13 thg 7, 2017

Cá bống kho nghệ

Là thực phẩm quen thuộc trong mâm cơm người Việt, cá bống được xem là món ăn bắt nguồn từ thôn dã của nền văn minh lúa nước với những xóm làng bao quanh bởi sông suối. Do tính sẵn có của loại cá đồng này, có đến hàng chục cách chế biến khác nhau, trong đó cá bống kho nghệ được xem là một trong trong những cách nấu truyền thống và phổ biến nhất.

Thịt cá bống dai, ngon và được coi là loại thực phẩm lành tính, giàu dinh dưỡng. Theo dân gian thì đây là món ăn rất tốt cho bà bầu và những người đang trong quá trình phục hồi sức khỏe.

Để có được món cá bống kho nghệ thơm ngon, nên chọn cá bống tươi, thân có màu vàng nhạt và đặc biệt nếu có trứng là ngon nhất. Sau khi sơ chế, nên ướp cá với một ít đường trong khoảng 30 phút để đường thấm sâu vào bên trong phần thịt. Theo các đầu bếp kỳ cựu, đây chính là một trong những bí quyết để có được món cá bống kho nghệ thơm ngon nhất.

Cá bống đã được làm sạch

Vang danh làng rèn Nhị Thành

Làng nghề rèn Nhị Thành, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) có từ rất lâu đời, cung cấp phần lớn nông cụ cho công cuộc cải tạo vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn trước kia để trở thành một vùng đồng bằng trù phú Đồng Tháp Mười hôm nay. 

Đến Nhị Thành, dù đã qua “thời kỳ hoàng kim” từ rất lâu rồi nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy những tiếng kim loại chát chúa rất đặc trưng. Chúng tôi đến Lò rèn Út Nhựt của ông Lê Minh Nhựt, 82 tuổi và có thâm niên lâu nhất của làng nghề với trên 60 năm ở ấp 4.

Một cảm giác bùi ngùi khi chúng tôi được anh Lê Minh Hồng, con trai ông Lê Minh Nhựt thông báo ông Nhựt đã rất yếu. Tuy vậy, qua câu chuyện với anh Hồng, chủ hiện tại của Lò rèn Út Nhựt, chúng tôi thực sự tin mình đã gặp đúng người, một người với 30 năm trong nghề, đủ tâm và sức để không chỉ kế thừa sự nghiệp của người cha đáng kính và còn có thể góp công cùng các thợ rèn lâu năm khác gìn giữ truyền thống của làng nghề.

Anh Lê Minh Hồng chia sẻ, nghề rèn ở Nhị Thành đã có từ rất lâu rồi, nhiều lão niên trong làng như cha anh đều cho rằng nghề có từ thời mở cõi đất phương Nam và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sản phẩm của làng rèn với những nông cụ thô sơ như cày, cuốc, xẻng, liềm, hái… đều là vật dụng thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Nung nguyên liệu để rèn sản phẩm.

12 thg 7, 2017

Đi thăm làng cổ ở gần Sài Gòn

Nếu bạn thích ngắm nhìn, chụp ảnh những ngôi nhà cổ mà không có điều kiện đi xa, thì có một nơi chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 40 km thôi. Nơi đó, không chỉ có một mà rất nhiều nhà cổ, gọi là làng cổ luôn.

Nơi tui muốn nhắc tới là Làng cổ Phước Lộc Tho, ở Đức Hòa, Long An. Từ Sài Gòn, bạn đi theo đường Võ văn Kiệt về hướng Tân Tạo - Chợ Đệm rồi theo tỉnh lộ 10 tới ngã tư Đức Hòa, rẽ trái khoảng hơn 3 km là tới.

Cổng vào Làng cổ Phước Lộc Thọ 

Điểm du lịch độc đáo: Cá đá Tân Thành

Thiên nhiên ban tặng cho xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam) một bãi biển tuyệt vời, không chỉ có cát trắng, nắng vàng, nước biển trong xanh mà hàng trăm mét bờ biển được bày trí đủ các loại đá trông thật lạ mắt. Người ta gọi bãi đá Tân Thành là vườn đá nhảy, bởi đá ở đây luôn biến đổi từ hình dạng đến màu sắc tùy thuộc vào sự lên xuống của con nước và theo mùa. Ngày hè đắm mình trong khung cảnh bình minh hay hoàng hôn trên vịnh đá nhảy, du khách sẽ cảm nhận và ngạc nhiên khi phát hiện những tảng đá qua hàng ngàn năm bị sóng biển bào mòn, có nhiều hình dạng khác nhau, có khối đá hình tròn, hình vuông, có tảng tựa như đàn trâu, đàn voi khổng lồ; nhiều tảng đá nhỏ lại giống như đàn cá nhảy trên mặt biển. Hấp dẫn nhất là các tảng đá hình thù như đàn cá heo chỉa mỏ lên khỏi mặt biển; con cá bò hòm, bò giấy, cá mặt quỷ xù xì; con cá nục sồ ngoi đầu lên mặt nước; con ba ba đầu thụt ra, thụt vào trong chiếc mai vững chắc. Đẹp nhất là vào sáng sớm, từ vườn đá nhảy nhìn ra biển từng đoàn thuyền nối đuôi nhau vào bến. Những đợt sóng đập mạnh lại tiếp tục bào mòn đá để từ đó thêm nhiều loại cá mới xuất hiện. Đến vịnh đá nhảy Tân Thành, bạn sẽ bị mê hoặc trước những khúc hát rì rào của sóng biển; thỉnh thoảng nghe tiếng vỗ mạnh vào vài con cá đá làm tung nước trắng xóa. Những đứa trẻ cứ xem miệt mài không chịu rời xa… 

Cá bò hòm 

Tuy Phong: Một loại hình du lịch bị bỏ quên ở Bình Thạnh

Nhắc đến Bình Thạnh (Tuy Phong) là nhắc đến một xã vùng biển có ưu thế về phát triển du lịch. Ở đây, ngoài các di tích lịch sử - văn hóa như: Cổ Thạch tự (chùa hang) hình thành từ năm 1835, đình làng Bình An (1700- tên xa xưa của Bình Thạnh), Lăng ông Nam Hải từ thời Minh Mạng (1820-1840), nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn, khu di tích lịch sử Cát Bay, còn có bãi đá bảy màu, hang cò, hang yến, hốc Đồng Chung, bãi ngoài, giếng Liệc… là những thắng cảnh khá thu hút…

Đài tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. 

Chuối đậu om

Được xem là một trong những món ăn mang đậm phong vị thôn quê đồng bằng Bắc Bộ, chuối đậu om gắn liền với những nguyên liệu “cây nhà lá vườn” gần gũi và là nỗi nhớ của mỗi người con xa quê. Đây cũng được coi là phiên bản chay của ốc om chuối đậu, món ăn truyền thống của cư dân châu thổ sông Hồng. 

Bên cạnh những thành phần chính như chuối xanh, nấm, đậu phụ, tía tô thì cơm mẻ - một gia vị truyền thống trong ẩm thực Việt Nam – được xem là thành tố không thể thiếu, tạo “hồn” cho món ăn thôn dã này với vị chua dịu cùng mùi thơm đặc trưng của gạo lên men.

Sau khi gọt đi lớp mỏng bên ngoài để giữ lại lớp vỏ trong màu xanh, chuối đựợc ngâm trong nước chanh pha loãng cho đến khi tiết ra hết lớp nhựa bao quanh.

Chuối tiếp đó được cắt chéo với độ dày mỗi đoạn khoảng 1cm rồi luộc trong nước sôi cho đến khi gần chín mềm. Cắt nhỏ nấm và rán sơ đậu phụ trước khi tiến hành công đoạn om.

Nguyên liệu gồm có đậu rán, chuối xanh, nấm, tía tô…

Tôm xóc muối Tây Ninh

Mặn mà, cay cay, giòn tan hòa quyện cùng hương biển khơi nồng nàn đánh thức vị giác là những gì thực khách cảm nhận đươc mỗi khi thưởng thức món Tôm xóc muối Tây Ninh.

Mặc dù muối đặc sản từ vùng đất Tây Ninh được sử dụng làm gia vị chủ đạo, món ăn này lại do các đầu bếp Sài Gòn sáng tạo. Sự đơn giản trong cách chế biến và bài trí đã làm món ăn mang đậm hương vị Phương Nam này nhanh chóng phổ biến từ các quán ăn bình dân cho đến các nhà hàng sang trọng tại Tp. Hồ Chí Minh cũng như các vùng lân cận.

Theo Nguyễn Thành Lợi, bếp trưởng nhà hàng Song Ngư tại Quận 1, ngoài tôm sú là nguyên liệu chính, món ăn này còn bao gồm một số thành phần và gia vị như muối Tây Ninh, tôm khô, ớt khô, bột chiên xù, bột mì, trứng gà, đường, bột ngọt và dầu ăn.

Tôm nguyên con thật tươi là sự lựa chọn hàng đầu.

Hương vị miền Trung trong “dắt xúc bánh đa”

Thịt dắt xào xúc bánh tráng là món đặc sản của nhiều vùng quê miền Trung. Đây là món ăn dân dã, rẻ tiền được nhiều người ưa thích bởi giàu đạm nhưng không quá cầu kỳ trong cách chế biến. 

Thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh vỏ, dắt sống chủ yếu ở vùng nước lợ tại khu vực cửa sông ven biển, đầm phá và thường bị nhầm với hến và ngao. Nếu nhìn bề ngoài, dắt nhỏ hơn hến và có màu đen sậm vì chúng thường nấp dưới cát để trốn kẻ thù và tìm kiếm thức ăn.

Do tập tính của dắt thường đi kiếm ăn vào buổi sáng nên muốn bắt, người dân ven cửa sông, biển phải dậy từ rất sớm. Dụng cụ chủ yếu để khai thác dắt là những vợt lưới được chế tạo chuyên biệt để có thể cào dưới nước.

Những hôm nắng to, dắt thường ngoi lên bờ thì chỉ cần lội chưa qua đầu gối là có thể cào được dắt. Ngược lại, những hôm mưa gió thì việc bắt dắt sẽ khó khăn hơn nhiều vì phần lớn dắt lặn dưới đáy sâu.

Nguyên liệu gồm thịt dắt, hành khô, hành phi, ớt tươi… 

Những kiêng kỵ trong tập quán dựng nhà của người Giáy

Đồng bào Giáy thường dựng làng ở nơi có nguồn nước, gần ruộng, ven núi tương đối bằng. Mỗi khi có người nơi khác đến ở, bà con làng sở tại thường rủ nhau đi đón, chuyển hộ nhà cửa, đồ dùng và giúp đỡ mọi thứ cho người mới đến mau chóng ổn định nơi ở, việc làm.

Nhóm Giáy vùng Hà Giang, Cao Bằng ở nhà sàn. Nhóm Giáy vùng Lào Cai, Lai Châu ở nhà đất. Nhưng qua tài liệu văn học dân gian thì người Giáy vốn ở nhà sàn. Hiện nay đồng bào ở nhà đất vẫn còn dựng một sàn trước cửa để sử dụng. Nhà sàn hay nhà đất, gian giữa đều là nơi trang nghiêm: đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách. Buồng các cặp vợ chồng trong gia đình quây ở các gian bên. Phụ nữ không nằm gian giữa. Bếp thường đặt ở gian bên; nay có nhiều nơi đã làm nhà để đun nấu riêng.

Nghề ươm tơ, dệt lụa trên cao nguyên

Cơ sở ươm tơ, dệt lụa Cường Hoàn đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt - Lâm Đồng và có tên trong cuốn cẩm nang du lịch quốc tế Guide Book. Mỗi năm, Cơ sở thu hút khoảng 30.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế đến để tìm hiểu, nghiên cứu về nghề ươm tơ dệt lụa có truyền thống lâu đời của người Việt đang được lưu giữ và phát triển trên vùng đất cao nguyên. 

Anh Phạm Văn Cường sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội, bên ven sông Hồng luôn bồi đắp phù sa cho bãi dâu xanh tốt, phát triển nghề ươm tơ, dệt lụa. Vào vùng kinh tế mới Lâm Hà (Lâm Đồng) khi mới 15 tuổi, anh đã mong muốn phát triển nghề nghề này tại vùng Cao nguyên. Thời điểm này, nghề dâu tằm tơ đang phát triển trên đất Lâm Đồng, anh Cường đã chạy xe đi khắp các hộ gia đình làm nghề ở Đức Trọng, Lâm Hà để thu mua kén, tơ sống, bán cho các nhà máy ươm tơ ở Bảo Lộc, Đà Lạt, Tp. Hồ Chí Minh.

Anh Cường chia sẻ, ngoài việc học hỏi thêm về kỹ thuật ươm tơ, anh về tận quê hương làng lụa Hà Đông (còn gọi là làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội) để học kỹ về nghề dệt lụa.