12 thg 11, 2013

Chợ phiên tan rồi còn lưu luyến

Chợ Dào San (huyện Phong Thổ) là chợ vùng cao đặc trưng, điển hình của Lai Châu và cả vùng Tây Bắc.

Chợ tuần họp một phiên vào Chủ nhật, chợ phiên ở độ cao hơn 1.600m so với mặt nước biển là nơi trao đổi hàng hóa, giao lưu, kết bạn và là điểm du lịch đón khách xa gần đến với vùng biên của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ.

Chợ có tự bao giờ khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với người Mông, Dao, Hà Nhì ở vùng này phiên chợ Dào San quan trọng lắm. Ở nơi heo hút gió này, phiên chợ hiện lên như một bức tranh đa sắc, đáng thưởng ngoạn hơn hết với bất cứ khách du lịch nào từng đến với Lai Châu.

Muôn sắc thổ cẩm quyện tụ trong phiên chợ Dào San vào ngày Chủ nhật

11 thg 11, 2013

Chùa Hang và những truyền thuyết tâm linh

Chùa Hang là tên dân gian thường gọi của Thiên Sanh Thạch tự (còn có tên chữ là Thạch Cốc), nằm ở lưng chừng núi Chùa thuộc thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, H.Phù Mỹ (Bình Định). Tương truyền ở đó có hai con đường để lên trời và xuống âm phủ.

'Mái che' của chùa Hang - Ảnh: Lê Xuân Thọ 

Núi Chùa có tên chữ là Lý Thạch, còn được gọi là La Hơi. Tương truyền, khi trời nắng hạn, nếu nghe trên núi có tiếng ồ ồ như xay lúa thì trời sẽ liền đổ mưa.

Truyền kỳ chùa Hang

Theo trụ trì chùa Thiên Sanh, đại đức Thích Nhuận Tín, thì chùa được khai sơn vào năm 1613 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ tư liệu lịch sử nào đề cập chính xác điều này. Một vài tài liệu khác thì cho rằng, sau khi chùa Thập Tháp Di Đà (ở TX. An Nhơn, Bình Định) xây dựng thì đạo Phật phát triển. Nên vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, có người đến hang đá ở thôn Hội Khánh kiến tạo thành chùa để tu hành, gọi là chùa Hang. Ban đầu chùa còn hoang sơ, bày biện đơn giản, mãi đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và về sau thì chùa mới được tu chỉnh quy mô. Hiện có hai truyền thuyết về chùa Hang.

Hổ trắng và đôi rắn khổng lồ ở thành Thọ An

Ở thôn Thọ An, xã Bình An, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện còn một cổng vòm rêu phong che phủ. Rất ít người biết đó là cổng thành Thọ An thuộc căn cứ Tuyền Tung một thời của nghĩa quân Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân trong phong trào Cần Vương.

Căn cứ Tuyền Tung


Cổng thành Thọ An - Ảnh: Phạm Anh 

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, căn cứ Tuyền Tung được xây dựng từ năm 1870 do đích thân tú tài Nguyễn Tự Tân (quê ở xã Bình Phước, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) xây dựng.

Lợi dụng chính sách khai hoang lập điền của triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Tự Tân chiêu mộ nông dân yêu nước lên vùng Tuyền Tung (thôn Thọ An, xã Bình An, H.Bình Sơn bây giờ) lập căn cứ địa, luyện tập hương binh và chuẩn bị lương thực chiến đấu lâu dài. Thành Thọ An ở căn cứ Tuyền Tung lập năm 1870, vốn có địa thế hiểm trở vì được núi rừng bao bọc bốn bên, lại có đường thông với bắc, nam và phía tây. Thành được xây lên bằng đá cuội tròn và đá ong. Bên ngoài có cổng thành, bên trong có sân rộng, nhà hội họp bàn việc. Cổng thành xây dựng theo lối vòm, cao khoảng 6 m, trên đình vòm cổng đầu hành lang có 4 chốt gỗ tạo thành hai lớp cửa bên trong và bên ngoài.

10 thg 11, 2013

Nhà thờ đá Ghềnh Ráng

Nằm trong khu du lịch nổi tiếng Ghềnh Ráng, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về phía Đông Nam, Nhà thờ đá là một nơi tham quan khá thú vị, nhưng có nhiều du khách bỏ qua do không biết hay không chú ý bởi cổng vào nhà thờ hơi bị khuất, và tâm điểm của du khách khi đến Ghềnh Ráng thường là khu mộ Hàn Mặc Tử và các cụm di tích khác…

Đối diện khu mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm trên đồi cao, Nhà thờ đá khuất sâu phía dưới, về hướng biển. Đứng trước cổng gỗ đơn sơ du khách khó tưởng tượng được quang cảnh thơ mộng bên trong. Bước qua cổng gỗ, một không gian xanh mát khiến bước chân tò mò của du khách bị cuốn theo (lên, xuống) con đường lát đá, càng đi càng cảm thấy bị chinh phục bởi khung cảnh yên bình và ấm áp. 



Về quê quan họ ăn nhiều món ngon

Vùng đất Kinh Bắc thiết tha và thanh bình trong từng câu quan họ của các liền anh liền chị còn khiến người ta muốn ở lại mãi vì những món ăn ngon, thanh đạm, giản dị mang hơi ấm ruộng đồng.

Chẳng cần đến câu hát “người ơi người ở đừng về” thì khách du lịch mới đắn đo và luyến tiếc khi rời xa Bắc Ninh. Một vùng đất nổi tiếng với câu hát quan họ, với áo mớ ba mớ bảy và chiếc nón quai thao cùng kiến trúc chùa chiền độc đáo đủ để bất cứ ai ghé qua đều quyến luyến. 

Đấy là không kể giữa khung cảnh nên thơ đặc trưng Bắc Bộ, thưởng thức những món ngon lấy nguyên liệu từ đồng ruộng: bánh đa, bánh đúc, cháo thái, tương… sẽ cho chúng ta trở lại bản vị nguyên sơ và tuyệt vời nhất, để đến khi chào tạm biệt chỉ có thể thốt lên: Ôi, Kinh Bắc! 


Cá chạch bùn nấu mẻ

Là đặc sản vùng sông nước cù lao, cá chạch chắc thịt và ngon ăn nhất khoảng từ tháng 10 âm lịch cho đến tết. Nhưng giờ du ngoạn về An Giang, bạn sẽ được giới thiệu thêm các món ăn thú vị làm từ cá chạch bùn.

Chuẩn bị cho món chạch bùn nấu mẻ - Ảnh: Hoài Vũ

Cá chạch có nhiều loại: chạch khoan, chạch rằn, chạch bông, chạch lấu… nhưng phổ biến nhất là chạch sông, con to bằng hai ngón tay, mình dẹp, đầu nhọn. Chúng thường ẩn mình dưới những lớp bùn hoặc đeo bám theo các giề lục bình, nơi sông sâu nước chảy.

Gần đây còn có thêm loại cá chạch nuôi trong ao hồ xuất xứ từ Nhật và Đài Loan, được các cơ sở sản xuất cá giống tại Việt Nam gọi là chạch bùn. Vì đây là mô hình còn đang nuôi thử nghiệm, giá cá còn cao (350.000 - 500.000 đồng/kg) nên không phải dễ tìm mua.