4 thg 6, 2020

Đến Sóc Trăng nhớ ăn bánh bầu

Trong vô số những loại bánh dân gian tại Sóc Trăng, có một loại bánh nghe tên vô cùng dân dã nhưng rất ít được biết đến và có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại bánh này cũng đã được “hồi sinh” và đang được phổ biến tại TP. Sóc Trăng. Tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 7 năm 2018 tổ chức tại TP. Cần Thơ, món bánh này đạt huy chương vàng; tại Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” năm 2019, tiệm bánh kem Ngọc Lan cũng đạt giải nhất gian hàng đẹp với các loại bánh dân gian, trong đó chủ lực vẫn là loại bánh này. Đó là bánh bầu, loại bánh có nguyên liệu chính từ trái bầu.

Trái bầu ngoài việc chế biến thành nhiều món độc đáo khác nhau trong bữa cơm hàng ngày thì từ xưa ở các vùng quê xa xôi TX. Vĩnh Châu, huyện Châu Thành của Sóc Trăng, trái bầu còn được dùng làm bánh, vừa thay đổi khẩu vị vừa giúp cho các món ăn làm từ bầu thêm phong phú hơn. Bánh bầu có 2 loại, ngọt và mặn, được chế biến từ các nguyên liệu chủ yếu gồm trái bầu non, bột gạo, tôm (tép), nước cốt dừa, hành lá, bột cà-ri…

Đối với loại bánh bầu ngọt, cách làm khá đơn giản, bầu trái gọt vỏ, bào lấy sợi bỏ ruột. Tiếp theo, bột pha với nước cốt dừa, nêm ít muối, đường, bột nêm. Sau đó, trộn đều phần bột này với bầu đã bào sợi và cho hỗn hợp vào xửng đã thoa một ít dầu. Bánh được cách thủy khoảng 30 phút. Khi bánh gần chín, bỏ thêm hành lá vào trên mặt để trang trí. Bánh bầu ngọt được dùng với nước cốt dừa. 

Đến Sóc Trăng nhớ thưởng thức hương vị đậm đà của bánh bầu. 

Riêng bánh bầu mặn cũng chế biến như bánh bầu ngọt nhưng không cho đường vào, bánh hấp đến khi gần chín thì cho phần nhân và hành lá lên phía trên mặt bánh. Để làm nhân bánh, tôm băm nhỏ xào sơ nêm nước mắm, đường, ít bột cà-ri cho có màu vàng, bắt mắt. Nước chấm cho bánh bầu mặn không chỉ có nước cốt dừa mà còn có ít nước mắm chua ngọt để tăng thêm vị ngon và giảm độ béo của bánh.

Thời điểm hiện tại, đến Sóc Trăng muốn ăn bánh bầu đúng điệu thì nhất định phải đến tiệm bánh kem Ngọc Lan trên đường Ngô Gia Tự, Phường 6 (TP. Sóc Trăng). Đến tiệm bánh Ngọc Lan để thưởng thức bánh bầu bởi vì đây chính là nơi hồi sinh cho loại bánh tưởng như thất truyền và còn cải tiến loại bánh này cho phù hợp với thị hiếu của thực khách. Cô Huỳnh Ngọc Lan, chủ tiệm bánh kem Ngọc Lan cho biết: “Bánh bầu dù có từ lâu nhưng ít người ở Sóc Trăng biết được món bánh này, gần như thất truyền nhiều năm, tôi sưu tầm từ các xã vùng ven TX. Vĩnh Châu. Bánh bầu được làm từ bột gạo, bầu và nước cốt dừa. Bánh bầu tiệm bánh kem Ngọc Lan gồm có 3 nguyên liệu chính: bầu da xanh, bột gạo, nước cốt dừa, nêm nếm thêm một số gia vị cho đậm đà, cải tiến thêm để mẫu mã, hình thức bắt mắt. Bánh vẫn luôn giữ nguyên cốt cách, nguyên liệu như ông bà truyền lại nhưng cách tân, sáng tạo về màu sắc, kiểu dáng cải tiến để bánh thêm bắt mắt và tăng hương vị”.

Được biết, cô Huỳnh Ngọc Lan là một cựu giáo viên vì đam mê với công việc làm bánh nên đã tự học hỏi, tìm tòi để trở thành nghệ nhân làm bánh và giờ là chủ tiệm bánh Ngọc Lan. Tuy kinh doanh chủ yếu là bánh kem nhưng niềm đam mê của cô Huỳnh Ngọc Lan chính là những loại bánh dân gian. Cô Huỳnh Ngọc Lan chia sẻ: “Tôi rất đam mê về lĩnh vực bánh trái, đặc biệt là bánh dân gian. Bánh dân gian ngoài chợ bán rất nhiều, tôi có suy nghĩ làm sao thay đổi về chất lượng, mẫu mã, hình thức cho bánh dân gian ngang tầm với những dòng bánh Âu mà giới trẻ hiện nay rất thích. Bánh bầu là món đặc trưng của tiệm, tuy nhiên tiệm còn sưu tầm và thực hiện khoảng 50 loại bánh dân gian”.

Với mong muốn làm sống lại dòng bánh dân gian, bên cạnh những buổi trưng bày, mở lớp dạy học viên, cô còn đưa hương vị quê nhà đến với bạn bè gần xa qua các liên hoan, hội chợ. Và tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 7 năm 2018 tổ chức tại TP. Cần Thơ, món bánh bầu mà nghệ nhân Ngọc Lan dự thi đã đạt huy chương vàng và Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” năm 2019, tiệm bánh kem Ngọc Lan cũng đạt giải nhất gian hàng đẹp với các loại bánh dân gian, trong đó chủ lực vẫn là bánh bầu.

KGT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét