10 thg 5, 2011

Sao gọi tên là núi Chứa Chan?

Ngày xưa, khi Hai Ẩu còn học phổ thông, bọn học sinh thường gọi đùa núi Chứa Chan là Chán Chưa, và giải thích rằng: Vì leo lên núi thì mệt lắm, mà lên tới trên thì... hổng có gì vui, nên mới hỏi lại nhau rằng Chán chưa?


Núi Chứa Chan. Ảnh: Nguyễn Tùng Lâm (dulichbui.org)

Một truyền thuyết giải thích tên núi Chứa Chan như sau:


Vào thế kỉ 17, có một vị quan người Việt là Việt Hùng, trong lúc giao chiến với quân Khmer, ông bị bắt cùng với người vợ của mình. Ông bị giam lỏng ở miền núi này và lập ở đây một ngôi miếu ăn chay tịnh. Còn vợ ông vì có nhan sắc nên đã bị vua khmer ép làm vợ lẽ mặc dầu biết bà đang mang thai. Sau đó, bà sinh dựoc một con gái, đặt tên là Mai Khanh. 18 năm sau, khi cô gái lớn lên, bà đã kể sự thật về cha cô cho cô nghe. Cùng với một người nô bộc của mình cô quyết định đi tìm cha. Hai cha con gặp nhau trong niềm vui sướng, và họ quyết định bỏ trốn , họ bị người Khmer truy đuổi gắt gao. Trong lúc hoảng loạn, cả ba người đã gieo mình tự vẫn ở ngọn núi này. Người dân ở đây đã lập miếu thờ ba người, hiện nay trong chùa có 3 tượng được mọi người gọi là ông vàng, cô bạc và cậu chì là để chỉ ba người này. Biết được câu chuyện thương tâm đó, người dân ở đây đặt tên cho ngọn núi này là núi chứa chan để nói lên tình cảm chan chứa của gia đình họ.

Hì, tôi nghĩ đây là chuyện do các đơn vị hướng dẫn du lịch chế ra kể cho du khách để thêm phần thi vị. Chuyện 3 người trong gia đình vị quan và cái chết của họ cùng với 3 pho tượng thờ có thể có thật, nhưng ghép câu chuyện này với tên núi thì hơi khiên cưỡng. Nhưng không sao, có những truyền thuyết như vậy thì chuyến đi du lịch càng thêm lý thú mà...

Cách giải thích sau đây có lẽ là khoa học và hợp lý nhất:
Trong bài viết Nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Lê Trung Hoa lý giải về địa danh Chứa Chan như sau: Trong tiếng Chăm, từ chỉ núi là chơk và núi non là Chơk Chăn. Người Chăm cũng dùng một từ của tiếng Gia Rai và tiếng Êđê là Chư và gọi núi Chứa Chan là Chư Chan. Trong Sổ tay địa danh Việt Nam (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002), Đinh Xuân Vịnh ghi: Chử Chân (hoặc Chứa Chan): còn gọi là núi Gia Ray. Có lẽ Chử Chân là biến thể của Chư Chan. Chan (hay Chăn, Chân) trong tiếng Chăm hiện đại đã mất nghĩa, có thể vốn là tên người, tên cây hoặc tên thú. Theo suy luận của tác giả bài viết trên, địa danh Chứa Chan bắt nguồn từ từ tổ Chư Chan của tiếng Chăm theo con đường tạm gọi là“mượn âm”.Người Chơro ở Bảo Chánh (huyện Xuân Lộc) gọi núi Chứa Chan là Gung Char với nghĩa là “núi Lớn”.

Nhưng giải thích theo cách này thì nghe không nên thơ như cách trên, phải không ạ? Còn cách giải thích của Hai Ẩu thì... ẩu hơn, phải không ạ?

Chứa chan: Chùa chảnh

Ngôi chùa ở trên đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), ngọn núi cao thứ nhì ở Nam bộ, cao 837 met (sau núi Bà Đen ở Tây Ninh). Chùa có tên là Bửu Quang tự, dân gian thường gọi là chùa Gia Lào.


Photobucket

Kiến trúc chùa không đặc sắc lắm, cũng không phải là ngôi chùa cổ (chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ XX), nhưng ở trên ngọn núi cao, phong cảnh hữu tình - lại nổi tiếng linh thiêng nên thu hút rất đông khách hành hương từ các nơi.


30 thg 4, 2011

Hoàng Ân cổ tự

Trên con đường nhỏ ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), nếu chú ý bạn sẽ thấy một cổng chùa đơn sơ, mộc mạc như thế này:

28 thg 4, 2011

Thám hiểm rừng rậm

Sáng nay Bùm nghỉ học. Hai Ẩu rủ rê Bùm cùng đi thám hiểm... hành tinh xanh.

Sau khi vượt qua biết bao sông dài rừng thẳm, cha con Hai Ẩu tới được nơi này:


27 thg 4, 2011

Người đến từ Triều Châu

Đó là tên một bộ phim truyền hình, cũng là một bài nhạc Hoa nổi tiếng mà chắc là nhiều bạn đã nghe qua.

Trước khi đọc nội dung bài này bạn hãy nghe bài hát ấy để thư giãn nhé


Người đến từ Triều Châu
Trình bày: 
Trường Vũ.


Ở Việt Nam có một nơi rất nhiều người Triều Châu, nhiều đến nỗi được thể hiện qua ca dao:

Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu

Đúng rồi, đó là xứ Bạc Liêu.

19 thg 4, 2011

Làng bưởi Tân Triều

Tân Triều nằm phía tả ngạn sông Đồng Nai, cách tỉnh lỵ Biên Hòa cũ khoảng 10km. Nghe nói rằng năm 1869, nhà thờ Tân Triều được xây dựng, một cha xứ đã đem hai cây bưởi gốc từ Brazil về trồng trước sân nhà thờ, hằng năm cho trái sum suê. Thấy vậy, người dân ở đây xin chiết nhánh bưởi về trồng. Và cứ thế nhân rộng ra cùng với một số giống bưởi khác... Không ngờ, hơn một thế kỷ sau, Tân Triều trở thành một làng bưởi nổi tiếng.

Thôn nữ trong vườn bưởi
 
Thật ra Biên Hòa nhiều nơi trồng được bưởi, nhưng đất Tân Triều là cho ra nhiều bưởi ngon nhất. Bưởi Tân Triều có nhiều loại, bưởi Thanh nước nhiều, trái rất sai, mỗi mùa một cây có thể cho từ bốn đến năm trăm trái. Bưởi Xiêm, bưởi Long có vị ngọt nhưng trái nhỏ, ngon nhất là bưởi Đường lá cam và bưởi Đường núm. Bưởi ổi trái nhỏ nhưng có đặc tính lạ, có thể để dành hơn nửa năm, da quắt lại như trái dâu khô nhưng bóc ăn ngọt lịm. Ngoài ra còn hơn hai mươi loại khác nhau như bưởi Xiêm, bưởi Chua, bưởi bà Vân, bưởi Hè, bưởi Long...

18 thg 4, 2011

Chợ nổi Phụng Hiệp

Chợ nổi là một hình thức sinh hoạt độc đáo. Đồng bằng sông Cửu Long có 3 chợ nổi lớn: chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp Hậu Giang và chợ nổi Cái Bè Tiền Giang. Trong đó, chợ nổi Phụng Hiệp được xem là chợ nổi độc đáo nhất và lớn nhất.

Chợ hình thành từ năm 1915, tại Ngã Bảy Phụng Hiệp, nơi hầu hết các con sông đổ ra.

Ngã Bảy Phụng Hiệp cũng là nơi anh bán chiếu Út Trà Ôn hát lên lời ca ai oán:

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy
sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra ....... chào. 

Ngã Bảy Phụng Hiệp
Bảy sông dồn nước, cuồn cuộn nước.
Phù sa lớp lớp, quyện phù sa.
(Ca dao)

17 thg 4, 2011

Chiều chiều mây phủ Đá Bia...

Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ, chị kia mất chồng..

Đó là câu ca dao mà đa số người dân Phú Yên (và có lẽ cả Bình Định) đều thuộc.

Núi Đá Bia là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh, thuộc dãy núi Đèo Cả, thuộc tỉnh Phú Yên (giáp ranh Phú Yên - Khánh Hòa). Trên đường từ Nha Trang ra hướng Bắc theo quốc lộ 1, khi đến biển Đại Lãnh bạn nhìn xa xa sẽ thấy ngọn núi. Điều đặc biệt là trên đỉnh núi có một tảng đá khổng lồ, cao 80 met, từ rất xa có thể nhìn thấy - do đó có tên gọi là Đá Bia.



Photobucket
Núi Đá Bia nhìn từ phía Nam

Tương truyền rằng xưa kia đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Năm 1471, sau chiến thắng Đồ Bàn, vua Lê Thánh Tôn tiến quân đến đây và cho khắc lên đá, phân biệt lãnh thổ Việt - Chiêm. Từ đó núi có tên là Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia).


Đạo Ông Trần


Các bạn có bao giờ nghe nói đến đạo ông Trần chưa?

Có lẽ đây là một tôn giáo độc đáo nhất Việt Nam. Người khởi phát ra đạo này là ông Trần. Ông tên thật là Lê văn Mưu (tức là không phải họ Trần), và ông là một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (vốn xuất phát từ Ba Chúc, An Giang), và quần thể kiến trúc nơi thờ cúng của Đạo lại ở... Bà Rịa - Vũng Tàu!

Tại sao gọi là đạo ông Trần? Vì sinh thời, ông Lê văn Mưu thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất lao động suốt ngày nên người dân thường gọi là ông Trần (cởi trần), sau này khi thành đạo, gọi luôn là đạo ông Trần!

Ông Lê văn Mưu từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do quản cơ Trần văn Thành làm thủ lĩnh. Sau khi khởi nghĩa thất bại, ông đưa gia quyến về lánh nạn tại núi Nứa, lập ấp Bà Trao, nay là xã Long Sơn.


15 thg 4, 2011

Làng cá bè Tân Mai




Ở Đồng Nai có 2 làng cá bè nổi tiếng: làng cá bè Tân Mai và làng cá bè La Ngà. Nếu làng cá bè La Ngà ở trên sông La Ngà tận huyện Định Quán thì làng cá bè Tân Mai ở ngay thành phố Biên Hòa.

Theo thống kê, có khoảng 600 bè cá của hàng trăm hộ dân dọc theo sông Đồng Nai thuộc 3 phường Tân Mai, Tam Hiệp, Thống Nhất (chứ không phải chỉ 1 phường Tân Mai!).

Tết vừa rồi, dịp 23 tháng Chạp, làng cá bè Tân Mai đã bán được 60 tấn cá, chù yếu là... cá chép (đố biết để làm gì?), tương đương khoảng 2 tỷ đồng.

Những ngày Tết, dân làng bè còn bán được gấp 10 lần số đó.