Hiển thị các bài đăng có nhãn Doanh nhân SG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Doanh nhân SG. Hiển thị tất cả bài đăng

28 thg 9, 2017

Pác Ngòi - bản làng xinh đẹp bên hồ Ba Bể

Dù tham gia làm du lịch từ mười mấy năm trước, Pác Ngòi là một trong số ít những thôn bản còn lưu giữ được hầu hết phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc Tày.


Theo quốc lộ 3, qua Phủ Thông, vượt đèo Giàng, xe chúng tôi rẽ vào huyện Ba Bể từ ngã ba Nà Phặc. Tại đây có tấm biển gỗ xinh xinh ghi chữ "Pác Ngòi 3km". Nhìn quanh thấy từng tốp khách nước ngoài lái xe máy sau khi quan sát tấm biển gỗ liền chạy mất hút vào con đường xanh rợp xuyên qua rừng rậm. Nhóm chúng tôi cũng tiến vào con đường nằm dưới tán lá dày ken không chút ánh sáng mặt trời nào có thể xuyên qua được, cứ thế đi khoảng mươi phút đã thấy bản Pác Ngòi hiện ra.

19 thg 9, 2017

Bánh quai vạc Phan Thiết

Bánh quai vạc đã có từ khá lâu đời ở Phan Thiết, song một số nhà nghiên cứu ẩm thực cho rằng món ăn này có nguồn gốc đồng thời là biến thể của bánh bột lọc Huế, di thực theo lưu dân vào phương Nam. Bánh quai vạc được làm từ bột mì tinh.


Mùa hè đến với thành phố Phan Thiết, chiều tối du khách có thể ra bờ kè sông Cà Ty hay công viên Tháp Nước hóng mát, sau đó tìm đến các hàng quán ăn dọc bờ sông thưởng thức các món ăn dân dã địa phương như: bánh quai vạc, bánh căn, mì quảng, bánh hỏi lòng heo, gỏi cá mai… đậm đà hương vị và bản sắc ẩm thực của vùng đất cực Nam Trung bộ.

Lang thang miền Tây xứ Thanh

Thung lũng Kho Mường với dòng suối cạn nhìn từ trên đỉnh núi

Miền Tây xứ Thanh (Thanh Hóa) đang ngày càng hấp dẫn du khách với vẻ đẹp hùng vĩ mà nên thơ. Lang thang qua những miền rừng, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống thanh bình của đồng bào Thái, Mông, Mường… cùng bức tranh phong cảnh đa dạng ngoài mong đợi cho một chuyến đi.

Giữa nhiều tuyến đường từ Hà Nội đi đến miền Tây xứ Thanh, chúng tôi đi theo cung đường được các bạn trẻ đi du lịch bụi ưa thích nhất là chạy theo quốc lộ 6, Hà Nội – Mai Châu rồi rẽ xuống quốc lộ 15 về Thanh Hóa. Sau một ngày đi đường khá dài, nhóm nghỉ qua đêm ở ngã ba Co Lương nằm trên quốc lộ 15 (thuộc thôn Thanh Mai, xã Phú Thanh, Mai Châu) để lấy sức cho chặng đường tiếp theo.

7 thg 9, 2017

"Phượt" trên cung đường hạnh phúc Đồng Văn

"Ai sinh ra ở cao nguyên đá Đồng Văn mà không làm thơ thì thật là… phí", người bạn đồng hành chép miệng khi hai chúng tôi đi qua những cung đường đầy hiểm trở nhưng cũng lắm thơ mộng trên một chiếc xe máy. Còn tôi thì tự nhủ rằng người trẻ nên một lần hòa mình vào đá núi, cỏ cây trên những cung đường Đồng Văn, để thấy rằng, hạnh phúc thật giản đơn và nằm trong tầm tay của chúng ta. 

Cảnh Đồng Văn nhìn từ cột cờ Lũng Cú 

Đậm đà dê núi Ninh Bình

Đã gọi là “dê núi” thì phải là con dê sống trên núi chứ không thể là dê được nuôi hàng loạt trong các trang trại hoặc chăn thả trong vườn nhà được nấu theo “kiểu núi”. Vì vậy, muốn ăn dê núi chính hiệu thì phải đến đúng nơi chứ không thể ghé ngang một quán nào đó trong hàng trăm quán gắn bảng hiệu “dê núi Ninh Bình”. Từ anh lái taxi trong phố đến chú chèo thuyền ở Tam Cốc – Bích Động đều nói với chúng tôi như thế.

Dê nướng, cơm cháy ăn kèm sung muối 

Có thể nói thương hiệu “dê núi Ninh Bình” đã vang xa khắp cả nước từ lâu. Vào năm 2012, dê núi Ninh Bình ăn cùng cơm cháy đã có mặt trong “Top 50 món ăn đặc sản người Việt Nam” do Trung tâm kỷ lục Việt Nam xác lập. Riêng điều đó đã đủ để thực khách thập phương mong muốn nếm thử các món đặc sản từ dê Ninh Bình, dù là dê núi thực sự hay “dê thường nấu kiểu núi”.

5 thg 9, 2017

Khổ qua rừng - món quà của núi rừng

Mười mấy năm trước, muốn ăn khổ qua rừng, người ta phải đi lùng hái những dây khổ qua mọc hoang trong vườn, trên rẫy. Từ một loại quả chỉ tự ra hoa, đậu trái ngoài tự nhiên thì nay, khổ qua rừng đã trở thành đặc sản được thực khách nơi phố thị săn tìm.

Lẩu nhúng ngọn khổ qua

Để có nguồn cung khổ qua rừng thường xuyên cho các nhà hàng, thì tại khu vực Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… đã có rất nhiều vườn khổ qua rừng trồng chuyên canh loại cây này. Người dân gọi loại quả này là “quà của núi rừng” vì nó mang vị đắng đến “rùng mình, tê lưỡi” như cuộc sống cơ cực của người nông dân nhưng ăn vào lại mát lòng và tốt cho sức khỏe.

17 thg 8, 2017

Chèo thuyền mạo hiểm trên sông Đạ Đờn

Nỗ lực vượt qua dòng nước cuồn cuộn 

Theo quốc lộ 27 uốn lượn qua những đồi thông, chúng tôi đến với xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà – một điểm đến du lịch mới cách TP. Đà Lạt chừng 50km. Vài năm gần đây, vùng đất hẻo lánh này đang thu hút nhiều người trẻ yêu thích du lịch mạo hiểm.

Đoạn sông Đạ Đờn dài 12km từ cầu Đạ Đờn đến cầu treo ở thôn Đa Nung A có nhiều ghềnh thác khá hấp dẫn. Sông gập ghềnh đá, loại đá đã được dòng nước bào mòn qua hàng ngàn năm. Nhờ vậy du khách chọn đi thuyền phao sẽ có cảm giác thử thách nhưng vẫn đủ an toàn.

Hấp dẫn vùng trà Chế Là

Những đồi trà xanh bạt ngàn 

Hỏi ở đâu trà ngon nhất huyện, bà Vũ Thị Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang chỉ chúng tôi lên Chế Là.

Từ thị trấn Cốc Pài, chúng tôi ngược 20km đường núi quanh co đến với xã Chế Là khi những tia nắng hè chói chang đang cố gắng xuyên thủng lớp mây dày đặc che vùng đất cao gần 1.000 mét này. Ấy vậy mà cũng non trưa, mặt đất Chế Là mới được rải một lớp nắng vàng nhạt. Điểm trên đó là các thảm màu xanh có lớp lang của những đồi trà…

17 thg 7, 2017

Có một chùa Hương khác

Chùa Hương ở Hà Tây với bài hát nổi tiếng Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trung Đức) là trọng điểm du lịch hành hương của cả nước. Ít ai biết rằng, chùa Hương Hà Tây chỉ là phiên bản, xây dựng vào cuối thế kỷ XVII. Chùa Hương gốc ở trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được xây dựng từ đầu thế kỷ XIII.

Các vua Lê – chúa Trịnh quê vùng Thanh Hóa nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm, các cung phi, cung nữ thường trẩy hội chùa Hương bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò ngày nay). Dù đã bố trí lính lệ bảo vệ, phục dịch dọc đường; chúa Trịnh vẫn lo lắng nên lệnh cho xây chùa Hương Tích thứ hai ở Hà Tây mà thờ vọng để các cung tần đi trẩy hội gần và dễ quản lý hơn. Chùa Hương Hà Tây chỉ cách Hà Nội khoảng 60 km, còn chùa Hương Hà Tĩnh hơn 300 km.

Phong cảnh non xanh nước biếc từ ngôi chùa trên cao nhìn xuống

17 thg 3, 2017

Xuyên rừng Bidoup ngắm cây lá phong

Là một trong những khu bảo tồn lớn nhất Việt Nam, vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (cách Đà Lạt 50km) đang thu hút nhiều du khách thích trải nghiệm sự hùng vĩ của núi rừng. Sau khi tìm hiểu thông tin, được biết trong rừng Bidoup có nhiều cây lá phong màu sắc quyến rũ nên nhóm chúng tôi quyết định đặt tour đi “săn” lá phong.


Làm thủ tục với trạm kiểm lâm xong, mọi người chăm chú nghe hướng dẫn viên hướng dẫn một số điều quy định. Vì là lần đầu tiên lội rừng nên cả nhóm có nhiều cái lo lắm. Lo nhất là chuyện tránh vắt, dù so với rừng Nam Cát Tiên thì vắt ở rừng Bidoup không nhiều bằng. Bidoup – Núi Bà nằm trên Cao nguyên Lâm Viên có độ cao trung bình từ 1.500m đến 1.800m, nằm trong khối núi chính thuộc dãy Nam Trường Sơn. Vườn quốc gia này thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng – nơi có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp nên được đánh giá là có tiềm năng khai thác du lịch.

14 thg 3, 2017

Mì nào ngon bằng mì Chợ Lớn

Trong số những di sản ẩm thực Chợ Lớn còn tồn tại đến ngày nay sau bao thăng trầm của lịch sử cũng như những biến đổi về mặt địa dư của vùng đất, phải kể đến món mì của cư dân gốc Hoa đã sống lâu năm ở miền Nam: một món ăn đã đạt tới đỉnh cao trong nghệ thuật chế biến mà nay đã trở thành quen thuộc với mọi người dân Việt.

Trong sách Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển cho biết Chợ Lớn được người Hoa di dân sang Việt Nam hình thành từ năm 1778, nằm trong khu vực từ đường Tản Đà tới Kim Biên và từ Nguyễn Trãi xuống kênh Tàu Hủ, nay thuộc quận 5, quận 6, quận 10 và một phần của quận 11 thuộc TP.HCM. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, thành phố Chợ Lớn được thành lập vào ngày 6/6/1865.

Xem lại bản đồ Chợ Lớn trước 1975, sẽ thấy khu trung tâm của Chợ Lớn chính là quận 5, cũng là nơi được coi là tập trung những hàng quán ngon nhất của người Hoa: “Ăn quận 5, nằm quận 3…”. Ngày nay, ẩm thực của người Hoa không chỉ có ở khu Chợ Lớn mà còn nằm rải rác ở nhiều quận khác như quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh…

28 thg 2, 2017

Về Thổ Hà nghe quan họ


Người xưa có câu "Về Thổ Hà mới ra quan họ”. Lâu nay khán giả thường quen với việc nghe quan họ có nhạc đệm, nhưng để thưởng thức một canh quan họ đúng nghĩa thì hãy nghe liền anh, liền chị hát chay...

27 thg 12, 2016

Những kiến trúc cổ xinh đẹp ở Cần Đước

Cách thị xã Tân An (Long An) chừng 30 cây số, huyện Cần Đước từ lâu được biết đến nhờ đặc sản gạo Nàng Thơm thơm ngon. Với dân du lịch thích khám phá, Cần Đước là điểm “phải đến” vì huyện còn nhiều tòa nhà cổ mang phong cách đặc trưng cho kiến trúc Nam bộ thời cuối thế kỷ XIX như đình Vạn Phước, chùa Phước Lâm, nhà Trăm Cột của ông Hội đồng Trần Văn Hoa…

Là nơi có phong cảnh pha trộn giữa vẻ đẹp của Đồng bằng sông Cửu Long với nét duyên miền Đông Nam bộ, Cần Đước phù hợp cho những chuyến ngoạn cảnh đổi gió đi về trong ngày. Từ Tân An, chúng tôi theo quốc lộ 1 và tỉnh lộ 826 đến thị trấn Cần Đước rồi đi thêm 1,5km về phía nam là tới chùa Phước Lâm, ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân.

Cổng vào chùa Phước Lâm rực rỡ với giàn hoa giấy đỏ

25 thg 12, 2016

Phật Sơn nao lòng lữ khách

Nằm ở nhánh núi thuộc cánh cung Đông Triều, ở điểm giáp ranh giữa ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Phật Sơn là một ngọn núi nhuốm màu Phật giáo Việt Nam. Ngoài núi Yên Tử thì vùng Phật Sơn chính là nơi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành đắc đạo. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng rừng núi này cảnh sắc hùng vỹ, nên thơ khiến bao người phải nao lòng... 

Tháp đá giữa ở khu vực chùa Hồ Thiên

Ngày nay có một con đường mang tên vua Trần Nhân Tông chạy thẳng từ ngã tư Đông Triều vào di tích đền An Sinh. Từ đền An Sinh chúng tôi thẳng tiến con đường bê tông qua nhiều làng mạc hướng lên núi Phật Sơn. Hồ Trại Lốc bình lặng, trong xanh nằm dưới chân núi như tấm gương khổng lồ phản chiều rừng xanh mây trắng. Chút thanh bình của cảnh vật càng tạo cho chúng tôi cảm hứng thích thú về chuyến thượng sơn đất Phật.

Những đồng lúa xinh đẹp ở thung lũng Bắc Sơn

Một ngày tháng Bảy khi cơn bão Ramsan vừa tan, chúng tôi lên đường đến với thị trấn Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 160km. Thị trấn nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi thuộc cánh cung Ngân Sơn. Các dân tộc chính ở đây là Tày, Nùng, Dao, Kinh.

Để đến được thung lũng này, cả nhóm đi qua khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, đèo Tam Canh và Văn Quan. Văn Quan là vùng đất trồng cây hồi để lấy tinh dầu nên nơi này người dân phơi rất nhiều hoa hồi trên vỉa hè, mùi hồi thơm như hương trầm lan tỏa khắp một vùng rộng lớn. Qua đèo Tam Canh là đến làng Quỳnh Sơn nằm gần chân núi Nà Lay, đỉnh núi này là nơi đẹp nhất để ngắm thung lũng Bắc Sơn.

Nhà sàn trong ngôi làng của người Tày

17 thg 10, 2016

Đón bình minh miền cực Đông tổ quốc

Lặn lội xuyên qua bốn quả núi, cắm trại ngủ ven bờ biển, chúng tôi mong muốn sẽ dậy thật sớm, leo qua các rặng đá, đón bình minh ở điểm được cho là cực Đông của Việt Nam. Nhưng người tính không bằng trời tính…

Mũi Đôi nằm trên bán đảo Hòn Gốm thuộc vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Dù chưa được nhà nước công nhận chính thức, nhưng theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, đây mới thật sự là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam, là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ nước ta. Để ra được Mũi Đôi, du khách sẽ phải đi theo Quốc lộ 1, tới chân đèo Cổ Mã thì rẽ theo hướng đi Đầm Môn. Từ Đầm Môn đi bộ ra Mũi Đôi mất khoảng bốn, năm tiếng đồng hồ, leo qua năm cây số đồi cát và băng tám cây số đường rừng. Tại đây, du khách nên gửi xe máy và đồ đạc không cần thiết tại nhà dân, nếu không, sẽ gặp phải trường hợp dở khóc dở cười như chúng tôi.

Vất vả chinh phục những đồi cát lớn

Ngày mưa, khoái khẩu các món lỗ tai heo chua ngọt

Ở vùng nông thôn miền Tây Nam bộ, mỗi khi có lễ nghi quan trọng, người dân thường mua đầu heo về nấu cháo cúng người khuất mặt. Khi ấy, lỗ tai heo sẽ được chế biến thành nhiều thứ “mồi” hấp dẫn để nhâm nhi với ly rượu gạo ấm nồng.

Lỗ tai “lão Trư” được sơ chế thật sạch, để ráo. Trước khi làm món gì cũng phải trụng tai heo sao cho vừa chín tới. Món thông dụng nhất là ngâm giấm: xắt lỗ tai thành sợi nhuyễn, nhỏ, để thật nguội rồi xếp vào keo thủy tinh. Giấm hòa với đường cát và muối nấu sôi, chờ đến khi âm ấm thì trút vào keo lỗ tai để ngâm. Thêm vài lát tỏi, ớt tạo màu sắc và mùi vị. Chỉ ngâm một, hai ngày đã có thể vớt tai heo ra vắt khô, khi ăn chấm nước mắm y (hoặc nước tương) có vài lát ớt. Có người còn trộn tai heo ngâm giấm với thính, ăn vừa thơm, vừa béo.

Tai heo xào dưa leo

Ăn mắm kiểu miền Tây Nam bộ

Khi bàn về văn hóa ẩm thực Nam bộ, có lần nhà văn Sơn Nam từng khẳng định “mắm là đặc trưng của Nam bộ, được hình thành bởi sự “hôn phối” giữa trời đất và con người. Đó là tính hào sảng của thiên nhiên và tính tiết kiệm của con người”.
Theo tác giả Hương rừng Cà Mau, vùng đất Nam bộ thuở cha ông ta đi mở cõi đầy ắp những cá tôm, ăn không hết nên những người đi khai hoang ngày ấy đã biết đến cách làm mắm để dành. Mắm là thức ăn được ưa chuộng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long từ hàng trăm năm nay.

Ngoài cách làm mắm để dành, bà con còn làm khô, nhưng mắm có ưu thế hơn vì có thể dự trữ dài ngày hơn và chế biến được thành nhiều món ăn, với nhiều cách ăn khác nhau: ăn mắm sống, kho mắm, chưng mắm, chiên mắm, làm lẩu mắm… Gần như loại cá nào cũng làm mắm được, trừ những loại cá nhiều mỡ, bởi cá nhiều mỡ làm mắm hoặc làm khô dễ bị hôi dầu. Mắm làm từ các loài thủy sản khác nhau: tôm, cua, còng, ba khía… mỗi thứ có một hương vị đặc trưng riêng. Ăn mắm là một nghệ thuật ẩm thực dân gian trong dòng chảy văn hóa bình dân miền đất mới.

16 thg 9, 2016

Tam Nông – Mùa nước nổi

Năm nay thời tiết thay đổi, khí hậu thất thường, lượng nước ít hẳn do các đập thủy điện. Mùa nước nổi đang về, dù chưa được như mong muốn. Khác hẳn mùa lũ lụt khắc nghiệt và tang thương ở miền Trung, miền Bắc, người dân miền Tây rộn rã đón nước nổi.

Mỗi ngày, nước chỉ“nổi” lên từ từ chừng mười đến hai mươi phân. Nước nô nức từ thượng nguồn Mekong, qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia; rồi kéo nhau xuống Nam bộ mở hội. Nước sóng sánh niềm vui; người nhộn nhịp, hối hả thu hoạch sản vật.

Vào mùa nước nổi, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông như một ốc đảo, lạ lùng và đông vui giữa bốn bề nước. Nhiều vùng ở Đồng Tháp, An Giang cũng vậy. Trên trời, dưới nước, chỉ có trời nước chứ không thấy trời đất. Nhà cửa, con người và cây cối như những nét chấm phá sống động giữa bức tranh khổng lồ trời nước. Cả người và cây, bao đời đã quen sống chung với nước. Nước về ngập đồng, ngập đất mang theo bao phù sa và sản vật cho đời. Những hàng cây ngập nước, không úa vàng héo rũ mà vẫn rối rít vẫy chào, mượt mà xanh vui. Những loài hoa đặc thù như điên điển, súng, sen… càng tươi cười khoe sắc.

2 thg 8, 2016

Lạc bước mê say tại thung lũng Kho Mường

Kho Mường là một thung lũng hoang sơ thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chưa đầy 150km.

Chúng tôi đến với Kho Mường vào một buổi sáng đẹp trời, băng qua gần chục cây số đường nhựa phẳng lỳ từ cầu La Hán đến ngã ba Thành Lâm, rẽ sang con đường dẫn về Thành Sơn là hành trình xuyên rừng, vượt núi. Nằm giữa một vùng thiên nhiên hoang sơ, hang Kho Mường gợi cho người ta cảm giác nơi đây giống một vùng đất còn yên ngủ, một hang động bí hiểm bị bỏ quên. Đường vào Kho Mường là những con đường ngoằn ngoèo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt hay đồi núi chập chùng. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp vừa có chút khó khăn, hiểm trở nơi đây là cung đường yêu thích của dân “phượt”.

Những nếp nhà của người Thái ở Kho Mường