Hiển thị các bài đăng có nhãn SG Tiếp thị. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn SG Tiếp thị. Hiển thị tất cả bài đăng

16 thg 5, 2016

Đi bộ trên biển, khám phá ba đầm

Ở Ba Hòn Đầm, có một điều khá thú vị là du khách có thể lội bộ… trên biển. Đó là chuyện có thật, vì mực nước biển giữa ba đầm này chỉ cao ngang thắt lưng người lớn khi thủy triều xuống.

Từ xa chỉ nhìn thấy Đầm Dương (bên trái) và Đầm Đước, Đầm Giếng nằm khuất sau Đầm Dương.

Giữa khung cảnh hoang sơ mênh mông trời nước của Ba Hòn Đầm, du khách có cảm giác như ở giữa biển khơi. Càng có cảm giác “rợn tóc gáy” khi xăn ống quần lội bộ từ hòn này sang hòn khác trên đầm trong làn nước biển chỉ ngang đầu gối khi thủy triều xuống thấp nhất. Bàn chân đạp trên những viên sỏi lớn nhỏ khác nhau lẫn trong nền cát biển, những đám thủy sinh đung đưa như vẫy chào, kích thích du khách bước tới.

18 thg 4, 2016

Rong chơi đảo Rùa

Đi về phương Nam, đến với miền đất Kiên Giang, vượt biển, ra Hòn Tre nghỉ dưỡng, vui thú với cảnh non xanh nước biếc, không khí trong lành mát mẻ, hòa nhập, sinh hoạt cùng ngư dân sẽ cho du khách một trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.

Sinh cảnh núi Hòn Tre.

Hòn Tre có diện tích tự nhiên gần 430 ha, thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang), còn được gọi là đảo Rùa do hình dáng trông giống như một con rùa khổng lồ đang bơi trên biển.

22 thg 3, 2016

Đi suối cá thần, mua đặc sản rừng

Đến Thanh Hóa, rất nhiều du khách thường ghé xã Cẩm Lương để ngắm suối cá thần. Dòng suối rất cạn, với độ sâu chừng nửa mét và chiều rộng chừng ba mét, nước chảy ra từ một khe đá ngầm và ở đó là cả ngàn con cá bơi lội tung tăng, có con dễ chừng nặng vài ký. Cá ở đây nhiều nhất là giống cá dốc, môi cá màu đỏ. Ngoài ra, suối cũng có các giống cá trôi, chép, chày, leo hoa… Tên gọi “suối cá thần” xuất phát từ niềm tin rất lâu của người địa phương cho rằng cá ở đây linh thiêng, và không ai dám bắt để ăn thịt.

Suối cá thần rất cạn, nước chảy ra từ khe đá, có cả ngàn con cá bơi lội tung tăng.

Suối cá thần nằm dưới chân núi Trường Sinh, thu hút nhiều du khách tới tham quan, vui chơi. Cũng vì thế nên tại đây hình thành một chợ đặc sản miền núi, mà nếu bạn không mua, quay về lại ngay cả ở Thanh Hóa cũng không thể nào tìm ra những thứ hàng độc đáo như ở ngôi chợ đặc biệt này.

11 thg 5, 2015

Bảo tàng trong quán cà phê

Buôn Ma Thuột là thủ phủ của cây cà phê. Từ hơn 100 năm trước, khi người Pháp đặt chân đến nơi này, họ bắt đầu trồng cà phê. Và đến nay, cây cà phê là hình ảnh quen thuộc ở Tây Nguyên nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng. Với thành phố Tây Nguyên này, ai cũng có thể ghé đến một quán cà phê nào đó để nhâm nhi một ly cà phê ngon.
Nhưng với tôi, ngoài chuyện ly cà phê thì một điều thú vị khác khi đến đây là được thăm, “khám phá” một bảo tàng nằm trong quán cà phê ở cuối con đường Lê Thánh Tông của thành phố. Nơi này có tên gọi là Làng cà phê Trung Nguyên, mà người dân chỉ đường rất rành rẽ: “Thấy một tảng đá lớn ở trước là Trung Nguyên”.

Khách chỉ vừa mới dừng lại nơi này là đã có một anh bảo vệ lịch sự dắt xe giúp và đưa vào bãi giữ xe hoàn toàn miễn phí. Cuộc khám phá bắt đầu bằng một sự cảm tình như thế. Đến đây, uống cà phê là một cái cớ, mà không uống cũng không ai phàn nàn. Ngay cả các ngôi nhà kiến trúc kiểu nhà cổ Hội An nối nhau trong không gian rộng, dưới những tán cây xanh mát, bàn ghế gỗ đẹp, cũng đã khiến cho khách có một cái nhìn thú vị cùng với cảm giác thoải mái. Mỗi ngôi nhà như thế bán một loại cà phê ngon khác nhau.

Bên trong nhà sàn, khá nhiều vật dụng sinh hoạt trong đời sống của các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên được lưu giữ, trưng bày.

13 thg 4, 2015

“Độn thổ” xuống hang dài nhất Đông Nam Á

Vào những ngày đầu năm 2015, chúng tôi “độn thổ”, làm một chuyến thám hiểm hang kỳ diệu và hiếm có. Hang C7, dài hơn ngàn mét, được công nhận hang dung nham đẹp và dài nhất Đông Nam Á. Hiện nay, các nhà khoa học đã khảo sát, đo đạt hơn 10 hang dung nham núi lửa nằm rải rác trên độ cao từ 428 m đến 530 m so với mặt biển. Phần lớn các hang dung nham có dạng hình ống nhưng mỗi nơi mang một nét độc đáo khác nhau…

Sau khi đi theo lối mòn dài trên 8 km trong khu vực rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sap, chúng tôi đặt chân tới cửa hang C7 trong hệ thống hang động dung nham núi lửa Chư B’luk huyện Krông Nô – Đắk Nông được cho là hình thành cách đây hàng triệu năm. Thoạt đầu, cái sâu thẳm, hiểm trở đầy bất trắc của miệng hang khiến chúng tôi “lạnh chân” và chẳng ai dám mạo hiểm dấn bước xuống tiếp. Thế nhưng, nỗi khao khát được thám hiểm một hang động vốn đã được đoàn khảo sát hang động núi lửa hỗn hợp Việt-Nhật công nhận đẹp và dài nhất Đông Nam Á thôi thúc chúng tôi thực hiện chuyến khảo sát trong những ngày giáp tết.

Vết trượt của dòng dung nham tựa như tường chắn taluy.

6 thg 4, 2015

Ngôi làng bước ra từ phim

Trong hành trình đi Hà Giang, nhiều du khách dừng chân ở làng Lũng Cẩm Trên, xã biên giới Sủng Là thuộc huyện Đồng Văn để bước chân vào ngôi nhà trình tường(*) của ông Mua Súa Páo. Một số du khách nói rằng họ thấy tò mò và thú vị khi đến một nơi được dùng làm bối cảnh trong phim – ở đây là phim Chuyện của Pao.

Trên thế giới, nhiều ngôi nhà hoặc địa danh sau khi được đưa vào phim đã trở thành những điểm đến trong các cuộc hành trình của khách du lịch. Ví dụ như ngôi nhà của nàng Juliet (Casa di Giulietta) ở Verona, một thành phố thuộc tỉnh Verona cùng tên (vùng Veneto, phía Bắc nước Ý) đã nổi tiếng khắp thế giới với cuộc tình lãng mạn của Romeo và Juliet. Hoặc như, từ bộ phim về câu chuyện vượt ngục – The Shawshank Redemption – mà trại cải tạo bang Ohio ở Mỹ được du khách tìm đến. Tới đây, du khách có thể chọn tour thăm các điểm quay phim và tour săn ma.


Ngôi nhà trình tường của ông Mua Súa Páo, ngôi nhà trong phim.

Bình – Tĩnh du xuân

Mới nghe, cứ ngỡ là tour ung dung, thư thả; sống chậm để hưởng xuân. Ai dè, đọc kỹ, mới hay các nhà thiết kế tour chơi chữ: Bình là Quảng Bình, Tĩnh là Hà Tĩnh; nghĩa là du xuân ở Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Từ Hà Nội hay Sài Gòn cũng nên bay ra Huế rồi đi ô tô đến Quảng Bình. Ngày đầu, bay sớm, có thể tranh thủ ghé Thánh địa La Vang, Thành cổ Quảng Trị, sông Bến Hải và cầu Hiền Lương, Lũy Thầy… Ngày thứ hai dành hẳn cho Quảng Bình. Ai đã đi khắp các hang động nổi tiếng ở Việt Nam; từ Thiên Cung (Hạ Long), Phong Nha và Tiên Sơn (Quảng Bình) đến Ngườm Ngao (Cao Bằng)… thường cho rằng Phong Nha đẹp và hoành tráng nhất. Nhưng nhận định trên sẽ bị đảo lộn khi đến động Thiên Đường.

Bãi Đá Nhảy, một thắng cảnh ở Quảng Bình.

3 thg 4, 2015

Ô Lâu còn đó câu hò

Trăm năm vì lỗi hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi!

Chuyện xưa kể rằng, có chàng thư sinh từ phương Bắc trên đường vào kinh (Huế) ứng thí, đã gặp cô lái đò ngang trên sông Ô Lâu rồi hai người đem lòng mến thương nhau. Sau kỳ thi, chàng về quê và ước hẹn sẽ sớm quay lại gặp nàng. Nhưng rồi, bặt vô âm tín, chàng không trở lại như đã hứa hẹn. Sau thời gian dài mòn mỏi đợi chờ, cô lái đò lâm bệnh mà chết. Lúc chàng trai ngày ấy trở lại tìm người yêu thì cô lái đò năm xưa đã không còn nữa. Câu chuyện đơn giản như hàng ngàn câu chuyện tình khác, nhưng không hiểu sao với tôi cảm giác mến thương cô gái đa tình ngày xưa cứ đọng mãi trong lòng và cứ hẹn với mình thế nào cũng phải tìm đến bến đò ấy một lần.

Để thỏa ước nguyện đó và cũng là dịp thưởng ngoạn khung cảnh trữ tình của sông Ô Lâu, nhóm bạn chúng tôi xuống đò làm một chuyến thám du đường thủy.

Ngao du sông nước

Khám phá hồ và hang núi Đồng Bò

Mọi người nói với tôi rằng, hãy chỉ đường rõ ràng cho mọi người tìm tới nơi này, vì đến nay vẫn chưa có bảng dẫn đường cụ thể. Để đến hồ Kênh Hạ và thăm chiến khu Đồng Bò, bạn tới Trạm y tế xã Phước Đồng, Nha Trang sẽ gặp con đường tên Trần Đường, đi hết Trần Đường, rẽ phải là đường Hoàng Minh Thảo, cứ thế mà đi qua những con đường nhiều ngõ ngách, cuối cùng tới hồ Kênh Hạ. Kể vậy, bởi trước đó tôi cũng đã lạc đường vào khu du lịch đẹp vời vợi này.

Hồ Kênh Hạ, điểm du lịch sinh thái còn hoang sơ, ngày nào cũng thu hút nhiều du khách Nga tìm đến, tận hưởng vẻ đẹp của hồ nước mênh mông, của núi rừng bao la. Anh Dima Vilasov 42 tuổi, đến từ Nga, ngồi buông câu trên hồ vui vẻ nói: “Tôi khá bất ngờ khi đến nơi này qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên. Vô cùng thoải mái khi được tự do thả lỏng bản thân mình”. Gần đó, khoảng hơn một chục du khách Nga nữa thong dong ngồi câu, kết quả là những con cá chẽm, cá chấm, có con trên một ký, sẽ được bắt lên chế biến cho buổi ăn trưa của họ.

2 thg 4, 2015

Rong chơi Bảy Núi

Trước khi tiến vào Bảy Núi, đoàn chúng tôi lên núi Ba Thê. Đây được xem là tiền tiêu của Thất Sơn hùng vĩ. Đường khá nguy hiểm, quanh co, trắc trở. Nhớ lúc chuẩn bị xuất phát, những người dân địa phương cảnh báo: “Chớ có liều lĩnh chạy lên đỉnh núi bởi đường rất trơn trợt”.
Thiên nhiên hữu tình

Theo số liệu xưa, núi Ba Thê cao 30 trượng, chu vi 13 dặm, bên Tây núi là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy. Nhiều cư dân sống quanh núi kể thêm vùng này trước đây có beo, voi và nhiều thú quý hiếm, nay chỉ còn khỉ, chim rừng, nhen, sóc, diệc, cu đất. Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ, Linh Sơn cổ tự còn gọi là chùa Phật Bốn Tay. Nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản. Trên núi Ba Thê còn có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự. Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Đại Đao khổng lồ. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, Chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi…

Ông Thạch Cha Ra, ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang hơn bảy mươi năm qua, nói: “Không biết tên gọi Bảy Núi có tự bao giờ mà khi lớn lên tôi đã biết”. Theo lời ông kể, bảy ngọn núi ấy liên hoàn tạo thành hình vòng cung có tên là núi Nước, núi Năm Giếng, núi Cô Tô, núi Kéc, núi Dài, núi Cấm và núi Tượng. Có khá nhiều con đường dẫn vào Bảy Núi tuy không rộng lớn nhưng rất đẹp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhiều chùa chiền, miếu mạo của các tôn giáo nằm lẫn khuất dưới những tàng cây thốt nốt trải dài theo các tỉnh lộ.

Cầu qua chùa Phật Lớn trên núi Cấm.

Lên Bidoup-Núi Bà để không nuối tiếc

Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là một trong năm vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Được thành lập năm 2004, vườn lấy tên theo hai ngọn núi Bidoup (2.287 m, cao nhất cao nguyên Lâm Viên) và núi Bà (2.167 m, cao nhất Đà Lạt). Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) chọn Bidoup-Núi Bà thuộc diện ưu tiên số một trong dãy núi Nam Trường Sơn.

Chớm thu, trời Đà Lạt nắng vàng như mật, hứa hẹn cuộc khám phá Vườn quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà nhiều bất ngờ thú vị. Sáng sớm, ô tô VQG đón chúng tôi từ Đà Lạt theo đường 723 (Đà Lạt-Nha Trang), qua vùng rau hoa công nghệ cao, đồi núi trập trùng. Có người bảo “Đèo 723 là đèo đẹp nhất Việt Nam”. Thật vậy! Đẹp đến nao lòng. Non trưa, chúng tôi đến Văn phòng VQG (tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) cách Đà Lạt khoảng 50 km.

Vào rừng tìm đường lên… Thiên Thai

Núi Bidoup cao 2.287 m.

Đoàn chia thành hai nhóm, tôi đi trong nhóm Cil Criêu Ha Trái (dân tộc K’ho) làm hướng dẫn viên du lịch. Trên đường đi, Ha Trái chỉ cho chúng tôi biết những cây rừng do tổ tiên truyền lại, để làm thuốc cứu người. Nào cây thanh mai (chữa đau răng), cây chỉ thiên (chữa đau bụng), cây dẻ (chữa ho), rồi sa nhân, đẳng sâm, ngũ gia bì, sâm đỏ… Tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục Ha Trái hiểu rừng như “vườn nhà”. Rồi Ha Trái chỉ vào một cây ven đường, bảo: “Đây là cây đỡ đẻ, tên là Criêu, tên đệm của bộ tộc mình đấy. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa bộ tộc mình có người phụ nữ mang bầu vào rừng hái quả. Chẳng may đau đẻ bất ngờ, không người giúp đỡ, không tã lót chăn gối, bà hái vội lá cây rừng lót thành nệm và đẻ con trong đó. Nghe tiếng con khóc, bà sung sướng ôm con trong bọc lá cây, đi về nhà. Cả buôn làng mừng rỡ ra đón và mở tiệc ăn mừng. Trước lúc ăn tiệc già làng nói, đây là lá Criêu, từ nay đứa trẻ này và mọi đứa trẻ khác sinh ra đều lấy tên Criêu làm tên đệm”. Chuyện thật giản dị.

Đi trong rừng thông hoang sơ, gió thổi rì rào “bản nhạc rừng” không dứt, không khí thoáng đãng, mát mẻ thật thú vị. Thình lình, Ha Trái bảo: “Sắp đến Thiên Thai rồi!”. Cả nhóm cười nắc nẻ. Đi thêm vài trăm mét nữa, đến bên một cây khá to, cao khoảng 25 m, Ha Trái bảo đây là cây thông đỏ, cùng thời với khủng long, nằm trong sách đỏ thế giới. Đi dọc suối độ vài trăm mét, gặp thác Thiên Thai hiện ra bất ngờ. Thác nước giữa rừng sâu, dải nước khá rộng tung bọt trắng xóa, chảy mạnh, thật kỳ vĩ, thơ mộng và đẹp đến mê hồn. Tôi nhai vội búp chè đắng Ha Trái đưa, mới cảm nhận được vị chan chát, ngòn ngọt và nhìn kỹ cây chè đắng cạnh thác. Tôi chợt nhớ câu nói: “Người Việt Nam nằm trên đống thuốc quý mà không biết”. Trên đường về, chúng tôi lang thang qua những đồi thông xanh thẳm hoang dã, qua khu nuôi cá nước lạnh (cá hồi và cá tằm), thật thú vị và ấn tượng.

Sự tích cây đỡ đẻ.

Mai xanh.

Ông Lê Văn Hương – Giám đốc VQG Bidoup-Núi Bà cho biết, năm 1993 tỉnh Lâm Đồng thành lập “Ban quản lý rừng đặc dụng Bidoup-Núi Bà”, năm 2002 chuyển thành “Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup-Núi Bà”. Ngày 19-11-2004, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập “Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà” với diện tích 70.038 ha, tại huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Độ che phủ rừng đạt 91%, đây là một trong năm VQG lớn nhất Việt Nam.

Vườn đã lập quy hoạch du lịch 2011-2020 (đang khai thác ba tuyến), phối hợp với JICA (Nhật Bản) xây dựng “Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng” (đã đón hơn 10.000 du khách trong và ngoài nước). VQG đang xây dựng “Vườn thực vật đổi màu” và “Vườn thú bán hoang dã” với vốn đầu tư 200 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. 

VQG nằm ở độ cao 650-2.287 m, có tiềm năng đa dạng sinh học rất lớn, bao gồm các kiểu rừng: rừng kín thường xanh, rừng thưa cây lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim, rừng lùn đỉnh núi, rừng rêu, rừng tre nứa…

Say nhịp cồng chiêng như say ché rượu cần

Nghỉ ngơi tại những biệt thự trong rừng thông VQG, chúng tôi thấy khỏe khoắn, thoải mái hẳn ra. Buổi chiều, thăm khu trưng bày và xem phim tư liệu. Ông Lê Văn Hương, Giám đốc VQG tâm sự: “Tôi mê rừng như điếu đổ, một ngày xa rừng thấy bứt rứt trong người lắm, một tuần không vào rừng là ốm liền”.

Vừa chập tối, chúng tôi bị “hút hồn” bởi tiếng cồng chiêng thúc giục, mùi thịt nướng than thơm ngan ngát, hương rượu cần nồng cay. Và các chàng trai, cô gái K’ho quyến rũ trong váy, áo thổ cẩm rực rỡ. Già làng thổi ba hồi tù và, rồi đọc thần chú: “A pô pơ că/ A pô pơ jêng… Từ thời hồng hoang/ Khi chưa có lửa/ Loài người tiền sử/ Ăn gì cũng sống/ Người mọc đầy lông/ Hết mùa ăn lá/ Lại ăn củ mài/ Thần lửa thương tâm/ Bèn thả cục đá/ Từ trên cõi trời/ Rơi vào núi đá/ Hóa thành ngọn lửa/ Thiêu đốt muôn loài/ Cháy thành tro bụi. Từ đó loài người mới biết sức mạnh của Thần Lửa. Vậy, xin mời vị đại diện trong quý khách khai lửa, cùng buôn làng chúng tôi!”.

Tiếng cồng chiêng tấu lên vang vọng cả núi rừng, các cô gái sơn cước múa xoang mềm mại, xoay tròn trong vòng lửa đầy ma lực. Rượu cần uống mềm môi chưa say, chỉ say ánh mắt của cô gái vít cần.

Thác Thiên Thai.

Thăm cây thông ngàn tuổi

Đêm ở VQG, trong biệt thự giữa rừng thông, nghe “bản hòa tấu” côn trùng rên rỉ êm tai, ngủ ngon không chút mộng mị. Giám đốc Hương đưa chúng tôi thăm đỉnh Hòn Giao (nơi tiếp giáp giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa) và kể sâu về rừng, động thực vật đặc hữu. Chúng tôi còn được nghe truyền thuyết núi Bidoup. Chuyện kể rằng, ngày xửa xưa, LangBiang và Bidoup là hai anh em ruột. LangBiang yêu Hòn Giao – sơn nữ xinh đẹp nhất vùng. Nhưng Hòn Giao lại yêu Bidoup vì cao lớn khác thường. Thấy vậy, LangBiang cốc nhẹ vào đầu Bidoup và nói “đừng cao nữa, đừng yêu Hòn Giao”. Thương người anh, Bidoup suốt đời “gục mặt xuống” cho bớt cao, sau hóa thành ngọn núi và có dáng như bây giờ. LangBiang lấy được Hòn Giao làm vợ, cả hai khi chết biến thành hai ngọn núi nằm cạnh Bidoup. Chuyện ly kỳ, thú vị.

Đến trạm kiểm lâm sát chân núi Hòn Giao lúc nào không hay. Xe dừng lại, tôi chụp hình tấm bảng dựng cạnh đường đèo có dòng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh như lời khuyến cáo: “Đến với Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà: Không để lại gì ngoài những dấu chân/ Không lấy gì ngoài những tấm ảnh/ Không giết gì ngoài thời gian”. Rồi chúng tôi thăm “rừng lùn” với nhiều loài cây, hoa phong lan, rêu, nấm… ngợp đất, mát rượi. Trên đường về Trạm kiểm lâm Giang Ly dùng cơm trưa, giám đốc Hương mời cả đoàn thăm cây thông hai lá dẹt gần 1.000 tuổi, bốn người ôm mới kín gốc. Ông Hương nói: “Thông hai lá dẹt – tên khoa học Pinus krempfii, trên thế giới chỉ có duy nhất ở VQG Bidoup-Núi Bà của Việt Nam”.

Cuộc khám phá vườn quốc gia hai ngày để lại trong tôi nhiều cảm xúc, ấn tượng khó quên. Và tôi đã làm đúng thông điệp: “Không để lại gì ngoài những dấu chân. Không lấy gì ngoài những tấm ảnh đẹp. Không giết gì ngoài thời gian”.

Hà Hữu Nết

Bà Nà bốn mùa trong mây

Những tia nắng vàng ươm vẫn trải dài bên dưới vịnh Tiên Sa, những giọt mưa mùa thu lại tí tách rơi trên đường lên đỉnh Bà Nà. Bốn mùa trong mây là cách gọi thân yêu của tôi đối với đỉnh núi nằm ở độ cao 1.487 m so với mực nước biển. Một ngày có những sắc lá xanh của mùa xuân, có chút nắng vàng của mùa hạ, có chút sương lãng đãng của mùa thu và có cái lành lạnh của mùa đông.

Khung cảnh đẹp như tranh khi cáp treo lên độ cao khoảng 200 m. Tôi ngó nghiêng người qua những khung kính ngắm nhìn thác Tóc Tiên và suối Mai đang phơi mình trắng toát giữa màu xanh của những cánh rừng nhiệt đới. Vẫn còn những dãy chuối rừng xen lẫn trong đám lá xanh tươi, nó gợi nhớ cho tôi ký ức về tên một đỉnh núi Bana đọc trại thành Bà Nà và được người Pháp chọn làm trung tâm nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng trên dãy đất miền Trung nắng gió.

Đường vào vườn hoa tình yêu.

29 thg 3, 2015

Bàn cờ tiên trên đỉnh Sơn Trà

Lần đầu đến Đà Nẵng, thời gian lại không đủ để thăm thú các danh lam ở thành phố có nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng này. Chúng tôi đang loay hoay bàn tính thì được cô nhân viên ở nhà nghỉ gợi ý một điểm tham quan, theo cô thì không mới và nhiều người biết nhưng ít người đặt chân đến vì đường đi khó khăn, hiểm trở. Đó là đỉnh Bàn Cờ, thuộc cụm núi Sơn Trà, có độ cao khoảng 693 m so với mực nước biển.
Tuy vậy, cô tiếp tân khuyến cáo rằng nếu chỉ đi hai người với một chiếc xe máy thì sẽ không an toàn khi gặp sự cố. Nhưng đã “lỡ” nghe nói về đỉnh Bàn Cờ, chúng tôi không làm ngơ được, bèn đánh liều mạo hiểm một phen. Đổ đầy bình xăng cho chiếc xe số thuê ở nhà nghỉ, chúng tôi “phi” thẳng sang bán đảo Sơn Trà, tìm đường lên núi.

Đường đi trên bán đảo Sơn Trà quanh co ôm vách núi, dốc ngắn, dốc dài, một bên là biển xanh sâu hút. Chạy một hồi lâu nhưng chẳng gặp ai đi trên con đường này, tôi chợt lo nếu xe máy bị trục trặc hay gặp phải điều gì đó không may thì không biết làm sao mà gọi người giúp ở nơi vắng vẻ này. Bụng lo nhưng tay vẫn rú ga lao tới. Khi gặp một resort lớn nằm ở cuối đường, đang loay hoay không biết đi tiếp thế nào thì may sao có anh bảo vệ resort đến, nghe chúng tôi bàn bạc và đã chỉ cho chúng tôi con đường độc đạo đi tiếp lên đỉnh Bàn Cờ.

Dù truyền thuyết chỉ là sản phẩm hư cấu nhưng vẫn khiến cho du khách lâng lâng khi đứng giữa không gian bao la, tận hưởng cảm giác ở chốn bồng lai tiên cảnh.

Thổ Chu xa mà gần

Với người Nam bộ, nhắc đến Thổ Chu, ai cũng nhớ ngay đó là quần đảo gồm tám đảo nằm ở điểm cực Tây Nam tổ quốc, đây cũng là nơi giáp ranh vùng biển của ba nước Việt Nam – Campuchia – Thái Lan. Nhưng thử hỏi khách du lịch, mấy ai được đặt chân tới. Và, phải chăng nằm ở vị trí biệt lập, ít du khách đến cùng với yếu tố thời tiết mà mảng xanh của rừng và biển Thổ Chu thật quyến rũ. 

Ít du khách tới bởi lẽ vùng biển đảo xa xôi này nằm cách Rạch Giá 220 km, gấp 2-3 lần so với chặng đường từ đất liền tới những đảo tiền tiêu ở biển Đông như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Phú Quý… đồng thời, việc đi lại còn nhiều khó khăn, vất vả. Nếu muốn ra đảo, khách chờ tàu sắt với lịch chạy là 5 ngày/chuyến và lênh đênh trên biển tổng cộng 16 giờ, chưa kể ngủ qua đêm tại Phú Quốc. Trong trường hợp cấp bách, cần đi gấp thì dân đảo buộc phải nhờ cậy thuyền chài hoặc tàu gỗ chở hàng hóa và ngồi vạ vật suốt 36 giờ đồng hồ.

Quần thể đá hòn Từ, một cảnh quan kỳ thú.

Chợ đêm Dinh Cậu

Ở đảo ngọc Phú Quốc – Kiên Giang, ngoài phong cảnh thiên nhiên đẹp, hữu tình, khu chợ đêm Dinh Cậu nằm ngay trung tâm thị trấn Dương Đông là tụ điểm mua sắm, ăn uống thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.


Khu chợ đêm Phú Quốc chỉ cách Dinh Cậu chừng 100 m nên người dân địa phương đặt tên là chợ đêm Dinh Cậu. Dinh Cậu là một ngôi đền thiêng hướng ra biển được xây dựng trên bãi đá nổi dài nhô ra biển. Theo truyền thuyết của người dân Phú Quốc sống bằng nghề chài lưới trên biển thì ngày xưa nhiều ngư dân ra khơi đánh bắt cá gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Bỗng một ngày nọ, từ dưới làn nước xanh thẳm bên bờ cát trắng nổi lên một ghềnh đá dài nhô ra biển. Nghĩ đây là điềm lành linh ứng, người dân trên đảo đã xây trên bãi đá ngôi đền thờ thần sông nước, cầu mong thần che chở mỗi khi ngư dân ra giữa sóng bạc bể khơi. “Cậu” được xem là vị thần có uy quyền trị vì sông nước, có thể cứu giúp tàu bè khi gặp sóng to gió lớn. Ngày nay, thuyền bè ra khơi đánh bắt cá ở đảo Phú Quốc vẫn ghé vào thắp nhang tại Dinh Cậu cầu cho chuyến đi bình an trở về.

31 thg 7, 2014

Ẩm phượt sản vật Gò Công

Kể cả ngày vẫn chưa hết đặc sản đất Gò và cảm giác ấm áp từ những nụ cười hiếu khách! Thật ra, của ngon vật lạ xứ "Khổng Tước Nguyên" không chỉ có những hạt gạo trắng thơm cùng mớ trứng gà ta to khác thường, chứa lớp lòng đỏ son đầy vun, như xưa (1788) tướng Võ Tánh dâng lên Chúa Nguyễn Ánh - tượng trưng lòng trung dũng của cư dân bản địa.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, chọn ngày đẹp trời, bạn thử rủ bạn bè cùng du ngoạn bằng xe máy, theo trục quốc lộ 30 qua Cần Giuộc, xuống Cần Đước… sang ngang sông Vàm Cỏ trên chuyến phà Mỹ Lợi, hướng mũi về bờ Gò Công Đông, mất khoảng 20 phút.

Thưởng hải sản còn lội, nơi ngã ba sông

Cách đó khoảng 4km, có một điểm dừng chân thật thoáng mát, sẵn võng nghỉ lưng miễn phí với nhiều món hải sản tươi nguyên, giá phải chăng. Đó là quán chị Tẻ, cạnh bến đò Mỹ Điền, cạnh ấp 3 Mỹ Xuân, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, Tiền Giang. Quán nằm khuất ngoài bờ đê, cách quốc lộ khoảng 1,3km. Mốc nhận diện là cổng vào ấp văn hóa Muôn Nghiệp, cạnh trạm y tế Bình Đông. Chọn bàn sát mé sông, khách tha hồ phóng tầm mắt sang các cù lao Mỹ Xuân, Long Hựu của Cần Đước (Long An) hoặc phía Lý Nhơn, huện Cần Giờ, TP.HCM mờ xanh. Nước chảy rì rầm. Gió lao xao, khiến mấy ngọn dừa nước nhún nhảy từng chập. Thấp thoáng những chiếc ghe cào, đò máy hòa điệu nghe “tành tạch”… Chợt, những lo toan đời thường tan theo dòng nước lúc nào không hay.

Cửa Soài Rạp nơi có nhiều tôm cá.

12 thg 7, 2014

La Gi - thiên đường biển mới

Những du khách đến La Gi lần đầu tiên dễ có cảm giác đây là một đô thị bị lãng quên.

Sau lần đầu tiên qua đêm tại thị xã tĩnh lặng này, tôi đã từng ví La Gi có vẻ đẹp như một cô thôn nữ vừa thức dậy mơ màng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cô thôn nữ quả nhiên đã bị đánh thức, nhất là vào những ngày cuối tuần, bởi đông đảo du khách.

11 thg 1, 2014

Rủ nhau ăn năn!

Thứ cỏ, một thời gây ám ảnh về những vụ mùa thất bát của nhà nông, miệt tây sông Hậu, nay đã lên hàng đặc sản. Hỏi anh Cao Trung Kiên, thổ địa ở đây, có thường ăn năn không. Anh nói tỉnh bơ: “Ít tui không ăn. Nhiều tui mới ăn!”

Ngon quằn đũa, gỏi gà ta trộn rau năn. 

Ngon chân phương

Cây cỏ năn (Eleocharis) thuộc họ cói, thường mọc ở những vùng đất phèn trũng. Khu vực tây Nam bộ, nó có mặt nhiều ở Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Phổ biến, có hai loại năn: kim (thân nhỏ) và bộp hay tượng, lớn bằng đầu đũa. Loại sau, có thể ăn tươi hoặc làm dưa chua đều ngon lạ.

Món trước tiên là trộn gỏi với gà ta thả rong. Thịt gà ngọt thơm, còn rau năn ngọt thuần phác, càng ăn càng ghiền. Kế nữa là món lẩu mắm thập cẩm, nhúng nhiều rau dại đồng bưng như bông súng, đọt choại... Tất nhiên, không thể thiếu đọt năn.


10 thg 1, 2014

Bắp chuối rừng lam cá suối

Tây Bắc – miền đất có nhiều món ăn hấp dẫn và độc đáo. Đặc biệt, những món ăn này do chính những người bản địa chế biến và đãi khách. Do vậy, trong cuộc hành trình du lịch Tây Bắc vào tiết trời chớm lạnh, một trong những món để lại ấn tượng nhất là bắp chuối rừng lam ống nứa.

Bắp chuối rừng được lèn chặt với tôm, cá suối trong ống nứa và lam (nướng quay) trên bếp. 

Chuối mọc nhiều nơi trong rừng và núi cao của Tây Bắc, chúng thường sinh sôi nảy nở ở những nơi có nguồn nước suối. Là cây hoang dại nhưng lại có nhiều tác dụng đối với đồng bào các dân tộc vùng cao. Họ lấy cây chuối về làm thức ăn gia súc, hạt chuối rừng làm thuốc và đặc biệt, hoa chuối rừng mà người Tày vùng Tây Bắc vẫn gọi bắp bi là nguyên liệu chính để chế biến món ăn ngon và lạ: bắp bi lam với cá suối trong ống nứa.


Những món ăn truyền thống của người Cơ Tu

Đồng bào Cơ Tu là bộ tộc sống lâu đời trên dãy Trường Sơn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, người Cơ Tu vẫn giữ được bản sắc riêng cho bộ tộc mình qua các lễ hội, trang phục, âm nhạc... Cả ẩm thực truyền thống của họ cũng rất đa dạng, phong phú không kém.

Một số món truyền thống của người Cơ Tu. 

Thịt heo rừng không già không non, xắt miếng lớn, ướp với muối ớt, tiêu rừng cho thấm sau đó xiên vào que nướng trên than hồng. Món này khi nướng, bốc mùi thơm thật hấp dẫn, có thể cầm que hoặc lấy ra từng miếng để ăn, vừa thổi vừa ăn mới khoái khẩu. Ngoài ra, bà con còn làm món thịt muối lạ, thịt heo rừng bóp với muối và cơm sau đó cho vào ché bịt lại. Để càng lâu càng ngon. Món này nấu với các loại rau rừng thật đậm đà hương vị hoang dã.