Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Thuận. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Thuận. Hiển thị tất cả bài đăng

17 thg 5, 2016

Mít tố nữ Phú Hội

Mùa này, cùng với sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ đang chín rộ khắp miệt vườn Nhơn Trạch, Long Thành, Long Khánh, Cẩm Mỹ...

Mít Tố nữ Phú Hội

Vài năm gần đây, mít tố nữ được trồng nhiều ở Long Khánh, Cẩm Mỹ. Do cây tơ và trồng giống mới nên mít tố nữ ở những nơi này đều cho trái to, nhưng dân sành điệu thường tìm cho được mít tố nữ Phú Hội và phải là mít tố nữ thứ thiệt, vì dân nhà vườn ở đây cũng có người đã đưa mít tố nữ giống mới (nhiều nhà vườn gọi là mít Malaysia) vào trồng. Mít tố nữ giống mới có lợi thế là trái to (thường trên 2kg/trái), múi mít cũng to, ngọt và hạt lép, nhưng không có mùi thơm đặc trưng của mít tố nữ Phú Hội. Có một điểm nữa mà các loại mít tố nữ khác không có được là khi xé vỏ trái mít ra thì toàn bộ múi mít vàng ươm bám san sát vào cùi mít, rất hiếm khi nhìn thấy có xơ mít.

Hột cầy rang

Hầu hết ở những cánh rừng bị chặt phá nham nhở, thường chỉ còn lại trơ trụi những cây cầy với tàng lá xanh um. Nhiều dân làm rừng ở Mã Đà, Vĩnh An từng cho tôi biết: "Thợ rừng chê cây cầy vì gỗ loại cây này giá trị không cao mà lại rất khó cưa, xẻ cũng như đốn hạ". Già làng Năm Nổi, ông Út Nghị - người dân tộc Chơ Ro - cán bộ cựu trào ở vùng Lý Lịch - Bù Cháp thì cho rằng: "Cây này ở Chiến khu Đ rất lạ là mỗi khi Mỹ rải chất độc hóa học thì các loại cây rừng khác đều trụi lá rồi chết rũ, ngoại trừ cây cầy".

Cây cầy (kơ nia)

Củ "chụp" rừng miền Đông

Là dân Phú An (tỉnh Bình Dương), tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, nhưng đến nay ông Lê Thiện, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai vẫn nhớ như in về những ngày ở chiến khu Đ bị địch phong tỏa gắt gao, cạn kiệt lương thực, toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài phát thanh giải phóng phải đi đào củ chụp đem về ăn chống đói. Ông nhớ rõ lần đầu tiên đi đào củ chụp: "Trưởng đoàn là anh Bảy Kỉnh (Lê Đức Tài - Phó giám đốc đài), phó đoàn là anh Hai Lý (nhà văn Lý Văn Sâm). Đi hai ngày, phần lớn là leo đèo... Đến nơi, được hướng dẫn phương pháp, anh em chia ra từng cặp đi đào. Té ra là loại củ mài lâu năm ăn sâu xuống lòng đất cả thước. Phải lấy tre đẽo thành hình như cái nơm, rồi "chụp" đất kéo lên dọc theo thân củ, nên gọi là củ "chụp"...". 

Già làng Năm Nổi đang hướng dẫn nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt xem củ chụp tại đồi củ chụp thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. 

16 thg 5, 2016

Rau tàu bay

Rau tàu bay

Cây rau tàu bay thuộc họ Cúc (Asteraceae) tên khoa học là Gynura Crepidioi des Benth là loài thân thảo, có lông, cao khoảng 50-60cm, gần như có mặt khắp ở mọi miền đất nước. Nhưng loài rau tự mọc thường được xem là một loại "cải trời" này lại tỏ ra thích hợp ở miền Đông Nam bộ, nơi một năm có hai mùa mưa nắng với khí hậu nóng, ẩm ướt mà cao ráo. Đặc biệt, với chùm hoa lông trắng hình trụ, nở rộ vào mùa hè và tỏa hương ra xa, rau tàu bay phát triển rất nhanh hình thành những đám rau hoang dại. Rau tàu bay trở thành một loại rau mọc trên cạn khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn, rừng núi miền Đông. Lá và thân cây rau tàu bay có mùi vị đặc trưng là hăng hăng, đăng đắng, nhưng ăn mát và ấm bụng, lại rất "lành" nên nó còn được dùng làm "cơm" thay gạo cho nhiều đơn vị bộ đội sống và chiến đấu trong vùng Chiến khu Đ trong những thời điểm gặp khó khăn về lương thực. Trong bữa ăn thường ngày của bà con nông dân, nhất là dân làm rẫy sống cạnh rừng, thì canh rau tàu bay, rau tàu bay xào, luộc... là những món ăn ngon. Đặc biệt, rau tàu bay sống chấm với nước cá kho, thịt kho vẫn giữ nguyên hương vị đăng đắng, nồng nồng, ăn một lần nhớ mãi. Có người ghiền ăn sống rau tàu bay đến nỗi bị người thân dọa là ăn rau tàu bay nhiều sẽ bị đau lưng, mất máu (!??), nhưng vẫn không bỏ được.

Bông điên điển vùng hồ Trị An

Mùa mưa này làm một vòng quanh hồ Trị An, nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy những đám điên điển đang trổ bông vàng rực rỡ. Ân tượng nhất là những đám điên điển mọc ven bờ Bà Hào, Lạc An...

Bông điên điển

Ở xã Vĩnh Tân, đoạn ngã ba Trị An qua sông Mây cũng thấp thoáng một rừng hoa điên điển, khá thú vị là ngay ở cái hồ trong trang trại trồng trầm hương và cây kiểng của ông Trần Văn Quyến ở tận vùng Núi Tượng (huyện Tân Phú) mùa này cũng rực vàng bông điên điển.

15 thg 5, 2016

Khổ qua xanh Long Thành


Trong bữa tiệc cuối năm, nhìn thấy mọi người "chiếu cố" đến món khổ qua (mướp đắng) dồn thịt, ông Sáu Trạc (Võ Văn Trạc), một cán bộ lâu năm của Công ty phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai, vốn là dân gốc Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) bèn hỏi:
  • Mấy ông có nghe người xưa nói: "Hủ qua xanh, hủ qua trắng, hủ qua đèo"! Vậy tôi đố mấy ông cái món hủ qua dồn thịt này là hủ qua gì?
Mấy ông già dân gốc Long Thành - Nhơn Trạch trong bàn tiệc cười:
  • Đố ai chớ đố tụi này sao được chú Sáu nó! Hủ qua dồn thịt thì chỉ có hủ qua xanh thôi! Chớ hủ qua trắng dầy cui, lạt nhách dồn thịt ai mà ăn. Nhưng mà tui nói cho biết nghen, nguyên cái xứ Đồng Nai này, hủ qua xanh chỉ có ở đất Long Thành thôi (bao gồm cả huyện Nhơn Trạch)!.

Rau càng cua Cù lao Phố

Loại rau dân dã, quê mùa này hầu như khắp nước ta chỗ nào cũng có, nếu nơi đó có điều kiện thời tiết nóng ẩm và trong bóng mát. Do đó, khu vực Suối Tre (TX. Long Khánh) có thể coi là một trong những nơi mà rau càng cua mọc lềnh khênh. Thế nhưng lâu nay ở một nơi có món rau càng cua được nhiều người biết đến lại là Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Dân Cù lao Phố làm việc ở những cơ quan cấp tỉnh và TP. Biên Hòa cũng khá nhiều. Do vậy, chiều cuối tuần, nhiều cán bộ, viên chức hay được nghe lời mời: "Rảnh hôn, ngày mai qua nhà tôi ở Cù lao Phố để nhậu món gỏi càng cua!".

Rau càng cua

14 thg 5, 2016

Trái guồi trên đất Chiến khu Đ

Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ 20, ở các đô thị miền Nam phổ biến một bài vọng cổ được nhiều người ưa thích: "Ai đi xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh/ đến vùng Bến Cát/nghe con trẻ hát/ Mẹ đi chợ chớ ở lâu/ Khi về mẹ nhớ mua xâu trái guồi/ Con chờ xe lửa tút còi? Ra ga đón mẹ lấy guồi ăn chơi...".

Dây guồi trong vườn già làng Năm Nổi

Cũng thời gian đó, vào mùa guồi chín, ở nhiều chợ trong thị xã Biên Hòa cũng như các trường học, trái guồi vàng rực được mang từ rừng về bán. Đám học trò rất mê loại trái cây lạ này. Mỗi chùm guồi có hàng chục trái to, nhỏ không đều nhau. Có trái to bằng trái cam và có trái nhỏ vỏ còn xanh chỉ bằng trái chanh, trái tắc. Xé lớp vỏ vàng cam mỏng manh ra là màu vàng rực rỡ của những múi guồi đơm dính vào nhau có vị ngọt ngọt, chua chua, ăn hoài không thấy ngán. Nhưng bên trong màng thịt vàng mỏng ấy là cái hột tru trú... Vậy mà đám trẻ con ham ăn thuở ấy thường nuốt luôn cả hột.

Lá bép, lá bướm Mã Đà

Trong quyển "Những kỷ niệm ở rừng miền Đông" của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có kể rằng, một đơn vị bộ đội khi hành quân trên vùng Bình Phước chẳng may bị lạc rừng. Hết lương thực, đoàn quân hàng trăm người phải tìm lá cây rừng ăn cầm hơi suốt một tuần. Đó là những thứ lá rừng vị ngọt thanh, ăn khá ngon miệng. Mãi sau này, nhiều người mới biết đó là lá bép.

Lá cây bép

13 thg 5, 2016

Đọt khổ qua rừng

Canh khổ qua rừng

Từ đầu mùa mưa đến giờ, cứ vào mỗi sáng sớm ở chợ cũ Long Khánh xuất hiện hình ảnh khu chợ đọt khổ qua rừng với khoảng mười mấy người dân ở vùng ven thị xã hái đem ra bán. Trong khi mỗi bó rau muống chỉ khoảng 2.000 đồng thì một mớ đọt khổ qua rừng đã là 5.000 đồng (tính ra 1kg đến 15.000 đồng). Thế mà khoảng 9 giờ sáng là chợ đọt khổ qua rừng sạch cả hàng. Một số bà nội trợ ở Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ thương chồng con ăn uống không ngon miệng trong mùa hè nóng nực này đã cố đi chợ sớm để mua cho được một mớ đọt khổ qua rừng về nấu canh với tép hoặc tôm khô. Người ăn chưa quen, húp miếng canh nghe đắng nghét, nhưng kẻ đã ghiền món đọt khổ qua rừng thì mê cái vị đắng mà có cái hậu ngọt lừ. Chừng hai năm nay, nhiều quán ăn, nhà hàng đặc sản ở TX. Long Khánh ngày nào cũng có món canh đọt khổ qua rừng. Có quán còn đưa vào thực đơn một cách trang trọng món lẩu cá (cá chép, mè, diêu hồng...), tôm nấu khổ qua rừng. Nhiều cán bộ tỉnh về thị xã công tác, thế nào trong bữa ăn cũng được chiêu đãi món đặc sản hiếm nơi khác có này. Quán Cây Dừa ở Biên Hòa cũng đi tiên phong trong việc đưa món canh đọt khổ qua rừng vào thay đổi khẩu vị cho khách. Trung tá Trần Mạnh, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Mỹ, vốn là một thổ địa ở vùng rừng núi Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ nói: "Chừng vài năm nay, đọt khổ qua rừng ở vùng này bỗng "lên ngôi" trong hàng rau sạch. Có lẽ do nhiều người suy diễn từ câu nói "thuốc đắng dã tật" nên truyền nhau là đọt khổ qua rừng ăn nên thuốc và khuếch đại nó lên là ăn khổ qua rừng trị được bệnh tiểu đường, huyết áp cao, xơ gan... nên xúm nhau ăn, đẩy giá lên cao. Trước đây, khi mới về lập huyện, tôi không nhìn thấy bóng dáng khổ qua rừng đâu cả, nhưng bây giờ thì ở Cẩm Mỹ này lềnh khênh, người ta còn đem về trồng thành luống dài ở ấp Nhân Nghĩa, xã Long Giáo. Khổ qua rừng này dễ sống lắm, đất khô cằn gì nó cũng đứng được. Đến mùa mưa thì đâm đọt xum xuê. Chừng một chục năm trước chỉ có vài bà con, hầu hết là người dân tộc Châu Ro bứt đọt khổ qua rừng ở xã ven Bảo Vinh đem ra chợ cũ Long Khánh bán. Nay có người rải hột trồng, tưới nước nên mùa khô cũng có đọt khổ qua rừng để cung cấp cho mấy nhà hàng, quán ăn có món này bán quanh năm".

Tàng ong ruồi rừng Sác

Từ lâu, ở những xã thuộc vùng ngập mặn của Đồng Nai như Phước An, Long Thọ, Phước Khánh, Đại Phước, Phú Đông... nổi tiếng với các loại cá, tôm, sò đặc sản. Thế nhưng ít ai ngờ trên vùng rừng đước bạt ngàn này còn có một đặc sản vô cùng hấp dẫn, đó là nhộng ong và mật ong rừng. Dân đi ăn ong ở vùng rừng Sác đều là nghiệp dư, còn nghề tay mặt của họ là đánh cá, bắt còng, ba khía, cua, ốc ... Nhưng kinh nghiệm "ăn ong rừng" của họ rất phong phú.

Tàng ong ruồi lấy từ rừng đước Nhơn Trạch.

11 thg 5, 2016

Nấm mối vùng cao su

Món nấm mối bọc giấy bạc nướng đang được ưa thích trong mùa này ở các nhà hàng, quán ăn ở Long Khánh.

Từ mùng năm tháng năm âm lịch (Tết Đoan Ngọ) đến nay, với những cơn mưa phập phù, "trời chợt mưa rồi chợt nắng", mà bà con nông dân Đồng Nai hay gọi là "mưa nấm mối", đã làm cho các phiên chợ sáng ở Cẩm Mỹ, Long Khánh trắng lóa những rổ, thúng vun đầy nấm mối. Thông thường phải đến ngày 20 tháng 7 âm lịch hàng năm mới dứt mùa nấm mối. Nhưng nhiều người dân ở Long Khánh và Cẩm Mỹ cho rằng nấm mối năm nay trúng mùa, đặc biệt là đợt nắng gắt sau những trận mưa to đầu mùa, nấm mối rộ lên rất nhiều ở các triền lô cao su. Khoảng hai năm nay, ở các nông trường cao su Cẩm Mỹ, Ông Quế, Bình Lộc ... sang tận An Viễng, Bình Sơn của huyện Long Thành xuất hiện một số người dân chuyên nghề đi săn nấm mối. Họ đi thành từng cặp hai người, thường là vợ chồng hoặc thêm một, hai đứa con nhỏ. Dân đi săn nấm mối (trước đây, công việc này ít người tham gia hơn và họ được gọi là dân đi săn nấm mối) thường "xí" sẵn một vài khu vực quen thuộc. Đến mùa, họ canh thấy trời vừa dứt mưa và nắng lóe lên thì họ liền tức tốc, xách giỏ vác bao ra "địa bàn" để thu hoạch nấm mối. Trúng nhất là ở những khu vực triền cao su mà chiều tối hôm trước có đám mưa to, sáng sớm hôm sau tạnh mưa, trời khô ráo. Dân đi săn nấm mối có nhiều kinh nghiệm còn cho rằng: ổ nấm mối không đứng yên ở vị trí cũ, mỗi mùa nó đều có sự chuyển dịch nhưng cũng không xa lắm với vị trí phát hiện năm trước. Và nó thường di chuyển theo hướng đất có gò cao nên dân có nghề cũng rất dễ tìm.

Trai rạch Lò Gốm

Có lần, được thưởng thức món cháo trai rất ngon ở một quán nhỏ nằm bên cạnh hồ công viên của thị xã Tuyên Quang, tôi cứ nghĩ món ăn này là "đặc sản" của Tuyên Quang, còn ở Đồng Nai một đôi nơi cũng có nuôi trai nước ngọt nhưng chủ yếu là chỉ để cấy ngọc thử nghiệm. Thế nhưng mới đây gặp ông Hai Sơn (Nguyễn Văn Sơn) ở ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa) tôi mới biết mình đã lầm lẫn rất lớn. Ông cựu tập đoàn trưởng đầu tiên của tập đoàn sản xuất nông nghiệp xã Hiệp Hòa, nay đã 66 tuổi, từng được báo chí một thời ca ngợi như là "cánh chim đầu đàn trong phong trào hợp tác hóa ở Đồng Nai" khẳng định: "Trai là con vật bản địa của ao hồ trên đất Cù lao Phố này. Nó có mặt lâu đời lắm rồi nhưng do quá ít và kém phát triển nên không được người ta chú ý lắm. Nhưng từ những năm 1990 trở lại đây, đặc biệt là sau khi có chủ trương thực hiện "khoán 10", phong trào đào ao nuôi cá phát triển thì con trai ở đây cũng rộ lên. Mà đâu phải giống mới gì, cũng chính con trai sống tự nhiên dưới đáy ao hồ trên đất Cù lao Phố này. Cũng có lúc con trai trở thành vấn đề "nóng", khi ông Tư Sang, ông Phước Huỳnh (Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa) đem một giống trai nước ngọt ở tận Lâm Đồng về nuôi thử, gia đình tôi cũng bỏ ra 4 năm để đeo đuổi con trai với ước mong cấy ngọc... nhưng đều không có kết quả!".Xoay quanh cái hiện tượng lạ là con trai ở Cù lao Phố sau "khoán 10" bỗng trở nên to lớn hơn trước (trước kia một kg trai phải từ 10 đến 12-13 con, bây giờ mỗi con trai nặng bình quân 200 gr. Con trai 2 năm tuổi thường to bằng bàn tay: 300 - 350 gr, thậm chí có con trai nặng đến nửa kg hoặc 6, 7 lạng). 

Con trai ở xóm rạch Lò Gốm

10 thg 5, 2016

Cá mao ếch ở Nhơn Trạch

Ở trung tâm xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) có cái quán đặt tên khá lạ đời: Bát Không Sai. Làm lai rai vài ly, ông chủ quán chừng 60 tuổi mang kính cận dày cộp mới ung dung giải thích: "Có gì đâu, tên tui là Tám Đúng, "chiết tự" ra thành... "Bát không sai" vậy mà!". Lâu nay, quán Bát Không Sai được dân nhậu khắp nơi để ý đến nhờ có đủ loại thủy sản tươi ngon của vùng sông nước ngập mặn rừng Sác Phước An. Trong đó, cá nâu, cá mao ếch thuộc vào loại quý hiếm bao giờ cũng thường xuyên có sẵn ở quán này. Vậy mà chừng hai năm nay, ông chủ quán Bát Không Sai lắc đầu: "Cá mao ếch bây giờ ít lắm, cả tuần lễ chỉ có được một vài con. Mà cũng chỉ là cá cỡ 2-3 lạng, chứ con cá trên cả ký như hồi trước bây giờ hiếm lắm!". 

Cá mao ếch

8 thg 5, 2016

Cá sấu Rừng Sác

Theo một tài liệu khoa học được trích dẫn và sử dụng trong quyển “Chiến khu rừng Sát” của Lương Văn Nho, do NXB Đồng Nai ấn hành năm 1983 thì hai thế mạnh của rừng Sác là đước và cá tôm. Và trong hàng trăm giống cá tôm ở rừng Sác thống kê được, có 15 loài đông đúc nhất. Khá bất ngờ là trong số đó có... cá sấu. Phần đất và người trong “Long Thành - những chặng đường lịch sử” còn cho rằng: Với diện tích 150 km², rừng Sác Long Thành (bao gồm cả Nhơn Trạch hiện nay) có nhiều thú vật, tôm cá, đặc biệt là loài cá sấu. Ở các ngọn sông Ông Kèo, sông Thị Vải, sông Đồng Môn, Đồng Tranh, rạch Vũng Gấm, rạch Chà Là, rạch Vọp, rạch Muỗi đều có cá sấu. 

Cá sấu rừng Sác


7 thg 5, 2016

Hến cù lao Phố

Năm nay đã 57 tuổi và có đến 26 năm sống, làm việc ở ngay trung tâm TP. Biên Hòa, vậy mà ông Sáu Bình (Phạm Công Bình) đang cư ngụ tại KP4, phường Quyết Thắng vẫn hào hứng, sôi nổi kể về chuyện bắt hến ở Cù lao Phố:
  • Đúng là vào tháng ba (âm lịch), thời điểm nắng nóng nhất này cũng là mùa bắt hến ở Cù lao Phố đây. Tôi sinh ra ở khóm Bình Tự, có bến đò Kho nên mới 5, 6 tuổi đã biết đi bắt hến. Mùa này nước ròng sát có thể mặc xà lỏn qua bên kia sông đụng với làng Tân Mai. Mới 5 - 6 giờ sáng đã có hàng trăm người ở cù lao đổ xô ra khúc sông cạn này để bắt hến. Mọi người í ới vang động cả một khúc sông. Vui lắm! Đám con nít tụi này 3 - 4 đứa xúm lại bắt một hồi cả thúng hến. Mà con hến hồi đó bự lắm, bằng con sò huyết bây giờ, chớ hổng phải nhỏ xíu đâu!
Đầu bếp Đặng Thị Thu của quán Hương Huế đang chỉ dẫn cách chế biến hến Cù lao Phố thành món ăn lối Huế

Dơi quạ miệt vườn

Đầu xuân vào mùa hoa sầu riêng trổ bông, khách từ các nơi, nhiều nhất là Biên Hòa, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh thường kéo nhau về miệt vườn trái cây Phú Hội, Long Tân (huyện Nhơn Trạch) để thưởng thức một món ăn độc đáo. Đó là dơi quạ.


Miệt vườn này có đủ mặt các loại dơi ở vùng đất miền Đông như: dơi sen, dơi chó, dơi hương... Nhưng dơi quạ là loài dơi to nhất (mỗi con nặng cả ký và khi bay giang cánh ra dài cả 2 mét), lại sống bằng cách hút mật bông sầu riêng, ăn chôm chôm chín nên được nhà vườn miệt Phú Hội và dân sành điệu cho là thịt dơi quạ... đại bổ.

6 thg 5, 2016

Chem chép, sò huyết Phước An

Dân sống nghề hạ bạc ở vùng sông nước Phước An (huyện Nhơn Trạch) phân biệt mùa nước trong năm khá rõ rệt. Mùa nam tức mùa nước cạn khởi đầu từ tháng giêng đến cuối tháng 6 âm lịch, còn mùa nước gà gáy (tức mùa nước ngập) từ tháng 7 đến tháng chạp. Như vậy, mùa nam chỉ còn khoảng một tháng nữa. Đây là mùa dân sống nghề sông nước ở Rạch Mới, Bà Trường, Bàu Bông tập trung vào việc đào chem chép, bắt sò huyết. Từ lâu, sò huyết Phước An đã được đưa vào ca dao Đồng Nai: "Cá buôi, sò huyết Phước An". Sò huyết ở vùng rừng Sác ngập mặn này ngon không kém gì sò huyết đầm Ô Loan (tỉnh Phú Yên). Món sò huyết nướng chấm muối chanh tạo ra vị ngọt, thơm và béo, rất hợp với khẩu vị của người thích uống bia. Việc bắt sò huyết được khởi sự sớm hơn, từ đầu mùa nam, tức là mới tháng giêng khi nước cạn làm lộ ra những bãi bồi ven sông Bà Hào, Bà Gioi, Thị Vải... Công việc đi bắt sò huyết khá sạch và nhàn nhã.

Sò huyết

Cá buôi sông Thị Vải

Đề cập đến những món ngon xứ Đồng Nai, trong kho tàng ca dao dân gian đã xếp "cá buôi, sò huyết Phước An" đứng đầu danh sách. Sò huyết thì hầu như ai cũng biết, còn cá buôi thì kẻ biết người không. Ông Tư Nhu (Hồ Văn Nhu), chủ tịch Hội nông dân xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) năm nay 56 tuổi là dân cố cựu có gia đình sông mấy đời ở ấp Vũng Gấm nói một cách quả quyết: "Cá buôi chính là con cá đối sống lâu năm trở thành. Thường được gọi là cá buôi, con cá phải bằng cườm chân trở lên. Tức phải cỡ nửa kg trở lên. Hồi trước dân hạ bạc Phước An này đánh được những con cá buôi nặng từ 2kg đến 2,5kg là chuyện thường. Nhưng bây giờ "đỏ con mắt" mới kiếm được con cá buôi nặng 1 kg !".

Bà chủ quán Ba Lai (Nguyễn Thị Đào) với những con cá buôi tươi rói được ngư dân Phước An cung cấp.


5 thg 5, 2016

Tôm càng Rạch Đông

Đã từ lâu con Rạch Đông - đoạn chảy qua địa bàn ấp 3 và ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) đổ ra sông Đồng Nai - nổi tiếng là có nhiều tôm cá. Trong đó, tôm càng Rạch Đông ngon được nhiều nơi biết đến. Ca dao Đồng Nai đã ghi nhận sự việc này một cách rất hình ảnh:

Rạch Đông nước chảy 
Con cá nhảy, con tôm nhào.