28 thg 7, 2013

Cửa Lò mùa biển gọi

Nằm trong quần thể du lịch - văn hóa xứ Nghệ, từ lâu bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) đã trở thành điểm du lịch lý tưởng, thu hút rất đông du khách đến nghỉ ngơi mỗi khi mùa hè đến.

Chúng tôi đến Cửa Lò vào những ngày đầu tháng 7, mùa cao điểm du lịch ở đây với những chuyến xe du lịch ra vào liên tục, đưa du khách thập phương tới tận hưởng không khí trong lành của gió biển.

Một người bạn khuyên tôi đến biển Cửa Lò nên dậy sớm đón bình minh, bởi đó là một khoảnh khắc mang dấu ấn riêng với vẻ đẹp huyền ảo hòa quyện giữa mây trời và biển cả. Bình minh trên biển Cửa Lò thật tuyệt khi mặt trời đỏ từ từ nhô lên giữa đại dương mênh mông. Những áng mây rực sắc đỏ càng quyến rũ những du khách dậy tắm sớm trên bãi biển. Thuyền câu mực đêm liên tục cập bãi khiến biển Cửa Lò càng trở nên náo nhiệt bởi khung cảnh mua bán hải sản tươi của ngư dân sau một đêm đi biển trở về.


Lư đồng An Hội

Trong lòng Tp. Hồ Chí Minh sôi động, mặc cho bao thế sự thăng trầm, suốt gần 200 năm nay, ở quận Gò Vấp vẫn tồn tại một làng nghề đúc lư đồng nổi tiếng.

Làng nghề ấy xưa có tên là An Hội, nay là đường Phan Huy Ích ở phường 12, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Trải qua thời gian, nhiều làng đúc đồng nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh như Chợ Quán, Phú Lâm đã bị mai một và chỉ còn trong kí ức, duy nơi này vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến tận bây giờ. Hiện ở đây có khoảng 10 cơ sở chuyên đúc lư đồng theo phương pháp thủ công để cung cấp chủ yếu cho thị trường miền Nam.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất lư đồng của ông Hai Thắng (Trần Văn Thắng). Gia đình ông làm nghề đúc lư đồng theo lối cha truyền con nối tính cho tới nay cũng đã 4 đời. Ông hào hứng kể: “Xưa kia, vào giai đoạn thịnh vượng, lư đồng làng An Hội được đưa đi bán khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh và sang tận Cao Miên, Lào, Miến Điện… Nay tuy nghề không còn thịnh như xưa nhưng tôi vẫn sẽ cố không để nó bị mai một”. Nói đoạn, ông quay sang phía người con trai đang cắm cúi làm và bảo: “Truyền nhân đời thứ 5 nhà tôi đấy. Nó sẽ tiếp tục thay tôi giữ gìn nghề lư đồng này!”.

Nghề đúc lư đồng truyền thống của An Hội đã có gần 200 năm nay.

27 thg 7, 2013

Đi tìm con sá sùng

Một lần, sau khi làm việc với anh em bộ đội biên phòng ở xã Cam Hải Đông (Cam Ranh), mọi người rủ tôi ra một quán nhỏ bên bờ sông Thủy Triều để thưởng thức đặc sản địa phương. Vào quán, thấy ông chủ bưng một rổ con gì ngọ nguậy, dài như chiếc đũa, màu đỏ đen, ông nói: “Con xí sùng (sá sùng) đó”, tôi đã hoảng. Còn anh bạn thì cười: “Đặc sản Thủy Triều đó”. Sau nửa giờ chờ đợi, ông chủ đem lên một bếp than hồng cùng những con sá sùng đã được lộn ruột, trắng tinh. Thấy tôi ngần ngừ, anh bạn “quảng cáo” : “Đây là giống trùn biển, giá chừng 20.000 đồng/kg. Ăn còn ngon hơn mực nướng. Thử mà xem!”. 

Sá sùng còn sống, đem cân bán. Thấy "ngon" không?

Quả đúng vậy! Sá sùng tươi rói, nướng trên bếp rồi chấm muối ớt chanh, ngon hơn mực nướng! Đó là lần đầu tiên tôi ăn sá sùng. Cũng từ hôm đó, tôi mới biết món ăn này chưa phổ biến rộng vì phần lớn những người làm biển, khi rảnh, đợi thủy triều lên xuống, đi dọc ven con nước để bắt sá sùng, chưa có người làm nghề bắt sá sùng chuyên nghiệp.

Hai Mì Gói đi thăm Cà Mau

Dân nhà quê đi ra thành phố người ta kêu là Hai Lúa ra tỉnh, ý hơi coi thường. Nhưng dân thành phố mà về miền quê thì cũng có gì hơn đâu? Cũng ngơ ngáo bỏ xừ! Dzậy thì kêu là gì ha? Kêu là Hai Mì Gói về quê vậy!

Đó là chuyện tui đi Cà Mau lần đầu, tính đến nay đã hơn 10 năm rồi. Chuyện xưa lắc. Thế nhưng chuyện đó đã từng làm rúng động dân nhậu xứ Cà Mau, cho nên giờ phải kể lại để mọi người biết thế nào là lễ độ!


Chuyện là như vầy…

Hồi đó tui kinh doanh máy tính. Một phần là muốn phát triển chuyện mua bán, phần khác là ham dzui, nên tui nghe lời của một chú em ở Cà Mau, lò dò xuống đó để tài trợ cho một cuộc thi tin học của tỉnh.

Bụi đời Chợ Lớn, từ đâu mà có?

A ha, xin nói liền, bài này chả có liên quan gì tới phim Bụi đời Chợ Lớn hết, chỉ mượn tên để ăn theo, để câu view mà thôi. Cũng chả có liên quan gì tới bụi đời hết, nên đáng lẽ chỉ đặt tít là Chợ Lớn, từ đâu mà có? Nhưng có sá gì, thiếu cha gì bài báo ở trên mạng có cái tít tào lao đó mà!

Vậy thì Chợ Lớn, từ đâu mà có?

Câu trả lời là Chợ Lớn từ Biên Hòa mà có! Cụ thể là từ Cù lao Phố  ở Biên Hòa.


Bên ngoài chùa Ông, ở Cù lao Phố - Biên Hòa

Nhìn từ thủy điện sông Đà

Nhà máy thủy điện sông Đà (còn gọi là thủy điện Hòa Bình) là một điểm tham quan thú vị đối với khách du lịch khi đến với tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh các địa danh như Mai Châu, Thung Nai…, tới công trình thủy điện sông Đà, ngoài nhà máy sản xuất điện, du khách cũng sẽ có dịp ngắm nhìn cảnh quan, không gian tươi đẹp xung quanh.

Một góc nhìn về công trình thủy điện sông Đà từ trên cao. Xa xa là dòng sông Đà chảy qua thành phố Hòa Bình. Ngoài nhiệm vụ là nguồn cung cấp chủ lực cho toàn hệ thống điện Việt Nam, Thủy điện sông Đà còn có nhiệm vụ chống lũ và điều tiết nguồn nước phục vụ nông nghiệp cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Công trình này còn giúp cải thiện việc đi lại bằng đường thủy kể cả hạ lưu và thượng lưu sông Đà.

Thanh ngọt chè hoa cau

Từ lâu người ta vẫn thường quen gọi là chè hoa cau, nhưng không phải chè được nấu từ hoa cau mà bởi đỗ xanh vàng ươm như những bông hoa cau rụng xuống, trôi lững lờ trên mặt hồ sớm mai, gợi cảm giác thanh tịnh, ấp ủ nỗi nhớ thương...

Bát chè hoa cau

Nhìn bát chè hoa cau nhỏ xinh, được bày biện trông thật thích mắt, ấy vậy mà những nguyên liệu làm nên bát chè lại chẳng phải là thứ gì xa lạ mà nó chính là tinh túy của thứ sản vật gần gũi, mang đậm hương vị quê hương: bột sắn, nước dừa, hoa bưởi, đỗ xanh... Tuy vậy, chè hoa cau lại được chế biến hết sức tỉ mẩn và người chế biến cũng phải rất tinh tế thì mới cho ra được bát chè hoa cau đúng với hương vị của nó.


Gốm Biên Hòa

Ít ai biết rằng, gốm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã từng vang danh trên làng gốm thế giới vào những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Và cho đến nay, các loại gốm Biên Hòa thời đó vẫn được xem là thứ của hiếm đối với những người chơi gốm cổ.

Biên Hòa được xem là nơi có trường dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương, đó là Trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Bien Hoa) được thành lập vào năm 1903. Đến khoảng năm 1913, Trường đổi tên thành Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa (École d’Art indigène de Bien Hoa). Năm 1923, khi vợ chồng ông bà Robert Balick (Hiệu trưởng) và Mariette Balick (Trưởng Ban gốm) lãnh đạo trường có thể được coi là mốc lịch sử làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa. Bà Balick đã vạch hướng đi riêng cho Ban gốm. Đó là tập trung vào các dòng sản phẩm gốm trang trí nhiều màu sắc, hoa văn chạm khắc đặc sắc, màu men lạ. Đa số những men này được chế tạo từ nguyên liệu tự nhiên như tro rơm, tro lò, thủy tinh (mảnh), cát Đà Nẵng… Những loại men được bà Balick cùng các cộng sự người Việt tạo ra thời bấy giờ là men ta (men làm từ tro), men màu xanh đồng, men đá đổ (men làm từ đá ong Biên Hòa)… 

Gốm Biên Hòa được đúc bằng khuôn.

21 thg 7, 2013

Tuyến đường xe lửa ngắn nhất, mắc nhất và chậm nhất Việt Nam

Ga Đà Lạt được xem là nhà ga độc đáo với nhiều kỷ lục: Nhà ga cao nhất, nhà ga cổ nhất (cùng với ga Hải Phòng), đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất (chỉ có ở Đà Lạt), nhà ga độc đáo nhất và đẹp nhất...

Ga Đà Lạt bây giờ vẫn còn xe lửa chạy trên một tuyến đường - và chỉ một mà thôi - đó là tuyến Đà Lạt - Trại Mát (có thể thêm một kỷ lục nữa là nhà ga xe lửa có ít tuyến nhất không ta?) dài 7 km.

Tuyến đường 7 km này xe lửa chạy trong 30 phút, giá vé là 43.000 đ. Như vậy tốc độ trung bình là 14 km/giờ. Thế là có thêm 3 kỷ lục nữa: Tuyến đường xe lửa ngắn nhất, mắc nhất và chậm nhất Việt Nam!

(Để so sánh, tàu Thống Nhất tuyến ngắn nhất là Sài Gòn - Biên Hòa, 30 km, giá vé ngồi mềm là 16.000 đ, vận tốc của tàu chậm nhất cũng tới 40 km/giờ).

Ngắn nhất, mắc nhất, chậm nhất, vậy có nên đi không? Nên quá đi chớ, vì đây là trãi nghiệm du lịch mà, ăn chơi ngại gì mưa rơi?

Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc Tp. Hồ Chí Minh (Công viên LSVHDT) là địa chỉ văn hóa đặc biệt ở Tp. Hồ Chí Minh. Đây vừa là nơi tham quan vừa có giá trị giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và đồng bào ở nước ngoài về thăm quê hương, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tọa lạc phần lớn trên địa bàn quận 9, Công viên LSVHDT là công trình trọng điểm và quy mô ở Tp. Hồ Chí Minh, được Chính phủ phê duyệt năm 1995 và hoành thành vào năm 2009.

Đền tưởng niệm các Vua Hùng, công trình trung tâm của Công viên LSVHDT.