8 thg 4, 2012

Hột vịt lộn Thu Hà

Hột vịt lộn Thu Hà là một món đặc sản nổi tiếng ở Biên Hòa mà có lẽ hầu hết người dân Biên Hòa (và cả người phương xa đến Biên Hòa) đều biết.

Quán nằm trên đường Phan Đình Phùng, chỗ góc Hưng Đạo Vương - Phan Đình Phùng. Quán nổi tiếng và... chảnh tới mức không thèm có bảng hiệu, ai biết thì đến, không biết thì thôi! Nói đùa thế thôi, hột vịt lộn ở đây nổi tiếng từ rất lâu rồi, nên không cần bảng hiệu người ta vẫn tới ăn nườm nượp. Không có bảng hiệu, bạn cứ nhìn chỗ nào người ngồi đông nghẹt (trong quán và trên lề đường, có khi cả bên kia đường) mà ghé vào là đúng!

Quán chỉ bán từ 5-6 giờ chiều đến khoảng 8-9 giờ tối.

Người ta nói rằng hột vịt lộn ở đây ngon vì những lý do sau:
  • Hột vịt lộn mua vào được tuyển chọn bằng máy soi, đạt loại xịn mới mua. Do đó hột vịt "lộn" vừa phải, không quá già, không quá non, miếng mề đủ giòn giòn để nhai mà không cứng.
  • Hột vịt được luộc bằng nước dừa nên có mùi vị rất đặc biệt.
Ngoài ra, gia vị (muối tiêu, chanh, ớt) cũng được pha chế rất ngon.




Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới?

Thằng cha Richard Johnson viết một cuốn sách là The World's Best Street Food (Món ăn đường phố ngon nhất thế giới). Cuốn này ngày 9 tháng 3 năm 2012 mới ra mắt, nhưng hắn ta PR trước bằng cách trích giới thiệu trên tạp chí The Guardian.

 Bánh mì Việt Nam. Ảnh: Richard Johnson

Trong 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới mà hắn ta giới thiệu có món bánh mì Việt Nam (xem tại đây). Báo chí Việt Nam khoái quá, nô nức giới thiệu lại (xem một ví dụ tại đây).

Đọc tin này tui vừa hãnh diện vừa chạnh lòng.


8 thg 3, 2012

Chùa Nam tông ở Đồng Nai

Chùa Nam tông ở Việt Nam tập trung phần lớn tại miền Tây Nam bộ, chủ yếu là Nam tông Khmer. Ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Nam tông có 19 ngôi, trong đó có 17 ngôi chùa Nam tông Kinh và 2 ngôi chùa Nam tông Khmer, chiếm khoảng 15% trong tổng số 1.121 ngôi tự viện. Trong số các ngôi chùa Nam tông này, lớn nhất là Tổ đình Bửu Long ở quận 9. Điều lý thú là ngôi chùa này do cư sĩ Võ Hà Thuật quê ở Bửu Long, Đồng Nai dâng đất cúng dường, và sau đó là trụ trì chùa, pháp danh Lão Tâm (đó cũng là nguyên do chùa mang tên Bửu Long).(Xin xem: Tổ đình Bửu Long)

Thế còn ở Đồng Nai, có ngôi chùa Nam tông nào không? Theo số liệu thống kê của Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai thì là KHÔNG: Tự viện: 478 cơ sở (260 chùa Bắc tông; 08 Thiền viện; 12 Tu viện; 38 Tịnh xá; 124 Tịnh thất, Thiền thất; 33 Niệm Phật đường). Ngoài ra còn có 455 am cốc. (Xin tham khảo tại: http://www.giaohoiphatgiaovietnam.vn/thpg-dong-nai/211-tinh-hoi-phat-giao-dong-nai.html).

Thật ra là có đấy các bạn ạ, ngôi chùa Nam tông này không nằm đâu xa xôi mà ở ngay tại thành phố Biên Hòa, trong một khuôn viên khá rộng: 4.000 m2. Bạn là dân Biên Hòa, bạn có bất ngờ với thông tin này không?

Đó là chùa Bửu Đức.

Chùa cổ ở Biên Hòa

Chùa Bửu Phong - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Theo ghi chép chính thức thì Biên Hòa có 3 ngôi chùa cổ.

Xưa như thế nào thì gọi là chùa cổ? Biên Hòa được thành lập vào năm 1698, cách nay hơn 3 trăm năm. Những ngôi chùa xây dựng trước năm 1698 tại Biên Hòa được gọi là cổ tự.

Ba ngôi chùa đó là:
  • Chùa Đại Giác ở Cù lao Phố
  • Chùa Bửu Phong trên núi Bửu Phong (còn gọi là núi Bình Điện)
  •  Chùa Long Thiềng ở Bửu Hòa (nhiều nơi gọi là Long Thiền, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng Long Thiềng mới đúng, chữ Thiềng do chữ Thành đọc trại mà ra)

Núi Châu Thới

Nói núi Châu Thới là danh thắng của Đồng Nai là không đúng, nếu xét theo... hộ khẩu. Bởi vì núi Châu Thới ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Thế nhưng với những người lớn tuổi ở Biên Hòa, Đồng Nai thì núi Châu Thới ở Biên Hòa, bởi vì từ xưa tới giờ là vậy. Dĩ An thuộc Biên Hòa, chỉ mới tách ra để thuộc Bình Dương sau này thôi.

Nếu xét theo vị trí địa lý, núi Châu Thới chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hòa có 4 km, trong khi cách thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) tới... 20 km. Đi dọc bờ sông Đồng Nai ở Biên Hòa, ngó qua bên kia sông là đã thấy núi Châu Thới, còn ở Thủ Dầu Một thì đố mà thấy!

Núi Châu Thới, nhìn từ một quán cafe bờ sông ở Biên Hòa 

Linh Sơn đâu đây, buông tiếng chuông ban chiều

Nếu không có bài hát Thương về miền đất lạnh của Minh Kỳ với câu hát ngân nga:

Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào
Cho thế nhân thôi, rũ hết u sầu để lòng quay về bến yêu

 

thì có lẽ khách phương xa ít biết đến ngôi chùa Linh Sơn ở Đà Lạt.

Cũng phải thôi, vì chùa Linh Sơn không có cảnh quan và kiến trúc bề thế, thơ mộng như Thiền viện Trúc Lâm, không phải có bề dày lịch sử như Tổ đình Linh Quang, lạ lẫm như chùa Thiên Vương Cổ Sát (chùa Tàu)...


Cổng chùa Linh Sơn - Ảnh: Kinh Luân SGTT online

5 thg 3, 2012

Nếu bạn nghe được lời thì thầm của Quy Nhơn


“Người Quy Nhơn tin rằng trong lời sóng biển ru có nhắc đến tên của những đứa con đi xa. Tôi tin là trong bài hát ru của biển Quy Nhơn giờ đã có lời hát gọi tôi. Một phần trái tim tôi, một phần ánh mắt tôi đã là của Quy Nhơn”. Bạn tôi, chỉ sau một lần đến với Quy Nhơn đã tin rằng sóng biển Quy Nhơn đã gọi tên mình.

Hoàng hôn trên đầm Thị Nại
Tiếp cận với Quy Nhơn

Quy Nhơn cũng giống như khá nhiều thành phố nho nhỏ, dân cư thưa thớt khác ở miền Trung. Nhiều người khi mới đến Quy Nhơn tỏ ý không hiểu vì sao dọc đại lộ, ven các lối đi, dưới các rặng cây xanh ở khu vực trung tâm thành phố, dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành lại có rất nhiều ghế đá. Đến khi trở lại khu vực này vào sáng sớm, khi chiều muộn họ à ra thích thú. Cùng với cái giống cũng có những nét khác, Quy Nhơn có nhiều công viên, cây xanh, nhiều khu đất vàng của thành phố được bố trí làm khu vui chơi cho trẻ em, là chỗ để người già thư giãn, tập thể dục và tán chuyện.

24 thg 2, 2012

Xe lửa qua phà

Xe lửa làm sao mà qua phà được?

Tại sao xe lửa lại phải qua phà?

Chuyện tưởng như bịa này hóa ra lại có thật 100%, mà bức ảnh sau chính là minh họa rõ nét nhất.
Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Chuyến tàu đầu tiên của tuyến đường sắt này là sáng 20-7-1885. Tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Ðông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho.


22 thg 2, 2012

Đà Lạt từ trong nhìn ra

Đà Lạt đáng yêu nhất khi nhìn ra từ bên trong quán cà phê. Cái đẹp ấy được nhân lên lộng lẫy qua những phản chiếu và khúc xạ từ những cửa sổ kính của quán trong nhà hay những tấm kính chắn gió của những quán lộ thiên. Những lộn xộn, bừa bãi trong kiến trúc hay quy hoạch chung biến mất. Chỉ còn những mảng màu dội vọng long lanh trong nắng hay khuếch tán đằm thắm qua màn sương sớm.

Cùng với sương mù, bóng tối là thứ phấn son mà trời đất ban phát cho thành phố. May mắn thay Đà Lạt vẫn có cả hai. Đà Lạt đẹp nhất về đêm nhờ những mỹ phẩm tự nhiên ấy. Khi những vết sẹo trên dung nhan được màn đêm nhân từ che giấu, Đà Lạt đẹp đến mê hoặc. Và mặt hồ Xuân Hương biến thành một tấm gương khổng lồ cộng hưởng mọi sắc màu của ánh đèn đô thị.

Tôi thích ngồi trong những quán cà phê nhìn ngắm Đà Lạt bên ngoài, mưa hay nắng, ngày hay đêm, sương mờ hay quang đãng. Từ trong nhìn ra, Đà Lạt vẫn yêu kiều. Cái yêu kiều đó là món chiêu đãi tôi dành cho những người bạn phương xa thất vọng vì trót yêu Đà Lạt. Và chiêu đãi cả những người bạn Đà Lạt đang chán chường chốn này. Tổng thể còn lâu mới hoàn hảo nhưng chi tiết quyến rũ vẫn còn nhiều. Nếu không tìm thấy những chi tiết đó, chính tôi cũng sẽ bỏ đi.


 Đà Lạt thật và ảo phản chiếu ngược xuôi qua nhiều tấm kính trong và ngoài ở quán cà phê Hà Linh.

Biên Hòa bắt đền Quy Nhơn

Hồi năm 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam để lập ra 2 dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa) và Phiên Trấn (tức Gia Định). Hai nơi này được thành lập cùng một lượt nên khi Sài Gòn kỷ niệm 300 năm thành lập (năm 1998) thì Biên Hòa cũng kỷ niệm 300 năm luôn.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù lao Phố

Tuy lập cùng một lúc nhưng khi ấy Trấn Biên (Biên Hòa) mới là xịn, còn Phiên Trấn (Sài Gòn - Gia Định) thì... chỉ là đồ xơ-cua thôi!

Ngay khi thành lập (1698), Biên Hòa đã có cù lao Phố lừng lẫy rồi, cù lao Phố được sách Tàu gọi là Nông Nại Đại Phố (Tàu họ đọc Đồng Nai thành Nông Nại!), sách Việt gọi là Giản Phố, Đông Phố... Tóm lại là thành phố lớn. Còn lúc đó Phiên Trấn đâu có cái gì đâu!