20 thg 7, 2025

Ngược dòng lịch sử tìm về dấu ấn Chăm Pa huy hoàng ở Đà Nẵng

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi lưu giữ dấu ấn vàng son của Vương quốc Chăm Pa vẫn hiện diện sống động trong lòng thành phố.

Đà Nẵng từ lâu đã để lại ấn tượng trong lòng du khách với hình ảnh một thành phố biển đẹp đẽ, hiện đại và đầy sôi động. Thế nhưng, ẩn sâu trong lòng thành phố trẻ trung này còn là những giá trị văn hóa lịch sử lắng đọng.

Minh chứng rõ nét cho điều đó là Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tại đây, những hiện vật của Vương quốc Chăm Pa một thời vẫn lặng lẽ kể câu chuyện về một nền văn minh rực rỡ từng ngự trị trên mảnh đất này.

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hay còn gọi là Cổ viện Chàm nằm yên bình trên con đường 2.9 (Hải Châu, Đà Nẵng) sầm uất, ngay ngã tư giao thoa giữa đường 2.9 và đường Trưng Nữ Vương, đối diện Trung tâm Truyền hình Việt Nam. Công trình này gây ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo, là sự hòa quyện tinh tế giữa phong cách Gothic châu Âu và nét đặc trưng Chăm Pa cổ kính.

Không gian bên trong bảo tàng.

Bảo tàng có tổng diện tích 6.673 m², trong đó có 2.000 m² dành cho trưng bày. Được thành lập từ năm 1915, bảo tàng chính thức mở cửa năm 1919 dưới thời Pháp thuộc.

Đây là nơi bảo tồn và trưng bày những hiện vật điêu khắc Chăm Pa quý giá, được tìm thấy tại khắp các di tích trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận và cả những vùng đất ở Tây Nguyên.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm lưu giữ hơn 2.000 cổ vật lớn nhỏ niên đại từ thế kỷ VII đến XV.

Có khoảng 500 cổ vật được trưng bày cho du khách tham quan.

Phù điêu Shiva múa.

Đến với bảo tàng, du khách như lạc vào một không gian văn hóa Chăm Pa thu nhỏ. Gần 500 cổ vật điêu khắc bằng đá sa thạch, đất nung và đồng, với niên đại trải dài từ thế kỷ VII đến XV, được trưng bày một cách khoa học theo từng khu vực địa lý nơi chúng được khai quật: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang văn hóa Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Mỗi tác phẩm là một chứng nhân của thời gian, một dấu ấn về đời sống văn hóa, tín ngưỡng và nghệ thuật độc đáo của người Chăm xưa.

Tượng Bồ Tát Tara là tác phẩm được làm bằng đồng duy nhất của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Với chiều cao 1,148 m, đây là bức tượng đồng Chăm Pa lớn nhất được tìm thấy cho đến nay.

Trong số hàng trăm hiện vật, không thể không nhắc đến 9 cổ vật Quốc gia đang được lưu trữ, trưng bày tại đây gồm: Đài thờ Trà Kiệu; Đài thờ Mỹ Sơn E1; Tượng Bồ tát Tara; Đài thờ Đồng Dương; Tượng thần Ganesha; Tượng Gajasimha; phù điêu Apsara; Tượng thần Shiva, phù điêu Đản sinh Brahma.

Hoa văn, họa tiết chạm tinh tế đậm nét đặc trưng của văn hóa Chăm Pa.

Các họa tiết hoa văn trang trí, thể hiện trong các phong cách nghệ thuật Chăm Pa.

Nét đẹp văn hóa Chăm Pa cổ.

Bảo tàng Chăm không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật cổ kính mà còn là một trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Pa quan trọng. Bảo tàng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tìm hiểu về lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và nghệ thuật của vương quốc cổ xưa đầy bí ẩn này.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật to lớn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng xứng đáng là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá thành phố biển xinh đẹp này. Đây cũng là dịp để du khách hiểu sâu sắc hơn về một phần lịch sử và văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam.

Khi tham quan bảo tàng, du khách lưu ý không sờ vào hiện vật, không leo trèo, ngồi trên bục bệ trưng bày các hiện vật và giữ vệ sinh chung trong khuôn viên bảo tàng. Giá vé vào cổng là 60.000 đồng/người/lượt, thời gian mở cửa từ 7h đến 17h hàng ngày.

Linh Boo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét