25 thg 4, 2025

Người Si La ở bản mới Seo Hai

Nằm trên đỉnh núi cao có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Bản Seo Hai thuộc xã Kan Hồ, Mường Tè, Lai Châu là nơi sinh sống của hơn 72 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu dân tộc Si La. Tuy là một trong số những bản tái định cư nhưng nhờ những chính sách phù hợp của chính quyền địa phương đã giúp người Si La tiếp cận được nhiều cơ hội phát triển về mặt đời sống, kinh tế mà vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bản Seo Hai là một bản tái định cư của đồng bào dân tộc Si La.

Người phụ nữ Si La vẫn luôn duy trì truyền dạy cho thế hệ sau cách thêu thùa, may vá quần áo.

Người Si La, một trong những dân tộc có số dân ít nhất tại Việt Nam (dưới 10.000 người), chủ yếu sinh sống tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trước kia, người Si La ở Lai Châu cư trú ở bên kia sông Đà, sống dựa vào rừng và kĩ thuật canh tác nông nghiệp lạc hậu nên đời sống rất bấp bênh, khó khăn. Vào năm 2014, để nhường chỗ cho công trình thủy điện Lai Châu, họ đã di dời về khu tái định cư tại 2 bản Seo Hai và Sì Thâu Chải của xã Kan Hồ, huyện Mường Tè với dân số hơn 600 người.

Trước cửa nhà người Si La treo những chiếc giỏ tre, họ quan niệm những chiếc giỏ này sẽ đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ

Người Si La sẽ xếp ba hòn đá làm bếp thiêng vì họ tin ở đây có thần ngự trị

Một số vật dụng không thể thiếu trong căn bếp của người Si La.

Có mặt tại bản Seo Hai, Lai Châu vào những ngày cuối năm, tôi có dịp khám phá cuộc sống của người Si La với những lễ hội văn hóa đặc sắc mà không đâu có được. Ngoài việc đời sống người dân được nâng lên thì những giá trị văn hóa của người Si La vẫn được bảo tồn và lưu giữ.

Người dân nơi đây cho biết, sau khi chuyển đến khu tái định cư Seo Hai, đời sống của đồng bào Si La đã có những cải thiện rõ rệt. Trước đây, cuộc sống của họ gắn liền với những ngôi nhà sàn đơn sơ, giao thông cách trở và thiếu điện lưới. Nhưng tại khu tái định cư, các hộ dân được cấp nhà ở kiên cố với hệ thống đường giao thông thuận tiện, điện nước đầy đủ. Nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, bà con có điều kiện tiếp cận với các chương trình khuyến nông, nhận giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững.

Việc duy trì và truyền dạy nghề thêu thùa, may vá đã giúp họ bảo tồn được trang phục dân tộc

Từ khi về bản mới Seo Hai thì cuộc sống người dân cũng đủ đầy hơn

Trang phục truyền thống của người Si La vẫn được bảo tồn rất tốt

Tục buộc chỉ cổ tay là một nghi thức cầu an nhằm giúp cho đồng bào vững tin ở đời sống tinh thần, cầu mong sức khỏe, bình an và mang may mắn đến cho bản làng

Họ vẫn giữ được những kỹ năng canh tác như cách thức đeo gùi bằng đầu để lên nương.

Đặc biệt, nhờ hệ thống trường học được xây dựng ngay tại khu tái định cư, con em người Si La có điều kiện tiếp cận giáo dục tốt hơn. Nhiều gia đình đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập và khuyến khích con cái đến trường để có cơ hội thoát nghèo.

Vào năm 2014, người Si La được chính quyền địa phương bố trí tái định cư tại bản Seo Hai. Đây cũng là tiền đề giúp các em nhỏ có thể tiếp cận với các điểm trường khang trang.

Giờ ăn trưa của các em nhỏ trường mầm non Seo Hai.

Vào năm 2014, người Si La được chính quyền địa phương bố trí tái định cư tại bản Seo Hai đã giúp các em nhỏ có thể tiếp cận với trường học khang trang

Để bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của người Si La, một số già làng và người cao tuổi trong cộng đồng đã chủ động truyền dạy lại tiếng Si La, các bài hát, điệu múa dân gian cho thế hệ trẻ. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ hát tiếng Si La cũng được thành lập để giúp thanh niên hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình.

Phụ nữ Si La vẫn giữ được những điệu múa cổ và thường xuyên được mời tham gia các sự kiện văn hóa của tỉnh Lai Châu.

Những điệu múa cổ của thiếu nữ Si La giúp tô thêm vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc.

Những trò chơi truyền thống của người Si La vẫn được gìn giữ cho đến nay

Người Si La rất coi trọng khu bếp vì họ coi đây là nơi có thần linh ngự trị 

Đến bản Seo Hai, du khách dễ dàng bắt gặp những góc sinh hoạt bình yên của người Si La

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đồng bào Si La duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các chương trình giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa người Si La được tổ chức tại các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh.

Khu tái định cư bản Seo Hai là một minh chứng cho nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số khi thực hiện các dự án phát triển nhưng không quên gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu.

Bài và ảnh: Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét