Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời báo KTSG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời báo KTSG. Hiển thị tất cả bài đăng

8 thg 1, 2014

Đặc sản vùng biên phía Nam

Bọ cạp núi bán ở chợ Tịnh Biên. 

Trong các dịp nghỉ lễ, tết khá dài ngày, du khách có thể về vùng Thất Sơn (Bảy Núi) tham quan, viếng chùa bái Phật, sau đó dạo chơi chợ biên giới, thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc, rất đặc trưng của vùng này. Thất Sơn là tên gọi một vùng thuộc địa phận hai huyện biên giới là Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang, giáp tỉnh Takeo của Campuchia.

Vùng Thất Sơn vừa có núi non, vừa có đồng bằng với nhiều sông rạch; có rất nhiều bà con chăn nuôi bò. Do đó, đến Tịnh Biên bạn nên dùng qua vài món ẩm thực đặc sắc ở đây ví dụ như cháo bò, khô bò, lạp xưởng bò, phở bò, dụm bò…


Canh chua khô cá lóc, đọt me

Chanh chua khô cá lóc (xiêm lo) nấu với lá me non. 

Món canh chua Việt có rất nhiều cách nấu, cách sử dụng nguyên liệu khác nhau. Đó là món không chỉ đơn thuần là để “ăn” mà còn thể hiện tính cách và văn hóa ẩm thực mỗi vùng, miền.

Các bà nội trợ hoặc các tay đầu bếp thường dùng chanh, me, giấm, cơm mẻ để chăm chút cho nồi canh chua. Nhưng những tay mê ẩm thực, những tay thợ nấu tài hoa vùng đồng bằng sông Cửu Long thường tìm tòi, sáng tạo cách nấu sao cho vừa lạ miệng vừa kích thích tiêu hóa, chẳng hạn như cá ngát nấu bần, cá linh kho với me non, lươn nấu với đọt cóc hoặc khô cá lóc nấu với đọt me.


2 thg 1, 2014

Hòn Đốc trong quần đảo Hải Tặc

Một ngày nắng đẹp, chúng tôi về miền đất Hà Tiên thơ mộng, làm xao xuyến lòng người với non xanh nước biếc chập chùng… Từ đó, ra “hòn” là hành trình hấp dẫn, gây nhiều háo hức với dân đồng bằng như chúng tôi.

Bến tàu cao tốc ở Hà Tiên ra đảo Hải Tặc. 

Mua vé 40.000 đồng, khách du lịch xuống tàu Minh Nga ở cảng Hà Tiên. Đúng 14g30 tàu xuất bến, vượt biển đi Hòn Đốc. Đứng trên boong tàu, du khách sẽ thấy thành phố Hà Tiên xinh đẹp với núi Tô Châu, núi Pháo Đài, đồi Bình San, núi Đèn, mũi Nai... mờ xa dần trong biển nước mênh mang.


30 thg 12, 2013

Củ ấu

Ở những lung bàu, kênh rạch miền Tây Nam bộ thường có cây ấu mọc hoang. Đây là loài cây sống dưới nước; thân ngắn, có lông. Cây có hai thứ lá: lá nổi có phao ở cuống, hình quả trám, mép trên có răng cưa, dài cỡ 4 - 5 cm, cuống dài từ 10 đến 15 cm, giữa có phao; lá chìm thì phiến lá giảm, phiến xẻ lông chim nhưng rất nhỏ nên trông chỉ còn có các đường gân. Bông ấu màu vàng mọc đơn độc hay ở kẽ lá.

Cây ấu

Trái ấu thường được dân gian gọi là “củ”, củ có hai sừng, đầu sừng hình chóp nhọn, sừng do các lá đài phát triển thành. Củ ấu thường có hai giống: ấu gai cho trái có hai sừng nhọn như gai. Ấu trụi cho trái có hai sừng tù. Nếu trái ấu chưa quá già, màu nâu, chưa rụng xuống bùn, luộc ăn ngon, gọi là ấu nâng gương. Nếu trái đã già, chuyển qua màu đen sẫm, vỏ cứng như sừng, có nhiều bột, gọi là ấu sừng trâu.

Thiền viện Thường Chiếu

Thường Chiếu là một trong những thiền viện đầu tiên thuộc hệ thống Trúc Lâm thiền viện do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập, tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; đoạn cây số 76 - 77, quốc lộ 51. Ngày nay thiền viện Thường Chiếu là một điểm tham quan mà du khách thường ghé tới trên đường từ TPHCM đi Vũng Tàu. Thường Chiếu là pháp danh một vị thiền sư nổi tiếng đời Lý, thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Vô Ngôn Thông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Theo “Kỷ yếu 25 năm thiền viện Thường Chiếu”, thiền viện này hình thành vào những năm 1973 - 1974. Ban đầu, thiền viện là một ngôi chùa lợp lá tàu vách đất trên nền cao có sẵn bên cạnh cây bồ đề. Từ một vùng bạt ngàn cỏ tranh với tre gai, dứa dại và sình lầy... ngày nay thiền viện Thường Chiếu trở thành ngôi chùa thanh thoát và rợp ngời bóng mát, cảnh quan tôn nghiêm.Trong ảnh là tam quan trước lối vào thiền viện.

24 thg 12, 2013

Cảm nhận Hội An

Đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, lồng đèn Hội An là mặt hàng bán chạy và cũng tô điểm cho Hội An hấp dẫn du khách bốn phương. 

Lần đầu đến Hội An, tôi vừa háo hức nghĩ về những điều đã đọc, đã xem và cả được nghe những người đi trước nói về Phố Cổ; nhưng cũng có chút “ghen tị” vì nghĩ rằng, mình sẽ chỉ thấy những điều “ai cũng biết” rồi. Nhưng du lịch luôn hấp dẫn bởi cuộc sống sinh động và mỗi người có góc nhìn và cảm nhận khác nhau.

Đáp xuống sân bay Đà Nẵng lúc 6 giờ chiều, chúng tôi gọi taxi đi thẳng vào Hội An. Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đến nhà trọ đã đặt trước bên hữu ngạn sông Hoài, cạnh khu phố cổ.


Canh chua cá rô nấu trái giác

Canh chua cá rô nấu trái giác. Ảnh: TBX

Trong số các loại cây mọc hoang khắp những vạt rừng lá dừa nước, vườn tràm, bờ ao ..., ít có loài nào mọc khỏe như cây giác. Giăng lưới, cắm câu bắt được những con cá rô mề trên những cánh đồng lúa mênh mông hay trong mương vườn, dưới sông rạch đem nấu canh chua trái giác thì không gì bằng.

Giác bị chặt hoặc tàn lụi trong mùa nắng sẽ đâm chồi mơn mởn sau mưa. Hễ còn một khúc rễ ngắn là giác có thể sinh tồn. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và dính nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín lại có màu đen thẫm, bên trong tím lịm như mực mồng tơi, tựa như trái nho chín, nhưng kich cỡ nhỏ hơn, có lẽ vì thế mà người bình dân Tây Nam bộ gọi nó là nho rừng.


21 thg 12, 2013

Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng

Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng

Du khách đến tham quan thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đều tìm đến viếng ba ngôi chùa nổi tiếng là điểm đến du lịch, gồm chùa Dơi, chùa Đất Sét và chùa Sà Lôn. Chùa Sà Lôn (còn có tên gọi là chùa Chén Kiểu) là ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo tiểu thừa (Nam tông), thuộc xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), cách thành phố Sóc Trăng hơn 10 cây số bên quốc lộ 1 hướng đi Bạc Liêu.

Nguyên tiếng Khmer của chùa Sà Lôn là Wath Sro Loun, hay Wath Chro Luong, bắt nguồn từ tên con rạch Chro Luong chạy dọc theo đường làng Xoài Cả Nả (*), trước chùa. Từ tên Wath Sro Loun người ta gọi gọn còn Sro Loun, nhưng để dễ phát âm và dễ nhớ, người ta gọi trại theo tiếng Việt là Sà Lôn.

16 thg 12, 2013

Bún riêu ốc nấu cà chua xanh

Hiện nay, các cửa hàng ăn uống miền Tây đã ‘biến tấu’ món bún riêu cua thành nhiều món có khẩu vị khác nhau như bún riêu tôm, bún riêu cá… giờ đây lại có thêm món bún riêu ốc nấu với cà chua xanh, mới nghe qua cũng đã thấy hấp dẫn.

Tô bún riêu ốc với đầy đủ hương vị, chỉ nhìn đã mê. 

Bún riêu ốc là một trong những món ăn bình dân, được chắt lọc từ thịt ốc và các loài thảo dã mang đặc trưng của miền quê sông nước. Muốn có một tô bún thơm ngon, mùi vị hấp dẫn, điều trước nhất là phải chuẩn bị một nồi nước lèo (nước súp) thật đậm đà hương vị. Nguyên liệu chính để tô điểm cho nồi nước lèo là ốc, xương heo, tôm khô và cà chua xanh xắt ra từng miếng.


Cá chạch bùn nướng muối ớt

Cá chạch là đặc sản của vùng nước ngọt. Chạch có nhiều loại: chạch khoan, chạch rằn, chạch bông, chạch lấu… nhưng phổ biến nhất là chạch rằn và chạch bông, con nhỏ, mình dẹp, đầu nhọn. Cá mập mạp, ngon nhất là khoảng từ tháng Mười đến hết năm âm lịch.

Cá chạch bùn nướng muối ớt. 

Đặc biệt, gần đây trên thị trường lại xuất hiện một loài cá chạch mang tên chạch bùn. Đây là một loài cá chạch được nuôi trong ao hồ bằng cám và thức ăn công nghiệp. Loài cá nầy xuất xứ từ Nhật và Đài Loan. Hiện nay có nhiều trại chuyên sản xuất con giống để cung cấp cho các hộ nuôi.


14 thg 12, 2013

Thung lũng Ma Thiên Lãnh ở miền Đông Nam bộ

Được ví như một Đà Lạt của miền Đông Nam bộ, thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm trên địa phận xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh, Tây Ninh) hình thành bởi 3 ngọn núi là núi Bà Đen, núi Heo và núi Phụng với diện tích hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh tuyệt đẹp cùng những suối nước chảy róc rách khi mùa mưa tới.

Một goc thung lũng Ma Thiên Lãnh. 

Hiện nay, đã có một con đường nhựa dài hơn 3 cây số từ tỉnh lộ 785 nối lên tận đỉnh núi Phụng rồi nhưng để đến được Ma Thiên Lãnh lại không phải dễ dàng, bởi đường xuống thung lũng vẫn khá cheo leo, hiểm trở và đặc biệt là ở đây có rất nhiều... rắn.

Chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng hai giờ đi xe máy, vượt quãng đường gần một trăm cây số, hiện nay Ma Thiên Lãnh trở thành địa điểm du ngoạn, nghỉ ngơi dịp cuối tuần của những bạn trẻ với nét hấp dẫn của thiên nhiên hoang sơ, tách biệt với nhịp sống hiện đại của các đô thị. Từ chân núi, nơi có một xóm nhỏ chừng chục hộ dân sinh sống, chỉ đi thêm gần một cây số là lên tới đỉnh núi. Đây chính là nơi dành cho những ai ưa mạo hiểm thực hiện hành trình khám phá bằng những con đường rừng rợp bóng cây cối cổ thụ vào lãnh địa bí ẩn chưa có dấu chân người.

12 thg 12, 2013

Men nồng đêm trăng Thung Nai

Chúng tôi từ Hà Nội đi Thung Nai, một xã miền núi thuộc huyện Cao Phong (cách trung tâm thành phố Hòa Bình 25km) bằng xe máy. Đó là một chuyến du ngoạn ngắn nhưng có nhiều kỷ niệm và thật nhiều ấn tượng.

Hoàng hôn ở Thung Nai. 

Bắt đầu xuất phát ở Hà Nội vào khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi vẫn kịp ghé thăm công trình thủy điện sông Đà ở thành phố Hòa Bình trước khi đặt chân đến Thung Nai lúc xế chiều.

Thung Nai trong hoàng hôn kiều mị hiện lên trước mắt chúng tôi sau một quãng đường núi hoang sơ khoảng hơn chục cây số từ thành phố Hòa Bình. Thung Nai - khi ấy tựa một bức tranh phủ màu đỏ thắm của vầng dương cuối ngày.


4 thg 12, 2013

Mì xụa

Từ lâu, nói tới các món ngon ở Sóc Trăng, người ta thường nghĩ ngay tới bánh pía, mè láo và lạp xưởng Vũng Thơm – bánh và thực phẩm của người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) định cư hàng trăm năm nay ở Sóc Trăng sản xuất. Nhưng có một thứ thực phẩm làm nên danh tiếng người Tiều Sóc Trăng từ xưa đến nay là mì xụa thì không phải ai cũng biết.

Dĩa mì xụa xào tim, gan, cật heo, tép... Ảnh: Phương Kiều 

Sách Gia Định thành thống chí của Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch và chú giải - NXB Đồng Nai, 2006), mục Phụ lục 3 (loài vật, đồ vật, đo lường), có viết: “Miến tuyến: Là mì dẻo dài sợi. Từ nầy người Tiều phát âm là mì xọua, người Nam Bộ nói nhại theo khá chuẩn âm là mì xọa. Chữ Nôm đọc là xọa vì được tác giả chú thiết âm là xứ ngọa tức xọa. Chữ Nôm mì xọa nhằm nhại âm mà không chỉ thật nghĩa (ngày nay ở miền Tây Nam Bộ người ta dùng tiếng mì xụa như tiếng Việt thông thường)”.


3 thg 12, 2013

Heo rừng nấu mướp

Vào những ngày vía Bà tháng Tư, khách hành hương và du lịch có dịp đổ về Long Xuyên, Châu Đốc và vùng Bảy Núi (An Giang) có thể tìm đến các nhà hàng đặc sản để thưởng thức nhiều món ngon bổ dưỡng như cúc nướng, ếch nướng, bò nướng lá trúc, gà nấu lá trúc, bò xào lá giang…và hấp dẫn nhất là heo rừng nấu mướp.

Thịt heo rừng nấu mướp.

Xin yên tâm, nếu bạn là người có ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bởi hiện nay, tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, có khá nhiều trại nuôi heo rừng lấy thịt chứ không săn bắt trong rừng nên món ăn này đã trở thành phổ biến ở vùng Bảy Núi.

2 thg 12, 2013

Chùa cổ trên đất Long Tuyền

Hồ sen bán nguyệt trước sân chùa Hội Linh. 

Trong nhóm chùa cổ ở đất Long Tuyền, ngoài Nam Nhã Đường còn có Hội Linh cổ tự, xây dựng vào năm Đinh Mùi năm 1907 và Long Quang cổ tự, do thiền sư Thiện Quyền lập vào năm Minh Mạng thứ 5 tức năm Giáp Thân (1824), đến nay gần 190 năm.

Long Quang cổ tự

Chùa Long Quang nằm bên bờ sông Bình Thủy; tọa lạc tại số 155/6, khu vực Bình Chánh, thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

22 thg 11, 2013

Đến Huế nhớ ăn bánh canh cá tràu

Bánh canh cá tràu phải ăn khi đang nóng, rắc thêm ớt bột, hạt tiêu… Ảnh: Sao Mai 

Tuy chỉ là món ăn dân dã và phổ biến ở Huế, nhưng để chế biến được một tô bánh canh cá tràu ngon đúng vị… món ăn này cũng đòi hỏi người chế biến phải tỉ mẩn và khéo léo. Ở Huế, bánh canh có nhiều cách chế biến khác nhau, như bánh canh nấu tôm, chả cua, bò viên, da heo... Tuy nhiên, đặc sắc và thu hút nhất vẫn là bánh canh cá tràu (người Bắc gọi là cá quả, miền Nam gọi đó là cá lóc).

Bánh canh cá tràu là món trông có vẻ bình dân nhưng trong đó lại chứa đựng sự tinh tế, cầu kì ở công đoạn chế biến, chính điều này đã mang đến cho ẩm thực cố đô sự phong phú khiến bất cứ ai cũng phải ấn tượng.

18 thg 11, 2013

Về Gò Công ăn cá hấp

Vào những lúc thu hoạch được mùa cá, ngoài số cá tươi bán đi các chợ quanh vùng ngư dân Gò Công (Tiền Giang) còn phải hấp cá để cung cấp cho những vùng đất xa biển, không thể ăn cá biển tươi hàng ngày thứ hải sản có thể dự trữ dài ngày mà vẫn giữ được vị ngon của biển.

Cá hấp ở Gò Công. Ảnh: Đoàn Xá 

Do công việc, tôi đã tới Gò Công rất nhiều lần. Những địa danh như Kiểng Phước, Tân Thành, Đèn Đỏ, Cửa Tiểu, Vàm Láng… và những món ăn ở đó đã trở thành quen thuộc với tôi. Những làng biển ở Gò Công thường nghèo khổ nhưng con người nơi đó giàu ân tình, hiếu khách. Với người ngư dân, cá là nguồn thu chủ yếu của họ. Mùa nào cá đấy. Từ những con cá ngừ nặng hàng trăm ký cho tới những con ruốc nhỏ xíu như đầu que tăm đều có. Nhưng, không chỉ biết đánh bắt mà ngư dân ở đây còn biết chế biết những món ăn ngon từ cá.

Nam Nhã Đường

Khi nghe cái tên Nam Nhã Đường người ta thường nghĩ đến một ngôi trường hoặc hiệu thuốc bắc hơn là một ngôi chùa. Nam Nhã Đường - ban đầu cũng là tên của một tiệm thuốc bắc do ông Nguyễn Giác Nguyên đứng ra xây dựng từ năm 1895. Cũng chính cơ sở kinh doanh này là một trong những nguồn lực kinh tài hỗ trợ cho hoạt động của phong trào Đông du vào đầu thế kỷ XX.

Chánh điện - còn gọi là Diêu Trì Bửu điện - theo kiến trúc pha trộn hài hòa Á - Âu.

Du khách đến Cần Thơ, theo đường Cách Mạng Tháng Tám đi lên Bình Thủy, sẽ thấy Nam Nhã Đường nằm ở vị trí bên phải đầu vàm Bình Thuỷ, đối diện đình Bình Thủy bên kia sông. Nơi này, xưa thuộc ấp Bình Nhật, xã Long Tuyền (nay thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).

17 thg 11, 2013

Long Tuyền cổ miếu

Từ thành phố Cần Thơ theo hướng quốc lộ 91 đi An Giang khoảng 5km, vừa qua cầu Bình Thủy, về phiá bên phải, du khách sẽ thấy một ngôi đình trang nghiêm, cổ kính nhưng không kém phần lộng lẫy; đó chính là đình Bình Thuỷ - tên cũ là Long Tuyền cổ miếu - một hạng mục trong quần thể di tích của làng cổ Long Tuyền, cùng với chùa Hội Linh, Nam Nhã đường, chùa Long Quang, lăng mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa...

Tòa Tiền đình ở giữa, bên trái là miếu Ông Hổ, bên phải là tòa nhà Lục Ấp. 

Năm Giáp Thìn (1844) làng Long Tuyền bị bão lụt gây thiệt hại nặng nề, nhà cửa ruộng vườn tan nát, dân làng phải bỏ đi xứ khác một thời gian kiếm sống qua ngày. Sau đó, khi trở về làng họ lập một ngôi đình bằng tre gỗ, lợp lá tại vàm rạch Bình Thủy, cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hoà để giúp bà con luôn được an lành. Sau khi có sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852 (Nhâm Tý), dân địa phương đã cùng nhau cất lại đình làng. Lần này lợp ngói phía trước đình để xây thêm một nhà võ ca.

12 thg 11, 2013

Đậu rồng xào tép

Lúc còn ở quê, bên hông nhà tôi lúc nào cũng có một giàn đậu rồng xanh mướt. Mỗi lần ra đồng xúc được tép mẹ tôi thường hái trái về xào. Nếu không có tép thì ăn sống đậu rồng hoặc xào mỡ tỏi cũng vẫn ngon.

Giàn cây đậu rồng. Ảnh: Thiên Phúc 

Được biết, có nơi còn gọi đậu rồng là đậu xương rồng, đậu khế, đậu cánh... Đây là một loại cây thân thảo, thuộc dạng dây leo, đa niên nhờ có củ to mọc sâu dưới đất. Khi dây tàn, mưa xuống củ sẽ đâm chồi mọc lại. Lá đậu rồng hình tam giác, hoa mọc thành chùm ở nách lá. Trái xương rồng có 4 cạnh, mép có khía răng cưa, bên trong chứa khoàng 20 hột. Lúc còn non trái có màu xanh lục và khi già chuyển sang màu vàng.