15 thg 10, 2019

Đôi tay tài hoa của làng Hlang Ngol

Vô tình bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ Jrai với chiếc gùi có nắp vô cùng xinh xắn trên vai, tôi lân la tìm hiểu về gốc tích, rồi tìm về làng Hlang Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông, Gia Lai) vào một ngày đầu đông. Chẳng mất nhiều thời gian, chúng tôi đã được diện kiến chủ nhân của những chiếc gùi có nắp nức tiếng gần xa-ông Siu Lơl.

Vừa bước vào nhà, chúng tôi dường như bị choáng ngợp trước những chiếc gùi vô cùng đẹp, đủ kích cỡ được chủ nhân để gọn gàng trên kệ tủ. Thấy chúng tôi say sưa ngắm từng chiếc gùi, mân mê từng họa tiết, hoa văn trên thân gùi, nắp gùi, già làng Kpuih Nhơl trải lòng: “Ngày xưa chỉ những gia đình giàu có, lắm trâu, nhiều rẫy mới có thể sở hữu những chiếc gùi có nắp thôi. Gùi có nắp khi đó ngoài việc dùng trong sinh hoạt hàng ngày còn được dùng để cất váy áo, đồ trang sức quý... của gia đình. Ở Hlang Ngol hiện cũng có vài người biết đan gùi nhưng chỉ là những chiếc gùi đơn giản để gùi thóc, gùi nước... Còn gùi có nắp đậy với hoa văn đẹp duy chỉ có ông Siu Lơl biết làm”. Già làng Kpuih Nhơl cũng có thâm niên với việc đan gùi, nhưng theo ông, đan gùi có nắp rất khó, nhất là việc tạo khối hình trụ tròn và nắp khum hình chóp nón. Do đó, phải là người khéo léo, kiên nhẫn và giỏi nghề mới có thể đan được gùi có nắp. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi nhắc đến ông Siu Lơl, người làng đều cảm thấy rất đỗi tự hào và gọi ông với cái tên nghe rất mỹ miều: “người đàn ông tài hoa”!

Ông Siu Lơl đang hướng dẫn cách đan gùi nắp cho một thanh niên trong làng. Ảnh: Phương Dung

Đóng đáy trên biển Vũng Tàu

Dạo bước trên bãi biển Vũng Tàu du khách sẽ ấn tượng với những chiếc chòi được ngư dân xây dựng cách bờ biển khoảng chừng 1 km để làm nghề đóng đáy. Chúng tôi theo chân những ngư dân ra biển để khám phá nghề đóng đáy độc đáo có từ lâu đời. 

Theo chân anh Nguyễn Văn Bằng ra đóng đáy, thuyền đưa chúng tôi tiến sát vào hàng dây chăng giữa giàn đáy. Những cột bê tông to như cột nhà, được chằng chéo cả chục sợi dây, ghim chặt xuống đáy biển. Nối các cột là những hàng dây thừng căng cứng, ở giữa có ghép lưới vây kín khẩu đáy. Anh Bằng chia sẻ: “Gia đình có truyền thống nghề biển. Năm 1968, thấy người dân địa phương làm nghề đóng đáy nhiều nên ông cũng làm theo”. Hiện anh Bằng có ba giàn đáy, 18 nhân công và 2 thuyền chuyên chở. Giàn đáy nhỏ nhất chi phí xây dựng gần 200 triệu đồng. Nghề đóng đáy làm được quanh năm. Ba giàn đáy của anh Bằng thu được khoảng 100 triệu đồng/ tháng.

Được biết, nghề đóng đáy ở Vũng Tàu là nghề cha truyền, con nối. Nghề này được ngư dân vùng biển phía Nam Việt Nam nghĩ ra để đánh bắt thủy sản. Khu vực đóng đáy nằm ở những chỗ có mức nước sâu từ 15 - 16m, người ta đặt những cây cột gỗ hoặc bê tông từ 17 – 18 mét xuống lòng biển.

Người dân Tp. Vũng Tàu có một nghề truyền thống hết sức độc đáo đó là nghề đóng đáy. Ảnh: Tất Sơn

Tranh dân gian Hàng Trống

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa. 

Tranh dân gian Hàng Trống ra đời tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVI, là kết quả giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.

Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này đó là vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Khi đó, tranh Hàng Trống được bán ở khắp các khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống.

“Các con phố thủa đó quanh năm nhộn nhịp với tranh, người khắp nơi đổ về mua tranh để thờ phụng và chơi Tết. Mỗi dịp cuối năm, các chiếu tranh Hàng Trống bày bán la liệt ở hè phố tạo ra một nét riêng cho cái Tết của Hà Nội”, nghệ nhân Lê Đình Nghiên nhớ lại những ký ức tuổi thơ gắn liền với thời kỳ phồn thịnh của tranh dân gian Hàng Trống. Hiện nay, ông là người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này và cũng là người duy nhất còn giữ được bí quyết nghề vẽ tranh dân gian Hàng Trống.

Ông Lê Đình Nghiên người nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh Hàng Trống.

Phỗng đất Bắc Ninh

Phỗng đất là món đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam thời xưa, cũng là món đồ được các đền, chùa sử dụng trong cúng bái. Nặn phỗng đất ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa Việt. 

Trong mâm cỗ Trung thu ngày xưa, ngoài mâm ngũ quả, bánh kẹo… nhất định phải có một bộ phỗng đất, đèn ông sao và một ông tiến sĩ giấy.

Bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 hình tượng: đứng giữa là Đức Phật, mang ý nghĩa tâm linh, mong muốn con cháu luôn phải sống có lương tâm, đạo đức; hình tượng thứ 2, 3 là ông già và em bé, tượng trưng cho sự tiếp nối giữa các thế hệ; thứ 4 là con chim, thể hiện cho khát vọng tự do, hòa bình; cuối cùng là con rùa, tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn.

Để làm một bộ phỗng đất cũng khá kỳ công. Nguyên liệu làm phỗng đất là đất sét và giấy bản. Đất sét được đào ở độ sâu từ 2-2,5m, đem phơi khô, đập, giã thành bột mịn rồi sàng, đến khi sờ vào có độ mịn mát tay là được. Giấy bản ngâm trong nước 7 ngày, sau khi đã mủn hoàn toàn thì trộn đất và giấy với nhau, vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hỗn hợp này quyện lại rồi mang ra nặn, nặn xong phơi ra ngoài ánh nắng mặt trời cho khô. 

Đất dùng để nặn phỗng là đất sét có độ mịn và sạch. Ảnh: Khánh Long

Tranh Đông Hồ - Hơi thở của làng Việt

Từ xa xưa, người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã có thói quen mua tranh Đông Hồ về trang hoàng nhà cửa vào dịp Tết với ước mong hạnh phúc no ấm. Vì thế, Tranh Đông Hồ đi vào cuộc sống của người Việt qua nhiều thế hệ và đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, Tranh Đông Hồ đã vượt ra khỏi làng quê, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thời trang, gốm sứ đang mang lại sức sống mới cho dòng tranh đã trải qua thăng trầm của thời cuộc. 

Bảo tồn nét đẹp Tranh Đông Hồ 


Tranh Đông Hồ có xuất xứ từ thế kỷ 17 ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng năm 1945, làng Đông Hồ có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Trải qua thăng trầm của thời gian đến nay làng Đông Hồ còn 2 gia đình làm tranh là gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế. Họ đã bảo tồn được hơn 1000 bản khắc gỗ và phục chế 500 bản mẫu cổ.


14 thg 10, 2019

Ấn tượng những giá hầu đồng đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

3 năm sau khi Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các hoạt động nghi lễ đặc sắc gắn liền với di sản này diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương. Ấn tượng nhất trong số đó là nghi lễ hầu đồng. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Theo các nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng, Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Trong ảnh là quang cảnh một điện thờ Mẫu điển hình. 

Khám phá ẩm thực dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ

Cá nướng than hồng thơm ngon ở miệt biển Nghệ An

5h sáng mỗi ngày, trong dãy ki ốt dọc chợ hải sản Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) đã bập bùng ánh than hồng. Những người phụ nữ nhanh nhẹn bưng những thùng cá thửng, cá thu, cá trích... đặt xung quanh bếp. Chốc lát, mùi thơm mặn mòi vị biển như "đánh thức" tất cả mọi người. Món cá nướng sạch lành đã trở thành đặc sản theo tay người đi muôn xa. 

Ở Nghi Thủy, cá được nướng bằng than củi. Những mẻ than đượm hồng được giữ ở nhiệt độ ổn định, giúp cho cá chín đều hai mặt, màu cá nướng vàng đẹp. Ảnh: Hải Vương 

Múa rồng đất Thăng Long

Múa rồng là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố của người Thăng Long - Hà Nội, thường được biểu diễn trong các dịp lễ Tết, vì rồng là vật linh thiêng, tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt và hạnh phúc. Với ý nghĩa đó, Liên hoan múa Rồng Hà Nội năm 2019 - một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, hướng tới chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019). 

Rồng là con vật thiêng liêng gắn liền với truyền thuyết của văn hóa Việt Nam. Trong xã hội phong kiến trước đây, rồng tượng trưng cho sự cao quý và uy quyền của bậc vua chúa. Rồng xuất hiện ở hoàng cung, chùa chiền, miếu mạo và trong dân gian. Sách cổ phương Đông coi thủy tổ loài người từ rồng mà ra và cho rằng các bậc vua chúa, thánh hiền đều là con cháu tiên rồng.

 Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019 góp phần tạo nên một không gian văn hóa truyền thống độc đáo, là một sản phẩm du lịch dành cho đông đảo người dân và du khách trong những ngày Hà Nội đang sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Từ hình tượng rồng trong dân gian, cha ông ta đã có sự tìm tòi phát triển thành nghệ thuật múa rồng mang dấu ấn văn hóa Việt. Múa rồng là một trong những điệu múa cổ của dân tộc mà cái nôi phát triển loại hình múa này là mảnh đất Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay).

Chùa Keo Hành Thiện – Di tích Quốc gia đặc biệt

Chùa Keo Hành Thiện, gồm Chùa Keo trong (Thần Quang tự), Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự), thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chùa từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, không gian yên tĩnh. Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng gần sông Hồng và sông Ninh Cơ. 


Chùa Keo Hành Thiện là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam, được bảo tồn gần như nguyên vẹn, với nét kiến trúc độc đáo 400 năm tuổi. Phía trước Tam quan có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.