Huế nghèo vì mưa?

Học sinh Huế đi học trong mưa dầm - Ảnh: Trương Vững
Dãy Trường Sơn chạy song song bờ biển, đến Thừa Thiên - Huế đột nhiên rẽ một nhánh đâm ngang ra biển Đông, tạo thành một bức tường thiên nhiên hình vòng cung kéo dài từ A Lưới - Nam Đông - Bạch Mã - Hải Vân, chắn ngang hướng thổi của gió mùa đông bắc. Không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống bị bức tường này chặn lại, tạo thành những đám mây dày đặc hơi nước dồn tụ suốt mùa đông, lưu trú ở đây gần như quanh năm suốt tháng.
Đó là lý do khiến Thừa Thiên - Huế là vùng có lượng mưa trong năm cao nhất (2.700-4.000mm), số ngày mưa cũng kéo dài nhất (200-220 ngày) và tất nhiên độ ẩm cao nhất nước (83-87%). Ngay lúc này, khi cả nước đang vào mùa khô hanh, thậm chí miền Bắc và Tây nguyên đang khô hạn, thì Huế lại đang trầm mình trong những cơn mưa dầm dề lạnh buốt và còn kéo dài đến hết tháng 4.
Mỗi năm hai mùa: mưa và ít mưa
Sách Địa chí Thừa Thiên - Huế (NXB Khoa Học Xã Hội, 2005) cho biết chế độ mưa của Thừa Thiên - Huế mang nhiều đặc điểm khác hẳn với Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Nếu khí hậu cả nước đều chia thành hai mùa khô và mưa thì vùng lãnh thổ Thừa Thiên - Huế chỉ có hai mùa: mưa và ít mưa.
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 với những cơn mưa xối xả, gây ngập lụt kinh hoàng và kéo dài đến khoảng cuối tháng 12 với cơn mưa dầm lê thê. Khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh (thường là sau 23-10 âm lịch), mưa không còn ào ạt mà chuyển sang dầm dề ngày này sang ngày khác, tháng nọ qua tháng kia và có năm đến 43 ngày không thấy mặt trời (mùa đông 2007).
Mưa dầm kéo dài từ khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau thì tiếp nối bằng những cơn mưa dông mùa hạ sấm chớp đùng đùng. Mùa hè đến với những cơn nắng gay gắt (do Thừa Thiên - Huế cũng nằm trong vùng bức xạ nhiệt dồi dào và nền nhiệt cao), dân gian gọi là “nắng bể đầu”, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn là có thể xảy ra lũ lụt. Dân gian Huế đã truyền tụng hai câu thơ bất hủ về đất trời xứ Huế: Tứ thời giai hạ thị - Nhất vũ biến vi đông (Bốn mùa đều là mùa hạ - Chỉ một cơn mưa là biến thành mùa đông).
Cũng theo Địa chí Thừa Thiên - Huế, trung bình mỗi năm ở vùng núi có từ 200-220 ngày mưa, ở đồng bằng có 150-170 ngày mưa. Cao điểm mùa mưa, mỗi tháng mưa đến 24 ngày. Đó chính là những tháng mưa dầm dề não nề như lúc này, riêng tháng 11 năm nay đã mở màn bằng 19 ngày mưa liên tục. Mùa nào ít mưa thì cũng có từ 8-15 ngày mưa mỗi tháng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Thừa Thiên - Huế, cho biết lượng mưa trung bình của toàn tỉnh là 2.700mm. Khu vực núi Bạch Mã - Hải Vân là trung tâm mưa lớn nhất nước (hơn 4.000mm).
Riêng năm 1980, ở Bạch Mã mưa đến 8.664mm (bằng lượng mưa trung bình ba năm cộng lại). Mưa Huế cũng đạt cường độ vào loại dữ dội nhất, lượng mưa lớn nhất trong ngày khoảng 970mm (năm 1999), vượt khá xa so với quy phạm thiết kế về lượng mưa là 770mm/ngày (tham số để thiết kế các công trình xây dựng).
Cá biệt chỉ trong 24 giờ (từ 6g ngày 2 đến 6g ngày 3-11-1999), lượng mưa tại vùng Truồi (huyện Phú Lộc) đã lên đến 1.630mm, bằng lượng mưa của gần tám tháng, gây nên trận đại hồng thủy lịch sử năm 1999.
Kỹ sư Nguyễn Việt, một chuyên gia Huế về khí hậu học, cho biết Huế chính là nơi chuyển tiếp của hai vùng khí hậu Bắc - Nam. Hình ảnh có thể thấy rõ nhất là vào mùa đông, khi cửa hầm đường bộ Hải Vân phía nam (Đà Nẵng) khô ráo thì cửa hầm phía bắc (Lăng Cô) lúc nào cũng ướt dầm dề. Xe vừa ra khỏi cửa hầm là đụng phải màn mưa mù mịt. Nếu đứng trên đỉnh Hải Vân nhìn qua phía bắc sẽ thấy từng đám mây trùng trùng kéo lên, trong khi phía nam trời quang mây tạnh.
Mưa Huế: “đặc sản” hay “lực cản”?

Các nghệ sĩ của Nga biểu diễn trong mưa Huế
(ảnh chụp vào đêm khai mạc Festival Huế 2010) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
(ảnh chụp vào đêm khai mạc Festival Huế 2010) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Hơn 40 năm trước, tôi đã nghe bà nội than thở: “Mưa mãi như ri thì lấy chi mà ăn?”. Nay tôi vẫn nghe mẹ tôi ta thán: “Mưa chi mà mưa mãi mưa miết!”. Suốt mùa đông, ruộng đồng bỏ không, nhà nông ngồi bó gối và ăn dần những hạt lúa dự phòng. Việc kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp bị chậm lại, thậm chí đình đốn cả tháng trời, nhất là các doanh nghiệp chuyên về xây dựng, giao thông. Báo cáo tổng kết mỗi năm của Thừa Thiên - Huế vẫn thường thấy nhắc đến khó khăn của thời tiết, mà chủ yếu là mưa gió bão lụt làm ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh.
“Cả tháng rồi tui đạp xích lô chỉ được 70.000 đồng, trời mưa mời ai người ta cũng không đi. Người ta chọn taxi, xe ôm đi cho đỡ ướt, lại mau. Có nhiều mùa mưa dầm dề hai ba tháng, lạnh cắn móng tay không ra máu cũng phải ra đường. Không ra thì đói cả nhà. Dạo ni mưa có đỡ hơn, không như mấy chục năm trước, nhưng cũng kéo dài đến tháng rưỡi. Nhưng đó là chuyện của ông trời, than vãn cũng rứa thôi” - ông Nguyễn Văn Trắc (85 tuổi, làm nghề đạp xích lô ở chợ Bến Ngự, TP Huế) nói.
Trong khi đó, giới văn nghệ sĩ lại xem mưa Huế như một quà tặng đặc biệt của đất trời. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã viết: “Mưa Huế là một cách chơi đàn của trời (thiên vũ cầm), phép cộng của những sự va đập tinh tế và vô thường. Có lúc lặng lẽ như tiếng nói thầm trên mái lá, có lúc xa xôi như một câu chuyện xưa, hay có lúc cười nắc nẻ. Mưa Huế bí ẩn như một con người”.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói đại ý rằng: phải ngắm Huế trong màn mưa mờ ảo mới thấy tận cùng nội tâm của người Huế. Nhà thơ Phùng Quán đã dành hẳn một chương trong truyện thơ Trăng hoàng cung để viết về mưa Huế: “Ôi cái mưa khùng điên - Mưa không còn biết gì tới chừng mực!”, khiến: “Nắng thì bùn hóa đá - Mưa thì đá hóa bùn”.
Với các họa sĩ, mưa Huế vừa là cảm hứng vừa là nỗi nhọc nhằn. Tranh lụa, sơn dầu, màu nước, tranh giấy và cả sơn mài dễ bị mốc, bong tróc, hư hại trong mùa mưa và cả sau mưa do độ ẩm không khí quá cao. Các tác phẩm lụa của Tôn Thất Đào được xem là quý hiếm nhưng gần như hư sạch, nhiều tranh đẹp của họa sĩ Huế danh tiếng bị hỏng. Mưa cũng ngăn cản việc vẽ ngoài trời...
Nhưng “cấu trúc, sự nhòe mờ không ranh giới trong tranh tôi là ảnh hưởng vô thức của mưa Huế. Nhiều nghệ sĩ khác của Huế cũng vậy, mưa Huế cũng là chất xúc tác cho sáng tác, gợi liên tưởng tạo hình. Không có những đợt mưa dai dẳng, Huế lúc đó sẽ không còn là Huế nữa” - họa sĩ Võ Xuân Huy - giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế - chia sẻ. Âm nhạc cũng vậy, đây có lẽ là lĩnh vực thừa hưởng nhiều nhất cảm hứng do mưa Huế mang lại, giai điệu thiết tha sâu lắng đặc trưng của âm nhạc Huế rất gần với âm thanh trầm buồn của những cơn mưa dầm xứ này. Và đó chính là “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”, làm mê đắm du khách gần xa.
Vậy thì mưa Huế có phải chỉ là nỗi niềm nghèo khổ của Huế hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét