19 thg 7, 2025

Nghĩa trang liệt sĩ từng đón hàng nghìn đôi uyên ương chụp ảnh cưới

Nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang từng được kỳ vọng đề xuất các nhà biên soạn từ điển bổ sung định nghĩa mới về hạnh phúc.

Nghĩa trang… hạnh phúc

Trở lại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Tiền Giang, phường Trung An, tỉnh Đồng Tháp (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cũ), trước thềm cả nước kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2025), với cảm xúc bồi hồi.

Nơi này vào 15 năm trước, tôi thực hiện phóng sự “Nghĩa trang… hạnh phúc”, với những con số biết nói: thu hút hơn 7.000 đôi uyên ương từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí có trường hợp là người nước ngoài, tìm đến để chụp ảnh cưới.

Nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang. Ảnh: Duy Anh

Vào cao điểm, nơi đây thu hút trên dưới 100 tay máy đến chụp ảnh cưới và góp công tôn tạo thêm sinh cảnh. Ấn tượng hơn là như luật bất thành văn, tất cả các đôi uyên ương đều thực hiện nghi thức dâng hương lên các anh hùng liệt sĩ trước khi tiến hành chụp ảnh cưới.

“Dường như hương hồn các liệt sĩ cũng rung động nên “phù hộ” các cặp đôi sống rất hạnh phúc. Suốt 15 năm qua tôi chưa từng nghe có chuyện đổ vỡ”, ông Phan Thanh Hoàng - Trưởng ban Quản trang - chia sẻ lúc đó. Thậm chí, nhiều đôi đến với hạnh phúc mà không quy luật tình cảm nào lý giải được.

Các cặp đôi thực hiện nghi thức dâng hương các anh hùng liệt sĩ trước khi thực hiện chụp ảnh cưới. Ảnh: Duy Anh

Và cũng chính nơi đây đã khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo và mang lại cho nhiều người cầm máy giải thưởng trong nước và quốc tế… Từ thực tế này, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ nghĩ đến khả năng định nghĩa mới về nghĩa trang liệt sĩ.

Một giảng viên bộ môn Ngôn ngữ ở Trường Đại học Cần Thơ từng chia sẻ, từ việc nghĩa trang có khả năng khơi gợi cảm hứng để người cầm máy khát khao khám phá cái đẹp và nhiều cặp đôi đón nhận hiệu ứng hạnh phúc vợ chồng như NTLS Tiền Giang, các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt có thể tính đến chuyện bổ sung định nghĩa mới về Hạnh phúc.

Bao giờ trở lại?

Vẫn còn đó những hàng cây xanh mướt mát, vẫn không gian trang nghiêm trải rộng 4ha bảo bọc cho hơn 5.000 liệt sĩ từ nhiều địa phương cả nước yên nghỉ, nhưng giờ đây dường như không khí náo nhiệt với đầy ắp những bộ trang phục lộng lẫy của cô dâu chú rể đã không còn như xưa.

Theo lời của người nhân viên có thâm niên công tác ở nghĩa trang, phong trào chụp ảnh cưới ở NTLS Tiền Giang giảm sút dần khoảng 5 năm gần đây.

“Giờ, thỉnh thoảng mới có, nhưng khí thế không được như trước” - vị nhân viên này chia sẻ.

NSNA Duy Anh (bìa phải) trong lần đạo diễn các cặp uyên ương chụp ảnh cưới tại Nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang. Ảnh: Duy Anh

Có nhiều nguyên nhân, như: nhiều cơ sở du lịch mới ra đời được đầu tư, trang trí hiện đại… Nhưng theo nhiều người am tường, một nguyên nhân quan trọng là thiếu… Duy Anh, tức nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Duy Anh, nguyên phóng viên báo Ấp Bắc, sau khi anh ra nước ngoài sinh sống.

Có thể đây là ý kiến tham khảo, nhưng có sự thật là NSNA Duy Anh không chỉ được biết đến với tư cách là người khai sinh ra mô hình chụp ảnh cưới ở NTLS từ năm 1992, mà còn là người tạo sức sống cho mô hình này.

“Hạnh phúc”, tác phẩm được NSNA Duy Anh thực hiện từ cảm xúc con đường đá sỏi trong NTLS Tiền Giang, đạt huy chương Vàng Ashahi shimbun Japan 2002. Ảnh: Duy Anh

Bên cạnh khả năng biến tấu từng hàng cây, ngôi mộ, thậm chí là con đường sỏi đá nơi đây thành đại cảnh để sáng tạo ra hơn 30 tác phẩm đạt giải thưởng trong nước và quốc tế, ông còn là người xây dựng quy tắc không thành văn về việc thực hiện nghi thức dâng hương lên các anh hùng liệt sĩ trước khi tiến hành chụp ảnh cưới.

Điều này không chỉ góp phần xây dựng nếp văn hóa nơi linh thiêng, mà còn được xem như chiếc đinh để các cặp đôi làm điểm tựa lưu giữ các kỷ niệm đẹp trong không gian thành kính để qua đó giữ vững hạnh phúc lứa đôi…

“Ôm cả trời mây”- tác phẩm được NSNA Duy Anh thực hiện tại NTLS Tiền Giang, đạt giải Nhất cuộc thi Ấn tượng ngày cưới. Ảnh: Duy Anh

Dẫu biết hợp - tan là quy luật của cuộc sống, nhưng tôi vẫn kỳ vọng sau khi sáp nhập tỉnh mới, sẽ có cơ hội mới để NTLS Tiền Giang tiếp tục hành trình năm xưa. Ở đó NTLS không chỉ truyền tải cảm xúc nuôi dưỡng hạnh phúc lứa đôi, mà còn góp phần lan tỏa bài học “Uống nước nhớ nguồn” với cha, anh đã ngã xuống cho hạnh phúc quê hương, đất nước trong thời đại mới.

Lâm Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét