4 thg 6, 2020

Nghề làm muối Vĩnh Châu

Không rõ nghề làm muối ở Vĩnh Châu có tự năm nào, chỉ biết xứ Bạc Liêu xưa (vùng tiếp giáp với TX. Vĩnh Châu ngày nay) có đồng muối rộng hơn 1.400ha.


Từ trước những năm 1940 đã có các lô muối xếp song song như nan quạt kể từ giồng nhãn ra đến nơi tiếp giáp dãy rừng ngập mặn cặp với mé biển. Nhiều tài liệu viết về công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (người dân Bạc Liêu gọi là cậu Ba, Hắc công tử), cha là ông Hội đồng Trần Trinh Trạch, sở hữu cả vùng đồng muối tất cả gồm 74 sở điền, với 110.000ha. Bạc Liêu lúc bấy giờ gồm 4 quận (Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai). Tỉnh có 13 lô ruộng muối thì có 11 lô là của Hội đồng Trạch, 1 lô còn lại là của cha sở và chỉ có 1 lô là của dân thường.

Ở Vĩnh Châu, năm 1976, được tổ chức lại sản xuất và hình thành nên 2 hợp tác xã tôm - muối (Vĩnh Phước và Lai Hòa) làm ăn rất hiệu quả từ đó đến nay. Từng lô muối được thiết kế thành ô đầm, mặt trảng rộng để nước biển bốc hơi nhanh: từ biển vào đầu tiên là đùn chứa có diện tích chiếm khoảng 2/3 diện tích lô muối (mỗi lô muối rộng 25 - 30ha); kế đến là lô sa kề cũng chiếm độ một phần ba diện tích còn lại; rồi lô dì kề, sắp - chuối (tên gọi số thứ tự lô gọi theo tiếng Hoa) và trong cùng mới là sân kết tinh. Sân kết tinh được đầm nén chặt và láng. Nước được bơm hay tát từ lô này sang lô khác được gọi là đi nước. Công đoạn cuối, nước được vào đến sân kết tinh là muối bắt đầu rớt hạt, sau đó là cào thu hoạch được muối, muối được xe bò cộ về đổ xá thành đụn cao cả chục mét, có mái lợp bằng lá xé. Đụn muối thường chọn nơi đầu mối giao thông nhằm thuận tiện cho việc bốc xếp, vận chuyển buôn bán.

Ngoài công dụng cho đời sống tiêu dùng sản xuất nước đá, chế biến, bảo quản thủy sản, muối còn để làm mắm, nước mắm, cá khô, củ cải muối... Đặc biệt muối Vĩnh Châu chắc hạt nên tích trữ được lâu, nhiều hãng nước mắm ở miền Tây ưa chuộng.

Vĩnh Châu là địa phương duy nhất của tỉnh Sóc Trăng có nghề làm muối truyền thống. Tuy nhiên nghề làm muối hiện nay ngày càng mai một. Cách đây 9 - 10 năm, diện tích làm muối khoảng 3.000ha, nay chỉ còn vài trăm hécta, trong đó diện tích sân muối kết tinh chỉ khoảng 100ha hàng năm.

Từ xưa đến nay, muối Vĩnh Châu tiêu thụ qua thương lái là chủ yếu. Họ là dân địa phương hoặc trong vùng lân cận chở đi bán ở TP. Hồ Chí Minh, miền Đông, Nam bộ, hay ngược lên vùng thượng nguồn sông Mê Kông, Campuchia... Nghề làm muối tuy không giàu có, do đam mê và yêu nghề nên nghề làm muối Vĩnh Châu vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Lê Trúc Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét