5 thg 10, 2011

Suối Tre - Long Khánh

Từ TPHCM về Long Khánh, khi còn cách thị xã Long Khánh 4 km, phía bên trái quốc lộ 1 là Suối Tre (khoảng cây số 1.824). Tên đầy đủ là Trung tâm Văn hóa Suối Tre.

Người ta đã từng dùng mỹ từ này để chỉ Suối Tre: Đà Lạt của miền Đông.

So sánh này hơi khập khiễng, nhưng có phần đúng.



Suối Tre được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, khi những người Pháp đến Long Khánh để lập đồn điền cao su. Khu vực Suối Tre rộng trên 10ha, có nhiều đồi cỏ nhấp nhô, bao bọc con suối quanh co bên những bờ tre xanh ngắt. Ở đây có độ cao tương đối (khoảng 500 met so với mặt biển) nên khí hậu ôn hòa. Các ông chủ đồn điền cao su SIPH (Societe Internatonale de Plantation d'Heveas) đã quy hoạch nơi đây thành một khu nghỉ mát lịch lãm mang đậm phong cách Pháp.


Khu trung tâm là vùng đất bằng phẳng, có hồ tắm, bể bơi, nhà hàng, dancing, sân tennis... Xung quanh là các ngọn đồi, bãi cỏ, trên mỗi đỉnh đồi có một ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp với đầy đủ tiện nghi. Và xung quanh những biệt thự là bạt ngàn hàng dương rì rào, những cây cổ thụ in bóng.

Sau năm 1954, những người Pháp rút về nước, hầu hết đồn điền cao su được chuyển cho người Việt và Hoa, vô hình chung Suối Tre trở thành một nơi nghỉ mát, cắm trại lý thú cho học sinh...

***



Ngày ấy, chưa lâu lắm...

Những năm 1970, khi tôi còn là học sinh cấp 2, cấp 3, Suối Tre là một điểm đến tuyệt vời cho những cô cậu tuổi teen. Từ tỉnh lỵ Long Khánh, đạp xe 4 cây số đến Suối Tre, cùng bạn bè ngả mình trên thảm cỏ xanh, nghe hàng dương rì rào... Những buổi picnic ghi đậm dấu ấn một thời học sinh.

Sau 1975 cũng thế, Suối Tre vẫn là một nơi êm đềm cho thời học sinh hoa mộng...

Rồi năm 1977, tôi rời Long Khánh để vào đại học. Dòng thời gian trôi đi, có nhiều Suối khác ra đời, Suối Tiên, Suối Mơ.... Suối Tre chìm vào dĩ vãng.

***

Năm 2011, trong một dịp về Long Khánh, tôi chở cậu con trai Bùm vào Suối Tre, để giới thiệu một nơi ba bốn mươi năm trước từng là kỷ niệm của ba nó.

Suối Tre bây giờ là Trung tâm Văn hóa Suối Tre. Những ngọn đồi, bãi cỏ, hàng cây vẫn còn đó. Những ngôi biệt thự hoặc hoang tàn, hoặc được sơn phết lại theo kiểu... cách mạng để làm Nhà truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân cao su. Khu vực trung tâm là hội trường và nơi làm việc của công ty cao su Đồng Nai, có sân khấu ngoài trời khá hoành tráng...

Nét xưa đã không còn, nhưng nét mới vẫn chưa rõ. Có một cái gì đó dang dở. Có một nỗi niềm luyến tiếc. Hoài niệm.

Bùm không thể hiểu được cảm xúc của ba nó ngày xưa - và cả cảm xúc bây giờ - khi đến nơi này.

Nghe nói rằng Suối Tre đang được quy hoạch thành một khu du lịch văn hóa tầm cỡ để khai thác hết nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có từ lâu. Dự án này đã được nói đến từ lâu, nhưng chưa thành hiện thực. Mong rằng dự án sẽ sớm hiện thực để Suối Tre lại trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ cho Long Khánh mà cho cả TPHCM và du khách phương xa nữa.

Chỉ có điều, dù sao đi nữa Suối Tre bây giờ cũng không còn là Suối Tre ngày nào của một ông già đã qua tuổi tri thiên mệnh. Biết làm sao được, dòng đời vẫn trôi đi mà...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét