Trên
quốc lộ 1A, theo hướng bắc-nam, qua khỏi cầu Bà Di thuộc địa phận thôn
Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nổi bật trên
nền trời xanh là những ngôi tháp cổ sừng sững trên ngọn đồi nằm phía bên
tay trái. Khi nghiên cứu quần thể kiến trúc này, người Pháp ghi tên
tháp là Tour d’Argent (tháp Bạc), nhưng người địa phương xưa nay vẫn gọi
đó là tháp Bánh Ít. Đây là cụm quần thể tháp cổ Chăm Pa có nhiều tháp
nhất hiện còn trên đất Bình Định.
Quần thể tháp Bánh Ít được
xây dựng khoảng gần 1.000 năm trước, dưới thời hai quốc vương Harivarman
IV và V; trong giai đoạn phong cách kiến trúc Champa chuyển tiếp từ
phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định. Cụm tháp hiện có 4 ngọn,
nhưng căn cứ vào dấu tích còn lại, số lượng hạng mục ở đây còn nhiều hơn
và đã đổ nát. Quả đồi dốc thoai thoải về phía Đông. Trên đường đi tới
tháp chính, ngang qua những dấu vết đổ nát của hai lớp tường xây bằng
gạch, đá ong là tháp cổng. Qua tháp cổng là một khoảng sân, nơi đây còn
dấu tích vòng tường thành bao quanh khu trung tâm.
Ngôi tháp chính (bên phải)
cao khoảng 20m nằm ở đỉnh đồi, mặt nền hình vuông, mỗi chiều 11m. Tháp
được trang trí khá đẹp. Thân tháp có 5 cột tạo dáng thanh thoát, phần
trang trí tập trung chủ yếu ở phần cửa. Cửa chính về phía Đông, nhô ra
khỏi mặt tường khoảng 2m. Vòm cửa được tạo dáng hình mũi lao hai lớp với
các hoa văn hình xoắn nối kết nhau. Chính giữa vòm cửa có phù điêu mặt
kala. Cửa chính còn được trang trí diềm phù điêu khắc tạc hình Ganesa
(người đầu voi, thần hạnh phúc và may mắn), hình Hamuman (khỉ thần)
Ngôi tháp nằm về phía nam
tháp chính có chiều dài 12m, bề rộng 5m, cao chừng 10m. Mái tháp hình
thuyền (hay hình yên ngựa), cong lõm phần giữa, vút lên ở hai đầu, trông
giống mái nhà rông của người Tây Nguyên. Thân tháp được trang trí phù
điêu hình người, hình thú, chim và hoa văn hoa lá.
Hai ngôi tháp phụ khác được
xây dựng theo các lối kiến trúc riêng biệt, có hình dáng khác nhau tạo
nên sự đa dạng, phong phú cho quần thể tháp Bánh Ít. Trong hình là tháp
cổng, phía sau xa xa là tháp chính và tháp mái thuyền
Đứng trên sân tháp, trên một
ngọn đồi cao giữa một ngày tháng 6 nắng cháy, điều đọng lại với du
khách chính là cảm giác ngưng đọng của thời gian giữa mênh mông của trời
đất. Phía dưới chân đồi là làng mạc, sông suối. Trên cao kia là bầu
trời xanh trong và nắng vời vợi
Đứng bên những tòa tháp hàng
ngàn tuổi, tường mái rêu phong với những hình tượng, phù điêu sinh
động, thể hiện tín ngưỡng và cảm quan mỹ học của người Champa xưa, giữa
không gian tĩnh lặng của núi đồi, chỉ có tiếng gió ù ù bên tai và thỉnh
thoảng như rót vào tai tiếng hót rất lạ của loài chim mà người địa
phương gọi là “tò le”, tiếng rít của lũ dơi làm tổ trên đỉnh tháp… du
khách có những giây phút cảm hoài sâu lắng.
Về phương diện nghệ thuật,
trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại trên đất nước Việt Nam, Bánh Ít
là quần thể kiến trúc độc đáo, một khu di tích kiến trúc có giá trị nghệ
thuật cao. Hiện nay, các hiện vật quí đều đã mang vào các bảo tàng
trưng bày. Anh Dũng, nhân viên bảo vệ ở tháp Bánh Ít cho biết, hồi anh
còn nhỏ, trong các tháp đều có tượng và đồ thờ cúng, ngày nay tháp không
còn là nơi thờ tự như hồi xưa nhưng thỉnh thoảng vẫn có người dân lên
thắp nhang.
Đông Nghi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét