13 thg 9, 2015

Hoang sơ Bình Liêu Quảng Ninh

Khi nói đến Quảng Ninh mọi người sẽ thường nghĩ đến vịnh Hạ Long, đến Vân Đồn, Cô Tô, đến Yên Tử hùng vĩ... nhưng ít ai biết được một Bình Liêu hoang sơ, đẹp đẽ với những cung đường uốn lượn quanh đồi núi, với những thảo nguyên đầy cỏ xanh và nắng ấm. 

Đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu uốn lượn qua các đồi núi thơm nức mùi nhựa thông 

Đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu nằm trên độ cao 700m so với mực nước biển. Cung đường này đi qua núi non trùng điệp, qua những đồng cỏ thơ mộng và phong cảnh hữu tình chắn chắn sẽ làm say đắm bao kẻ lữ khách qua đây. Men theo đồi núi, bạn sẽ thấy đường mòn nhỏ dẫn lên các cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. 

12 thg 9, 2015

Hủ tiếu patê, chỉ Bến Tre mới có!

Nói đến patê, chắc trong đầu bạn đang hình dung đến món patê gan heo béo ngậy thơm tho đúng không? 

Ngoài patê, tô hủ tiếu còn có thịt nạc, bao tử, gan, phèo... 

Người Bến Tre rất ưa hủ tiếu, ưa hơn bất cứ người dân ở miền Tây nào mà tôi biết. Ở đây người ta có thể ăn hủ tiếu tối ngày, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến hủ tiếu thập cẩm… Và cũng duy chỉ có ở Bến Tre mới có món hủ tiếu không đụng hàng: hủ tiếu patê. 

Bánh rong biển dân dã ở Quảng Trị

Bát bánh được làm từ rong biển, chắt chiu những chất tinh túy từ biển cả, tạo nên hương vị riêng cho ẩm thực Quảng Trị.

Vùng Cửa Tùng (huyện Gio Linh, Quảng Trị) có rất nhiều loại rong biển. Dọc theo các triền đá doi ra từ biển Cửa Tùng xuống Vịnh Mốc là nơi rong phát triển nhiều. Nghề hái rong biển cũng trở thành một nét đặc trưng của người dân nơi đây.

Họ có thể chế biến ra nhiều món từ rong nhưng đặc trưng ở vùng này là bánh rong biển dân dã. 

Rong biển được ngâm và rửa sạch qua nước muối trước khi chế biến thành bánh canh rong biển. Ảnh: hoitho 

11 thg 9, 2015

Đến với Mẫu Thượng Ngàn

Tôi đọc Mẫu Thượng Ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã lâu lắm rồi, từ khi sách mới ra. Thế nhưng thú thiệt là đọc vì ái mộ nhà văn qua tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã đọc, chứ không phải vì háo hức muốn biết về Mẫu Thượng Ngàn. Ngay cả cái tựa Mẫu Thượng Ngàn, lúc ấy tôi còn chưa hiểu nó nghĩa là gì cơ mà!

Đọc xong rồi, hay thì có hay, nhưng phải thú thiệt một lần nữa là chưa cảm nhiều. Điều này cũng dễ hiểu thôi, hình tượng Mẫu, đạo Mẫu và Mẫu Thượng Ngàn không phải là hình ảnh quen thuộc đối với một người sống ở miền Nam như tôi.

Thế rồi năm 2012, tôi ra Nam Định, được bạn T.H. Luyện đưa đi thăm quần thể di tích Phủ Giầy, nơi được xem là trung tâm điểm của các di tich thờ Mẫu tại Việt Nam. Tôi đã thăm qua phủ Công Đồng, phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu (và trước đó là phủ Tây Hồ ở Hà Nội), những nơi linh thiêng thờ Mẫu. Cảm ơn bạn, bấy giờ tôi mới hiểu thêm Mẫu sống trong tâm thức người dân từ ngàn xưa đến tận bây giờ như thế nào.

Ghé Bắc Giang nhớ ăn bánh đa làng Kế

Có dịp đến Bắc Giang, ngang qua Dĩnh Kế bạn sẽ choáng ngợp trước khung cảnh hàng trăm chiếc phên phơi bánh đa bên quốc lộ 1 - món bánh dân dã mà chỉ ăn một lần ai cũng nhớ mãi. 

Đến Bắc Giang bạn sẽ bắt gặp hình ảnh thân thuộc những chiếc phên phơi bánh đa - Ảnh: Huyền Trần 

Đi ngang qua Dĩnh Kế, bạn sẽ choáng ngợp trước khung cảnh hàng trăm chiếc phên phơi bánh đa bên đường quốc lộ 1. Và trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà, đâu đâu ta cũng gặp những chiếc bánh đa tròn trĩnh, ngon lành như thế.

Thung lũng trên đỉnh Am Thông

Bằng Am, còn gọi là Am Thông hay Tùng Sơn, là dãy núi đá vôi cao 830 m so với mực nước biển tọa lạc tại khu vực xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam, cách trung tâm Đà Nẵng 46 km về hướng tây.

Do núi cao, vách dựng đứng, đường mòn nhiều dốc hiểm trở nên bạn sẽ mất khoảng 3 tiếng để leo lên núi và hơn một tiếng để xuống. 

Mì sụa - món ăn của người Hoa ở Sóc Trăng

Mì sụa được làm từ đậu nành, cọng mì có màu vàng óng và lớn hơn các loại mì khác, được nhiều du khách yêu thích khi ghé thăm Sóc Trăng.

Mì sụa có nguồn gốc từ món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa. Dần dần món này trở nên phổ biến, được nhiều người dân bản địa yêu thích.

Mì sụa có hai loại chính: mặn và không mặn. Những người sành ăn thì cho rằng mì sụa mặn ngon nhất. Mỗi loại chế biến thành các món ăn khác nhau, loại ngọt dùng để nấu chè, loại mặn làm các món xào. Món này ăn kèm với nước tương ớt hoặc mắm chanh ớt tùy theo khẩu vị từng người. 

Mì sụa thường được dùng trong các bữa điểm tâm sáng. Món ăn không chỉ dân dã mà còn ngon, rẻ và đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho một ngày lao động của người dân xứ này. 

Đến Đồ Sơn thăm Biệt thự Bảo Đại

Biệt thự Bảo Đại trên đồi Vung (Hải Phòng) được xem là hành cung duy nhất của triều đình nhà Nguyễn tại miền Bắc. Đây là dinh thự có lối kiến trúc độc đáo và hiện đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều du khách khi đến Đồ Sơn. 

Theo chị Đặng Thị Hiền, hướng dẫn viên tại Biệt thự Bảo Đại thì vào năm 1928, Toàn quyền Đông Dương là Pasquier đã cho xây dựng tòa nhà theo lối kiến trúc của Pháp. Năm 1932, sau khi du học Pháp trở về, Hoàng đế Bảo Đại lúc đó đã được mời đến thăm nơi này và thích lối kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp cảnh quan nên được Toàn quyền Đông Dương Pasquier tặng lại. Từ đó tòa nhà này có tên là Dinh Biệt Thự Bảo Đại.

Đến 15/5/1955, khi những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc tại bến Nghiêng ở khu 2 Đồ Sơn, Biệt thự Bảo Đại thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng. Năm 1984, Bộ Quốc phòng giao lại ngôi biệt thự này cho Công ty du lịch Hải Phòng, nay là Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn quản lý tu sửa lại theo mô hình thiết kế kiến trúc năm 1928 và bắt đầu mở đón du khách tới tham quan và nghỉ dưỡng từ năm 1997.

Dinh Bảo Đại là công trình kiến trúc độc đáo và là một di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời vị vua cuối cùng của Việt Nam.

Làng nội thất từ tre Xuân Lai

Làng Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là nơi sản xuất các sản phẩm nội thất bằng tre hun khói nổi tiếng ở miền Bắc. Đến nay, sản phẩm tre Xuân Lai đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam và xuất đi các nước Nhật, Mỹ, Đài Loan và thị trường các nước Châu Âu. 

Nghề làm đồ tre hun khói của làng Xuân Lai đã có từ lâu đời. Xưa kia, các hộ gia đình tự mày mò để làm ra các đồ dùng chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình như đan thúng, rổ, rá, chõng tre, giường, tràng kỷ... Đến nay, nhiều hộ gia đình đã thành lập các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn.

Trong ngôi nhà với hầu hết những vật dụng của gia đình đều bằng tre hun khói, anh Nguyễn Văn Kỷ chia sẻ các công đoạn làm ra thành phẩm truyền thống từ tre hun khói của làng Xuân Lai. Để có những sản phẩm tre trúc hun khói đẹp, kỳ công, tre nguyên liệu phải ngâm kỹ dưới nước để bảo đảm độ bền và chống mọt. Trước khi vớt lên, tre được nắn thẳng, bào, đẽo hết mấu, đốt và xếp ngay ngắn vào lò rồi dùng rơm trộn đất sét để hun.

10 thg 9, 2015

Ngồi thuyền du ngoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Bắt đầu từ 2.9.2015, người Sài Gòn có thể mua vé du lịch bằng thuyền Phụng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè TP.HCM. Tuyến du lịch này sẽ hoạt động đều đặn từ 15 giờ đến 22 giờ mỗi ngày.

Thuyền Phụng là loại thuyền cao cấp, có sức chứa trung bình từ 2 đến 6 khách/chiếc đi cùng với người chèo thuyền. Và đặc biệt có phục vụ nước uống và âm nhạc 

Với mong muốn tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ độc đáo, Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải cùng Công ty thuyền Sài Gòn đã cho ra mắt tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.