27 thg 4, 2025

Khám phá Dinh Độc Lập nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất

Ngày 30/4/1975, sự kiện chiếc xe tăng của Quân Giải phóng miền Nam húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, mở ra thời khắc thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, non sông thống nhất, và ngôi dinh thự này cũng đã trở thành chứng tích lịch sử quan trọng giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 50 năm kể từ sự kiện lịch sử trọng đại ấy, Dinh Độc Lập với tên gọi Hội trường Thống Nhất ngày nay vừa là nơi lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc, vừa là một địa chỉ tham quan, khám phá, du lịch của hầu hết du khách khi đến thăm thành phố mang tên Bác.

Năm 1955, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đổi tên dinh Norodom thành Dinh Độc Lập.

Ngày 8/4/1975, chiếc máy bay cùng loại với chiếc máy bay mà Trung uý Nguyễn Thành Trung đã lái ném bom Dinh Độc Lập được đặt trong khuôn viên Dinh Độc Lập

Trước sân Dinh trưng bày 2 chiếc xe tăng, trong đó chiếc mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 45 ngày 30/4/75 

Chiếc trực thăng UH1 do hãng Bell (Mỹ) chế tạo, trang bị cho Mỹ năm 1959 và sử dụng tại chiến tranh Việt Nam năm 1962 được đặt trên sân thượng

Chiếc xe Mercerdes của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu 

Dinh Độc Lập trở thành chứng tích lịch sử quan trọng giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh.

Dinh Độc Lập nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, được khởi công xây dựng vào ngày 1/7/1962, khánh thành ngày 31/10/1966. Dinh Độc Lập được làm theo bản thiết kế của ông Ngô Viết Thụ, một kiến trúc sư tốt nghiệp tại Pháp, và là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải “Khôi nguyên La Mã”, giải thưởng hàng năm do Học viện Hội họa và Điêu khắc Pháp dành cho những nghệ sĩ tài năng. Khi thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến mặt tiền bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lí cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc.

Bức rèm hoa đá mang hình dáng cách điệu của các đốt trúc là một chi tiết kiến trúc độc đáo của Dinh. Ảnh: Lê Minh 

Ngôi nhà bát giác trong khuôn viên Dinh Độc Lập 


Du khách chiêm ngưỡng tấm thảm lớn thêu lưỡng long đặt ở tầng 2 

Phòng khách của Tổng thống - nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và quan chức cấp cao

Phòng trình quốc thư. Trước năm 1975, nhiều nước có Đại sứ quán tại Sài Gòn. Các đại sứ đến đây trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống

Phòng Hội đồng An ninh Quốc gia.

Dinh Độc Lập chính là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Đông.

Dinh cao 26 m, diện tích sử dụng 20.000 m², gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng, có thể kể đến một số phòng ốc, như: phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó Tổng thống, phòng trình quốc thư, phòng đại yến... Ngoài ra còn có nhiều hạng mục phụ trợ khác như: hồ sen bán nguyệt, hai bên thềm đi vào sảnh chính, hành lang, hệ thống điều hòa không khí, phòng chống cháy, thông tin liên lạc, nhà kho... Đặc biệt, kiến trúc độc đáo của Dinh được thể hiện rất rõ thông qua hệ thống tường thông gió và đón nắng được cách điệu thành bức rèm hoa đá với những chấn song lớn mang hình dáng những đốt trúc thanh tao, bao quanh mặt tiền tầng 2. Chi tiết này được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ lấy ý tưởng từ loại cửa bàn khoa, một loại cửa có các chấn song làm bằng con tiện gỗ thường thấy trong cung điện Cố đô Huế.

Toàn cảnh phòng ngủ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng phu nhân

Phòng chiếu phim riêng của Tổng thống - một tiện nghi giải trí cao cấp thời bấy giờ 

Du khách chiêm ngưỡng những hiện vật được lưu giữ và chưng bày trong Dinh Độc Lập.

Năm 1976, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, năm 1990 chính thức mở cửa phục vụ du khách đến tham quan, đến năm 2009, Dinh Độc Lập được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Trong những năm qua, Dinh Độc Lập luôn là điểm đến hàng đầu của du khách khi tới TPHCM. Năm 2024, Hội trường Thống Nhất (đơn vị quản lý Di tích lịch sử Dinh Độc Lập) cho biết, đón gần 1,5 triệu lượt du khách tới tham quan.

Nhằm đa dạng trải nghiệm cho khách tham quan, ngoài di tích đặc biệt Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất cũng tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày với đa dạng các chủ đề có liên quan, như: Trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập"; phát triển chương trình khám phá Di sản dành cho trẻ em có độ tuổi từ 7 đến 15, để tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình và giải quyết vấn đề…

Bên trong Dinh còn có các đường hầm, là nơi kiên cố có thể chống được bom đạn có sức công phá từ 500 tấn đến 2.000 tấn

Phòng trực chiến của Tổng thống bên trong tầng hầm kiên cố

Khu vực Thông tin liên lạc, gồm nhiều phòng, là nơi nhận, chuyển, mã hóa các công điện, thay thế đài phát thanh trên mặt đất khi có chiến sự xảy ra

Những thiết bị đài phát vô tuyến được trưng bày tại đây

Phòng ngủ của Tổng thống trong tầng hầm.

Bên trong Dinh còn có các đường hầm, là nơi kiên cố có thể chống được bom đạn có sức công phá 500 tấn đến 2000 tấn.

Được biết, thời gian tới, Dinh Độc Lập có kế hoạch ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị hiện có; số hóa không gian trưng bày và hiện vật; ứng dụng công nghệ trong trưng bày và diễn giải thông tin nhằm mang đến cho công chúng những câu chuyện lịch sử và không gian trải nghiệm mới mẻ, đưa Dinh Độc Lập đến gần hơn với giới trẻ và du khách trong và ngoài nước hơn.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét