21 thg 3, 2011

Quán cà phê cây đa chùa bảo tàng hội quán

Thật ra quán cà phê không có tên.

Ở chỗ giao nhau giữa đường Võ thị Sáu và Cách mạng tháng Tám, Biên Hòa có một ngôi chùa của người Hoa dựa lưng ra bờ sông. Ngày Giải phóng, Nhà nước "mượn" ngôi chùa này làm Nhà Bảo tàng. Nhà Bảo tàng "mượn" sân sau chùa làm nơi bán cà phê.

Ở sau chùa, ngay mép sông có một cây đa thật to, nên người ta gọi là cà phê cây đa.

Nơi đó là nơi tôi và các bạn thường ra uống cà phê. Yên tĩnh. Ngắm sông lặng lờ trôi. Ngắm mấy chú bé mình trần trùng trục đu rể đa toòng teng và nhảy ùm xuống sông. Ngắm mấy chú chuột thập thò nơi gốc đa.

Có vẻ như nơi đây là chỗ tụ tập của những người trẻ có, già có thuộc lớp "trí thức bất đắc chí". Thời đó mà, đầu những năm 1980, những người mới tốt nghiệp đại học như tôi chẳng biết phải làm gì. Ra đó ngồi miên man tâm sự với những bạn đồng lứa. Rồi lân la làm quen với các bậc đàn anh, cha chú đang trăn trở suy tư.

Và ra đó uống cà phê còn vì nó rẻ tiền... Không nhớ bao nhiêu tiền 1 ly cà phê đen, hình như 5 đồng hay 3 đồng gì đó!



Photobucket
Từ "cà phê cây đa" nhìn ra sông Đồng Nai



18 thg 3, 2011

Chùa Phật bốn tay

Bạn đã từng đi ăn lẩu tôm Năm Ri ở Biên Hòa chưa?

Không phải tôi quảng cáo cho lẩu tôm Năm Ri đâu, nhưng vì đây là địa điểm khá nổi tiếng và quen thuộc đối với dân Biên Hòa và cả Sài Gòn nên tôi muốn dùng nó để định vị cho bạn tìm đến một địa điểm khác, đó là một... ngôi chùa!

Trên đường vào lẩu tôm Năm Ri, bạn nhìn bên tay trái, có một ngôi chùa.

Ngôi chùa nhỏ, không phải chùa cổ, ngay cả tên chùa cũng rất bình thường, trùng tên với vô số chùa khác trên cả nước: Chùa Bửu Sơn.


Photobucket

Dân ở đây quen gọi chùa là chùa Phật bốn tay!


9 thg 3, 2011

Ngôi cổ miếu chứng kiến sự ra đời của 2 thành phố

Sài Gòn và Biên Hòa được thành lập cách nay hơn ba trăm năm, từ nằm 1698.

Trước đó, vào năm 1684 - 14 năm trước khi Sài Gòn và Biên Hòa ra đời - có một ngôi miếu được dựng nên ở cù lao Phố, Biên Hòa, Đồng Nai.



Photobucket
Bên ngoài chùa Ông


Sử sách ghi lại rằng năm 1679, Trần Thượng Xuyên và 3.000 người Hoa đến gặp chúa Nguyễn, xin làm "dân mọn nước Nam" (Gia định thành thông chí). Triều đình chuẩn y và lệnh cho đến đất Nông Nại (Đồng Nai) khai phá đất đai.


Đến đây, cộng đồng người Hoa gồm 7 phủ: Phước Châu, Chương Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba cùng góp công tạo dựng một ngôi miếu thờ Quan Công, gọi là miếu Quan Đế hay Thất phủ cổ miếu. tại Cù lao Phố vào năm 1684.


8 thg 3, 2011

Lá rụng về cội (Thăm mộ đốc phủ Võ Hà Thanh)

Võ Hà Thanh sinh năm 1876 xuất thân từ một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, theo cha vào Biên Hòa từ khi còn nhỏ. Sinh thời, ông làm đủ mọi nghề để sinh sống: làm thuê, mở hầm khai thác đá, làm nghề xây dựng, lập đồn điền cao su… và dần dần trở nên giàu có, trở thành chủ đồn điền lớn của Tỉnh Biên Hòa, trở thành đốc phủ sứ và được chính phủ Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng.

Sau khi tìm về ngôi nhà nổi tiếng một thời của ông (xin đọc Cuốn theo chiều gió) - nay là nhà thờ họ - tôi lần dò tìm đến mộ ông để kính viếng một bậc lão thành.

Trên đường vào Văn miếu Trấn biên, nhìn bên tay phải có một tấm bảng khiêm tốn đề "Nghĩa trang Võ Hà". Nghĩa trang này chôn cất nhiều người trong dòng họ Võ Hà, trong đó có mộ ông: Đốc phủ sứ Biên Hòa Võ Hà Thanh.


Photobucket



7 thg 3, 2011

Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai


Câu khẳng định trên không sai, nhưng sẽ chính xác hơn nếu viết đầy đủ thế này:

Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai trong khoảng thời gian từ 1976 đến 1982.

Thật vậy, tỉnh Đồng Nai được thành lập năm 1976, khi đó Đồng Nai có 1 thành phố, 1 thị xã, 9 huyện và 1 quần đảo.


Chùa Cô Hồn

Người dân thường gọi tên ngôi chùa theo cái tên rất dân dã, do dân gian tự đặt. Ở Biên Hòa, bạn nói tên chùa Đại Phước thì ít người biết, nhưng nói chùa Ông Tám là người ta biết ngay, hoặc chùa Đại Giác thường được gọi là chùa Phật Lớn. Tương tự như vậy, có một ngôi chùa người dân thường gọi là chùa Cô hồn, dù tên chính thức của chùa là Bửu Hưng Tự.

Chùa Cô hồn nằm gần cổng sân bay Biên Hòa, trên đường Phan Đình Phùng, phường Quang Vinh.

So với các ngôi chùa ở Biên Hòa, chùa Cô Hồn có quy mô nhỏ, kiến trúc được xây theo lối chữ nhị. Phía trước là gian chính điện được bày trí hệ thống tượng thờ Phật khá phong phú. Chùa được xây bằng vật liệu kiên cố, bốn bên là tường gạch, mái ngói lợp vẩy cá. Giá khung kiến trúc của chùa bằng gỗ, phía trên bàn thờ chánh được tôn cao tạo nên khoảng lầu trống thông thiên.

Nhìn chung kiến trúc và quy mô của chùa không có gì đặc sắc. Đây cũng không phải là ngôi chùa cổ, vì mới được xây dựng từ 1920. Điều đặc biệt chính là xuất xứ của chùa và tên gọi chùa Cô Hồn.