Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Sóc Trăng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Sóc Trăng. Hiển thị tất cả bài đăng

16 thg 11, 2019

Về xứ Vàm Tấn nhớ con cá cháy

Chạy xe gần 20 cây số từ trung tâm tỉnh lỵ về thị trấn Đại Ngãi (Long Phú), tìm đến cửa sông lớn ngay tại đầu vàm Đại Ngãi (Vàm Tấn xưa) trong cơn gió lộng rung nhánh bần rụng bông tím ngắt mặt sông mà lòng thấy mênh mang giữa bốn bề trời nước bao la để nhớ về một “quân cảng”, một trong những khu kinh tế sầm uất của tỉnh Sóc Trăng một thời và nhớ về nơi trú ngụ của một loài cá ngon nổi tiếng là “kỳ trân, thủy vật”, mà chỉ xứ này mới có nay đã không còn thấy - con cá cháy.

Theo Địa chí tỉnh Sóc Trăng, Vàm Tấn là tên gọi đầu tiên của làng Đại Ngãi xưa kia. Về nguồn gốc xuất hiện địa danh Vàm Tấn, có nhiều nguồn giải thích khá phức tạp. Theo truyền thuyết, vào khoảng trước những năm 1850, nơi đây được triều đình cho đặt một trạm quân cảng và trấn giữ về quân sự nhằm chống lại mọi sự xâm nhập của quân Xiêm cùng với đám hải tặc thường xuyên quậy phá, vừa làm nơi thu thuế của các tàu buôn nước ngoài đi vào địa phận. Thời đó, các tàu buôn từ các nước lân cận thường xuyên đến đây mua bán và trao đổi các sản vật của địa phương như bông vải, lúa gạo, cá khô, lông chim… và đều phải cập bến vào quân cảng để làm thủ tục khám xét, sau đó mới được phép đi sâu vào nội địa. Những tàu buôn nào có hành vi mờ ám, bị nghi ngờ là hải tặc đều bị xử phạt bằng hình thức tra tấn bằng roi. Từ việc thực hiện hình phạt này đã gây ra sự bất bình trong giới thương nhân nên họ gọi nơi đây là Vàm Tấn.

Địa điểm Chắc Tức – Bàu Còn

Chắc Tức – Bàu Còn, theo lời kể của các vị bô lão địa phương thì trước đây nơi này là một khu đầm lầy, bưng bàu hoang dã, có nhiều cỏ dại, lau, sậy và cây dừa nước mọc xen nhau, chưa có con người đến đây khai phá và sinh sống.

Sau khi phong trào Bình Tây của Trương Công Định bị thất thủ, nhiều người dân yêu nước không chịu khuất phục nên bỏ xứ ra đi và đến nơi đây cư trú nhằm lánh nạn, đồng thời tìm cách chống lại thực dân Pháp và bọn quan lại phong kiến, họ khai khẩn đất hoang để sinh sống. Và địa danh “Chắc Tức” xuất phát từ tên gọi của người Khmer địa phương có ý nghĩa là “nước đổ”, con rạch Chắc Tức bắt nguồn từ rừng tràm Mỹ Phước đổ ra rạch Bàu Còn, là một trong hàng trăm con rạch lớn, nhỏ do thực dân Pháp bắt nông dân đào và là những con rạch chính để điều hòa, cấp nước cho khu rừng tràm. Rạch Bàu Còn có chiều dài 9km bắt nguồn từ hướng Tây ngã tư chợ Khu trù mật Cái Trầu đổ ra hướng Đông sông Quản lộ đi Nhu Gia. Thực dân Pháp cho xây dựng tại vàm Chắc Tức – Bàu Còn một cứ điểm nhằm kiểm soát giao thông thủy, bộ và ngăn cắt liên lạc của quân cách mạng ở Tây Nam, đồng thời làm bàn đạp thực hiện âm mưu đánh chiếm vùng giải phóng giành lấy nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ để phục vụ lâu dài cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Sự kiện về Thương cảng Bãi Xàu xưa và chợ Mỹ Xuyên hôm nay

Đầu thế kỷ XVIII, một thương cảng được hình thành ở Bãi Xàu (thị trấn Mỹ Xuyên, thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay). Theo nhật ký của cố đạo Levasseur, vào năm 1768 thì thương cảng này mang tên Bassac, lập ở mé sông, nơi đất thấp, nhà lợp lá dừa nước. Ở đây bán nhiều gạo, trái cây, rau, gà, vịt, heo… Dân ở chợ đa số là người Hoa. Riêng lúa, gạo thương gia địa phương ít khi bán nội vùng lân cận mà chủ yếu chịu mối với các tàu buôn từ nước ngoài tới. Đặc biệt, tàu buôn của người Trung Hoa đậu san sát từ 100 đến 200 chiếc để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Chợ Mỹ Xuyên

Lúc bấy giờ, Bãi Xàu là một trung tâm thị tứ quan trọng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với hơn 6.000 dân cư, phần đông là người Hoa, người Kinh và một ít cư dân Khmer sinh sống. Sản phẩm chủ yếu ở đây là lúa, gạo. “Gạo Bãi Xàu” ngon nổi tiếng gần như suốt năm, nhất là các tháng 2 đến tháng 6, ngày nào cũng có nhiều ghe, tàu luôn vào cảng Bãi Xàu chở lúa gạo đi bán trong và ngoài nước. Hàng năm, ngoài việc bán lúa, gạo, nơi đây còn nhiều cá tươi sống, cá khô xuất bán ra ngoài tỉnh. Ngược lại, các ghe, tàu buôn đã chở vào Thương cảng Bãi Xàu nhiều những mặt hàng gia dụng cần thiết bán lại cho cư dân tỉnh Sóc Trăng như: các loại trái cây, thuốc lá, diêm quẹt, trà, đồ gốm, thuốc bắc, vải sợi, quần áo, tơ lụa… của Trung Quốc, Mã Lai, Campuchia, Nhật Bản…

Quốc Hương và bài hát “Du kích Long Phú”

Quốc Hương tên thật là Nguyễn Quốc Hương, sinh năm 1920 tại xã Kiến Thái, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi, ông vào miền Trung, sau đó vào Sài Gòn và ông làm nhiều việc để mưu sinh như: công nhân xe lửa, thủy thủ, bốc vác… 

NSND Quốc Hương

Năm 1944, Quốc Hương là một trong những người đầu tiên hát vang bài “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, Sài Gòn. Năm 1945, ông tham gia Ban Tuyên truyền Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiệm vụ là ca hát những bài ca yêu nước. Khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ tại miền Nam, ông gia nhập Vệ quốc quân, làm tiểu đội trưởng, ca hát và chiến đấu ở khắp các chiến trường Quân khu 7, Quân khu 8 và Quân khu 9. Thời gian này, ông còn tham gia giảng dạy lớp nhạc do Quân khu 9 mở.

14 thg 11, 2019

Thương con mắm trở

Thời kháng chiến chống Pháp, để tránh lùng sục của bọn giặc, Ban Mặt trận Liên Việt Sóc Trăng bí mật dời về khu căn cứ ở Búng Tàu – tiếp giáp xã Châu Hưng, Mỹ Tú (Sóc Trăng) với sông Ngã Bảy, Phụng Hiệp (Hậu Giang) ngày nay.

Đây là vùng đất hoang sơ, um tùm lau sậy với cảnh "chim trời cá nước" bao la. Dựng cơ quan xong, thấy đời sống anh em khó khăn, thiếu thốn đủ bề, anh Hai Khuynh, tức đồng chí Nguyễn Văn Khuynh - nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng TX. Sóc Trăng năm 1945 vận động anh em xin gia đình mua ngư cụ gởi về "cứ" để đánh bắt tôm cá, cải thiện đời sống, tạo kinh phí hoạt động cho cơ quan. "Lúc đó xứ này cá tôm nhiều vô kể. Mình chỉ cần buộc thòng lọng vào cổ tay, quăng mồi xuống lung đìa, gặp cá lóc bông cỡ vài ba ký táp mồi, giựt câu là mình muốn té chúi nhủi. Mình bủa chài, giăng lưới thì cũng ê hề tôm cá nhảy soi sói…". Nhờ vậy mà anh em tự túc đổi thêm gạo, muối, đường… Cá nhiều ăn không hết, cơ quan còn để dành làm mắm ăn lâu dài. 

"Con mắm trở" như món đặc sản trong thời kháng chiến. 

Địa danh cầu Bon

Ngày xưa, khi chính quyền thực dân Pháp tại tỉnh lỵ Sóc Trăng chưa cho đào kênh Maspéro thì trên địa bàn làng Khánh Hưng (nay là TP. Sóc Trăng) chỉ có con kênh duy nhất mang tên Delanoue (tên của chủ tỉnh lúc bấy giờ). Con kênh này là nơi thoát nước thải chủ yếu của các cống lộ thiên dọc theo đường Hàng Me (nay là đường Hai Bà Trưng) để đưa ra sông lớn. Tên gọi cầu Bon là người dân địa phương nói trại theo tiếng Pháp (Pont - cầu).

Sóc Trăng xưa (1966 - 1968). Ảnh: TeeMack

Từ những năm 1900, kênh Delanoue hay còn gọi là kênh cầu Bon là nơi tập trung khá đông ghe, tàu chở hàng hóa lưu thông qua lại đoạn sông này. Đây là cây cầu chủ yếu nối liền khu vực hành chính (Dinh tỉnh trưởng, tòa án…) với khu thương mại (chợ làng Khánh Hưng) và khu dân cư (phía bên kia kênh Maspéro sau này).

Sự kiện đắp đê sông, đê biển của tỉnh Sóc Trăng

Cách đây 27 năm, vào ngày 27-10-1992, một đợt triều cường lớn xảy ra ở tỉnh Sóc Trăng làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất và cuộc sống của nhân dân vùng ven biển của các huyện Long Phú - Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu. Sau lần thiên tai này, việc xây dựng hệ thống đê sông, đê biển ở Sóc Trăng đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hệ thống đê sông, đê biển của tỉnh Sóc Trăng được khởi công vào trung tuần tháng 6-1993, do Công ty Xây dựng thủy lợi đảm trách thi công. Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong thời gian từ 3 đến 5 năm, nhưng với tinh thần nỗ lực vượt bậc, “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng tập trung toàn lực hoàn thành công trình trong 10 tháng và tổ chức khánh thành vào ngày 28-4-1994, nhân kỷ niệm 19 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại buổi lễ khánh thành, đồng chí Lê Thanh Bình, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhiệt liệt biểu dương tinh thần tự nguyện đóng góp sức người, sức của của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh, đặc biệt là nhân dân 3 huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu để công trình sớm đưa vào sử dụng. 

Lễ Khánh thành hoàn thành hệ thống đê sông, đê biển tỉnh Sóc Trăng ngày 28-4-1994. Ảnh: Ngọc Nhuần 

Địa danh Xẻo Gừa và Mỹ Hương

Xẻo Gừa là tên gọi đầu tiên của vùng đất xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) ngày nay. 

Xẻo Gừa ngày nay

“Xẻo” có nghĩa là một đường nước ngắn, còn gọi là “lạch”; “Gừa” là cây gừa – một loại cây khá phổ biến ở vùng bãi bồi. Như vậy, Xẻo Gừa có thể hiểu là vùng đất có nhiều cây gừa mọc hai bên đường nước ngắn. Trong thực tế, xứ Mỹ Hương từ xưa đến nay có rất nhiều cây gừa, đặc biệt mọc thành rừng dọc theo con lạch ở mé sau chợ cũ, dưới chân cầu Xẻo Gừa hôm nay. Tên gọi Xẻo Gừa có khi gọi nhầm là “Xẻo Dừa” với ngụ ý xứ này cũng có nhiều dừa (cây dừa). Dù thực tế xứ này có nhiều dừa đi nữa, nhưng tên “Xẻo Gừa” là xuất phát từ cây gừa nói trên.

13 thg 11, 2019

Sân bay Sóc Trăng

Vào thời Pháp chiếm đóng, nơi đây là Trường đua ngựa. Trước năm 1950, tại đây có hãng bay tư nhân “Avions Taxis d`Indochina” (ATAVINA) hoạt động. Đến năm 1951, hãng hàng không AIR Việt Nam ra đời, hoạt động đến năm 1975… Khu “Sân bay Sóc Trăng” này (từ đường Trần Hưng Đạo, Phường 2, kéo dài gần tới ngã ba Trà Tim, Phường 10, TP. Sóc Trăng hiện nay), hiện là Trường Quân sự Quân khu 9.

Trường đua ngựa Sóc Trăng tồn tại đến năm 1945 – 1946. Sau Nhật đảo chính Pháp và phong trào tiêu thổ kháng chiến lắng xuống, Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương, thực hiện ý đồ xâm lược “thực dân kiểu cũ”. Chúng nhận thấy khu vực Trường đua ngựa này có vị trí chiến lược quân sự thuận lợi gần trung tâm hành chính tỉnh lỵ, để kiểm soát trên đường Quốc lộ 4, là đường liên tỉnh nối liền Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nên Pháp dẹp bỏ Trường đua ngựa và cho xây dựng thành Sân bay Sóc Trăng. 

Sân bay Sóc Trăng xưa. Ảnh: Flickr Tommy Truong/Internet 

Độc đáo nghề vẽ tranh trên kính ở Phú Tân

Nói đến vẽ tranh trên kính thì phải nhắc đến ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành), nơi đây đã nổi tiếng gần xa, là nơi ra đời của những bức tranh vẽ kể về câu chuyện cuộc đời của đức Phật Thích Ca, phong cảnh chùa hay địa danh nổi tiếng trên mặt kính thủy tinh trong suốt. Vùng đất này có nhiều làng nghề truyền thống được lưu truyền lâu năm. Tuy vẽ theo mẫu có sẵn nhưng những bức tranh trên kính là sản phẩm của sự cần cù, chăm chút từng nét vẽ, vẫn giữ nét độc đáo riêng, sắc thái văn hóa hội họa của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Tranh kính được nhiều gia đình mua về để thờ tự hoặc trang trí trong nhà. Vẽ tranh trên kính phải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành. Tranh được vẽ trên tấm thủy tinh trong suốt, kích thước bức tranh không giới hạn, màu sắc thì phong phú. Trước tiên, người thợ đặt tấm kính lên tờ giấy hình mẫu, lưu ý có những chi tiết phải vẽ ngược để khi bức tranh hoàn thành, thì lật lại mặt sau mới khớp với hình mẫu. Tiếp đó, người vẽ dùng cọ chấm sơn (nước sơn được pha loãng bằng xăng, dầu hỏa) vẽ đồ theo hình mẫu. Tuy nhiên, phải tinh mắt và nhanh tay vẽ mới có những nét thanh, mảnh, mịn, không bị động sơn. Khi hỏi một bức vẽ hoàn thành trong bao lâu, người thợ vẽ cho biết cũng mất mấy ngày vì một bức tranh qua nhiều công đoạn. Nên khi vẽ, họ vẽ một loạt tranh chứ không vẽ hoàn thành riêng từng bức. Trước là vẽ nét đồ theo tranh mẫu, sau tô màu. Nhưng khi vẽ nét màu nào, phải phơi cho khô thì mới vẽ màu khác lên được. Mất thời gian là như vậy. 

Bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành) chăm chút từng nét vẽ. 

Về Bố Thảo ăn dưa mắm đã thèm

Nếu đã đến chợ Bố Thảo, xã An Ninh (Châu Thành) thì nhất thiết phải đi một vòng tham quan, tham quan xong, ngó nghiêng một chút để mua ít món đồ ở chợ vùng quê về làm quà cho người thân, trong số đó thì không thể không mua món dưa mắm, một đặc sản của chợ Bố Thảo. Làm nên thương hiệu cho món ăn dân dã này chính là cơ sở dưa mắm Ngọc Ánh có địa chỉ ở ấp Châu Thành, xã An Ninh (Châu Thành).

Dưa mắm là món ăn dân dã, dễ ăn, lạ miệng. Thông thường nhất là dưa mắm được mua về trộn thêm ít thính và ớt xắt lát rồi mang ăn với cơm để thưởng thức cái giòn tan cộng thêm vị chua ngọt nguyên thủy rất vừa miệng. Tuy vậy, với dân sành ăn phải tìm mua dưa mắm đúng của cơ sở dưa mắm Ngọc Ánh thì mới đã thèm và cũng có vô vàn cách biến tấu cho ra nhiều hương vị, cách thưởng thức khác nhau từ món dưa mắm. Có thể ăn chung với canh cải xanh, cải ngọt, rau tập tàng hoặc dưa mắm xào tép thì càng ngon cho bữa cơm gia đình. Cũng có khi được ăn với cháo trắng, khoai mì, khoai lang nấu thì cũng tuyệt vời không kém. Dần dà, khách ăn thành quen và thành thương hiệu dưa mắm Bố Thảo. 

Cô Nguyễn Ngọc Ánh - chủ cơ sở dưa mắm Ngọc Ánh giới thiệu dưa mắm Bố Thảo. Ảnh: KGT 

Đậm đà hương vị bún nước lèo Sóc Trăng

Có cô bạn mỗi lần tôi lên Cần Thơ chơi cứ nằng nặc kêu tôi mua cho bằng được bún nước lèo Sóc Trăng đem lên. Tôi thắc mắc: “Ở Cần Thơ hông có bán sao?”. Cô bạn đáp gọn hơ: “Có, mà bún nước lèo Sóc Trăng làm người ăn rồi không quên được hương vị, có đi đâu cũng hông tìm thấy được. Phải là bún nước lèo chế biến tại Sóc Trăng mới ngon”.

Sóc Trăng được người sành ẩm thực ví là “kinh đô lâu đời” của bún nước lèo. Người ta gọi bún nước lèo Sóc Trăng là món ăn đoàn kết, bởi món ăn là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, thể hiện ở mỗi thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc. “Linh hồn” của nồi nước lèo là sự hòa quyện giữa mắm, ngải bún (một loại củ giống củ nghệ, màu hơi đậm hơn nghệ), sả. Theo đó, mắm thường dùng là những loại có sẵn tại địa phương như: mắm cá sặc, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc; ngải bún, sả để khử mùi tanh và tạo mùi thơm. Cho nên, dù là người kém ăn, sợ mùi tanh cách mấy cũng phải động đũa thưởng thức tô bún nước lèo nghi ngút khói với mùi hương đặc trưng riêng biệt. Ông Trần Công Phước - chủ quán bún nước lèo 36 thì có sự kết hợp 3 loại mắm: mắm bò hóc, mắm cá sặc và mắm nêm khi nấu nước lèo. 

Bún nước lèo có sự kết hợp nhiều nguyên liệu nên có thưởng thức nhiều lần cũng không thấy ngán. 

Về Sóc Trăng ăn bánh ngon

Sóc Trăng là vùng đất của những lễ hội dân gian truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng sinh sống qua nhiều thế kỷ. Sự dung hòa và giao thoa văn hóa của 3 dân tộc đã hình thành nên nét đặc trưng riêng của Sóc Trăng, trong đó có nhiều loại hình ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, đặc biệt có những món bánh đã trở thành thương hiệu của Sóc Trăng mà nếu đã một lần thưởng thức sẽ gây nhiều thương nhớ.

Đến Sóc Trăng mà chưa thưởng thức bánh cống thì quả là còn thiếu sót cho chuyến đi. Mà muốn ăn bánh cống đúng điệu phải ăn tại khu vực chợ thuộc xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) và phải ăn kèm các loại rau sẵn có của vùng, chấm với nước mắm chua ngọt được pha chế với bí quyết riêng thì mới cảm nhận hết cái tinh túy của bánh. Bánh cống có độ giòn - xốp vừa phải, mùi rất thơm, có màu vàng ươm bắt mắt. Để rồi nếm thử một miếng thì sẽ ăn đến quên no. 

Bánh cống có độ giòn - xốp vừa phải, mùi rất thơm, có màu vàng ươm bắt mắt. Ảnh: KGT