14 thg 5, 2017

Độc đáo nghề chăn ong "du mục" vùng núi cao

Chăn ong “du mục” đang trở thành một nghề độc đáo, lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào vùng cao. Nhiều thợ nuôi ong chuyên nghiệp đã biết tận dụng nguồn mật tự nhiên để chăn ong.

Việc chăn ong “du mục” cũng đòi hỏi người nuôi ong phải có tay nghề và lòng kiên nhẫn, bởi thành quả nhận lại chính là sản phẩm thu được từ mật và phấn hoa.

Hiện nay, trên khắp các triền đồi của tỉnh Cao Bằng đâu đâu cũng có hoa rừng, các thùng ong của các thợ chăn ong lại được xếp theo từng hàng, rất thuận tiện cho đàn ong bay ra bay vào.

Khám phá nghề chăn ong "du mục"

Cứ vào mùa này, trên khắp các triền núi của tỉnh Cao Bằng, đâu đâu cũng có hoa rừng, báo hiệu cho một mùa mật ong lại về. Và đây cũng chính là thời điểm đàn ong phát triển nhất, chúng đua nhau bay đi tìm mật, tha phấn hoa về tổ.

Ở vùng cao, chăn ong “du mục” mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Đứng dưới những tán cây rừng, nơi có nhiều hoa nở, tiếng ong bay vi vu, xen lẫn tiếng nói chuyện của những người đi chăn ong khiến cho khung cảnh nơi đây càng trở nên thú vị.

Trong những chuyến đi về Cao Bằng, chúng tôi vẫn thường thấy các hộ dân đặt các thùng ong của mình dưới những tán cây, hoặc trên các gò đồi. Khi hỏi chuyện, chúng tôi mới biết, họ đều là người chăn ong “du mục”, chủ yếu thu mật từ hoa rừng.

Bởi Cao Bằng tập trung rất nhiều hoa rừng, khi nguồn mật hoa cạn kiệt, những người chăn ong lại di chuyển đàn ong của mình đến những vùng có nguồn mật hoa lớn hơn.

Vào những năm có khí hậu mát mẻ, hoa rừng nở nhiều, những người chăn ong địa phương lại thu được một lượng mật khá lớn từ hoa rừng. Với nguồn mật thu được từ hoa rừng, các hộ nuôi ong đã cải thiện được cuộc sống gia đình.

Bao đời nay, mật ong ở vùng cao đã nức tiếng về chất lượng và mùi thơm. Mật ong rừng là sự tổng hợp của vô số các loại hoa, tạo nên hương vị đặc biệt, và cũng không phải ở vùng nào cũng có.

Chị Hồng kiểm tra đàn ong của gia đình.

Theo như những người chăn ong “du mục”, việc nuôi ong cũng giống như việc điều quân khiển tướng. Muốn chăn ong giỏi ở những nơi có khí hậu đặc thù, thì trước tiên phải có một đội quân ong dũng mãnh. Và giống ong nội, chính là sự lựa chọn tốt nhất của những người chăn ong chuyên nghiệp.

Đối với những người chăn ong, yếu tố thành công chính là sự kiên trì, nhẫn nại. Bởi ở vùng cao, chủ yếu là giống ong rừng, được người dân thuần hóa để trở thành ong nhà. Tuy nhiên, để thuần hóa được chúng, cũng không phải dễ và cũng không phải ai cũng thuần hóa được.

Để thuần hóa được ong rừng, người chăm sóc ong phải có sự tỉ mỉ, khéo léo. Có nhiều người mới bước vào nghề nuôi ong do không hiểu đặc tính của đàn ong, nên cũng có khi đàn ong vây kín cả người, đốt sưng cả mặt, hoặc phải nhập viện vì ong đốt.

Tuy nhiên, khi đã quen nghề rồi thì việc bị ong đốt cũng trở nên bình thường. Ong nội thường rất hung hăng, nên khi kiểm tra phải thật nhẹ nhàng, tránh để ong chết, nếu không chúng sẽ tấn công mình.

Nghề chăn ong “du mục” không chỉ có đàn ông, mà ngay cả phụ nữ cũng nuôi được. Một trong những người chăn ong giỏi đó là Chị Nông Thị Hồng (39 tuổi), xóm Bản Giàng, xã Đa Thông, huyện Thông Nông, (Cao Bằng).

Nhiều năm nay, gia đình chị Hồng đã nổi danh với nghề nuôi ong lấy mật, thu về hàng chục triệu đồng mỗi năm. Sản phẩm mật ong của gia đình đã được người dân ở trong vùng và khách hàng ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng đánh giá cao về chất lượng.

Người phụ nữ bén duyên với nghề chăn ong lấy mật

Dọc theo tuyến đường hướng đi huyện Bảo Lạc, nhà chị Hồng nằm ngay ở ven đường. Trong xóm Bản Giàng này không riêng gì gia đình chị Hồng, gia đình anh Chung, anh Thọ, anh Tuấn cũng đều nuôi ong lấy mật.

Phấn hoa được ví như một loại thuốc quý dành cho những người đường ruột không tốt và làm đẹp cho phụ nữ.

Theo chị Hồng, năm 2009 chị bắt được hai tổ ong rừng, nuôi được một năm, chị phát triển thành nhiều đàn nhỏ, cũng kể từ đó nghề nuôi ong bén duyên với chị. Thời gian đầu, công việc nuôi ong cũng rất khó khăn, bởi chị thường xuyên bị ong đốt, nhưng đốt mãi thành quen.

Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên đàn ong của chị thường hay bốc bay. Kể từ khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong do huyện tổ chức, chị Hồng mới biết cách chăm sóc và bảo vệ đàn ong của mình.

Hiện tại, chị Hồng có khoảng gần 50 đàn ong rừng, và chị đang là thành viên của câu lạc bộ nuôi ong huyện. Kể từ khi tham gia vào câu lạc bộ nuôi ong, chị Hồng đã được anh em trong câu lạc bộ chia sẽ về kinh nghiệm, được hỗ trợ giống ong, được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi ong...

Cũng theo lời chị Hồng, ở huyện Thông Nông chủ yếu là đất bạc màu nên bà con không thể trồng cây ăn quả, nguồn mật thu được chủ yếu vẫn là hoa rừng. Trung bình hàng năm, gia đình chị Hồng thu được 200 lít mật ong rừng nguyên chất.

Mỗi một lít mật ong được chị Hồng bán ra thị trường là 300 nghìn đồng. Hiện gia đình chị Hồng cũng đã sắm được ôtô, nên rất tiện trong việc chăn ong “du mục”.

Nói chuyện được một hồi, chị Hồng liền vào trong nhà mang ra một cốc mật ong rừng nguyên chất và nói: “Mật ong ở Lục Ngạn (Bắc Giang) không đặc như mật ong rừng. Tôi cũng đã đi thăm quan nhiều trang trại nuôi ong, nhưng mật ong ở trên đây vẫn thơm và ngon hơn nhiều. Ở dưới miền xuôi chỉ có mật hoa nhãn, hoa vải nên chất lượng không cao”.

Sau khi nếm thử mật ong của gia đình chị Hồng, chúng tôi có cảm nhận, mật ong của gia đình rất khác so với mật ong ở nhiều nơi. Mật ong của gia đình đặc hơn, có màu vàng sóng sánh, tươi trong và rất thơm. Cái ngọt của hương vị mật ong rừng nó cứ nghèn nghẹn, ứ đọng nơi cổ họng, khiến cho những ai lần đầu tiên được thưởng thức cũng khó lòng mà quên được.

Cũng theo chị Hồng, sản lượng mật ong cũng không phải năm nào cũng như năm nào. Có nhiều năm mất mùa, gia đình chị Hồng cũng chẳng thu được chai mật ong nào.

Phần thưởng của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.

Năm nay hoa rừng nở nhiều nên sản lượng mật thu được cũng cao hơn so với mọi năm. Năm nay hầu như tất cả các gia đình nuôi ong, nhà ai cũng được mùa mật.

Tuy nhiên, cứ vào tháng 5, tháng 6, ong của gia đình lại bốc bay. Vào thời điểm này, chị Hồng lại phải thường xuyên kiểm tra tổ ong của mình, nếu thấy đàn ong loạn quân, nhốn nháo thì phải kịp thời ngăn chặn kẻo chúng bốc bay.

Để hạn chế khả năng bốc bay của ong, chị phải khéo léo thay cầu ong có nhiều mật, đáp ứng đầy đủ thức ăn cho chúng.

Cũng có năm ong bốc bay hết, đến mùa bắt ong, chị Hồng lại dùng đó, đặt dưới những gốc cây to để dụ đàn ong bay vào. Vào mùa bắt ong, không riêng gì chị, mà nhiều hộ nuôi ong họ cũng bắt ong bằng phương pháp này.

Đến đầu mùa mật, chị Hồng lại nhân đàn ong của mình lên, cứ như vậy, gia đình sẽ không bao giờ bị mất giống ong. Kể từ khi biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sản lượng mật thu về cũng hơn nhiều. Trong quá trình nuôi, chị còn chủ động được việc tạo chúa và chia đàn.

Thông thường trong một đàn ong, nếu chúa già và yếu thì khả năng đẻ trứng, tiết chất chúa sẽ kém. Để nhận biết được chúa mạnh, chị Hồng chỉ cần nhìn vào đàn ong là có thể đoán được. Thông thường nếu đàn ong đông quân, thì chúa sẽ khỏe, to và dài, còn đàn ong ít quân thì chúa sẽ già, đen và nhỏ.

Theo chị Hồng, để phân biệt được mật ong rừng hay mật ong nuôi đường, chị chỉ cần ngửi mùi là có thể đoán được. Chị Hồng cho biết: “Khi mở nắp chai ra, mình chỉ cần ngửi là biết mật ong thật hay giả rồi.

Phương pháp để phân biệt được mật ong rừng và mật ong nuôi đường, tôi chỉ cần cho một ít mật vào nước ấm là nhận ra. Mật chính cống khi pha cùng với nước ấm nó thơm lắm. Nếu là mật ong nguyên chất thì mùi của nó rất đặc trưng, nó là sự hòa quện của hàng trăm loài hoa”.

Hằng năm, nhà chị Hồng thu được rất nhiều mật, tuy nhiên thị trường tiêu thụ sản phẩm là chưa có, nên vẫn không thể bán hết. Ở đây bà con họ chỉ mua một, hai chai để làm thuốc.

Cũng may mắn, bởi chị Hồng được các thành viên trong câu lạc bộ nuôi ong giới thiệu và quảng cáo sản phẩm mật ong rừng. Nhờ vậy mà sản phẩm mật ong của chị đang từng bước thâm nhập vào các thị trường lớn như Hà Nội.

Nhờ làm ăn kinh tế giỏi, nhiều năm liền, chị Hồng đều nhận được giấy khen của xã, huyện, rồi giải thưởng Lương Định Của, đây là phần thưởng cao quý của Trung ương đoàn dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”. 

Minh Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét