25 thg 2, 2011

Cuốn theo chiều gió

1. Tổ đình Bửu Long và cư sĩ Võ Hà Thuật
 
Chuyện bắt đầu từ những tấm ảnh của bạn lovetolive59 chụp ở Tổ Đình Bửu Long. Thoạt đầu tôi nghĩ đó là Bửu Long ở Biên Hòa, Đồng Nai, và rất ngạc nhiên vì sao mình ở Biên Hòa bao nhiêu lâu mà lại không biết nơi này.


Photobucket
Tổ đình Bửu Long. Ảnh: lovetolive59

Thế rồi tôi cũng được giải đáp: Tổ Đình Bửu Long này ở... quận 9, TPHCM chứ không phải ở Bửu Long.

Tôi lại tiếp tục thắc mắc: Chữ Bửu Long trong tên gọi của tổ đình này có liên quan gì đến Bửu Long - Biên Hòa không nhỉ?


21 thg 2, 2011

Thành cổ Biên Hòa

Du khách đi Nha Trang khi gần đến trung tâm thành phố sẽ qua một nơi gọi là Ngã ba Thành, vì vậy khi dạo chơi ở thành phố Biên Hòa sẽ ngạc nhiên khi nghe nói: Tới Ngã ba Thành rồi!

Ồ, ở Biên Hòa cũng có Ngã ba Thành, nhưng đó là Thành Kèn (chứ không phải thành Diên Khánh ở Nha Trang). Gọi là ngã ba Thành vì nơi đó có một ngôi thành cổ, rất cổ - có thể coi là cổ nhất của Nam bộ.

Thành cổ Biên Hòa nằm ngay giữa thành phố Biên Hòa hiện đại. Bơ vơ. Điêu tàn.



20 thg 2, 2011

Bánh cúng - bánh cấp

Photobucket

Các bạn có biết 2 thứ bánh trong hình trên là bánh gì không?

Đó là loại bánh làm bằng nếp giống như bánh tét, bánh chưng nhưng không có nhân, và kích thước nhỏ hơn rất nhiều.

Chúng có tên là bánh cúng (cái bánh dài) và bánh cấp (cái hình chữ nhật).


25 thg 1, 2011

Đường đổi ngày

Học sinh phổ thông đều đã biết kinh tuyến 0o đi qua Greenwich được gọi là đường đổi ngày. Bước ở bên này kinh tuyến là ngày hôm trước, bước qua bên kia đã là ngày hôm sau.

Mới đây, trong một chuyến đi bụi, tôi phát hiện ra đường đổi ngày không những đi qua Greenwich mà còn đi qua... Vĩnh Long nữa cơ!

Buổi tối thả bộ đi lang thang theo con đường dọc bờ sông (và đi qua chợ Vĩnh Long), nhìn lên các bảng hiệu bên đường, tôi thấy tên đường là Ba Mươi Tháng Tư.

Tiếp tục đi dạo trên đường Ba Mươi Tháng Tư, hồi sau tôi lại nhìn lên các bảng hiệu bên đường, lúc ấy lại thấy tên đường là Một Tháng Năm!

Vậy rõ ràng là kinh tuyến 0o đã đi qua đây rồi. Bạn cứ xem bản đồ là tin ngay thôi:


Photobucket

6 thg 1, 2011

Xa lộ Hà Nội - Xa lộ Biên Hòa

Đi từ Biên Hòa đến Sài Gòn thường ta đi qua xa lộ Hà Nội. Nơi này dễ nhớ vì... thường kẹt xe, đi xe 2 bánh thì rất ớn vì xe tải, xe con qua lại ào ào...

Vậy trong lúc kẹt xe (hoặc xe lết từng chút một) bạn làm gì? Tìm hiểu một chút về xa lộ này để giết thời gian nhé (không khuyến khích làm chuyện này khi đi xe máy, vì dễ gây ra tai nạn giao thông!)

Xa lộ Hà Nội
là con đường nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và Biên Hoà, Đồng Nai được xây dựng từ năm 1959 đến năm 1961, do Mỹ đầu tư (đơn vị thiết kế và thi công là công ty CEC của Mỹ, chuyên xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan đến chiến tranh như ở Việt Nam, Iraq...).

Con đường này dài 31 km, rộng 21 m, bắt đầu từ cầu Điện Biên Phủ và kết thúc tại ngã tư Tam Hiệp, Biên Hoà. Con đường được khánh thành ngày 28/04/1961 với tên gọi là Xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, gọi tắt là Xa lộ Biên Hòa.


Khánh thành xa lộ Biên Hòa
Tổng thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành xa lộ Saigon - Biên Hòa ngày 28/04/61


1 thg 1, 2011

Có một cái hồ, tên là hồ Hồ...


Đó là hồ Lak ở Buôn Ma Thuột.

Trong tiếng Ê đê, Lắk có nghĩa là hồ. Vậy hồ Lắk dịch ra tiếng Việt là... hồ Hồ, còn dịch ra tiếng Ê đê là... Lắk Lắk.


16 thg 12, 2010

Vườn tượng Phạm văn Hạng

Những ngày này năm ngoái tôi lang thang một mình ở Đà Lạt.

Một mình, nhưng có Trần Đức Tài thân thiết ở đó. Anh biết tôi buồn và hoang mang nên đưa đi chơi.


Đi đâu? Đồi Mộng mơ, Thung lũng Vàng, thác D'Atanla...? Ôi trời, những nơi đó không phải cho cái gã tửng tửng đang trong trạng thái tưng tưng như tôi (và có lẽ cả Tài).


Đi chơi ở chỗ nào mà các tour du lịch không biết, không đưa khách đến và... không tốn tiền càng tốt.


Thế là 2 gã tưng tưng đi dạo lung tung trong khu biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo (đã viết trong entry Những ngôi biệt thự cổ). Từ khu biệt thự này, đi bộ lang thang trên đường Trần Hưng Đạo rồi rẽ trái sang đường Yên Thế, chúng tôi tới vườn tượng của điêu khắc gia Phạm văn Hạng.


Tôi tự biết mình không thể viết về nơi này hay như anh Nguyễn Hàng Tình (một cư dân Đà Lạt) nên post lên bài viết của anh để các bạn đọc (Phạm Văn Hạng và vườn tượng đầu tiên ở Đà Lạt).


Vườn tượng Phạm văn Hạng


Phạm Văn Hạng và vườn tượng đầu tiên ở Đà Lạt

Phạm Văn Hạng trong vườn tượng của mình 

Rừng Yên Thế là một trong những cánh rừng hiếm hoi còn sót lại giữa thành phố Đà Lạt. Và rồi, nhà điêu khắc VN đương đại Phạm Văn Hạng bất chợt xuất hiện, thổi vào đó một linh hồn: Vườn tượng đầu tiên ở thành phố cao nguyên ra đời … 

Hạng xuất hiện ở đồi thông Yên Thế của Đà Lạt lặng im từ đầu năm ngoái. Ông lặng im mà sáng tạo, tạc tượng âm thầm suốt một năm trời, thực thi cái ước nguyện: phải để lại cho thành phố cao nguyên thơ mộng này một vườn điêu khắc nghệ thuật.

9 thg 12, 2010

Cafe sách Hoa Violet Ngày Thứ Tư

Trong khuôn viên khu biệt thự cổ CADASA ở Đà Lạt có một quán cafe mang tên khá gây sự chú ý: Cafe Sách Hoa Violet Ngày Thứ Tư.


HOA VIOLET NGÀY THỨ TƯ là tên một  truyện ngắn của nhà văn Pháp André Mauroix nổi tiếng.

HOA VIOLET NGÀY THỨ TƯ là câu chuyện tình lãng mạn, giữa người lính André và cô ca sĩ Jennie xinh đẹp, lừng danh một thời. Cứ mỗi chiều thứ tư, chàng lính trẻ ôm một bó hoa Violet với lòng náo nức, rạo rực đến nhà hát lớn kinh thành Paris và chờ đến cuối giờ cô ca sĩ hát xong sẽ cố vượt lên phía trước để tặng cho được những đóa hoa tươi thắm. Nhưng gần như không có lúc nào chàng lính trẻ thực hiện được mong ước của mình, vì vây quanh nàng ca sĩ là những bá tước, vương tôn, công tử,… Gần như nàng ca sĩ lừng danh ấy không hề để ý đến người lính trẻ đứng ở một góc của nhà hát đang nhìn mình say đắm. Tuy vậy, chàng lính trẻ André vẫn không nản lòng, cứ kiên nhẫn đến nhà hát vào mỗi chiều thứ tư với hy vọng tặng được cho người mình yêu những đóa hoa violet tươi thắm.

Tất cả những nỗi nhớ thương, và tình yêu nồng thắm được chàng lính trẻ viết thành những trang nhật ký. Cho đến một ngày, sau một cuộc hành quân, người lính trẻ ngã xuống. Trong cơn hấp hối André đã kịp dặn người đồng đội của mình cố gắng mang cuốn nhật ký về người cha thân yêu của mình ở Paris và tìm cách trao tận tay Jennie.





8 thg 12, 2010

Những ngôi biệt thự cổ

Trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đà Lạt, có 13 ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp.13 căn biệt thự cổ này có diện tích từ 3.000 đến 7.000 m2 mỗi căn (tính cả khuôn viên) gần như bỏ hoang.

Thế rồi vào năm 2005, công ty cổ phần CADASA trúng thầu thuê 13 căn biệt thự này trong vòng 50 năm, với giá thuê là 4 tỷ đồng/năm, đóng tiền trước 5 năm. Nghĩa là CADASA phải bỏ ra ngay 20 tỷ đồng để thuê một đống Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.


Photobucket

Sau đó, họ phải bỏ ra (nghe nói là) hàng triệu đô để tôn tạo lại các ngôi biệt thự, cả phần nội thất bên trong lẫn hoa cỏ xung quanh. Khu vực này trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp (một dạng resort). Hoàn tất vào cuối năm 2009.

Dĩ nhiên, nếu bạn có nhiều tiền và đi nghỉ mát ở Đà Lạt thì đây quả là một nơi lý tưởng (nếu là đi hưởng tuần trăng mật nữa thì ôi chao thật là quá đã...)


Photobucket

Nhưng ở đây tôi không xúi các bạn vô đó ở, vì bản thân tôi cũng... không đủ tiền vô. Tôi chỉ gợi ý các bạn một chuyện rất hay như sau:

Nếu bạn là người thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, thích khung cảnh thiên nhiên, thích chụp ảnh... thì khi đến Đà Lạt hãy vào đây tham quan một vòng cho sướng!


Photobucket

13 căn biệt thự với 13 khuôn viên, mỗi căn mỗi vẻ thật tuyệt vời và hấp dẫn cho những ai đam mê vẻ đẹp kiến trúc. Bạn hãy vào đó, thoải mái chiêm ngưỡng, thoải mái chụp ảnh và thoải mái nghỉ ngơi bên những vườn hoa tuyệt diệu.

Photobucket

Photobucket

Sau đó, bạn thoải mái... đi ra mà không phải trả một đồng xu nào.


Hi hi, giống như tui vậy. Tui tỉnh bơ vô đó đi lang thang từ căn biệt thự thứ nhất đến căn thứ 13, mỗi nơi ngắm nghía một tí, chụp ảnh một đống. Đi suốt một buổi sáng, và hân hoan thong thả ra về... (không quên quay lại nở một nụ cười làm ra vẻ cảm ơn!).

 Photobucket


Photobucket


Photobucket

Vô chơi đi các bạn, người ta tốn mấy chục tỷ để làm, mình không tốn xu nào vẫn thưởng thức được. Tội gì bỏ? Uổng lắm!

Phạm Hoài Nhân