2 thg 6, 2021

Về thăm lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy

Lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy, ở xã Bình Hải (Bình Sơn) có tuổi đời hơn 300 năm. Nơi đây như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao sự đổi thay của làng chài.

Lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy hiện đang lưu giữ hai quách gỗ chứa hài cốt của cá Ông và cá Bà. Lăng vạn này được người dân nơi đây gìn giữ như bảo vật thiêng liêng của làng.

Điểm tựa tinh thần của cư dân miền biển

Lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy hướng mặt ra biển bao la. Chủ lăng vạn Nguyễn Thành Tâm kể: Các bậc cao niên kể lại rằng, cách đây hơn 300 năm, cá Voi hay còn gọi là cá Ông được ngư dân miền biển tôn kính là Nam Hải đại tướng quân chi thần đã lụy vào bờ biển. Người dân đem cá Ông chôn cất. Ba năm sau thì di dời tro cốt của cá Ông vào đặt ở vị trí trang nghiêm trong lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy. Một thời gian sau đó, người dân đưa hài cốt cá Bà vào thờ cúng tại lăng vạn.

Bảng hiệu “Hải ốc tàng linh” được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm trong lăng vạn nước ngọt Thanh Thủy.

Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm

Mùa hè thời điểm được xem là đẹp nhất của đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn ở nơi đây chẳng khác gì một bức tranh thơ mộng.

Khung cảnh thơ mộng đầm Chuồn khi hoàng hôn phủ xuống

Thời điểm này, thay vì đón nhiều du khách, nhưng do dịch bệnh COVID-19, du lịch ở Đầm Chuồn gần như chững lại. Đã lâu rồi, khung cảnh đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) mới bình yên, thơ mộng đến thế.

Ấn tượng nhà rông của người Giẻ Triêng

Cùng được làm từ vật liệu (gỗ, tranh, tre, mây…) có trong tự nhiên như nhà rông của các DTTS khác, nhưng nơi giữ hồn làng của người Giẻ Triêng lại mang nét độc đáo riêng nhờ lối kiến trúc và tâm linh liên quan đến con trâu.

Với bất kỳ cộng đồng làng nào của người Giẻ Triêng, trước tiên, nhà rông cũng được chọn dựng ở cuối làng; thể hiện sự kín đáo, khiêm nhường, song vẫn mang tính “bao trùm”. Từ đây có thể quan sát toàn bộ khu dân cư. Đây cũng chính là nơi mọi người cùng hướng về. Nhà rông được chọn làm trên khu đất bằng phẳng, rộng rãi, bốn bề thông thoáng, với toàn bộ vật liệu đều được lấy trong tự nhiên. Phía trước là khoảng sân lớn để có thể tập trung đông người.

Với người Giẻ Triêng, trâu không phải là công cụ sản xuất, cũng không được dùng làm thực phẩm. Trâu là vật thiêng, dâng cúng thần linh, thể hiện sự trân trọng, tôn kính với đấng tối cao. Có lẽ xuất phát từ ý nghĩa trang trọng này, nên từ xa xưa, nhà rông của người Giẻ Triêng đã mang biểu tượng con trâu.

Tạc tượng gỗ ở làng Kon Du

Người Mơ Nâm (Xơ Đăng) ở làng Kon Du, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) tạc tượng gỗ dân gian không chỉ gắn liền với các lễ hội mà còn là cách để những người đang sống tưởng nhớ lại những kỷ niệm, hình ảnh gắn liền người đã mất trong làng. Những pho tượng gỗ như sợi dây kết nối, gửi gắm tình cảm của thế hệ con cháu với tổ tiên, giúp họ gìn giữ lối sống sinh hoạt, lao động, sản xuất truyền thống của dân tộc. Hiện nay, ở làng Kon Du, không chỉ đàn ông mà một số phụ nữ cũng biết tạc tượng gỗ.

Tháng 4 đang là cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, nhưng bên trong ngôi nhà sàn của nghệ nhân ưu tú tạc tượng gỗ dân gian A Gông (ở làng Kon Du, xã Măng Cành) thỉnh thoảng vẫn có những cơn gió thổi mát rượi lùa vào. “Thời tiết mùa này ở đây là vậy, dù trời có nắng nóng nhưng vẫn không thể thiếu không khí mát mẻ đặc trưng của vùng Đông Trường Sơn”, nghệ nhân A Gông vừa rót nước mời chúng tôi vừa nói.

Trầu cau trong đời sống của người Ca Dong

Xã Đăk Nên được mệnh danh là xứ sở của cây cau tại huyện Kon Plông. Ở đây, cây cau phát triển tươi tốt, trải từ vườn nhà ra đồi núi và nhìn đâu cũng thấy cau. Việc ăn trầu cau trở thành tập quán và là một nét đẹp trong văn hóa của người Ca Dong.

Không biết tự bao giờ, cây cau dường như đã hòa quyện với đời sống của bà con Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), hiện hữu trong từng câu chuyện, lời ca, tiếng hát và trong từng vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Có lẽ chính sự gần gũi, hòa hợp tự nhiên đó, mà tục ăn trầu cau của bà con người Ca Dong nơi đây đã trở thành một nét văn hóa rất độc đáo.

Đến với thôn Sô Thák (xã Đăk Nên) để tìm hiểu về tập tục này, tôi được già làng A Brui niềm nở đón tiếp. Cũng như người dân ở các địa phương có tục ăn trầu cau, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Sau khi chuẩn bị xong đĩa trầu cau mời khách, già A Brui cất giọng trầm đục, dần đưa tôi vào câu chuyện: Từ bao đời nay, người Ca Dong luôn xem cây cau như linh hồn của vùng đất này. Gắn bó với cây cau, chúng tôi nhận thấy loài cây này có rất nhiều công dụng. Tán cây cau che bóng mát, phần thân được dùng làm nhà, rễ cây có thể sử dụng làm củi đốt. Quả cau dùng để ăn với lá trầu, vôi. Tập tục này được truyền từ bao đời nay.

Về thăm làng du lịch Bar Gốc

Từ năm 2019 đến nay, UBND huyện Sa Thầy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án “Làng truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh”, trong đó chọn làng Bar Gốc, xã Sa Sơn làm thí điểm.

Sự tích làng Bar Gốc

Chúng tôi đến thăm làng Bar Gốc khi ráng chiều bắt đầu ngả sang màu vàng sẫm. Đây là ngôi làng của người dân tộc Gia Rai (nhánh Aráp) nằm dưới chân núi Chư Nang Brai của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray với tiềm năng về đa dạng sinh học, nhiều thác nước, hang động, đỉnh núi, khu bãi thú, đồng cỏ và những khu rừng hoang sơ đẹp như những bức tranh thủy mặc. Đặc biệt, địa hình của làng bằng phẳng, đường giao thông thuận lợi, người dân có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tâm sự với chúng tôi, ông A Đih (80 tuổi, làng Bar Gốc) kể: Từ ngàn xưa, người Gia Rai đã sinh sống quanh các dãy núi này rồi. Nhưng một hôm, trời mây vần vũ, dân làng kéo nhau đi tìm nơi có hang đá, cây cối cổ thụ để tránh bão tố cuồng phong. Khi đi đến chỗ ở bây giờ, người dân gặp rất nhiều gốc cây cổ thụ thân to mấy người ôm không xuể, xung quanh có nhiều thân cây leo rậm rạp, nên dân làng vào các gốc cây đó trú mưa. Sau cơn mưa, dân làng thấy nơi đây khá bằng phẳng, cây cối tốt tươi, nên thống nhất dừng chân để lập làng. Với ngôn ngữ của người Gia Rai, Bar có nghĩa là sợi dây, Gốc có nghĩa là gốc cây rừng, nên Bar Gốc là sợi dây cuốn quanh gốc cây rừng để con người có thể vào đó trú ngụ. Và từ đó, người dân đặt tên cho làng là Bar Gốc.

Bà Y Vỹ dệt vải cốt để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Gia Rai. Ảnh: TVP