31 thg 3, 2019

Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm Phú Yên

Bãi Nồm như cô gái đẹp ngủ trong rừng mới được đánh thức. Với biển trời xanh ngắt, cát trắng mịn, nắng vàng cùng những dãy núi đá như muốn ôm trọn biển vào lòng, hút hồn bao du khách.

Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm tọa lạc ở thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cách quốc lộ 1A 15 km. Bãi Nồm có cảnh quan đẹp tự nhiên, bãi cát trắng mịn thoai thoải dần ra xa, nước biển trong xanh, lặng sóng. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng không gian rộng lớn trải dài lý tưởng. Bãi tắm tựa lưng vào cánh rừng phi lao xen lẫn những đồi cát và có núi che chắn ở hai đầu. Cảnh vật ở đây còn hoang sơ, tuyệt đẹp và không khí trong lành, là điều kiện tốt để hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, cắm trại, dã ngoại cuối tuần.

Từng đợt sóng êm ái, trùng điệp dưới ánh nắng tỏa xuống lấp lánh như những sợi chỉ vàng. Từng hạt cát mịn màng luồn khẽ vào ngón chân làm cho tâm hồn mỗi người hòa quyện với thiên nhiên. Khi nằm thả mình trên bãi biển, sóng biển xô nhẹ nhàng, êm dịu khiến du khách cảm nhận sự êm dịu, thư thái. Phía Tây là những đồi cát trập trùng nối tiếp nhau với rừng dương xanh tươi cả bốn mùa, tạo nên khung cảnh bình yên, lôi cuốn những du khách muốn thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. 

Bãi Nồm có cảnh quan đẹp tự nhiên, bãi cát trắng mịn thoai thoải dần ra xa, nước biển trong xanh, lặng sóng.

Cù lao Tân Phong phát triển du lịch sinh thái

Tân Phong là một xã cù lao nằm giữa sông Tiền thuộc địa phận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, được phù sa bồi đắp, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế vườn, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Với diện tích trên một ngàn hecta, khí hậu trong lành, mát mẻ, Tân Phong là "điểm đến" của các tour du lịch sinh thái. 

Qua phà Cái Bè, Tân Phong du khách sẽ có một trải nghiệm du lịch miệt vườn thú vị mà người dân nơi đây thường gọi là “tắm cồn”. Đây là một hòn đảo xinh đẹp được tạo bởi những vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, người dân đôn hậu, hiền lành và mến khách.

Không gian cù lao là một thế giới khác so với nếp sống thành thị náo nhiệt ồn ào. Từ phà đi bộ chừng 10 phút, chúng tôi đến khu du lịch Mekong Ecolodge, một khu du lịch được xây dựng từ nguyên liệu tự nhiên dân dã với mái lá, nội thất tre, gỗ.... Mỗi bungalow được thiết kế theo phong cách nhà dân của địa phương, không gian mở, gần gũi với thiên nhiên, mang đậm nét văn hóa của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Không gian cù lao là một thế giới khác so với nếp sống thành thị náo nhiệt ồn ào.

Lạ miệng với ngó lục bình

Ngày nay, lục bình không chỉ dùng làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mà còn được chế biến thành các món ăn trong bữa cơm gia đình của người dân miền Tây Nam Bộ. Từ nguồn thực phẩm dân dã, người dân nơi đây đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn hấp dẫn từ ngó lục bình.
Lục bình là loài thủy sinh hoang dại mọc khắp nơi trên các ao hồ, sông rạch ở đồng bằng sông Cửu Long. Vốn chỉ dùng thân cây làm đồ thủ công mỹ nghệ, nhưng những năm gần đây ở miền Tây, người dân đã có nhiều sáng tạo trong chế biến và sử dụng lục bình.

Ít ai biết rằng lục bình là loại rau sạch, thuộc nhóm thức ăn xanh chứa hầu hết các acid amin không thay thế, giàu vitamin, và các loại khoáng vi lượng khác. Cọng non lục bình có thể ăn sống chấm nước mắm kho, cá kho, nhúng lẩu; ngó lục bình có thể làm dưa chua, làm gỏi, xào thịt hoặc tép. Trong đó hấp dẫn nhất phải kể đến món gỏi ngó lục bình trộn tôm thịt.


Ngọt thơm hương vị đường phên Bó Tờ

Đến những phiên chợ vùng cao của huyện Phục Hòa (Cao Bằng) sẽ thấy những sạp hàng chất từng phên đường đỏ đậm bắt mắt xếp ngay ngắn đợi người mua. Đó là sản phẩm của người dân xóm Bó Tờ, làng có nhiều thế hệ làm đường phên nổi tiếng của vùng. 

Đặc sản của “vựa mía”


Phục Hòa được xem là “vựa mía” của vùng biên ải phía Bắc của Tổ quốc, với diện tích trồng mía chiếm tới trên 50% diện tích trồng mía của tỉnh Cao Bằng. Ở đây, mỗi năm mía chỉ thu hoạch một vụ. Nhiều nhà trồng làm nguyên liệu cho nhà máy đường Cao Bằng, cũng có người dân Bó Tờ (Thị trấn Hòa Thuận, huyện Phục Hòa) thu mua về làm đường phên. 

Nghề làm đường phên chủ yếu dựa vào thủ công. 

Người Mường đánh thức ma Khú cầu mưa

Cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình. Lễ được tổ chức sau khi gieo hạt, trồng lúa và các loại hoa màu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong sự che chở của thần linh và ước muốn về cuộc sống no đủ hạnh phúc.

Người Mường và tín ngưỡng thờ ma Nước


Với người Mường cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tín ngưỡng giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như sinh hoạt, lao động của họ. Đối diện cuộc sống nơi núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, họ càng cần nhiều hơn niềm tin tâm linh, làm chỗ dựa để vượt qua những khó khăn. Trong số đó, phải kể đến các tín ngưỡng thờ mó nước của dân tộc Mường. Tín ngưỡng thờ mó nước (vó rác) Xuất phát từ nền văn hóa lúa nước và sống ở miền núi, nên các nguồn nước, mạch nước có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống của người Mường.

Thầy Mo múc nước té lên trời. 

Làng làm nghề thầy lang

Cộng đồng người Dao ở Ba Vì, Hà Nội không chỉ giữ được nghề thuốc gia truyền của cha ông xưa với nhiều bài thuốc quý mà còn cùng nhau gìn giữ, phát triển nguồn dược liệu quý, đưa nghề thuốc thành nghề xóa đói giảm nghèo. 

Kế thừa tri thức bản địa của cha ông 


Dưới chân núi Ba Vì (còn gọi Tản Viên Sơn), là nơi có 98% người Dao sinh sống. Vùng núi Ba Vì với đỉnh cao nhất 1.296 m, có môi trường thực vật và động vật vô cùng phong phú, nhất là có nguồn dược liệu quý đa dạng. 

Lương y Triệu Thị Tơ thôn Yên Sơn, Ba Vì, Hà Nội giới thiệu nghề truyền thống và bán thuốc nam chữa bệnh tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.