Đình làng Tiêu Thượng (phường Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh) là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh thờ Thành hoàng làng Đức Thánh Cao Sơn. Theo lời truyền, ông là người có công giúp Vua Hùng đánh giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi.
Tại đình đang lưu giữ nhiều sắc phong cổ được người dân xem như báu vật của làng, chung tay gìn giữ qua nhiều đời.
Tại đình đang lưu giữ nhiều sắc phong cổ được người dân xem như báu vật của làng, chung tay gìn giữ qua nhiều đời.
Họ dành hàng giờ lắng nghe các cụ cao niên làng kể về huyền sử, bí tích từ thời Vua Hùng của người dân vùng Kinh Bắc tới nay, về vị Thành hoàng làng - Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương.
Ông Nguyễn Văn Giáo - trưởng khu phố - dùng toàn bộ sự thành kính và nâng niu của mình khi mở chiếc hộp và trải các tấm sắc phong lên trên mặt bàn.
Trải qua hàng trăm năm, tới thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, những văn tự cổ này vẫn được dân làng gìn giữ tại nhà sắc - nơi chỉ dùng để cất các sắc phong thần, nay là Đình làng Tiêu Thượng.
Theo lời các cụ cao niên, những báu vật này không thể chỉ để ở ngôi đình cũ mà phải có một nhà sắc riêng, bởi lẽ không chỉ riêng làng Tiêu Thượng, mà nhiều xã xung quanh cũng dành sự kính trọng cho Thành hoàng làng Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương.
Sau khi nhận hiện vật, nhóm phục dựng di tích ngay lập tức bắt tay vào xác minh hiện trạng của từng tờ sắc phong.
Nhận thấy hầu hết phần đầu của các sắc phong có dấu hiệu bị ngấm nước, các cụ già làng chia sẻ câu chuyện ly kỳ vào trận lụt lịch sử năm 1971. Khi ấy ống đựng sắc phong đã bị trôi ra chiếc ao phía trước đình bây giờ. Rất may đã được người dân phát hiện và vớt lên kịp thời.
Qua quá trình phân tích, nhóm nghiên cứu xác định, những tấm sắc phong này có niên đại từ thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn... Đây là minh chứng sống động cho truyền thống tôn thờ Thành hoàng làng.
Lật mở những cuộn giấy rách sờn, ố mốc nhuốm màu thời gian, nhóm nghiên cứu nhận diện dấu triện in trên một sắc phong thần là của vua Quang Toản - con trai vua Quang Trung vẫn còn nguyên vẹn.
Trên tờ sắc phong thần ghi "Ngày 17 tháng 5 năm Bảo Hưng thứ 2 (tức năm 1802)" kèm theo ấn triện của vua Quang Toản.
"Sắc Cao Sơn Đại thần Tiêu Tương giang phổ ân phu ứng thịnh đức sùng đạo đầu linh diệu cảm hành hưu hộ quốc dực vận gia mưu vĩ tích... Cố sắc", nhóm nghiên cứu dịch những mỹ từ dùng để ca ngợi vị thần Cao Sơn trên sắc phong.
(Tạm dịch-PV: Sắc phong cho Đại thần Cao Sơn, ngài ban ân rộng khắp vùng Tiêu Tương, ứng với đức thịnh, sùng đạo, linh thiêng mầu nhiệm, cảm hóa nhân gian, phù trợ quốc gia, giúp vận nước, mưu tính lớn lao, công lao vĩ đại. Nay ban sắc.)
Theo ThS Đỗ Minh Nghĩa, Trưởng nhóm nghiên cứu và phục dựng, sắc phong của vua Quang Toản không phải sắc phong cổ nhất còn được giữ lại tại đây.
Một sắc phong thần khác được xác định từ thời Lê Trung Hưng đã rách đúng phần in ấn triện - phần quan trọng để xác định niên đại và vị hoàng đế đã đưa ra sắc phong. Còn lại, phần lớn các sắc phong có niên đại vào thời nhà Nguyễn.
Thậm chí có những tiêu bản phôi đã bị rách tới 2/3, quan sát rất kỹ mới đọc được ngày ghi trên sắc phong nhưng không rõ niên đại.
"Do nhiều yếu tố cả chủ quan, khách quan mà nhiều sắc phong đã bị thất lạc. Rất may mắn những sắc phong còn lại chỉ bị rách, gấp phần giấy, còn phần chữ còn tương đối nguyên vẹn", ThS Nghĩa cho biết.
Thông qua văn bản chữ Hán Nôm viết trên giấy, có thể biết được là sắc phong vua ban cho ai, mỹ tự là gì kèm thông tin về địa danh cổ.
Chị Điền Thị Hạnh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: "Với các hiện vật giấy sắc phong tại đây, chúng tôi sẽ làm sạch, xác định niên đại, dịch lại nội dung, chọn ra 2 sắc phong tiêu biểu để tu bổ".
Với mỗi sắc phong, đoàn sẽ tỉ mỉ ghi chép lại các thông số về độ ẩm, đo màu rồi cuối cùng mới bảo quản lại bằng việc xếp lớp giấy gió xen kẽ giữa các sắc phong với tác dụng hút ẩm.
Trước khi tu bổ, đoàn cũng phải chọn và thống nhất ra ngày thời tiết phù hợp để thực hiện bởi nếu điều kiện độ ẩm, nhiệt độ không phù hợp, quá trình đợi các hiện vật hồi phục cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể bị hư hỏng nặng hơn.
Từ Sơn vốn nổi tiếng với những mái đình cổ kính, gắn liền với nhiều áng sử thi về các nhân vật huyền thoại có công lao đối với nhân dân.
Đây là một trong những địa phương có những nỗ lực lớn trong các công tác giữ gìn, phát huy giá trị từ những hàng nghìn cổ vật, văn thư cổ có giá trị lịch sử và giá trị tinh thần sâu sắc tại nhiều không gian văn hóa, tâm linh cộng đồng.
Đình làng Tiêu Thượng cổ xưa nằm phía Tây - Bắc của làng bên dòng sông Tiêu Tương lịch sử. Trải qua kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình không còn được giữ gìn, bị tàn phá hoàn toàn.
Năm 1990, thể theo nguyện vọng của nhân dân, đình làng được xây dựng lại thu nhỏ quy mô trong khuôn viên ngày nay. Năm 2021, đình được tu bổ, tôn tạo lại.
Thực hiện: Minh Nhật - Thành Đông - Hà Linh - Ảnh: Thành Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét