25 thg 6, 2016

Nam kỳ... hai chục tỉnh

Nam kỳ Lục tỉnh là chuyện thời nhà Nguyễn. Khi Pháp cai trị Nam kỳ, họ chia thành 20 tỉnh. Hồi đó không biết ai đã đặt ra một bài nửa giống thơ nửa giống vè để dễ nhớ tên các tỉnh. Bài thơ đó như sau:

Gia Châu Hà Rạch Trà
Sa Bến Long Tân Sóc
Thủ Tây Biên Mỹ Bà
Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc.

Ẩm thực Mai Châu: Đâu chỉ thơm nếp xôi

Từ lâu rồi huyện vùng cao Mai Châu của tỉnh Hòa Bình đã trở thành một điểm sáng của du lịch cộng đồng miền Bắc, nơi du khách được sống trọn vẹn những ngày nghỉ giữa làng bản của đồng bào Thái.


Ở các bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn, bản Bước của Mai Châu, sau những thời khắc hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, sinh hoạt với cộng đồng bản địa, du khách còn được thưởng thức những bữa ăn ngon, sạch và lạ miệng, với cách nấu nướng chế biến đặc trưng của người Thái.

Ăn hải sản "đúng điệu" Vũng Tàu

Đến với thành phố du lịch Vũng Tàu cũng là một ngư trường với nguồn hải sản rất phong phú và đa dạng, sau khi tham quan những danh thắng nổi tiếng và vui đùa với sóng nước biển khơi, du khách còn có dịp thưởng thức những món hải sản tươi ngon ở chợ đêm.

Món ngon rất phổ biến ở Vũng Tàu là ghẹ luộc. Chọn ghẹ tươi rói trong các bể rọng, con cỡ ba ngón tay khép, được bó gọn càng ngoe rồi cho vào nồi, dằn tí muối, đun sôi chừng 10 phút. Ghẹ chín có màu đỏ gạch tôm, con cái có gạch rất ngon, béo, ngọt. Cũng có thể luộc ghẹ với bia, nước dừa, hoặc lót mía dưới đáy nồi, hương vị sẽ tăng lên bội phần! Ghẹ tươi ngon ở chợ Xóm Lưới (phường 2) có giá từ 120.000-200.000 đồng/kg.

Sao Biển – chỗ hẹn hò

Khi chuẩn bị tư thế của một sự thất vọng khi tìm đến khu du lịch nào đó. Ngay cả khu du lịch có tên Sao Biển này. Bởi tôi mới nhìn thấy những hình ảnh qua mạng, mà như mọi người vẫn thường nói sự lừa dối số một chính là những tấm ảnh.

Căn lều có mái tam giác nhỏ bằng gỗ, diện tích chừng 6 m2, đặt vừa vặn trong đó một chiếc nệm.

Sao Biển nằm ở Bình Lập, một địa danh của xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đi theo con đường Cam Lập – Vĩnh Hy khoảng 10 km, bên trái có một con đường nhỏ chồm lên con dốc cao, đó là con đường đi Bình Lập.

Đường lên đỉnh cao nhất dãy Trường Sơn Nam

Chuyến xe khách đưa chúng tôi đến Kon Tum xuất phát từ Sài Gòn lúc 9 giờ tối. Sau một đêm ngon giấc trên xe thì 7 giờ sáng xe dừng ngay trung tâm thành phố này. Sau khi nạp năng lượng bằng một tô phở nghi ngút khói, mua thêm một ít đồ dùng cá nhân và thuê xe máy thì đúng 11 giờ sáng hôm đó nhóm chúng tôi bốn người bắt đầu cuộc hành trình leo núi Ngọc Linh, ngọn núi có đỉnh cao nhất dãy Trường Sơn Nam.

Khung cảnh trên đèo Măng Rơi với những khúc cua tay áo và những thửa ruộng bậc thang xanh tít tắp dưới thung lũng.

Núi Ngọc Linh (gọi chệch âm Ngok Linh của thổ ngữ đồng bào bản địa), với đỉnh cao nhất là 2.605 m so với mực nước biển, nằm trên dải Trường Sơn, phần cao nguyên phía bắc Tây Nguyên, là nơi giáp ranh của ba huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Dak Glei (Kon Tum). Đây là ngọn núi thiêng của đồng bào Xê Đăng, Ca Dong sống ở đầu ngọn nước, nơi khởi thủy của các dòng sông lớn tại miền Trung như sông Sê San chảy sang phía Tây góp nước cho sông Mê Kông và một hệ thống chảy sang phía Đông, đổ trực tiếp ra biển Đông là các con sông Cái, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông Ba chảy qua tỉnh Phú Yên.

Hành hương miền biên viễn

Từ lâu, người ta vẫn đọc cho nhau nghe câu thơ về vùng đất xa xôi nơi biên viễn: “Ai lên Trái Hút Bảo Hà/Nếm mùi phong nguyệt ấy là cảnh tiên”. Đó là vùng đất Bảo Hà (Bảo Yên-Lào Cai), một địa danh nghe lạ mà quen đối với rất nhiều du khách ở mọi miền đất nước. Ngày ngày, Bảo Hà đón hàng trăm lượt du khách hành hương về đây chiêm bái đền Bảo Hà, thăm thú miền đất biên viễn thơ mộng.

Bản làng Bảo Hà nhìn từ đèo cao.

Đền Bảo Hà tọa lạc bên dòng sông Hồng, thờ Thần Vệ quốc, tướng Nguyễn Hoàng Bảy, người có công điều binh khiển tướng, tập hợp các thổ ty, tù trưởng rèn luyện võ nghệ, dẹp loạn thổ phỉ vùng biên ải. Trong suốt cả năm, ngày nào, Bảo Hà cũng đón hàng đoàn du khách nườm nượp về lễ đền Ông, cầu xin Ông phù hộ cho mọi điều được may mắn.

24 thg 6, 2016

Thơ thẩn ở chùa Giác Lâm

1. 
Chùa Giác Lâm - còn gọi là Tổ đình Giác Lâm - tọa lạc tại số 118 Lạc Long Quân, phường 10, Tân Bình là một ngôi chùa cổ. Không chỉ là cổ mà còn là ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn - Gia Định. Chùa được xây dựng từ năm 1744.

Một vài trang web ghi rằng đây là ngôi chùa cổ nhất TP Hồ Chí Minh, với suy nghĩ đơn giản: Sài Gòn hay TP Hồ Chí Minh thì cũng thế! Đâu phải vậy! Vì Sài Gòn đâu phải là TPHCM!

Ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn là Giác Lâm, xây dựng năm 1744, còn ngôi chùa cổ nhất TPHCM là chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức (số 204, đường Đặng văn Bi), xây dựng năm 1721. Cần thấy rằng Thủ Đức thuộc TPHCM nhưng không hề thuộc Sài Gòn ngày xưa!

Rủ nhau đi… ngủ biển

Hè đến, người dân ở các làng dọc bờ biển miền Trung kéo nhau ra biển ngủ qua đêm.

Trời nắng Nam, gió Lào thổi ràn rạt, làng biển Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) kéo nhau ra bờ biển ngủ giải nóng. Mùa hè năm nào cũng vậy, người dân ra biển ngủ ban đêm như một lệ tục đảm bảo tinh thần được sảng khoái. Năm nay, họ ra biển ngủ với một lòng thương nhớ.

Nghi thức xa xưa

Ông Phạm Văn Đồng đã gần 70 tuổi, cuộc đời của ông sinh ra và lớn lên gắn chặt với nghề biển. Bọn trẻ nhỏ trong xóm cứ đến hè lại được ông rủ ra biển ngủ. Làng ông gọi biển là bể và ngủ được gọi là ngáy. Thường chiều muộn, người ở đây vẫn gọi nhau: “Ra bể ngáy ò” (ra biển ngủ nhé).

Ông Đồng kể: “Ngủ biển sáng dậy sức khỏe sảng khoái vì không khí trong lành. Mùa nóng mà không ra biển là chịu không được. Mỗi ngày đều phải ra biển để đi làm nghề, tối ra biển để ngủ cho lại sức, cho mát mẻ là ai cũng ưng”.

Hynos - cứ ngỡ kem đánh răng ngoại

Giống xà bông Cô Ba, sự trở lại muộn màng không đem lại nhiều kết quả cho một nhãn hiệu từng một thời đi xâm chiếm thị trường nước ngoài.

Tôi đã từng sử dụng kem đánh răng Hynos khi còn nhỏ. Đó là những tuýp kem sản xuất cuối cùng của nhà máy Hynos tại miền Nam trước khi bị quốc hữu hóa. Trong trí nhớ về thời thơ ấu đó, tuýp kem màu trắng in rất đẹp với chữ đen và hình ảnh người đàn ông da đen (còn gọi là anh Bảy Chà) cười tươi khoe hàm răng trắng cực kỳ ấn tượng khiến cả một thời gian dài, tôi cứ ngỡ Hynos là hàng ngoại nhập chứ không phải nội hóa…

Những quảng cáo ấn tượng của Hynos

Trong đó có một quảng cáo “bá đạo” nhất mà người Sài Gòn đến bây giờ vẫn không thể nào quên được. Bản thân tôi không có may mắn được xem nhưng hồi nhỏ đi học vẫn được nghe bạn bè kể lại: Đó là ông Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng Hynos, đã dám bỏ tiền thuê diễn viên võ hiệp Hong Kong nổi tiếng lúc đó là Vương Vũ và La Liệt. Có người nói là Vương Vũ hóa ra là anh em họ hàng xa với ông Nghĩa nên mới mời đóng được nhưng nhiều người cho rằng việc trùng họ chỉ là ngẫu nhiên, còn lại cứ bỏ một số tiền lớn là thuê được hết. Trong một đoạn phim ngắn, Vương Vũ là trùm thảo khấu trên núi cao quan sát đoàn xe bảo tiêu (do La Liệt chỉ huy) đang đẩy về, bèn xua quân xuống cướp, hai bên đánh nhau chết hết, chỉ còn Vương Vũ và La Liệt cùng so kiếm. Qua một màn đấu võ tưng bừng, kết quả Vương Vũ thắng và sau đó anh ta leo lên xe bảo tiêu, mở thùng hàng và lấy ra đưa về phía khán giả… hộp kem đánh răng Hynos. Đoạn phim quảng cáo này thường chiếu ở các rạp phim trước khi chiếu phim chính khiến khán giả, nhất là khán giả trẻ vô cùng khoái trá. Tác động của phim vô cùng lớn. Nhưng lý do ông Nghĩa chịu bỏ một số tiền lớn như thế không đơn giản chỉ vì khách hàng trong nước mà đoạn phim đó còn để chiếu ở Đông Nam Á, do nhãn hiệu Hynos cũng bắt đầu tràn sang các thị trường Thái Lan, Singapore, Hong Kong… sau khi trở thành “độc cô cầu bại” ở thị trường trong nước.

Xà bông Cô Ba đánh bay hàng ngoại

Nhắc về xà bông Cô Ba, ông Trịnh Thành Thuận, sinh năm 1944 (quận 9 TP.HCM), vẫn chưa nằm trong số những khách hàng đầu tiên sử dụng xà bông Cô Ba, bởi loại xà bông này đã ra đời từ năm 1932. Lúc ông Thuận xài đang giai đoạn hoàng kim của xà bông Cô Ba. Nó có mặt trên hầu hết các tiệm tạp hóa ở miền Nam và không tính nổi số gia đình lao động xài nó. Bởi loại xà bông này rất tốt, có nhiều bọt, chất lượng không thua xà bông ngoại nhập nổi tiếng của Pháp mà giá lại rẻ hơn rất nhiều.

Khởi nghiệp không phải để làm xà bông

Cha đẻ của xà bông Cô Ba là ông Trương Văn Bền. Ông Bền sinh năm 1883, con nhà buôn bán khá giả. Học giỏi và được Pháp tuyển dụng làm ký lục thượng thư nhưng chỉ hai năm ông nghỉ làm để về buôn bán ở cửa hàng của gia đình. Đến năm 1905, ông mở một xưởng sản xuất và tinh luyện tinh dầu ở Thủ Đức. Xưởng làm ăn phát đạt nên ông có tiền mở tiếp hai nhà máy xay xát gạo ở Chợ Lớn, rồi mở khách sạn nhưng lợi nhuận chủ yếu vẫn từ xưởng tinh dầu.

Đến năm 1918, ông Bền mở xưởng dầu thứ hai. Xưởng này sản xuất “đa hệ” từ dầu nấu ăn đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ. Nhận thấy tiềm năng dừa ở miền Nam rất lớn nên ông Bền đầu tư vào sản xuất dầu dừa và chính từ dầu dừa đã gợi ý cho ông đi đến bước tiếp theo là sản xuất xà bông.