10 thg 4, 2025

Lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai

Đồng bào Raglai sở hữu một kho tàng tri thức dân gian đồ sộ, từ sử thi, truyện cổ, dân ca đến luật tục… Không chỉ vậy, đồng bào còn lưu giữ nhiều lễ hội dân gian đặc sắc như Lễ ăn mừng đầu lúa mới, lễ bỏ mả, các nghi lễ vòng đời… Trong đó lễ ăn mừng đầu lúa mới đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khẳng định gái trị văn hóa sâu sắc và vai trò quan trọng trong đời sống, tinh thần của cộng đồng người Ragalai.

Hàng năm, đồng bào Raglai tổ chức nhiều lễ hội, trong đó lễ ăn mừng đầu lúa mới là lễ hội quan trọng trọng nhất. Lễ thường diễn ra theo chu kỳ 5,7 hoặc 10 năm, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình và kéo dài trong 3 ngày, vào khoảng tháng 3 – 4 âm lịch, sau khi kết thúc một vụ mùa.

Lễ ăn mừng đầu lúa mới là lễ hội quan trọng trong đời sống của đồng bào Raglai. Ảnh: Hoàng Tâm

Lễ ăn mừng đầu lúa mới không chỉ đánh dấu sự kết thúc chu kỳ sản xuất, mà còn là dịp tạ ơn thần linh đã ban cho mùa mảng tốt tươi và cầu mong vụ mùa tới bội thu. Đây cũng là dịp để bà con trong dòng tộc cũng như từ các buôn làng xa gần tụ họp, cùng nhau chia sẻ niềm vui, động viên nhau trong lao động sản xuất, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng.

Thầy cúng làm lễ tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng bội thu, có cuộc sống ấm no. Ảnh: Hoàng Tâm

Trước khi lễ hội diễn ra, những người lớn tuổi có uy tín trong tộc họ sẽ khảo sát điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình và báo cáo với tộc trưởng về khả năng tổ chức. Sau khi được tộc trưởng đồng ý và có sự thống nhất của các hộ trong dòng tộc thì sẽ có sự phân công công việc cụ thể trong lễ hội cho từng thành viên.

Vai trò của cây nêu trong lễ hội rất quan trọng, là sợi dây kết nối tâm linh đất trời. Ảnh: Hoàng Tâm

Nam giới đảm nhận việc lên núi săn bắt, dọn dẹp nhà sàn – nơi diễn ra lễ hội, chuẩn bị tiếp khách. Một nhóm khác vào rừng chặt tre, lồ ô để dựng nhà sàn tạm – nơi lưu trữ thực phẩm như rau bí, lúa, gạo, rượu cần… trong suốt thời gian lễ hội. Sau khi lễ hội kết thúc, nhà sàn tạm này sẽ được tháo dỡ.

Cua đá và cá rừng là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội. Anh: Hoàng Tâm

Phụ nữ lên rẫy, vào rừng thu hái rau, củ, quả để chế biến món ăn, chuẩn bị rượu cần. Toàn bộ thực phẩm thiết yếu phải được tập hợp đầy đủ tại nhà sàn tạm trước khi lễ hội chính thức bắt đầu.

Các lễ vật trong lễ hội được bà con chuẩn bị chu đáo. Ảnh: Hoàng Tâm

Các nghi lễ chính của Lễ ăn mừng đầu lúa mới: Ngày thứ nhất, dựng cây nêu, trình báo tổ tiên; Ngày thứ hai, tra nước vào ché rượu cần, đeo chuỗi hạt curom; Ngày thứ ba, cầu hồn lúa, hồn bắp, tiễn đưa tổ tiên và lễ tạ ơn thầy cúng Kei Du. 

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày để bà con tỏ lòng biết ơn thần linh, tổ tiên và cũng là dịp mọi người gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau sau một mùa vụ ấm no. Ảnh: Hoàng Tâm

Lễ vật chủ yếu là sản vật tự nuôi trồng hoặc săn bắt, như rượu cần, gà, heo, cá rừng, cua đá, trứng, lúa, bắp, muối, chuối, trầu cau... Cá rừng và cua đá là hai lễ vật bắt buộc trong các nghi lễ. Đặc biệt, người Raglai dùng nến sáp ong thay cho nhang, tạo khói thơm tự nhiên khi cúng bái.

Cây lúa được phát cho mọi người dự lễ để lấy may mắn cho mùa vụ sau. Ảnh: Hoàng Tâm

Nội dung bài cúng trong những ngày Lễ ăn đầu lúa mới: Kính trình tổ tiên, cha mẹ, các vị thần linh phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình sum vầy, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát đạt. Xin mời các thần Naihatang, Lapah, Kadroh, Girai Bhaok, cùng thần núi, thần sông, thần bảo hộ chứng giám lòng thành, ban cho mưa thuận gió hòa, đi đường binh an, làm ăn thuận lợi. 

Thầy cúng làm lễ tạ ơn thần lúa, thần bắp và tiễn đưa tổ tiên. Ảnh: Hoàng Tâm

Trong quan niệm của người Raglai, hội là phần nhảy múa, ca hát để mừng kết quả của nghi lễ. Một số nhạc cụ truyền thống thường được sử dụng trong Lễ hội ăn mừng đầu lúa mới bao gồm: kèn bầu (Sarakel), trống lớn (Sagger Kayau), mã la (Chahar), đàn Chapi.

Phụ lễ rắc những hạt gạo lên đầu phụ nữ với mong muốn xua đuổi tà ma, những điều xấu xa, không may mắn, đồng thời mang lại may mắn, bình an. Ảnh: Hoàng Tâm

Trong đêm hội, ngoài phần hỏa tấu nhạc cụ và biểu diễn ca múa, đây còn là cơ hội để bà con lảng trên, xóm dưới gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái Raglai làm quen, tìm hiểu nhau, từ đó hình thành nên những mối lương duyên.

Bà con cùng nhảy múa, ca hát trong lễ hội. Ảnh: Hoàng Tâm

Các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai được sử dụng trong lễ hội. Ảnh: Hoàng Tâm

Đặc biệt, trong buổi lễ các bậc cao niên vẫn luôn tận tâm truyền dạy cho con cháu từng nghi thức, từng động tác cầm cổng, đánh chiêng, thể hiện mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc duy trì tổ chức Lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai nhằm bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian, nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ về nguồn cội. Đồng thời, đây cũng cơ sở để các địa phương khai thác những giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Hoàng Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét