Y tế xã hội miền Nam thuộc Ủy ban Quân quản tiếp nhận và quản lý, lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán. Sau đó, cơ sở điều trị tâm thần được giao về Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa rồi đến Sở Y tế TP HCM quản lý, nay là Bệnh viện Tâm thần. Năm 1988, khu vực điều trị phong được chuyển về Bệnh viện Da liễu TP HCM.

Ngày 4/8/1979, Bệnh viện Chợ Quán được giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TP HCM và các tỉnh phía nam. Năm 1989, bệnh viện đổi tên thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thuộc Sở Y tế.


Ngày 10/10/1996, bệnh viện được xếp hạng bệnh viện loại một, chuyên khoa sâu về bệnh truyền nhiễm của thành phố và các tỉnh phía nam. Đến năm 2002, nơi này đổi tên thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.


Gắn với những biến động lịch sử của đất nước qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bệnh viện có khu trại giam là nơi giam giữ, điều trị những người tù bị bệnh, gồm cả thường phạm lẫn tù chính trị.

Ngày 26/8/1931, Tổng bí thư Trần Phú bị Pháp bắt, tra tấn đến lâm trọng bệnh nhưng kiên quyết không khai báo những bí mật cách mạng, đã bị đưa đến khu nhà giam này và hy sinh ngày 6/9 cùng năm. Ngày nay trong khuôn viên bệnh viện vẫn còn tượng đài tưởng niệm Tổng bí thư Trần Phú.

Những người tù cách mạng khác như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi và nhiều bệnh nhân tù khác trong hai cuộc kháng chiến, cũng từng bị giam giữ nơi đây.

Khu trại giam Chợ Quán được công nhận là di tích lịch sử năm 1988.


Ngày nay, đây là bệnh viện tuyến cuối điều trị các bệnh lây nhiễm, kể cả các bệnh mới nổi như Covid-19, đậu mùa khỉ, được xem là "tiền đồn" chống dịch chủ lực, bảo vệ người dân thành phố và khu vực phía Nam chống chọi các dịch bệnh nguy hiểm.


Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 3.000 người đến khám, hơn 600 người bệnh nội trú. Những lúc dịch sốt xuất huyết cao điểm, nơi này kê thêm giường tiếp nhận 700-800 bệnh nhân nằm viện cùng lúc.

Bệnh viện đạt nhiều thành tựu trong hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và thực hành lâm sàng có trình độ ngang tầm khu vực, tiếp cận thế giới.


Tuy nhiên, bệnh viện dần xuống cấp, quá tải bệnh nhân. Dự án xây Khoa Khám bệnh hơn 10 năm vẫn chưa được triển khai vì vướng quy hoạch. Hàng ngày, bệnh nhân phải chen chúc trong các khoa phòng khám chữa bệnh rất tạm bợ.

Quỳnh Trần - Lê Phương (Ảnh tư liệu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét