22 thg 9, 2012

Bài hát viết về Đồng Nai

Có khá nhiều bài hát viết về Đồng Nai, trong đó có những bài rất quen thuộc với người nghe cả nước, như: Trị An âm vang mùa xuân, Đêm thành phố đầy sao (mà một thời gian dài bị ngộ nhận là viết về TP Hồ Chí Minh, xin xem ở đây), v.v...

Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai có tổ chức bình chọn 10 ca khúc hay nhất viết về Đồng Nai. Kết quả bình chọn đó như sau (xếp thứ tự ABC theo tựa đề):


1. Biên Hòa bờ bến yêu thương - TG : Thi Đường
2. Cồng vang đêm Chiến khu Đ - TG : Khánh Hòa
3. Đồng Nai mùa sầu riêng - TG : Trần Viết Bính
4. Đồng Nai ngày mới - TG : A Lý Phượng Tuyền
5. Dòng sông Đồng Nai - TG : Trương Quang Lục
6. Ngọt lòng cây trái Đồng Nai - TG : Vũ Đan Huyền
7. Tiếng hát Đồng Nai - TG : Hải Triều
8. Trị An âm vang mùa xuân - TG : Tôn Thất Lập
9. Về Đồng Nai - TG : Xuân Hồng
10. Về Đồng Nai quê em - TG : Thái Hải


Chùa Minh Thành ở Phố Núi

Những năm trước khi nói đến du lịch Pleiku người ta thường chỉ nhắc đến Biển Hồ, thế nhưng gần đây các tour du lịch đến Pleiku đều có một điểm tham quan mới: chùa Minh Thành, tọa lạc tại số 348 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố Pleiku..

Chùa Minh Thành không phải là một ngôi chùa cổ, chùa được khai sơn năm 1964. Công trình hiện nay được khởi công từ năm 1997, sau mười năm trùng tu chùa đã cơ bản hoàn thành, và hiện nay vẫn đang tiếp tục. Chùa do Đại đức Thích Tâm Mãn làm trụ trì. Điều đáng ghi nhận là Đại đức đã tốt nghiệp thủ khoa Cao học Mỹ thuật học Phật giáo tại Đài Loan. Các bạn có thể đọc bài viết sau của ông về quan điểm thiết kế chùa Minh Thành: Chùa Minh Thành.

Trên cao nguyên mờ sương, bước chân đến khuôn viên chùa ta thấy lòng lâng lâng thoát tục. Cảnh tượng vừa trầm mặc, vừa uy nghi trong một không gian rộng mở khiến lòng ta nhẹ đi, rũ bỏ mọi phù du của cuộc đời...

Mặt tiền chùa

10 thg 9, 2012

Ba Thê huyền thoại

Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, tên chữ là Hoa Thê Sơn. Đây là một ngọn núi nằm lẻ loi giữa đồng tứ giác Long Xuyên, ngày nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.


Đường về thương cảng Óc Eo xưa

Miền sơn cước

Xe chạy xuyên qua cánh đồng Thoại Sơn mênh mông, bát ngát, lúa chín vàng. Từ thành phố Long Xuyên theo tỉnh lộ 943, chúng tôi đi về hướng Tây hướng về Núi Sập. Dòng Thoại Giang (còn gọi là Thoại Hà) là một công trình thế kỷ do ngài Thoại Ngọc Hầu chỉ huy. Đã có hàng vạn lượt dân công, cơm nắm mo cau, chân đất đầu trần, tứ phương tụ họp về đây phá rừng, đào đắp, nạo vét kênh bằng những công cụ thô sơ để cho hôm nay dòng Thoại Giang chảy xuôi về biển.

26 thg 8, 2012

Chùa Hang không có hang

Nước ta có hàng chục ngôi chùa mang tên chùa Hang (xem bài Chùa Hang. Có bao nhiêu chùa Hang?). Đã gọi là chùa Hang tất nhiên phải có cái hang, nếu không phải là chùa được lập nên trong hang thì ắt là trong khuôn viên chùa phải có cái hang!

Vậy mà có một ngôi chùa - rất nổi tiếng đấy nhé - mang tên chùa Hang mà ta đi từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, đi vòng vòng khắp khuôn viên chùa vẫn chẳng tìm đâu ra cái hang hốc nào cả! Đó là chùa nào, ở đâu mà kỳ cục vậy?

Xin thưa: Đó là chùa Hang ở Trà Vinh ạ!

Chùa có tên chính thức là chùa Kompong Chrây, tọa lạc ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Đây là một ngôi chùa Nam tông Khmer.

Hai điều đặc sắc ở ngôi chùa này là:

1. Trong chùa có vô số cây sao dầu và me cổ thụ, tạo bóng mát rượi và hàng đàn, hàng đàn chim cò tụ tập, ríu rít rất vui tai (do đó có người - như tui chẳng hạn - còn gọi đây là chùa Cò).

2. Trong chùa có xưởng tạo tác các sản phẩm gỗ mỹ thuật tuyệt đẹp và rất có giá trị.

Vậy là cả tên chùa, cả những nét đặc sắc của chùa đều... không có liên quan gì đến cái hang! Tại sao lại kêu là chùa Hang?

Về chùa Nành

Nhắc tới Ninh Hiệp, người ta thường nghĩ ngay tới khu chợ vải sầm uất nổi tiếng ngoại thành Hà Nội. Không nhiều người biết rằng đây chính là quê ngoại công chúa Ngọc Hân và tồn tại một ngôi chùa nổi tiếng - chùa Nành.

Thủy đình

Chùa Nành cùng với chùa Dâu, chùa Keo, chùa Đậu là bốn ngôi chùa thờ Tứ pháp lớn nhất ở miền Bắc. Chùa nằm tại thôn Phù Ninh (làng Nành) thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20 cây số. Đến đây, bạn thật sự cảm nhận được sự thanh tịnh, trầm mặc của chốn tu hành: mái ngói lợp phủ màu thời gian; những cây cột gỗ mộc mạc; những cánh cửa, chấn song gỗ tựa như trong những thước phim tư liệu cũ…


Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học cổ nhất Việt Nam

Có lẽ ai cũng biết hoặc nghe nói đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một quần thể di tích đệ nhất Hà thành. Và cũng không có gì lạ khi nói đấy là một trong những trường đại học đầu tiên trên thế giới.



Lối vào Văn Miếu: cổng “Vǎn Miếu Môn” 

“Đi tham quan Hà Nội mà chưa vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì coi như bạn chưa đến Hà Nội”. Với tôi, mỗi lần đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một lần khám phá, tìm tòi về lịch sử và kiến trúc của quần thể di tích này.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu về đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam và Quốc Tử Giám, trường quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, với hơn 700 năm hoạt động (1076 - 1802) đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.