20 thg 10, 2012

Dạo chơi biển Tân Phụng

Với địa thế núi non và biển cả hữu tình, làng biển Tân Phụng (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) là một địa chỉ du lịch văn hóa còn nhiều nét hoang sơ, kỳ thú của Bình Định.

Một chuyến dạo chơi trên biển Tân Phụng, du khách sẽ khám phá những danh thắng độc đáo như Mũi Rồng, Bãi Bàm, Đá Dựng hay tham quan chợ cá buổi sớm…


Cảnh lặn nhum thường ngày khi nước triều xuống ven biển Tân Phụng

Từ thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ (cách Quy Nhơn khoảng 70km), du khách có thể đi bằng xe buýt hoặc xe máy tiếp khoảng 13km sẽ đặt chân tới làng biển Tân Phụng, xã Mỹ Thọ.

19 thg 10, 2012

Biên Hòa ở Phủ Lý, Hà Nam

Số là thế này: Đi chơi rong ruổi suốt ngày ở Hà Nam, Nam Định, đến tối về Hai Ẩu cùng Mẹ Bụ lại đi cà phê trong thành phố Phủ Lý. Đi tới một con đường rộng rãi, sáng rực ánh đèn, Hai Ẩu bỗng dụi mắt, tưởng mình ngủ gục: các bảng hiệu hai bên đường cho thấy đây đang là... Biên Hòa.

Hai Ẩu hỏi Mẹ Bụ: Đây là đường Biên Hòa à? (đường (đi) Biên Hòa, không phải đường (ngọt) Biên Hòa). Mẹ Bụ cười hì hì: Thế đấy, nên mới đưa anh Hai tới đây cho biết!

Chẳng những ở Phủ Lý có một con đường mang tên Biên Hòa, mà đó là con đường lớn nữa. Các bạn hãy xem trên bản đồ Google thì biết:




Cây muỗm - cây di sản chùa Phổ Minh


 Cây muỗm cổ thụ chùa Phổ Minh

Ngày 25/9/2012, Ban Quản lý khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Đền Trần-Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp-Nam Định) đã tổ chức buổi lễ đón nhận Bằng công nhận và gắn biển Cây Di sản Việt Nam đối với hai cây muỗm tại chùa Phổ Minh, thôn Tức Mạc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận.


Chuyện tình nơi đình Tân Lân


Trong ảnh là đình Tân Lân, một di tích lịch sử nổi tiếng ở thành phố Biên Hòa. 

Tân Lân là xóm mới. Hơn ba trăm năm trước, tướng quân Trần Thượng Xuyên và những lưu dân người Hoa đến vùng đất Biên Hòa. Những con người ấy đã chấp nhận Biên Hòa là xóm làng mới, là quê hương mới, nên đặt cho thôn làng nơi họ đến là thôn Tân Lân. Thời Minh Mạng (thế kỷ 19), nhân dân xây đình Tân Lân để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên đô đốc Trần Thượng Xuyên, người có công khai phá đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ngôi đình hiện nay nhìn ra sông Đồng Nai, phong cảnh hữu tình...

Nhưng hãy tạm gác chuyện lịch sử ấy qua một bên nhé bạn. Điều tôi sắp kể cho các bạn nghe là một thiên diễm tình ẩn sau ngôi đình cổ kính, uy nghi ấy.


Phủ Dầy - dấu xưa còn chăng?

1. 
Phủ là nơi thờ Mẫu. Khái niệm này rất lạ lẫm đối với một người Nam bộ như tôi, nhưng là một điều rất thiêng liêng với Mẹ Bụ.

Phủ Dầy ở huyện Vụ Bản, Nam Định là một nơi đặc biệt, ở đó có một quần thể các phủ với mật độ di tích đậm đặc, có lẽ là nhiều nhất nước. Trong vòng bán kính 1 km có đến gần 20 di tích.

2.
Mẹ Bụ hướng dẫn chúng tôi đi viếng các phủ chính. Đầu tiên là phủ Công Đồng - như là một nghi thức trình diện. Rồi đến phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, sau đến lăng Mẫu Liễu Hạnh.

Đến mỗi nơi, Mẹ Bụ lại lộ vẻ thất vọng: Ô hay! Sao họ lại làm mới rồi? Không còn cổ kính như cách đây ít lâu nữa?

Trên đường đi, Mẹ Bụ chỉ vào một số nơi, nói: Đấy là phủ giả, do dân dựng lên.


Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ

Khăn quàng cũ cuối mùa thu,
Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ 

là lời ca bài Phố nghèo của nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát gợi lên một không gian đậm chất Hà Nội. Hà Nội nghèo chứ không phải Hà Nội sang, Hà Nội lãng mạn của Phú Quang, Trịnh Công Sơn...

Phủ Tây Hồ là gì? Ở đâu? Thật ra thì không cần biết điều này vẫn cảm được bài hát qua giọng ca da diết của Trần Thu Hà. Thế nhưng biết vẫn thích hơn. Vì thế, ra Hà Nội lần này lúc chớm thu, tôi đưa tôi ra phủ Tây Hồ....

 Hồ Tây, nhìn từ phủ Tây Hồ


2 thg 10, 2012

Về thăm làng Vũ Đại

Cái ông nhà văn Nam Cao đã đẻ ra một lão Chí Phèo quá nổi tiếng cùng với cái làng Vũ Đại hư cấu nào đó có Bá Kiến, Thị Nở và cả lão Hạc... Chính vì sự nổi tiếng của cả nhà văn và các nhân vật này mà Sở Du lịch tỉnh Hà Nam đã làm dự án thành lập khu du lịch với kinh phí tới 30 tỉ đồng để “phục chế” cái làng quê nơi sinh thời Nam Cao đã sống...
Làng Vũ Đại ở đâu?

Chính cái ý tưởng lý thú của dự án này khiến chúng tôi phải hành hương về thăm làng Vũ Đại. Đã có hai bộ phim nói về cái làng này (một là phim truyện Làng Vũ Đại ngày ấy và một là phim tư liệu Làng Vũ Đại ngày nay) khiến nó càng nổi tiếng hơn.

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí (1917-1951), thuộc thế hệ văn học tiền chiến nhưng mất rất sớm trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tác phẩm quan trọng của ông hầu hết được viết  trước chiến tranh, với đề tài những khổ đau của dân quê và những hủ tục của một thời mà con người nghèo nàn chỉ biết bám víu vào những hư vị hão trong thôn làng.
Nhưng chúng tôi vừa đi vừa phải hỏi đường, bởi vì chẳng có người dân nào biết cái làng Vũ Đại của Nam Cao nằm ở đâu. Thật ra cả tỉnh Hà Nam chẳng có cái làng nào tên Vũ Đại. Còn cái làng quê Đại Hoàng, nơi chôn nhau cắt rốn của Nam Cao (và cũng là nơi có những nguyên mẫu cho các nhân vật của ông) ngày xưa, bây giờ đã mất tên.

Sau kháng chiến chống Pháp, nó được đổi tên là làng Nhân Hậu, rồi được sáp nhập với hai làng khác để thành xã Hòa Hậu của huyện Lý Nhân ngày nay. Tuy thuộc tỉnh Hà Nam nhưng nó chỉ cách thành phố Nam Định hơn 10km với phân nửa đường đi vào gập ghềnh đầy ổ voi do mấy ông thần xe tải lui tới chở vật liệu đổ mặt bằng một khu công nghiệp.

Làng của Nam Cao bây giờ có đường nhựa dẫn vào, xanh mát bóng những hàng cây và ao hồ nằm dọc dòng Châu Giang thơ mộng. Tơ tằm được phơi đầy các ngõ ì xèo tiếng máy dệt.

Bí thư xã Hòa Hậu, anh Trần Ngọc Nghiêm, tình nguyện làm “hướng dẫn viên du lịch” không công cho chúng tôi để đi thăm lại “những vết tích xưa”.

Cái “lò gạch cũ”, nơi xuất thân của lão Chí Phèo, bây giờ không còn nữa, cái nền xưa của nó bây giờ là một cái hố nông choèn mà người dân làng dùng để ủ vôi nằm khuất dưới những tàn tre sát bờ sông Châu.

Bá Kiến có nguyên mẫu là Bá Bính hay còn gọi là Chánh Bính. Cơ ngơi hàm hố của tay bá hộ này không còn gì (do bị chia năm xẻ bảy cho ba người con trai của ông ta và chia lại cho nông dân sau cách mạng) ngoài gian nhà thờ có niên đại 200 năm (dài 4m, ngang 7,5m với những kèo cột gỗ lim rất có giá trị, nằm giữa một khu vườn rộng khoảng 1ha).

Nó được xây theo kiểu nhà “bức bàn” ba gian với ngói vảy cá, các đầu kèo được chạm trổ tinh vi. Chị Trần Thị Hoa, một cán bộ làm việc ở UBND xã, cho biết ông nội của chị mua lại căn nhà này từ tay con trai cả của Bá Bính. Ông Bá Bính này không hề bị anh nông dân say rượu nào đâm chết cả mà ông chết vì bệnh sau khi di tản tới một làng khác để sống vì lý do chiến tranh. Cũng giống như lão Hạc thật, không chết vì bả chó như nhân vật lão Hạc mà Nam Cao miêu tả dù hoàn cảnh của hai lão Hạc này rất giống nhau!

Cụ Trần Hữu Đạt, 83 tuổi, em trai ruột của Nam Cao, hiện vẫn đang sống tại mảnh đất của bố mẹ mình, cho chúng tôi biết người chết vì bả chó thật chính là nguyên mẫu mà Nam Cao dùng để xây dựng nhân vật bố chồng của dì Hảo trong truyện ngắn cùng tên.

Cụ Đạt và con dâu cùng cháu nội trai của Nam Cao

Truyện và đời

Câu chuyện mà người dân Hòa Hậu kể lại cho chúng tôi nghe, chung quanh cái tên ”làng Vũ Đại”, có một chút gì huyền bí. Dường như có một thứ định mệnh gì đó được tạo ra từ sự giao thoa giữa sáng tác hư cấu và chuyện thật của cuộc đời. May mắn thay, lần này về quê của Nam Cao, khi thắp nhang trước mộ ông, chúng tôi được gặp cô con dâu thứ và đứa cháu nội trai của ông.

Họ cho biết có một cái làng thật tên Vũ Đại nhưng nó không ở Hà Nam mà thuộc tỉnh Ninh Bình... Không biết tại sao Nam Cao lại chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động cách mạng, để rồi chính trên cánh đồng của làng có cái tên gắn liền với “sự nghiệp” nổi tiếng của Chí Phèo và Thị Nở này, liệt sĩ Nam Cao đã bị Tây giết và vùi xác tập thể cùng một số chiến hữu khác của ông.

Định mệnh hay ngẫu nhiên? Hoặc một trò chơi khăm lẫn nhau giữa nghệ thuật và cuộc đời? Năm 1998, các con cháu của Nam Cao phải nhờ bói toán, nhập đồng, nhà ngoại cảm và cả khoa học hình sự mới tìm được hài cốt của ông mà đem về Hòa Hậu chôn cất.

Làng Vũ Đại nào mới đúng như trong tác phẩm của Nam Cao đây?

Theo cụ Đạt, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên của số phận Nam Cao, chứ cái làng Vũ Đại thật ấy chẳng có dính líu gì đến anh Chí Phèo và Thị Nở, bởi tất cả những nhân vật của Nam Cao được xây dựng từ những nguyên mẫu, người thật việc thật của làng Đại Hoàng. Cụ Đạt nhớ rằng ngày ông còn nhỏ, ở đây có một người tên Chí Phèo (bí thư Nghiêm thì nói người đó tên là Tí Tèo) có tính cách giống như Chí Phèo của Nam Cao.

Còn nguyên mẫu thật của lão Hạc có tên là trùm Ruyên, một người Công giáo mộ đạo. Oái oăm thay cái sự đời, sau hơn nửa thế kỷ khi truyện ngắn Lão Hạc được viết ra, nấm mộ của Nam Cao bây giờ và ngôi nhà tưởng niệm ông lại được xây trên chính mảnh vườn của trùm Ruyên - lão Hạc!

Chưa hết, khi vào sống trong ngôi nhà của Bá Kiến - Bá Bính, gia đình chị Hoa luôn gặp rắc rối mà theo lời dân làng, cũng chính cái tác phẩm của ông Nam Cao là “tác nhân”. Ngay tại ngôi nhà ấy bố chị Hoa đã treo cổ tự sát. Chồng chị Hoa bỏ đi biệt tích, đứa con gái duy nhất của chị lìa đời khi đang học lớp 11 vì bị ung thư. Bây giờ chỉ còn chị và người mẹ già quây quần sớm tối với nhau trong căn nhà quá ư nổi tiếng ấy!

Dự án tái tạo

Lò gạch ở Hòa Hậu hiện nay

Chị Trần Thị Khuyên, người con dâu thứ hai của Nam Cao, hiện đang sống tại Nam Định, cho chúng tôi biết ngôi mộ của Nam Cao được xây với số tiền hơn 70 triệu đồng, trong đó Nhà nước cấp 27 triệu. Còn ngôi nhà tưởng niệm thì được xây với kinh phí 500 triệu đồng (theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi ông về đây thắp hương trước mộ Nam Cao).

Hiện người ta đang bỏ ra khoảng 100 triệu đồng nữa để xây bờ kè trước ngôi nhà tưởng niệm. Chúng tôi nhìn vào bên trong ngôi nhà vừa mới xây xong, chưa có gì trong đó.

Nếu dự án du lịch “làng Vũ Đại” trị giá 30 tỉ đồng của ngành du lịch Hà Nam trở thành hiện thực thì sao nhỉ? Làng Nhân Hậu sẽ được đổi tên là làng Vũ Đại? Cái ”lò gạch cũ” sẽ được dựng lại, ngôi nhà Bá Bính sẽ được trùng tu? Hướng dẫn viên nào sẽ đóng vai Chí Phèo và Thị Nở cho thật đạt? Lại còn bát cháo hành nữa chứ, cũng phải xây một cái bếp để mà nấu... Du khách có kéo về hàng loạt để tham quan không?

Hiện giờ thì cả chính quyền và người dân xã Hòa Hậu chẳng biết tí ti gì về dự án này. Nó vẫn còn trên giấy với những ý tưởng còn đang nhảy múa trong sự hưng phấn đột biến của các anh du lịch, trong khi cả xã Hòa Hậu đang cần kinh phí chỉ vài ba tỉ đồng để củng cố lại làng nghề dệt truyền thống của họ mà chưa có.


Tôi về thăm Hòa Hậu vào tháng 9/2012, hơn 8 năm sau bài viết này trên báo Tuổi trẻ. Con ngõ vào nhà "Bá Kiến" có một tấm bảng chđường, chữ nghĩa đã long, rơi rớt.



Cây nhãn cổ thđầu ngõ vào nhà "Bá Kiến"

Nhà Bá Kiến là đây, nhưng ảnh chỉ được chụp qua hàng rào, không vào được.

Những người phụ nữ này nói với chúng tôi rằng: Chả có gì trong đó cả! Nhà nước mua lại nhà, dọn đồ đi sạch rồi. Có mấy chú đo đất sống trong đó, nhưng hôm nay đi ăn cưới rồi, chiều tối mới về

"Hướng dẫn viên du lịch" cho chúng tôi là thế đấy! Và quanh quẩn mãi cũng chỉ chụp được từ bên ngoài như thế này thôi!

Cũng theo lời những người hàng xóm của Bá Kiến ấy, đây là nhà bà Ba (vợ thứ ba của Bá Kiến)

Đây là nhà bà Tư
Tiếp tục đi, chúng tôi đến Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao và mộ của ông, được xây dựng trên mảnh đất ngày xưa là của nhân vật hư cấu Lão Hạc, tức đất của trùm Ruyên ở ngoài đời.

Nghe nói rằng trông nom nhà lưu niệm này là em ruột của nhà văn, chúng tôi mong mỏi được gặp để nghe kể về Nam Cao, cũng như tham quan những di vật của ông. Tiếc thay, nhà đóng cửa, vắng người.

Mộ Nam Cao

Mộ Nam Cao, bên cạnh là nhà tưởng niệm
Mặt trước Nhà Tưởng niệm, cửa đóng im ỉm

Chúng tôi viếng mộ nhà văn, và tiếc nuối chia tay làng Vũ Đại.

Có một dán du lịch văn hóa được thực hiện nửa vời....
Phạm Hoài Nhân

40 món ngon Việt Nam trong mắt CNN

Từ phở đến bún, món ăn Việt Nam ngon nhất khi bạn ngồi húp xì xụp, nhai rào rào trên một chiếc ghế nhựa... 40 món ngon Việt Nam vừa được chuyên trang về tin tức, du lịch châu Á của CNN - giới thiệu.

Ẩm thực Việt Nam không giành điểm vì sự phức tạp. Nhiều trong số những món ăn phổ biến nhất có thể được nấu ngay bên vệ đường cũng ngon lành như trong một nhà hàng thượng hạng. Nhưng chính sự đơn giản này, các biến thể món ăn tinh tế theo vùng và nguyên liệu tươi xanh khiến chúng ta cứ muốn ăn thêm nữa.

1. Phở



Phở bò - Ảnh: Nhahangvannam.com

Danh sách món ăn Việt Nam nào sẽ hoàn thiện nếu thiếu phở? Gần như không thể đi bộ qua một khối nhà ở các thành phố lớn của Việt Nam mà không gặp một đám đông khách quen đói meo đang xì xụp tại một hàng phở bình dân. Nguyên liệu chính đơn giản gồm có nước dùng đậm đà, bánh phở tươi, một chút rau thơm và thịt gà hoặc thịt bò. Món ăn này ngon, rẻ và bạn muốn ăn bất kỳ giờ nào trong ngày cũng có. 

Ăn đâu: Phở Thìn, 13 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.


Bộ linga - yoni to nhất

Bộ linga - yoni to nhất có kích thước như sau: linga cao 2,1 met, yoni là một hình vuông mỗi cạnh 2,26 met!


Bộ linga-yoni khi mới được khai quật

Đây là bộ linga-yoni không chỉ to nhất Việt Nam mà còn to nhất Đông Nam Á, được khai quật tại Cát Tiên năm 2006.

Người háo danh như Hai Ẩu nghe tới đây là mừng rơn, vì biết rằng vườn quốc gia Nam Cát Tiên thuộc Đồng Nai, cặp linga-yoni này ở Cát Tiên, như vậy Đồng Nai sẽ có kỷ lục Linga-Yoni bự nhất!

Phổ Quang cổ tự

Theo những tư liệu tôi biết thì Biên Hòa có 3 ngôi chùa cổ (niên đại khai sơn thuộc thế ký 17), đó là chùa Đại Giác, chùa Bửu Phong và chùa Long Thiềng (xin đọc Chùa cổ ở Biên Hòa). Thế nên tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Hoà, huyện Vĩnh Cửu một ngôi chùa có niên đại khai sơn là 1657! Đã đành rằng theo địa giới hành chính hiện giờ thì nơi đây thuộc huyện Vĩnh Cửu chứ không phải thành phố Biên Hòa, nhưng từ lâu vùng đất Vĩnh Cửu này là thuộc tỉnh Biên Hòa chứ! Vậy có đúng đây là ngôi cổ tự không, và nếu đúng thì vì sao bao nhiêu lâu rồi ngôi cổ tự này không được nhắc tên? 

Cổng chùa