25 thg 1, 2013

Đầu năm viếng chùa Tây Phương

Tam quan chùa Tây Phương. Ảnh: Thoa Nguyễn

Trong những ngày mưa phùn se lạnh, đặc trưng của thời tiết đầu đông ở miền Bắc, chúng tôi háo hức với ý nghĩ tìm đến một ngôi chùa cổ của Hà Nội để vãn cảnh và cầu lộc, mong năm mới nhiều may mắn và bình yên. Và chùa Tây Phương là lựa chọn trong chuyến đi đầu năm mới dương lịch.

Vãn cảnh Tây Hồ

Hà Nội có rất nhiều hồ, vừa là những khoảng thở cho đô thị, vừa là cảnh quan thơ mộng của đất Tràng An; trong đó, hồ Tây có diện tích lớn nhất, khoảng 500 héc ta, đem lại những làn gió mát và không khí trong lành cho cư dân thủ đô. Hồ Tây, còn có tên hồ Dâm Đàm, hồ Kim Ngưu, xưa còn gọi là đầm Xác Cáo... Hồ nằm ở phía tây bắc Hà Nội, quận Tây Hồ.


Hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Hương

Chiều chiều, nhiều người lên đây hóng gió, trốn cái nóng oi ả của mùa hè. Du khách chịu khó dạo chơi thong thả một vòng quanh hồ sẽ nhận ra nhiều điều thú vị. Từ xa xưa hồ Tây đã là thắng cảnh nổi tiếng. Các vị vua thời Lý-Trần đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí.

Vãn cảnh chùa Thầy

"Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ / Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy", câu ca dao xưa đã nói lên phần nào sức hấp dẫn mạnh mẽ của chùa Thầy - có tên chữ là Thiên Phúc tự, nằm gối đầu vào núi Phật Tích, còn gọi là núi Thầy - thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Cầu Nhật Tiên có 5 gian nhà gỗ lợp ngói. Ảnh: Hạnh Thư

Cách trung tâm thủ đô chừng hơn 20km, theo đường Láng - Hòa Lạc rộng và thẳng, đến ngã tư Quốc Oai rẽ phải chừng 4km nữa bạn sẽ gặp chùa Thầy. Chùa quay mặt về hướng nam ,trải dài theo một triền núi.

Cảnh đẹp đầu tiên du khách nhìn thấy là một cái hồ lớn có tên gọi là hồ Long Chiểu (ao Rồng) màu nước xanh trong. Giữa hồ có thủy đình gồm hai tầng, tám mái, mô phỏng hình dáng đóa hoa sen. Đây là nơi trình diễn rối nước vào dịp lễ hội hàng năm.

Hai bên phía sân lớn trước chùa (nơi khán giả ngồi xem biểu diễn rối nước khi có hội) có hai cây cầu lợp mái ngói. Bên trái là cầu Nhật Tiên dẫn vào đền Tam Phủ xây trên một hòn đảo giữa hồ. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên, nối với con đường lên núi. Hai cầu này do trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Mỗi cầu gồm năm gian, dưới xây đá cuốn, trên dựng bộ khung nhà gỗ lợp ngói. Hai bên thành cầu có lan can thấp, dáng vẻ thanh thoát.

Chùa Thầy có ba tòa nằm song song với nhau; toà ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Toà giữa là trung điện hay chùa Trung, toà trong cùng là thượng điện, thờ các hóa thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả ba "kiếp" của Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật và Đế vương. Phía sau chùa có lầu chuông, lầu trống. Phía trước chùa là sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu.

Trong chính điện, bên trái thờ tượng toàn thân thiền sư bằng gỗ bạch đàn lắp máy tự động có thể đứng lên ngồi xuống được, nhắc nhở thời kỳ ngài tu ở Hương Hải am đã làm thuốc trị bệnh cứu người và dày công sáng tạo môn nghệ thuật múa rối nước để cho dân giải trí. Tượng đặt trên ngai, sau lưng ngai chạm trổ hình đầu rồng, lưỡi búa, sừng tê, ngọc báu...

Chính giữa là tượng thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa vóc vàng, đặt trên một bệ tượng bằng đá thời nhà Lý, có hình sư tử đội toà sen. Bệ đá chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bốn góc có hình thần điểu Garuda. Đây là di vật duy nhất từ thời nhà Lý còn sót lại ở chùa.

Bên phải là tượng thiền sư sau khi đã hóa thân, đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và trở thành vua Lý Thần Tông. Tượng vua Lý Thần Tông đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng.

Chùa Thầy còn thờ tượng cha mẹ thiền sư Từ Đạo Hạnh là ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan cùng hai người bạn đồng đạo thân thiết của thiền sư là thiền sư Minh Không và thiền sư Giác Hải. Hai bên chùa là hành lang dài thờ mười tám vị La Hán.


Nhà tiền tế, còn gọi là chùa Hạ; một trong ba tòa nhà chính của chùa Thầy. Ảnh: Hạnh Thư

Sau khi thăm chính điện, du khách theo hướng cầu Nguyệt Tiên để lên núi. Từ đây, con đường 251 bậc thang dẫn du khách lên chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Hai bên đường có nhiều cây đại thụ đã có nhiều trăm năm tuổi.

Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau có hang Cắc Cớ. Hang rộng và sâu, đường đi trơn nên dễ bị trượt chân, phải có đèn thắp sáng đề dò đường, vừa đi vừa phải dò từng bước một. Theo truyền thuyết, khi chống giặc Nam Hán, hơn 2.000 quân sĩ đã hy sinh ở đây. Tại lối vào, hơi lạnh từ trong hang phả vào mặt mát rượi khiến những ai đã tới đây đều quên đi cái mệt mỏi trên quãng đường gồ ghề vừa qua.

Phía sâu trong hang, khi trời nắng, ánh sáng rọi xuống qua một giếng trời. Khói hương quyện với hơi nước tạo nên một làn sương khói mờ ảo. Cũng vì lý do đó, du khách đến hang Cắc Cớ chỉ có thể lưu giữ những hình ảnh đẹp trong trí nhớ của mình thay vì những bức ảnh bởi khói hương và hơi nước sẽ khiến hình ảnh luôn mờ mờ, không rõ nét.


Thủy đình giữa hồ Long Chiểu là nơi diễn rối nước mỗi khi làng có lễ hội. Ảnh: Hạnh Thư

Từ chùa Cao đi ngược lên núi là đến đền Thượng, gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những luồng gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi.

Trên khung cảnh núi non hùng vĩ của Sài Sơn, chùa Thầy thật yên tĩnh, thanh bình dưới những tia nắng đầu ngày. Từ Sài Sơn nhìn xuống, những cánh đồng lúa vàng ươm trải rộng, cảnh đẹp đến nao lòng. Thắng cảnh chùa Thầy làm cho khách nhàn du có cảm giác bình yên, tĩnh tại.

Tuy nhiên để có một chuyến vãn cảnh thoải mái bạn nên chuẩn bị đầy đủ những thứ đơn giản (như nước, đồ ăn nhẹ, và dép thấp để leo núi) thay vì tìm đến các quán xá như thói quen. Đồng thời, khi lựa chọn thuê đèn pin (để thăm hang Cắc Cớ) và thuê người dẫn đường bạn cũng nên thỏa thuận rõ chi phí kẻo lại mang bực dọc trong người suốt quá trình vãn cảnh.

Hạnh Thư 

Tứ quán Thăng Long

Hà Nội đã có một tứ trấn Thăng Long khiến người ta phải nghiêng mình, sùng kính. Và Hà Nội còn có tứ quán Thăng Long để ta tịnh tâm, thư thái quên những lo toan, bận rộn của nhịp sống thường ngày. 


Tam quan bề thế của Đế Thích quán (tức chùa Vua ngày nay) - Ảnh: Tiến Thành

Quán vốn là nơi tu hành của những người theo đạo giáo. Và nay nó đã trở thành chốn tìm đến của tất cả mọi người.


Thăm cột cờ Hà Nội

Là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ, cột cờ Hà Nội là một trong những biểu tượng thiêng liêng của mảnh đất Thăng Long, Hà Nội.
Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, một chiều tháng thu tháng 10 tôi đến với cột cờ Hà Nội như một cách tìm về nơi từng gắn với những chiến công hiển hách của dân tộc.


Cột cờ Hà Nội vẫn bề thế hiên ngang cùng những thăng trầm của thủ đô - Ảnh: Hoàng Đan

Theo cuốn Đại Nam nhất thống chí và theo Phan Thúc Trực trong sách Quốc sử di biên thì cột cờ được xây dựng cùng lúc với việc xây thành Hà Nội trong khoảng năm 1803-1805. Có tài liệu sau này lại xác định cột cờ được xây dựng năm 1812 dưới thời Gia Long nhà Nguyễn. Cột cờ Hà Nội là một công trình bề thế, cao nhất trong thành phố thời bấy giờ.


Một ngày ở chùa Trăm Gian

Khuôn viên chùa nhìn từ phía trước. Ảnh: Thoa Nguyễn

Quảng Nghiêm tự còn được gọi bằng những cái tên giản dị, đậm chất dân gian như chùa Sở, chùa Núi, chùa Tiên Lữ... nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất là chùa Trăm Gian, tọa lạc tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, trước đây thuộc tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội.

Từ thành phố Hà Đông theo quốc lộ 6, qua cầu Mai Lĩnh và phía sau thị trấn Chúc Sơn, đi thêm chừng 2km thì rẽ phải, men theo chân núi Sở khoảng 3km sẽ tới chùa Trăm Gian. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý và đã qua nhiều lần trùng tu.