Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Gia Lai. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Gia Lai. Hiển thị tất cả bài đăng

15 thg 9, 2022

Xã Gào: Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Xã Gào nằm ở vùng ven phía Tây Nam của TP. Pleiku. Với những lợi thế như: không cách quá xa trung tâm thành phố, vẫn còn những ngôi làng Jrai lưu giữ nét văn hóa truyền thống, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình cùng với truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống xâm lược, nơi đây có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến dành cho du khách gần xa.

Di tích lịch sử cấp tỉnh

Đường nhựa, đường bê tông nối liền các thôn làng trong xã đã tạo cho nơi này sự mới mẻ khang trang. Ruộng nương, vườn cao su, cà phê xanh ngát, tươi tốt. Nhà xây khang trang thay thế cho những căn nhà xập xệ, cũ kỹ. Diện mạo của vùng đất từng là địa bàn chiến lược, là nơi đứng chân của Ban Cán sự Khu 9 (tiền thân của Đảng bộ TP. Pleiku ngày nay) trong 2 cuộc kháng chiến đang ngày càng khởi sắc.

Căn cứ cách mạng Khu 9 là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là nơi tham quan thu hút du khách ở xã Gào. Ảnh: P.L

19 thg 5, 2022

"Bãi biển mini" giữa lòng thị xã Ayun Pa

Thời gian gần đây, khu vực bãi cát bồi dọc bờ kè và chân cầu Bến Mộng (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) thu hút nhiều người dân đến vui chơi, dã ngoại. Mọi người ví khu vực này như một “bãi biển mi ni” giữa lòng thị xã.

Dòng sông Ba gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, sản xuất, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân thị xã Ayun Pa. Khác với sự hung hãn vào mùa mưa, thời điểm này, nước sông Ba trong vắt, hiền hòa. Mực nước sông hạ thấp, lòng sông thu hẹp làm nhô lên những bãi bồi với dải cát trắng mịn trải dài, cùng với cánh đồng xanh mướt hai bên bờ tạo khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hữu tình.

Từ trên cầu Bến Mộng nhìn xuống, nơi đây như một “bãi biển mi ni” giữa lòng thị xã. Trước sức nóng của những ngày đầu hè, chiều đến, nhiều người tìm đến khu vực này dạo chơi, hóng mát. Chỉ cần một tấm bạt nhỏ, một ít đồ ăn mang theo, cả gia đình sẽ có một chuyến dã ngoại thú vị. Trẻ em thoải mái chơi đùa, bơi lội, xây lâu đài cát; các bạn trẻ có địa điểm lý tưởng để check-in. Chỉ khi ánh lửa bập bùng đã tắt, những cuộc vui mới dừng, trả lại vẻ yên bình vốn có cho dòng sông.

4 thg 5, 2022

Homestay lung linh sắc hoa ở Đak Pơ

Bước chân vào homestay nhỏ xinh của gia đình chị Trần Thị Bạch Tuyết (thôn Tân Bình, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) ngay cạnh quốc lộ 19, mọi ồn ào như tan biến, chỉ còn lại không gian yên bình, rực rỡ sắc hoa.

Cách đây 6 năm, được gia đình ủng hộ, chị Tuyết bắt đầu cải tạo khu vườn phía sau nhà rộng 700 m². Từ một vài tiểu cảnh, chậu hoa ban đầu, đến nay, chị đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, xây dựng 2 căn phòng tách biệt cho khách lưu trú và bài trí, sắp xếp lại khu vườn.

Chị Tuyết tâm sự: “Tôi là người yêu thiên nhiên, mỗi ngày đi làm về ở trong 4 bức tường thấy rất gò bó nên mới nảy sinh ý tưởng tự làm một góc vườn nho nhỏ để thư giãn, nghỉ ngơi. Đầu tiên, tôi chỉ làm 2 hồ cá nhỏ có hòn non bộ và thác nước chảy, tạo cảm giác mát mẻ cho không gian sống. Dần dần, tôi làm thêm các tiểu cảnh, trồng thêm hoa, càng làm càng thấy đam mê. Hiện khu vườn cơ bản phủ đầy hoa cùng các tiểu cảnh xinh xinh”.

Từ năm 2016 đến nay, chị Trần Thị Bạch Tuyết (thôn Tân Bình, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đầu tư khoảng 1 tỷ đồng xây dựng khu vườn. Ảnh: Ngọc Minh

Homestay - Điểm nhấn du lịch Phố núi

Gần đây, một số cá nhân, doanh nghiệp ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng homestay để phục vụ du khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Nhiều cơ sở được đầu tư kỹ lưỡng, mang đậm “hồn cốt” Tây Nguyên và được du khách yêu thích.

So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, loại hình du lịch homestay xuất hiện khá muộn ở Gia Lai. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, trên địa bàn thành phố có gần chục cơ sở.

Homestay Hani House (số 49/2 Phù Đổng) được nhiều du khách lựa chọn khi dừng chân tại Phố núi. Tuy diện tích không quá rộng, chỉ 8 phòng nghỉ, với trang-thiết bị tối giản, nhưng điểm đặc biệt của homestay này là đã xây dựng một không gian mở, chú trọng đến ánh sáng và vật liệu từ thiên nhiên như: tre, gỗ, đá...

2 thg 5, 2022

Hồ Trà Đa - một đôi mắt khác của Pleiku


Hồ thủy lợi Trà Đa được xây dựng sau giải phóng đất nước năm 1975. Đây cũng là mốc thời gian những cư dân đầu tiên của thị xã Pleiku đến khai khẩn ở vùng đất Trà Đa bây giờ. Ông Bạch Ngọc Tỉnh (74 tuổi, trú tại thôn 4, xã Trà Đa) là một trong số ít những nhân chứng sống của một trong những cuộc di dân thời bấy giờ. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Ngãi, năm 1965, ông cùng gia đình lên Pleiku lập nghiệp. Đến năm 1976, thị xã vận động hơn 100 hộ dân từ trung tâm ra vùng ven Trà Đa để khai hoang đồng ruộng.

Núi Đá hút khách đến ngắm cảnh, check-in

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, rất nhiều người háo hức leo lên đỉnh núi Đá (còn gọi là Đồi 37 pháo binh) ở cuối đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Pleiku) để tham quan, ngắm cảnh, check-in.

Núi Đá cao hơn mực nước biển khoảng 900 m, giáp ranh giữa phường Diên Hồng (TP. Pleiku) và xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Dưới chân núi là rừng thông 3 lá, nương rẫy, ruộng vườn xanh mướt. Lưng chừng núi là hồ nước trong xanh quanh năm với cây cối mọc tự nhiên. Trên núi có những khu đất rộng, khá bằng phằng, rất thích hợp cho việc cắm trại, tổ chức vui chơi.

Núi Đá thu hút khá đông du khách tới tham quan, ngắm cảnh trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Ảnh: Hoàng Cư

14 thg 2, 2022

Ngang qua đỉnh núi mây ngàn

Tôi luôn tự hào mỗi khi ai đó nhắc nhớ về mảnh đất mình đang sống, nơi có những đỉnh núi ngàn năm mây phủ, yên bình và đầy ắp yêu thương.

Chư Đang Ya: Gió hát, mây bồng

Bạn tôi, dân phượt thứ thiệt, luôn vọng ước núi non đỉnh cao để chinh phục, rồi đứng từ chóp đỉnh và tự hào về thử thách bản thân mình đã vượt qua. Bạn ngỏ ý muốn khám phá những ngọn núi lửa cổ dương đã từng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Tôi rủ bạn về Gia Lai và Chư Đang Ya là lựa chọn đầu tiên trong cuộc hành trình. Một ngày cuối năm, nắng vừa thức dậy, chúng tôi hăm hở đi về phía núi.

4 thg 7, 2021

Những cung đường tản bộ trên phố núi Pleiku

Những năm gần đây, Pleiku khá nhộn nhịp dòng người bộ hành miệt mài mỗi sớm, mỗi chiều, như một cách thư giãn rèn luyện sức khỏe. Phố núi với địa hình đồi dốc quanh co, với thung lũng nghiêng triền trở thành nẻo đường lý tưởng cho những người đam mê tản bộ.

Tản bộ ở Pleiku thư thái và yên tĩnh. Người đi bộ tĩnh tâm chiêm nghiệm bao nhiêu điều thú vị, đón một ngày mới đầy năng lượng, hay lãng du sau một ngày làm việc vất vả. Khí hậu quanh năm mát mẻ, có lúc sương mù buông thấp như mơ. Những con đường nhỏ hẹp, quanh co mà đầy tâm tư.

Người thích sự nồng ấm, khoáng đạt thì chọn Quảng trường Đại Đoàn Kết-trái tim của Phố núi. Đi bộ ở Quảng trường khá bằng phẳng, an toàn, tâm hồn thêm thư thái. Cảnh quan nơi đây hài hòa, thảng hoặc ngân lên tiếng chim líu lo trong những vòm xanh cao vút, cây cỏ hoa lá đủ màu đủ sắc cũng góp phần tạo hứng khởi, xả stress rất lý tưởng. Tuy nhiên, không gian ấy như bình địa, người đi bộ nhiều lúc không có được sức rướn cần thiết.

Thung sâu giữa lòng Phố núi

Bên cạnh Đà Lạt thì Pleiku có đặc điểm rõ nhất của vùng đồi núi cao nguyên với nhiều thung lũng tự nhiên đẹp và thơ mộng, hấp dẫn du khách.

Đô thị Pleiku dù "sinh sau đẻ muộn" trong số các thành phố cao nguyên nước ta nhưng điều kiện tự nhiên không thua kém bất cứ đô thị miền núi nào. Đặc biệt, nơi đây xuất hiện sự kiến tạo địa chất với nhiều miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm. Bên cạnh đó, Pleiku có nhiều thung lũng rộng nằm trong lòng và ngoại ô cùng các con suối nhỏ nước chảy róc rách quanh năm.

Ở phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến 4 thung lũng nội đô Pleiku tạo ấn tượng khá đậm nét cho bất cứ ai lần đầu đến thành phố Bắc Tây Nguyên này. Đó là thung lũng phía Bắc, ở cuối đường Tô Vĩnh Diện (gần làng Ốp) thuộc phường Hoa Lư, phía đối diện là Sân bay Pleiku; thung lũng phía Nam trên đường Lê Thánh Tôn, giáp đường Trường Sa, thuộc phường Hội Phú và phường Ia Kring; thung lũng phía Đông, nằm trên đường Tôn Thất Tùng (trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh) quanh qua đường Lê Duẩn, kéo dài đến cầu Ia Sol (đường Cách Mạng Tháng Tám) thuộc phường Phù Đổng và Hội Phú; thung lũng phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng (gần Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh và Trường Tiểu học-THCS-THPT Sao Việt) thuộc phường Tây Sơn. Hầu hết những thung lũng này có diện tích hàng chục héc ta, thuộc đất nông nghiệp; từ lâu được người dân địa phương khai phá để làm ruộng lúa nước hoặc trồng rau màu.

Thung lũng phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) gần Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Ảnh: Phan Lài

26 thg 6, 2021

Những cây đa cổ thụ ở Ia Nueng

Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa-lịch sử độc đáo, trong đó có một số đại thụ gắn liền với ký ức và văn hóa cộng đồng. Tuy vậy, những cây xanh quý hiếm này dường như vẫn chưa được tôn vinh đúng tầm để phát huy giá trị, đặc biệt là trong phát triển du lịch. Làm hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản là một trong những cách cần tính đến.

Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, 1 cây xanh muốn được công nhận là Cây di sản thì phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và văn hóa-lịch sử tùy theo nguồn gốc (cây trồng hoặc cây tự nhiên). Do vậy, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 đại thụ được công nhận là Cây di sản vào năm 2016. Đó là cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Từ khi được công nhận đến nay, cây đa làng Ghè đã được đưa vào các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện cùng với các điểm đến văn hóa-lịch sử, tạo sức hút đáng kể cho du lịch huyện biên giới.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Trên địa bàn thành phố có khá nhiều đại thụ nhưng chưa có cây nào được làm hồ sơ để công nhận Cây di sản. Điểm lại số cây này, ông Hà khẳng định, tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) có 3 cây đa vài trăm năm tuổi, rất xứng đáng được công nhận là Cây di sản.

Cây đa cổ thụ ở làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Lâu nay, Ia Nueng được du khách nhiều nơi biết đến thông qua vẻ đẹp của một ngôi làng điển hình với cây đa, giọt nước. Đặc biệt, hình ảnh 3 cây đa cổ thụ xòe tán lá vạm vỡ che mát cả một vùng đã mang lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.

Già làng Hmrik cho hay: Người dân không còn nhớ ai đã trồng những cây này từ lúc nào, chỉ biết rằng chúng đã sừng sững ở đấy từ xưa rất xưa. Ông chia sẻ: “Cha tôi lớn lên đã thấy mấy cây đa cao lớn như thế rồi, chắc cũng đã qua 3 đời người. Ngày xưa, lễ hội lớn của làng như pơ thi, mừng lúa mới… đều tổ chức dưới gốc đa”.

Già Hmrik kể thêm, trước đây, bà con quan niệm có thần linh trú ngụ trong những cổ thụ này để bảo vệ làng. Ngày còn nhỏ, ông Hmrik từng chứng kiến lễ cúng Thần Cây. Làng ngả thịt con heo, con dê cúng Yàng rồi mỗi nhà đều mang đến 1 ghè rượu. Già trẻ gái trai hòa trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã và những điệu xoang bất tận, vui say trọn 1 ngày.

Có thể thấy rõ một điều, không chỉ là cây xanh đơn thuần về mặt sinh học, những đại thụ này còn gắn liền với ký ức cộng đồng qua hàng trăm năm. Giờ đây, khi phong tục xưa dần mai một, cây lại lặng lẽ làm chứng nhân của nhịp sống thường ngày, ngắm nhìn lũ trẻ lớn lên, vui đùa nơi giọt nước, lắng nghe những cuộc chuyện trò của người làng trong lúc tránh nắng, rì rào che mát cho khách phương xa, lặng im vỗ về bao tâm hồn kiếm tìm sự tĩnh lặng…

Theo chúng tôi, trong số 3 đại thụ kể trên, cây to nhất có chu vi đến hơn 8 người ôm, cao trên 25 m. Phần diện tích nền xung quanh đã được đầu tư lát gạch sạch sẽ, dân làng đều nhắc nhau gìn giữ để những bóng cây luôn xanh mát. “Nếu một ngày nào đó vắng bóng những đại thụ này thì làng sẽ ra sao?”. Già Hmrik chắc nịch câu trả lời: “Mất cây đa, Ia Nueng đâu còn là làng. Ông bà xưa đã dặn dò con cháu không được đốt gốc, chặt cành. Nhờ vậy, cây mới xanh tươi đến ngày nay. Cây đa là linh hồn, là sức mạnh của làng, không được để mất đâu”.

Đối chiếu với những tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, có thể thấy, những cây đa ở làng Ia Nueng đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được công nhận là Cây di sản, vấn đề còn lại là sự quan tâm của chính quyền và các ban, ngành liên quan.

Một khi được công nhận, “di sản xanh” này sẽ góp phần phát huy giá trị vùng đất, khẳng định mục tiêu xây dựng Pleiku trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Cùng với việc phục dựng các lễ hội, nghi lễ gắn liền với chủ thể ấy, thành phố sẽ có thêm một điểm đến lý thú dành cho khách phương xa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa và tạo sức hút khi nhu cầu tìm về với thiên nhiên trong lành đang là xu hướng mà nhiều du khách hướng đến.

Độc đáo món lá mì của người Tây Nguyên

Thời chiến tranh, mì là loại cây nuôi người kỳ diệu, dễ trồng, hợp với đất rừng nguyên sinh, ăn được cả củ và lá. Nhổ một cây lên lấy củ, phải trồng lại mấy lóng hom giống cho người đến sau có cái mà ăn tiếp. Một cách hành xử đầy chất nhân văn.

Cái món lá mì của người dân Tây Nguyên cũng vì vậy trở thành một nét ẩm thực đặc sắc của miền bazan đất đỏ. Phổ biến nhất trong các món ăn từ lá mì với người Tây Nguyên là anhăm kte (cũng gọi là kte pơlang). Lá mì non cả đọt được rửa sạch, vò kỹ thái hoặc giã nhỏ là nguyên liệu chính cho món anhăm kte. Để thêm vị đắng, người ta cho một ít lá đu đủ, vài quả cà đắng. Ngoài ra có thể cho thêm nắm lá yao (loại dây leo còn gọi là rau ngót rừng), là thứ lá cho vị ngọt của mì chính và tạo màu xanh lá cho món ăn.

Món lá mì xào thịt chua. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

20 thg 6, 2021

Ầm ào thác nước H'Mun

Thác H’Mun thuộc địa phận làng Tơ Drăh, xã Bar Măih, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Thác có 2 tầng riêng biệt đổ từ bậc cao đến thấp với dòng chảy rộng. Tầng thứ nhất có các bậc đá trải rộng và thấp nên nước chảy êm nhẹ. Tầng thứ hai cao chừng 20 m có các bậc đá nhấp nhô tạo dòng nước đổ từ trên cao xuống tung làn sương mát rượi với âm thanh ầm ào lan tỏa cả khu rừng, ẩn chứa nét đẹp hoang sơ và hùng vĩ của đại ngàn.

Vào mùa mưa, dòng nước từ thượng nguồn đổ về tạo nên dòng nước trắng xóa, bồng bềnh huyền ảo, sống động. Vào mùa khô, nước ít hơn, dòng thác trở nên hiền hòa, êm đềm. Các khối đá trên dòng chảy cũng nhô ra, loang lổ, đủ mọi hình thù độc đáo.

Xung quanh thác là vách núi sừng sững với nhiều loại cây rừng đan xen. Dưới chân thác là các khối đá trải dài sẽ thích hợp cho du khách làm điểm dừng chân tổ chức các buổi picnic, vui chơi cùng gia đình giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Nhiều bạn trẻ đến vui chơi tại thác H’Mun (xã Bar Măih, huyện Chư Sê). Ảnh: R'Ô Hok

Trải nghiệm cùng thác Yon Tok

Thác Yon Tok thuộc địa phận xã Ia Glai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Nơi đây có sự góp mặt của 3 dòng thác: thác chính ở giữa ầm ào ngày đêm và 2 thác phụ ở hai bên như suối tóc muôn đời chảy mãi. Khi những tia nắng cuối ngày chiếu xuống, thác Yon Tok tựa như dải lụa mềm mại, bồng bềnh trôi.

Thác Yon Tok. Ảnh: Anh Huy

Khám phá bãi đá triệu năm ở Chư Păh

Chúng tôi tìm đến dòng suối có bãi đá đẹp và lạ ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Băng qua những lối mòn, cả nhóm đã thực sự bất ngờ trước khung cảnh thiên nhiên kỳ thú nơi này. Dòng suối mang nhiều tên gọi, nằm giữa xã Ia Phí và thị trấn Ia Ly chảy qua nhiều làng Jrai trước khi đổ ra hồ chứa nước của Nhà máy Thủy điện Ia Ly, đoạn đến làng Vân bỗng trồi lên một bãi đá triệu năm dài hàng cây số.

Bãi đá gồm nhiều đoạn lộ thiên, đặc biệt có hai khu vực rất đẹp, cách xa nhau chỉ độ vài ba chục mét. Ở những nơi này, bên dòng suối, các thanh đá lớn hình lục lăng như đã được bàn tay thần kỳ nào đó sắp đặt theo chủ đích. Chúng đứng cạnh nhau, bằng phẳng và rắn chắc như một khối đông đặc, bất chấp thời gian. Hàng trăm cột đá có hình thù giống nhau, được xếp thành bãi tại đây đã khiến nhiều người gọi nơi này là suối Đá Đĩa, trong sự so sánh với Gành Đá Đĩa-Di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Phú Yên. Điều này hoàn toàn có lý, bởi về hình thức, các bãi đá tại đoạn suối qua làng Vân và di sản đá Phú Yên tương đồng; về niên đại, theo các nhà địa chất, chúng đều đã vượt qua độ tuổi trên 100 triệu năm.

Bãi đá triệu năm ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

12 thg 5, 2021

Du lịch trên chiến trường xưa

Nằm trên đỉnh đồi hướng về những dãy núi điệp trùng của Trường Sơn Đông, Di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng Đak Pơ ghi dấu trận đánh lớn cuối cùng trong kháng chiến chống Pháp ở Tây Nguyên. Công trình này trở thành quần thể kiến trúc nằm giữa hệ sinh thái xanh trên quốc lộ 19, đồng thời là điểm dừng chân thú vị trên tuyến du lịch kết nối đại ngàn Tây Nguyên với biển cả.

Dấu ấn từ trận đánh huyền thoại

Cái nắng tháng 4 khô khát, nhưng khi bước lên hết những bậc cấp của Di tích Chiến thắng Đak Pơ, một quần thể cây xanh phủ bóng trong không gian rộng hơn 1,1 ha làm dịu mát mọi giác quan. Những cây hoa sứ trồng trước khu vực Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ đua nhau nở từng chùm trắng muốt, tỏa hương thơm ngát. Từng gốc bồ đề cổ thụ đang mùa thay lá ra ngàn lộc non.

Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy: "Trả nợ" thiên nhiên

Với tổng diện tích hơn 44 ha, Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy (hẻm 479, đường Lý Thái Tổ, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là không gian tươi mát, trong lành với hồ nước nhân tạo cùng cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn, được trải nghiệm nhiều dịch vụ, trò chơi mới lạ, thú vị.

Ông Trần Văn Đương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Du lịch Xuân Thủy-chia sẻ: “Khu vực này trước đây là mỏ đá. Năm 2015, tôi quyết định dừng khai thác và “trả nợ” thiên nhiên bằng cách tạo một khu du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu của du khách”.

Năm 2016, hành trình cải tạo, đào hồ nước ngọt, trồng cây của ông Đương bắt đầu. Để tạo một khu du lịch tích hợp hiệu quả, ông Đương dành thời gian đi tham quan ở nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào khu du lịch của mình. Ấn tượng là cảnh quan khu du lịch được kiến tạo bởi bàn tay tài hoa của con người và rất hài hòa.

Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy tạo điểm nhấn bằng những mô hình, tiểu cảnh bắt mắt. Ảnh: Thủy Bình

Kỳ bí những hang đá ở Ia Rsai

Núi Voi (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) sừng sững giữa không trung với nhiều lớp đá. Ngồi trong hang trú mưa, nghe kể chuyện đá che chở cho người dân và bộ đội trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà lòng thấy xúc động bồi hồi.

Mới 9 giờ sáng mà ánh mặt trời như muốn thiêu đốt vùng “chảo lửa” Krông Pa. Mồ hôi chưa kịp túa ra thấm vào lớp áo đã vội khô. Vẫn biết leo núi giờ này không khác một cuộc hành xác, nhưng ước muốn khám phá những hang, hốc đá kỳ bí ở xã Ia Rsai được cho là nơi trú ẩn của người dân và bộ đội trong thời kháng chiến chống ngoại xâm cứ thôi thúc chúng tôi dấn bước. Biết chuyện, nhiều người dân tốt bụng ở huyện Krông Pa tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi.

Mất hơn 30 phút đi xe máy trên con đường đất với hàng trăm cú xóc nảy người, chúng tôi đến chân núi Voi. Chỉ tay về hướng núi, anh Hoàng Thái Hà (trú tại xã Ia Rsai) cho hay: “Trên đỉnh núi có mấy hòn đá tảng xếp lớp tạo thành hình một cái đầu con voi nên dân ở đây thường gọi là núi Voi. Đây là điểm khác biệt dễ nhận biết của núi này so với các ngọn khác trong vùng. Đá ở núi Voi lại càng khác biệt. Chút lên trên đó, chúng tôi sẽ chỉ cho mọi người những cái độc đáo”.

Núi Voi (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) nhìn từ xa. Ảnh: Nguyễn Tú

Ân tình Ia Nil

Dòng suối Ia Nil vẫn âm thầm chảy, lặng lẽ ôm trọn làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) bao đời. Trải qua biến thiên thời gian, người Jrai nơi đây vẫn gắn chặt đời mình với chứng tích của những ngày đầu lập làng.

Gần 60 mùa rẫy, già làng Siu Núi đã gắn bó đời mình với những vui buồn bên dòng suối Ia Nil. Ông kể: “Tôi sinh ra đã có dòng suối này. Ngọn nguồn câu chuyện về dòng suối có thể chẳng ai còn nhớ tường tận. Nhưng có một điều đặc biệt là người Jrai chúng tôi đã ăn đời ở kiếp hai bên dòng suối. Nó bảo bọc người làng chúng tôi bao đời nay như một người mẹ hiền. Ân tình ấy chúng tôi mãi trân trọng”.

Già làng Siu Núi (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã gắn bó với dòng suối Ia Nil gần 60 năm. Ảnh: Trần Dung

25 thg 8, 2020

Sông Ba và những cái tên

Những câu, từ trong bài hát Ca ngợi anh hùng Núp của nhạc sĩ Trần Quý: “Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao/Núi mây điệp trùng gió ào ào/Đây sóng nước sông Ba dâng trào/Người Bahnar như đàn chim chơ rao” đã làm cho nhiều người biết đến sông Ba, yêu mến con sông huyền thoại này, dù họ chưa một lần đặt chân đến sườn Đông Trường Sơn-quê hương Anh hùng Núp, nơi có dòng sông Ba miệt mài chảy qua, đưa nước xuống vùng duyên hải Phú Yên. Tuy nhiên, khi chảy qua mỗi vùng miền, đi qua mỗi tộc người, sông Ba lại được gọi bằng những cái tên khác nhau hẳn là điều vẫn chưa nhiều người biết.

Bắt nguồn từ núi Ngok Rô ở độ cao 1.549 m, trên dãy Ngok Linh (thuộc tỉnh Kon Tum), sông Ba chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên để đổ về Biển Đông.


Một góc sông Ba. Ảnh: internet

Tìm hiểu địa danh Lệ Chí, Lệ Cần

Lệ Chí, Lệ Cần là những địa danh được người dân Pleiku biết đến nhiều, gắn với một đặc sản mang tên khoai lang Lệ Cần. Đây là những địa danh được hình thành khá sớm ở Gia Lai.
Từ năm 1957 đến năm 1962, thực hiện chính sách dinh điền, chính quyền Ngô Đình Diệm (Việt Nam Cộng hòa) đã di dân từ đồng bằng ven biển miền Trung lên lập nhiều dinh điền ở các tỉnh Tây Nguyên. Trên địa bàn nay thuộc huyện Đak Đoa, có 2 địa điểm dinh điền được hình thành trong giai đoạn này, đó là dinh điền Lệ Chí và dinh điền Lệ Cần.

Xã Nam Yang, huyện Đak Đoa (xã Lệ Chí cũ). Ảnh: K.N.B