11 thg 12, 2020

Con nước tháng 10

Tháng 10 âm lịch, gió bấc thổi vun vút qua những cánh đồng giáp biên báo hiệu mùa cá ra sông để nuôi sống dân câu lưới trong tháng nước cuối cùng. Tuy nhiên, con nước tháng 10 năm nay khiến dân câu lưới thất vọng bởi sản lượng cá không như mong đợi.

Mùa lũ muộn

Thoăn thoắt đôi tay vá lại chỗ lưới bị rách, chốc chốc lại nhấp ngụm nước trà với đôi mắt trũng sâu, ông Nguyễn Văn Lò (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) không giấu được nỗi buồn. Có lẽ, đây là mùa lũ thứ tư hay thứ năm gì đó mà mẹ thiên nhiên đã “quay mặt” với ông và dân câu lưới ở xứ biên giới từng lắm tôm nhiều cá này.

“Mùa nước năm nay cũng không theo như ông bà xưa nói. Theo như tui tính, con nước đi trễ gần 2 tháng. Dân “bà cậu” trên này đã chuẩn bị đồ nghề từ tháng 3 âm lịch, chờ tới tháng 5 không thấy nước đâu. Tới tháng 7 thì có nước liu riu. Tầm tháng 8, tháng 9 thì nước lên nôn nôn rồi vực xuống cũng nhanh. Rồi…cá mắm ở đâu không thấy! Thiệt ra, tháng 10 âm lịch là lúc cá ra sông nhưng năm nay sản lượng ít quá khiến dân câu lưới cũng thất vọng!” - ông Lò thiệt tình. 

5 thg 12, 2020

Lăng Ông Tiền Quân Thống Chế Điều Bát – Trà Ôn – Vĩnh Long

Khu di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát, thuộc ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Từ quốc lộ 54 rẽ vào hướng Trà Ôn có con đường mang tên Thống chế Điều bát. Nằm cạnh con đường này có Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát tọa lạc trên mảnh vườn cây cao bóng mát, xung quanh có tường rào bao bọc rộng đến 8ha.

Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duồng (1763 – 1820), một người dân tộc Khơ-me, quê ở tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, Càng Long (Trà Vinh). Ông theo phò chúa Nguyễn, có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè và tạo được mối đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, ngăn chặn được sự xâm lấn của quân Xiêm La. Ông cùng các tướng sĩ tham gia hỗ trợ cùng Thoại Ngọc Hầu đào vét kênh Vĩnh Tế nên chúa Nguyễn cảm kích phong chức Điều bát và được mang Quốc thích là Nguyễn Văn Tồn. Khi ông mất được truy tặng là Tiền quân Thống chế Điều bát. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì Thống chế Nguyễn Văn Tồn bị nhiễm bệnh dịch trong lúc tham gia đốc thúc đào kinh Vĩnh Tế. Năm đó có dịch lớn, giết chết hàng ngàn dân phu và lan rộng ở nhiều tỉnh Nam Kỳ. Vợ chồng Thống chế Nguyễn Văn Tồn mất cùng một ngày sau Tết Canh Thìn 1820.

Nông Trại Phan Nam – Mô hình du lịch nông nghiệp sạch thú vị ở An Giang

Tọa lạc tại số 181 Đường Liên Xã, xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên nông trại Phan Nam đã trở thành địa điểm du lịch An Giang ưa thích của người dân địa phương và du khách gần xa. Được tận mắt chứng kiến quá trình sinh trưởng, phát triển của nhiều loại quả cây, thưởng thức sản phẩm tươi ngon ngay tại chỗ thực sự là trải nghiệm rất thú vị. 

Nông Trại Phan Nam 

Nông trại Phan Nam là một mô hình du lịch canh nông tận dụng lợi thế và đặc thù địa phương, phát huy được những thế mạnh về nông nghiệp, văn hóa, con người An Giang. Với công nghệ sử dụng tưới nhỏ giọt, kết hợp tưới phun mưa và các khâu chăm sóc được thực hiện bằng công nghệ tự động, các loại cây trồng tại nông trại đều thích nghi, phát triển tốt, đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Nông trại có diện tích 4ha, tích hợp nhiều khu vực như khu trò chơi, khu ăn uống, khu công nghệ cao, vườn dược liệu, vườn hoa, khu vườn trái cây rộng lớn… là điểm đến phù hợp cho mọi gia đình và mọi người, từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi. 

Đến Hà Tiên khám phá Mũi Nai

Với bãi biển sạch đẹp, uốn cong vòng cung tựa lưng vào chân núi Tà Pang, mặt hướng ra biển cùng khí hậu dịu mát quanh năm, khu du lịch Mũi Nai đã mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình khám phá thành phố Hà Tiên.

Khu du lịch Mũi Nai tọa lạc tại phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Sở dĩ nơi đây có tên gọi Mũi Nai bởi theo truyền thuyết ở địa phương kể lại, xưa kia có chú nai thần đi lạc trên biển, sau khi chết chú hóa thành tảng đá to nằm bên mép biển tại khu vực này. Ngày nay, người dân đi thuyền từ phía ngoài biển nhìn vào bờ thấy mỏm núi như hình dáng chú nai đang uống nước.

Khu du lịch Mũi Nai khang trang, rộng rãi với nhiều dịch vụ và hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hấp dẫn, tiện nghi. Đến với Mũi Nai du khách sẽ vừa trải nghiệm khám phá ngọn núi Tà Pang vừa đắm mình dưới làn sóng biển trong xanh mát lành. Dịch vụ xe trượt núi hiện đại với tổng chiều dài khoảng 1200m sẽ đưa du khách khám phá núi Tà Pang đứng sừng sững cạnh biển. Cung đường xe trượt núi len lỏi uốn lượn dưới những tán cây rừng tỏa bóng mát rượi, du khách đươc thỏa thích tận hưởng thiên nhiên trong lành. Trên đường khám phá núi bằng xe trượt du khách còn có dịp ghé qua “Lầu vọng cảnh” ở trên núi. Đứng trên “Lầu vọng cảnh” có thể khám phá toàn cảnh thành phố Hà Tiên xinh đẹp, ngắm nhìn khu du lịch Mũi Nai từ trên cao với biển trời bao la cùng đất nước bạn Campuchia kề bên thông qua kính kính viễn vọng có tầm nhìn xa lên đến 40km.

2 thg 12, 2020

Tượng gỗ Tây Nguyên

Tây Nguyên – Vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian, ở đó có không gian văn hóa Cồng chiêng, có một trường ca sử thi, có hàng nghìn lễ hội hội truyền thống đặc sắc mà còn có một kho tàng tượng gỗ vẫn âm thầm hiện hữu trong đời sống đồng bào hàng nghìn đời nay. Đến Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường tìn đến nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, vì ở đó, có cồng chiêng, có sử thi và có cả tiến trình phát triển và đời sống tâm linh đặc sắc và phong phú của nhân dân các tộc người sinh sống trên vùng đất đỏ Bazan. 
Chủ trương “Bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch” cũng được các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum triển khai đồng bộ. Tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên không chỉ còn nằm im lìm trong những nhà mồ linh thiêng mà đã xuất hiện tại các bảo tàng, các địa điểm công cộng, các khu du lịch cộng đồng.

Người Ba Na có câu “Tháng nghỉ làm nhà mồ”. Tháng nghỉ đó là mùa hội, mùa vui, mùa “uống tháng, ăn năm, trâu đâm, lợn mổ”. Sau 30 năm dọc ngang Tây Nguyên tôi nhận thấy rằng, không chỉ người Ba Na mà còn là người Gia Rai, Ê Đê, Cơ Tu… và nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên làm tượng nhà mồ để tổ chức lể bỏ mả hay lễ bỏ ma. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà lễ bỏ mả lại là lễ hội lớn nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và mang tính cộng đồng nhất của người vùng Tây Nguyên. Chính tượng nhà mồ - những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo được ra đời vào những lễ hội thường niên này.

Mùa vàng bên dòng Quây Sơn

Dòng Quây Sơn ở huyện miền biên viễn Trùng Khánh (Cao Bằng) đẹp như một bức tranh thủy mặc vào mùa lúa chín.

Sông Quây Sơn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ những ngọn núi dọc chiều dài biên giới Việt - Trung, hợp lưu của 2 nhánh sông nhỏ từ xã Phong Nặm và xã Ngọc Côn, tạo nên dòng chính Quây Sơn kỳ vĩ tại xã Đình Phong (Trùng Khánh). Sông chảy xuôi qua xã Chí Viễn đến xóm Co Muông, xã Đàm Thủy rồi đổ dòng tạo nên ngọn thác Bản Giốc chứa đầy màu huyền thoại.

Dòng Quây Sơn bắt đầu chảy vào địa phận Việt Nam tại xã Ngọc Côn, bao quanh là đồi núi trùng điệp và những thửa ruộng chuyển sắc vàng cuối từ cuối tháng 9. Mùa lúa kéo dài hơn một tháng tại huyện Trùng Khánh bị “mê mẩn” bởi cảnh sắc thiên nhiên, từ khi lúa còn xanh tới lúc chuyển vàng bên dòng Quây Sơn.