7 thg 5, 2014

Về qua Long Khánh

Tình cờ tôi về ngang qua quê nhà Long Khánh đúng vào ngày 21 tháng Tư, ngày mà 39 năm trước ở nơi này quân đội Việt Nam Cộng Hòa thất thủ. Hai bên con đường Hồ thị Hương hoa bằng lăng nở tím, đẹp và buồn đến nao lòng.

Quốc lộ 1 đoạn đi qua Long Khánh không hiểu vì lý do gì gấp khúc thật dữ (gẫy thành một góc nhọn luôn chứ không phải "cong mềm mại" như đường Trường Chinh ở Hà Nội). Xưa giờ xe đi từ Sài Gòn ra Trung đều phải đi qua đoạn gẫy đó. Sau này người ta mở rộng và nối dài con đường Hồ thị Hương đi từ Cua Heo ra thẳng tới xã Bảo Hòa thuộc huyện Xuân Lộc luôn, giảm đáng kể đoạn đường đi.

Quốc lộ 1 (màu vàng) gồm 2 đoạn gấp khúc, đường Hồ thị Hương nối liền 2 đoạn gấp khúc đó.


Khi tôi còn ở Long Khánh, con đường này không dài như vậy (hoặc nếu có là đường nhỏ, khó đi lại) và nó cũng không mang tên đường Hồ thị Hương. Hồi đó đây là đường Nguyễn văn Bé!

Nguyễn văn Bé là ai?

Theo thông tin từ phía cách mạng, Nguyễn văn Bé là một anh hùng lực lượng vũ trang, sinh năm 1941. Năm 1966, ông bị bắt trong một chuyến vận chuyển vũ khí. Theo yêu cầu của các binh sĩ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Bé phải giải thích công dụng của các loại vũ khí này. Lợi dụng cơ hội đó, Nguyễn Văn Bé cầm quả mìn Claymor đập vào một chiếc xe tăng, làm chết 69 binh sĩ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, cùng nhiều xe tăng; hy sinh tan xác tại chỗ.

Phía cộng sản đã tuyên truyền, giới thiệu Nguyễn văn Bé như một anh hùng, dũng sĩ, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Hình và tên Nguyễn văn Bé được in trên áp phích, trên tem thư. Tên ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố.

Tem thư in hình Nguyễn văn Bé

Thế nhưng theo tạp chí Time của Mỹ thì không phải vậy, mà sau khi bị bắt Nguyễn văn Bé đã đầu hàng theo chính sách chiêu hồi của Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 4/1967, phía VNCH cho phổ biến một bức hình Nguyễn văn Bé đang đọc tin... mình hy sinh trên báo Tiền Phong, cùng thư của ông viết để đính chánh là mình... chưa chết!


Thế nhưng phía Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng Miền Nam cho rằng đó là do bộ máy tuyên truyền của Mỹ và VNCH dựng chuyện, còn thật sự là Nguyễn văn Bé... hy sinh rồi! Và họ vẫn tôn vinh ông!

Theo một số nguồn tin, sau 1975 Nguyễn văn Bé đã sang Mỹ và mất tại đây năm 2002 (vì bệnh già, không phải vì cho nổ mìn Claymore để giết Mỹ!).

Lê văn Tám đã một thời được tôn vinh anh hùng, nhưng rồi đã được xác nhận chỉ là nhân vật bịa đặt, không có thật. Còn Nguyễn văn Bé cũng được tôn vinh anh hùng thì là một nhân vật có thật, nhưng không phải là anh hùng diệt Mỹ mà là một người hồi chánh!

Những sự thật này cho đến giờ đã quá nhiều người biết, nhưng vẫn chưa có sự thừa nhận công khai từ phía chính quyền. (Thừa nhận rằng mình nói dóc quả là khó khăn nhỉ?). Dù vậy, để tên đường Nguyễn văn Bé rõ ràng là không ổn, nên chính quyền thị xã Long Khánh lặng lẽ đổi tên đường thành Hồ thị Hương cho nó êm...

Thế thì Hồ thị Hương là ai?

Hồ thị Hương là một chiến sĩ cách mạng, sinh năm 1954 tại Bình Định, hoạt động trinh sát tại Long Khánh và hy sinh vào tháng 1/1975 (chi tiết về Hồ thị Hương xin xem tại đây). Chiến công được nhắc đến nhiều nhất của cô là trận đánh quán Ngọc Hương ở Long Khánh ngày 1/11/1974, cô cùng 2 người bạn gái khác giả dạng là thiếu nữ vào quán và gài chất nổ, làm 15 người chết.

Thuở còn sống, ba tôi thường nhắc về sự kiện này với sự bực bội: Việt Cộng nói dóc, vụ nổ đó tao biết mà, đâu có chết ai! Con nhỏ đó làm được cái gì đâu! (Ba tôi sinh năm 1936, lớn hơn Hồ thị Hương 18 tuổi nên gọi cô là con nhỏ đó là bình thường. Thời điểm xảy ra vụ nổ, ông 38 tuổi, đang làm công chức ở Long Khánh và bạn bè ông là những người thường lui tới quán Ngọc Hương).

Cứ cho là ba tôi có định kiến với chính quyền cách mạng và thông tin ông biết là không chính xác đi, cứ cho là Hồ thị Hương có nhiều công trạng lớn mà ông không chịu tìm hiểu đi... nhưng một chế độ có nhiều sự dối trá quả là khiến cho ta việc gì cũng phải bán tin bán nghi, chẳng biết đâu là sự thật!

Và nếu Hồ thị Hương là anh hùng thật sự đi nữa, thì e rằng so với biết bao nhiêu minh quân, danh tướng, anh thư trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dân tộc ta công lao của cô cũng không xứng là gì để được đặt tên cho con đường lớn nhất nhì Long Khánh! Đâu phải chẳng có tên ai xứng đáng?

Đường Hồ thị Hương, đoạn sắp ra tới Bảo Hòa

Tôi nghĩ vẩn vơ như thế suốt con đường Hồ thị Hương cho đến khi xe ra quốc lộ 1 ở xã Bảo Hòa, Xuân Lộc tiến về Bình Thuận. Cái được lớn nhất khi đi qua con đường này ngoài việc rút ngắn đoạn đường là không đi qua đài Kỷ niệm Chiến thắng Xuân Lộc trên quốc lộ 1. Trong cái ngày 21 tháng Tư này đi qua nơi ấy càng gợi lên nhiều hồi ức đau khổ.

Xe đã rời Long Khánh. Giã biệt quá khứ ngổn ngang của một thời ly loạn...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét