30 thg 9, 2010

Cù lao Phố

Cù lao Phố: “Ngủ quên” giữa Biên Hòa

(Bài đăng trên SGGP online ngày 03/09/2007, các chỗ bold nhấn mạnh, phần ghi chú màu đỏ và ảnh minh họa là của PHN)
Theo Quyết định số 6967/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai (ký ngày 12-7-2006) phê duyệt hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Biên Hòa, đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, mạng lưới giao thông của thành phố Biên Hòa sẽ lấy cù lao Phố (cù lao Hiệp Hòa) làm tâm: Trục hướng tâm về cù lao Hiệp Hòa: từ ngã ba Vườn Mít sang cù lao Hiệp Hòa (trục hướng tâm 1); từ đường Đồng khởi sang cù lao Hiệp Hòa (trục hướng tâm 2); mở rộng nâng cấp QL15 từ ngã ba Tam Hiệp đến ngã ba đường Trần Quốc Toản và đường Trần Quốc Toản nối sang cù lao Hiệp Hòa (trục hướng tâm 3).
Đó là hình ảnh cù lao Phố trong tương lai. Còn hiện nay hòn cù lao lịch sử này vẫn đang “ngủ quên”.
(Bây giờ - tháng 8/2010 - cũng chưa hề có trục giao thông nào mới, y chang như tình hình bài viết này năm 2007)

Phố xưa sầm uất

Trang web của UBND TPHCM khi nói về lịch sử hình thành xứ Nam bộ đã viết: “Đầu xuân Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất vào Nam kinh lược và thiết lập bộ công quyền, đặt nền pháp trị và xác định cương thổ quốc gia. Theo đường biển, quân của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến cù lao Phố (một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ). Sau đó, Nguyễn Hữu Cảnh thanh tra vùng đất Sài Gòn và đặt hai đơn vị hành chính đầu tiên tại Nam Bộ là huyện Phước Long và huyện Tân Bình, dưới quyền của phủ Gia Định”. Theo Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định thành thông chí thì “Đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ”.
Đứng bên sông Đồng Nai hôm nay, thấy cù lao Phố nổi bật giữa dòng sông, thấp thoáng mái đình, mái chùa. Một trong những ngôi đình ấy là nơi thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Qua cầu Ghềnh vào cù lao Phố (theo tên hành chính hiện nay là cù lao Hiệp Hòa), gặp ngay những ngôi đình, ngôi chùa thuộc vào loại cổ nhất Nam bộ. Nơi đây hiện còn 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 11 ngôi đình, 3 miếu, 1 biểu tòa Cao Đài và 1 ngôi chùa Hoa nổi tiếng nên được xem là một đơn vị hành chính cấp xã có nhiều đình, chùa, đền, miếu nhất Nam bộ.
Photobucket
Chùa Ông (mới trùng tu xong năm 2010)
Photobucket
Bên trong Chùa Ông (mới trùng tu xong năm 2010)
Photobucket
Phía sau Chùa Ông (mới trùng tu xong năm 2010)
Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, cung cấp cho chúng tôi cuốn đặc san “Hiệp Hòa – 10 năm xây dựng và phát triển”, một tài liệu khá công phu in năm 2005 nhân dịp kỷ niệm 10 năm xã được công nhận danh hiệu Anh hùng. Tài liệu này cho biết, năm 1679, chúa Nguyễn sai Trần Thượng Xuyên dẫn theo một đoàn người Hoa đến Biên Hòa khai khẩn. Từ đó, thương cảng Nông Nại Đại Phố ra đời. “Nông Nại Đại Phố nằm phía Tây cù lao Đại Phố, được kiến thiết mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm”. Chẳng bao lâu cù lao đã trở thành địa chỉ buôn bán sầm uất bậc nhất trong vùng: “Phố chợ thương mại, giao thông với người Tàu, người Nhật Bản, Tây Dương, Đồ Và (Java), thuyền buôn tụ tập đông đảo” (tài liệu đã dẫn).

Nhưng cù lao Phố bị tàn phá nặng nề sau cuộc bạo loạn của Lý Văn Quang năm 1747 và cuộc giao tranh của nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn (đặc biệt là năm 1776): “Chỗ này biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước” (tài liệu đã dẫn). Những cuộc giao tranh thời phong kiến đã làm thay đổi bộ mặt cù lao, vị trí quan trọng của nó trong đời sống của khu vực này không còn được như xưa nữa.
Bây giờ cù lao Phố nổi tiếng với các đặc sản nông nghiệp như bưởi, hến, gạo… Tổng diện tích đất đai là 694,6495 ha. Trong đó đất nông nghiệp là 412,9922 ha. “Hệ số sử dụng đất thấp. Mặt khác do ảnh hưởng của thị trường và điều kiện khí hậu, mức độ đầu tư chưa phù hợp nên năng suất và sản lượng cây trồng chưa cao và thường xuyên có biến động về diện tích cây lâu năm”, trang web của xã nhận định.
Mảnh đất bị quên lãng?
Giữa trung tâm cù lao có một cái chợ tạm, lụp xụp, dăm bảy chục người tụ tập buôn bán nhu yếu phẩm hàng ngày. Càng đi sâu vào cù lao càng thấy đồng ruộng bị bỏ hoang rất nhiều. Những khu công nghiệp đồ sộ bên sông đã gián tiếp làm hòn cù lao thêm heo hút vắng vẻ. Nhiều người đã bỏ cù lao đi nơi khác tìm việc.
Cuối con đường là bến đò An Hảo không người lại qua. Ban đầu người ta dự định sẽ làm một bến phà nhưng khách khứa chẳng bao nhiêu nên đống sắt thép để xây dựng phà nay ngổn ngang, hoen gỉ.
Photobucket
Đường vào bến đò An Hảo
Photobucket
Bến đò An Hảo
Mấy gia đình sinh sống bên bến đò ngạc nhiên khi thấy khách lạ ghé vào. Vườn tược của họ ẩm thấp, ít được chăm sóc. Cây cối tàn tạ. Nhà cửa cũ kỹ, bắt đầu mục nát. Biết có nhà báo, một người vội phân trần: “Quy hoạch treo cả chục năm rồi nên chúng tôi cứ chờ…”. Thầy Ba Dạ - một ông thầy lang ở đây - cho biết: “Đất đai đã cằn cỗi, nếu không bón phân kỹ thì cây không ra trái nữa”.
Trong khi đa số các phường khác đã chủ động được thu chi, có nơi thu ngân sách hàng chục tỷ đồng thì ở cù lao này chỉ tiêu thu thuế năm 2007 chỉ vỏn vẹn 821 triệu đồng mà 6 tháng đầu năm đã chi 509 triệu đồng. Ngân sách Nhà nước hàng năm vẫn phải bao cấp cho cái xã... nằm chính giữa trung tâm thành phố Biên Hòa!
Phần lớn diện tích là đất nông nghiệp nhưng nhiều nông dân lại bỏ hoang đồng ruộng. Nghề phụ ở đây hầu như chẳng có gì. Từ năm 1998 đến nay đã mấy lần nghiên cứu quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch mà người trên cù lao vẫn phải mong dự án như đại hạn mong mưa. Ông Kiệt nói: “Muốn vào Hiệp Hòa của chúng tôi phải đi qua hai cái cầu quá nhỏ và yếu. Khi xã chúng tôi chở nguyên vật liệu vào làm đường, bên quản lý cầu còn gây rất nhiều khó dễ, họ nói cây cầu đã quá cũ rồi”.
Đầu tư vào Đồng Nai đang là một trong những điểm sáng của cả nước với 23 khu công nghiệp thu hút gần 10 tỷ đô la từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng ông Kiệt buồn rầu nói: “Hiện vẫn chưa có dự án nào đầu tư vào cù lao Phố chúng tôi”.
Lỗi không chỉ tại hai cây cầu
Cầu Rạch Cát dài 125,37m, rộng 41,36m; cầu Ghềnh dài 223,30m. Cả hai cầu đều được xây dựng năm 1909 theo thiết kế của kiến trúc sư Eiffel.
Photobucket
Cầu Gành
Hai cây cầu rất đẹp và bao nhiêu năm tô điểm cho phong cảnh cù lao nhưng giờ đây, trở thành hai “nút cổ chai” vì không đáp ứng được sự lưu thông trong thành phố. Dự kiến cả hai cái cầu sẽ được đập bỏ và thay bằng hai cây cầu mới, rộng hơn. Hình dáng hai cầu mới ra sao, có phù hợp với cảnh quan cù lao Phố không? Người ta đang rất nóng lòng ngóng đợi. Cũng phải nói thêm, kiến trúc sư Eiffel chính là người đã thiết kế cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và tháp Eiffel lừng danh của Pháp.
Mảnh đất đẹp đẽ và ghi đậm dấu ấn lịch sử văn hóa rất giá trị khiến không ít nhà đầu tư e ngại khi bắt tay vào thay đổi nó.
Bài báo “Đâu là bản sắc của đô thị Biên Hòa?” đăng trên báo Đồng Nai, tháng 8-2005, dẫn lời kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai: “Đô thị Biên Hòa có nhiều ưu thế để phát triển theo 3 tính chất: Thứ nhất là đô thị - sông nước với khoảng 10 km đoạn sông Đồng Nai và 6 km sông Cái bọc quanh cù lao Phố, tạo nên một cảnh quan mặt nước quanh co uốn khúc tuyệt đẹp. Việc khai thác yếu tố mặt nước đúng mức sẽ tạo nên một sắc thái đặc trưng và phong phú cho không gian đô thị Biên Hòa. Hai là đô thị - văn hóa lịch sử bởi vùng đất đã được hình thành cách nay hơn 300 năm với cù lao Phố đã tô đậm nét son của một bến cảng sầm uất, cho đến nay vẫn còn nhiều công trình lưu lại. Ba là đô thị - công nghiệp…”.
Photobucket

Photobucket
Cù lao Phố năm 2010
Việc đầu tư vào cù lao Phố sẽ chịu nhiều sức ép và sứ mệnh lịch sử của nó vì không chỉ đơn giản là… kiếm nhiều tiền cho nhà đầu tư. Đây cũng là một điểm mà nhiều nhà đầu tư cân nhắc.

Ông Trần Anh Việt, Phòng Quy hoạch, Sở Xây dựng Đồng Nai, nói với chúng tôi: “Theo quan niệm của người Đồng Nai chúng tôi thì cù lao Phố là lá phổi xanh của Biên Hòa. Các công trình xây dựng bị hạn chế vì thế khó mà thu hút được nhà đầu tư. Hiện tại, tỉnh đã có điều chỉnh và giao cho Công ty tư nhân Tín Nghĩa nghiên cứu đầu tư vào cù lao Phố”. Nhưng cũng theo ông Việt thì: “Công ty Tín Nghĩa đã nhờ chuyên gia nước ngoài tư vấn. Dự án của họ chưa được duyệt nên chúng tôi không thể nói được điều gì”.
Không ít nhà đầu tư đã lặng lẽ rút khỏi cầu Ghềnh. Chẳng biết Công ty Tín Nghĩa này thì thế nào. Năng lực của họ có thể xây dựng nổi một cù lao Phố trong thời hiện đại này không? Dù sao, cuộc đấu thầm lặng giữa lợi ích kinh tế và các lợi ích văn hóa lịch sử và môi trường chắc chắn sẽ còn tiếp diễn tại cù lao Phố. Có điều, trong thời gian ấy cù lao Phố sẽ tiếp tục “ngủ yên” trong cỏ dại ngay trên vị trí trung tâm của thành phố Biên Hòa. Nghịch lý này kéo dài đến bao giờ?
TRẦN NGUYỄN ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét