19 thg 9, 2015

Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt (Nhà thờ Con Gà)

Nhà thờ Chánh Tòa, dân địa phương thường gọi là nhà thờ Con Gà (vì trên tháp chuông có cột thu lôi đúc theo hình con gà), được khởi công xây cất từ năm 1931 và hoàn thành năm 1942 với tước hiệu Thánh Nicola Bari, sau được đổi là tước hiệu Ðức Maria mẹ Thiên Chúa. Hình dáng kiến trúc được thiết kế đối xứng theo lối cổ điển, có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Nhà thờ Chánh Tòa có vị trí rất đẹp, tuy không nhìn thẳng xuống hồ Xuân Hương nhưng vì tháp chuông cao nên đứng ở vị trí nào dưới bờ hồ cũng đều thấy được tháp chuông này. Cửa chính của nhà thờ hướng thẳng về núi Lang Biang. Phần áp mái được bố trí bằng 70 tấm kính màu (chế tạo từ Pháp) phác họa các hoạt cảnh Tin Mừng và chân dung các thánh, làm cho không gian thánh đường càng thêm uy nghi, huyền ảo. Trên tường, được gắn các bức phù diêu có kích thước 1 x 0.8m do nhà điêu khắc Xuân Thi thực hiện. Khuôn viên nhà thờ có hàng rào bao bọc khép kín. Ðây là một công trình kiến trúc đẹp và giá trị.

Ngôi nhà thờ hiện nay được khởi công vào lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 19/7/1931. Việc xây cất này kéo dài 11 năm, từ năm 1931 đến năm 1942, do công sức và lòng nhiệt thành của cha sở Nicolas, cha quản lý Hội Thừa Sai Paris tại Ðông Dương De Coomann, các Dòng tu nam nữ và đông đảo giáo dân xa gần.

Công trình này chia làm 3 đợt:

Ðợt thứ nhất gồm gian cung thánh, hậu tẩm, hai gian cánh. hoàn tất ngày 20/3/1932 và được một vị linh mục truyền giáo ở Lào, là cha Dézavelle về làm phép ngày hôm ấy.

Ðợt thứ hai gồm việc xây dựng gian lòng nhà thờ và đặt chân móng cho các tháp chuông.

Ðợt thứ ba gồm việc xây dựng tháp chuông chính, hai tháp chuông phụ, cầu thang xoáy trôn ốc, đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông chính và trên cao đặt con gà bằng đồng (14/11/1941) dài 0.66m, cao 0.58m dùng thay mũi tên chỉ hướng gió, cũng có thể là biểu tượng của người Pháp (coq-gaulois), nhưng đúng hơn, chính là biểu tượng gắn liền với Thánh Tông Ðồ Phêrô được ghi lại trong Phúc Âm, có ý nhắc nhở mọi người phải biết tỉnh thức và cầu nguyện trong tâm tình sám hối và khiêm nhường.

Ngôi nhà thờ dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Trong nhà thờ được trang trí bằng 70 tấm kính màu, hiện còn ghi tên xưởng chế tạo Louis Balmet, thuộc tỉnh Grenoble, cũng như tên các ân nhân dâng cúng.

Vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày áp lễ Noel năm 1941, có nghi thức đặt tượng Ðức Mẹ Thánh Tâm (Notre-Dame du Sacré Coeur) trên cửa chính nhà thờ hướng về núi Lang Biang, để xin Mẹ che chở cho việc rao giảng Tin Mừng tại vùng đất Lang Biang này.

Tháng 1/1942, chuyển 4 quả chuông sang nhà thờ mới. Tháng 2/1942, nghi thức làm phép và đặt 14 chặng đàng thánh giá trong nhà thờ. Các bức tượng được khắc chạm bằng hình nổi với kích thước chiều ngang 1m, cao 0m80, bằng vật liệu xi măng và sắt, do ông Xuân Thi, một nhà điêu khắc Việt Nam ở Hà Nội thực hiện.



Phạm Hoài Nhân
Tổng hợp từ website Giáo xứ giáo họ Việt Nam và hình ảnh từ các trag web khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét